18/12/23

3.008. TRÒ CHƠI NGÔN NGỮ TRONG THƠ HUỲNH MINH TÂM

Mộc Nhân

Huỳnh Minh Tâm sinh năm 1964. Quê quán: Ái Nghĩa, Đại Lộc, Quảng Nam; nghề nghiệp: giáo viên trung học; hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Quảng Nam. Anh đã xuất bản: Miền quê - thơ (1995), Dòng sông và con đường - thơ (2006), Như cỏ dại như lá úa như cây xanh - thơ, in chung (2011), Địa đạo Phú An - thơ (2018).


***

          Chưa bao giờ thơ Việt đương đại đứng trước sự phức tạp, bộn bề như hiện nay. Sự phức tạp bề bộn đó được nhìn từ nhiều phía: tác giả, độc giả, nhà phê bình... Tất cả đều hiện diện, tồn tại, phổ biến, thách thức và tác động đến nhau.

          Có người nói: “Mỗi nhà thơ vừa là một ông vua, vừa là một người nổi loạn trong thế giới thơ của mình” - điều ấy tuy nói quá nhưng phản ảnh một thực tế trong lĩnh vực thơ ca, rằng rất ít người thừa nhận, tôn vinh sự sáng tạo của người khác; theo cách nói nôm na là: “Thơ mình/ vợ người”.

          “Nổi loạn” cũng không hẳn là xấu. Trong nghệ thuật, đó là một hiện tượng mang tính quy luật của sự phát triển, là hành động đột phá cần thiết để tạo một không gian mở hơn cho cái lạ, cái mới được hình thành rồi dần khẳng định. Nói cách khác đó là một bức xúc, một khát vọng được giải toả bằng những sáng tạo dù đôi khi có tính chất cực đoan.

Khái niệm đổi mới hoặc chơi thơ được nhìn dưới nhiều góc độ. Có người chọn cách nổi loạn qua hình thức “giễu nhại”, hoặc đổi mới “chặt khúc xuống dòng” hoặc đổi mới “tân hình thức”, về nội dung tư tưởng có “giải thiêng”... Tất cả tồn tại như dạng thức, trường phái, khuynh hướng và mọi thứ xảy ra hay tồn tại đều có lý do của nó. Tôi không có tham vọng hoặc đủ năng lực để bàn về các hiện tượng trên. Dẫu bất luận tên gọi mỗi hiện tượng là gì, tôi vẫn thích xem đó như “trò chơi”. Nói theo André Lwoff: “Sự thử nghiệm và tìm tòi đã là một trò chơi. Và đã chơi thì chuyện thắng hay thua không thành vấn đề, chí ít là trên bình diện lý thuyết. Họ vẫn thích sự thắng thế, ghi nhận và sâu xa trong tâm khảm họ đều có hoài bão được nhìn nhận”.

Tôi muốn nhìn điều này qua một số bài thơ của Huỳnh Minh Tâm – nó như một thứ “trò chơi ngôn ngữ” mà anh đam mê và dấn thân.

***

            Với ba tập thơ in riêng: Miền quê (thơ, Nxb Đà Nẵng, 1995), Dòng sông và con đường (thơ, Hội Văn học Nghệ thuật Quảng Nam, 2006), Địa đại Phú An (thơ, Nxb Đà Nẵng, 2018) và một tập in chung Như cỏ dại như lá úa như cây xanh – (thơ, in chung, Nxb Văn học, 2011) cùng với hàng trăm bài thơ đăng rải rác khắp các báo và tạp chí, hàng ngàn bài còn nằm trong bản thảo, máy tính, trên mạng xã hội… Huỳnh Minh Tâm được xem là người viết thơ nhiều nội lực nhất xứ Quảng - theo quan sát và ghi nhận của hầu hết bạn văn.

Anh có bước đi vững chắc của mình trong suốt hành trình sáng tác kể từ khi đặt cột mốc đầu tiên bằng giải thơ “Tác phẩm tuổi xanh” của Báo Tiền Phong (1990), giải thưởng “Văn học dành cho những tác giả trẻ” của Đoàn Thanh niên Quảng Nam - Đà Nẵng (1991), giải thơ của Tạp chí Văn nghệ Bình Định (2019), nhiều giải thơ của Quảng Nam và các giải thi thơ khác…

Thơ Huỳnh Minh Tâm phát triển trên một nhịp điệu tha thiết từ tình yêu, quê nhà, thiên nhiên với nhiều góc nhìn đã dạng. Thơ anh có nhịp riêng, khó lẫn với bất cứ ai, nhiều sáng tạo ngôn ngữ và chúng ta nhận ra anh không muốn dừng lại hay mệt mỏi trên cuộc chơi thơ của mình.

Sự đổi mới sáng tạo thi ca của Huỳnh Minh Tâm không quá “nổi loạn” cực đoan như chúng ta thường gặp trên các diễn đàn mà anh có hướng cách tân của riêng mình.

Đa số bạn đọc thơ Huỳnh Minh Tâm thường có nhận xét “khó hiểu”, đó cũng là cái nhìn chung khi bạn đọc tiếp cận với khuynh hướng Hậu hiện đại chứ không riêng gì thơ Minh Tâm. Chẳng hạn với Bài thơ cuộc sống (tác phẩm dự thi "Thơ ca Nguồn cội, 2012") - một trích đoạn: “Tôi nhớ điều này và ghi lại:/ Quảng Đông Lữ Khâm tiên thắng Bắc Kinh Tưởng Xuyên/ Ngày 25 tháng năm 2010 tại Hợp Phì/ Bình chú Đặc cấp Đại sư Triệu Hâm Hâm/ Tạp chí Tượng kỳ nghiên cứu số 3 năm 2010/ Trung pháo trực hoành xe đối bình phong mã lưỡng đầu xà…” (Đoạn thơ mô tả một ván cờ tướng ở Giải cờ thuộc Đại hội Thể dục Thể thao Trung Quốc lần thứ 4 năm 2010). Trích tiếp: “1.P2-5 M8.7  2. M2.3 X9-8  3. X1-2 B7.1  4.X2.6 M2.3  5. M8.7 B3.1  6. X9.1   S4.5/ Đen lên sĩ là cách chơi ít gặp, bỏ đi cách chơi hay gặp nhất là P2.1 và cách chơi lưu hành gần đây là T3.5, hẳn là bên đen tâm đắc đối với trận này nhằm  đạt được hiệu quả gây bất ngờ từ đó giành thắng lợi/ 7.X9-6 M7.6/ Lên mã tương đối tích cực, ngoài ra còn cách chơi T3.5/ 8.B5.1 B7.1  9.X2-4 M6.7  10. M3.5 M7.5…” (Hết trích/ bài thơ còn rất dài).

          Thật khó hình dung một thể nghiệm thơ lạ lẫm - tác giả thuật lại những nước cờ trong một ván cờ và tạo phương thức "liên văn bản" trong một bài thơ bằng tích hợp các đoạn văn xuôi dường như chỉ có giá trị “thông tin báo chí” nhưng tạo nên ấn tượng về sự đồng hiện của rất nhiều mảng hiện thực, nhiều âm vang từ cuộc sống. Dường như Huỳnh Minh Tâm muốn diễn giải cuộc sống như những ván cờ, những nước cờ, những phân mảnh lập thể có vòng nguyệt quế, dòng sông quê, người thân, giấc mơ hoa hồng, cuộc sống và sự chết… (Tôi không dẫn toàn bài thơ bởi nó có thể làm bạn nhức đầu và sân si).

          Với thơ hậu hiện đại, việc diễn giải làm rõ ý nghĩa ngôn ngữ thơ nhiều khi là việc khó đối với người đọc bởi nó làm mờ nhiễu bản thể nghệ thuật. Việc diễn giải đặt trọng tâm ở nội dung mà xem nhẹ hình thức trong khi sáng tạo hậu hiện đại, hình thức cần được xem là xuất phát điểm, đồng thời là đích đến. Huỳnh Minh Tâm muốn độc giả của mình tạm thời gạt đi mối bận tâm về ý nghĩa của văn bản mà chăm chú vào bề mặt văn bản để khám phá những cảm giác bất ngờ, bất thường từ trò chơi ngôn từ tinh quái của tác giả.

***

          Nói đến trò chơi là nói đến tương tác. Không có tương tác sẽ không hình thành nên tiếng nói đồng cảm hay khác biệt. Sự đổi mới như vậy có thể mang đến cảm giác khó chịu, khó chấp nhận từ phía người đọc nhưng lại là cảm hứng, tìm tòi từ tác giả. Vậy mới có hiện tượng một bài thơ, nhiều người cảm hiểu theo cách của mình thậm chí "chẳng hiểu gì cả" – như chúng ta hay phàn nàn về thơ hiện đại; hoặc khen hay/ lạ nhưng không hiểu nó hay/ lạ chỗ nào. Tôi nghĩ viết những bài thơ như thế đã là thể nghiệm nhọc nhằn; độc giả đọc những bài thơ như thế chắc chắn sẽ nhọc trí; nhưng tác giả lại gởi những bài như thế đi dự thi trong những cuộc thi thơ lớn và tin rằng nó được ghi nhận – tức có giải – thì quả là anh có niềm tin vào thơ mình.

          Thủ pháp “liên văn bản” cũng được Huỳnh Minh Tâm vận dụng linh hoạt trong cuộc chơi của mình. Khái niệm “liên văn bản” mang nội hàm mọi văn bản đều có liên hệ đến các văn bản khác, và không có văn bản nào có thể đứng độc lập, đóng khung trong chính nó. Nói một cách hình tượng thì văn bản là một “tấm vải” được đan kết bằng vô số những trích dẫn và tổng hợp từ nhiều nguồn, nhiều thành tố văn hóa, chính trị, xã hội khác nhau. Hãy thử đọc vài đoạn trong bài thơ Trời xanh trước gió của anh:

          "Quăng quật chúng ta giữa hải cảng/ Trườn bò trên thân thể vào mùa thu/ Đắp một chiếc chăn mỏng/ Những ngọn gió/ Không biết từ đâu sinh/ Về đâu không ồn ào/ Không im lặng/ Lão Tử ớn lạnh/ “Đạo khả đạo phi thường đạo”/ Khổng Tử run rẩy “Bất tri mệnh vô dĩ vi quân tử”/ Hoa mỉm cười/ Gió đến/ Đi/ Bất tuyệt/ Trời xanh” (Hết trích). Đằng sau những dụng công ngôn ngữ “liên văn bản” ấy có thể là một thông điệp: tạo vật cứ đến rồi đi bất tuyệt, có thể tri cảm nhưng không thể diễn ngôn bởi nó thuộc phi thường đạo... – là tôi nghĩ vậy, tác giả có thông điệp ấy hay không tôi không biết.

          Cũng có khi Huỳnh Minh Tâm muốn phát huy hiệu quả của những yếu tố âm thanh, nhịp điệu, kết cấu lạ hóa của văn bản để tạo nên những cách tiếp nhận mới. Hãy đọc bài thơ Cơn mưa đi qua vòm trời (Tạp chí Sông Hương số tháng 7/ 2013). Bài thơ có 4 “khúc”, mỗi “khúc” gồm nhiều khổ, số khổ trong mỗi “khúc” không đều nhau, số câu trong mỗi khổ cũng không giống nhau, đặc biệt “Khúc III” chỉ có một câu thơ, một chữ và “Khúc IV” chỉ một câu:

Khúc I: “hãy nén chặt thân mình như một chiếc lò xo”/ nén thật chặt nén thật chặt/ tôi sờ từng bộ phận. Thân thể tôi đây sao?/ giữa đêm đông cô độc hiu quạnh/ thi thoảng một cơn mưa lại đi qua/ vòm trời

Khúc II: một buổi sáng tháng giêng/ hoa trong vườn thơm mùi rau ngò mẹ tôi trồng năm trước/ tôi mỉm cười và bảo/ nén thật chặt nén thật chặt/ những cơn mưa đã đi đâu/ tôi nhớ con đường ngan ngát mùi ổi chín mẹ tôi trồng năm trước

KHÚC III: bình

KHÚC IV: “tôi điên còn cô/ vui vẻ/ tỉnh táo/ thập thành/ sao đành/ buồn thiu”

            Nhà thơ phơi bày trước mắt chúng ta một bức tranh ngôn ngữ lập thể với các màu sắc, đường nét, hình khối, mùi vị trải theo thời gian và không gian và rồi tất cả được nén chặt trong khúc thơ gồm một câu, một từ "bình" (Khúc III); để rồi lại bung ra thành vấn khúc (Khúc IV) phỏng thơ Bùi Giáng. Huỳnh Minh Tâm đã phá vỡ chiều tuyến tính của cấu trúc ngôn ngữ để tạo ra ấn tượng lập thể của ngôn từ trong cuộc chơi ráo riết truy tìm những khả năng nghệ thuật của chất liệu ngôn từ, thoát khỏi những quy chiếu, những kết cấu cổ điển. Tất cả đều được anh đặt hết niềm tin vào một cuộc phiêu lưu với tinh thần phá chấp, dấn thân, thể nghiệm, thử thách.

          Đành rằng cái mới chưa hẳn là cái hay trong sáng tạo nghệ thuật nhưng nó có tác dụng như cú hích có khả năng thay đổi cách cảm nhận của người đọc, từ đó hình thành những ý niệm mỹ học mới.

          Trò chơi ngôn ngữ trong sáng tạo văn chương nhìn từ thơ Huỳnh Minh Tâm cùng với những dịch chuyển của nó dường như ngày càng đa dạng, dù đề tài mà anh viết không mới: quê ngoại, cánh chim, làng xóm, tình yêu, phù du kiếp người, khát vọng... nhưng lại luôn thể hiện tìm tòi cách thể nghiệm từ âm hình, nhịp điệu, ngôn ngữ thi ca:

          “Mẹ không còn chèo đò viễn vọng/ Mẹ thức nắng trưa/ Mẹ ngủ bờ lau/ Mẹ cúi thấp hơn những điều con đã nghĩ về mẹ/ Con đã từng rần rật những ngày trẩy hội/ Đã đứng cao hơn những bờ bụi quê nhà/ Con đã ngã những ngày đông mưa phùn tầm tã/ Đã nợ con đò một tiếng gọi yêu thương” (Hoa nở mùa lưu thủy).

      Hoặc bài thơ Văn hóa mà tôi dẫn giải khá dài dòng sau đây: “Văn hóa có thời thịnh thời mạt/ Thời thịnh kẻ sĩ đi cúi đầu/ Áo mẹ sờn vai/ Buồn mà khóc/ Đôi mắt cha mờ cốc rượu/ Buồn mà khóc/ Vợ thơm tóc thắm/ Vui mà khóc/ Thời mạt kẻ sĩ đi ngẩng đầu/ Áo phong phanh mắt hếch/ Chạm cốc rượu nhớn nhác/ Lên voi xuống chó hể hả/ Vợ đẹp con ngoan lo toan/ Bạn đó không tri kỷ/ Tình đó chẳng chiếu chăn/ Chữ tràn vành môi không thấu/ Trăng rung vạt cỏ không hay/ Muốn nói mà không nói/ Chim về vàng đầu cây” (Hết trích).

Cái văn hóa mà Huỳnh Minh Tâm nói đến trong bài không gì khác hơn là văn hóa ứng xử của kẻ sĩ trong bối cảnh thời đại. Qui luật vận động của văn hóa “có thời thịnh thời mạt” - điều ấy là hiển nhiên bởi sự vật hiện tượng trong thế giới khách quan không phải là bất biến: thịnh - suy, hiện - biến, hưng - vong là lẽ thường. Và điều quan trọng là tính cách, ứng xử của con người đã thể hiện trong mạch vận động đó. Thời hưng thịnh ắt sinh trung thần quân tử, thời vong mạt có lắm nịnh thần tiểu nhân. Đôi khi "Thời thịnh/ kẻ sĩ đi cúi đầu" - cái cúi đầu u uẩn, hướng nội, buồn nhiều hơn vui: "Áo mẹ sờn vai/ Buồn mà khóc/ Đôi mắt cha mờ cốc rượu/ Buồn mà khóc/ Vợ thơm tóc thắm/ Vui mà khóc". Trong cái "cúi đầu" đó, có lẽ Huỳnh Minh Tâm còn trăn trở về cái thực danh mà kẻ sĩ mang trên mình. Kẻ sĩ thời mạt cho dù "đi ngẩng đầu" vẫn lộ rõ bản chất của kẻ ngông nghênh, hãnh tiến, ích kỉ, giả dối, vụ lợi: "Áo phong phanh mắt hếch/ Chạm cốc rượu nhớn nhác/ Lên voi xuống chó hể hả/ Vợ đẹp con ngoan lo toan/ Bạn đó không tri kỷ/ Tình đó chẳng chiếu chăn/ Chữ tràn vành môi không thấu/ Trăng rung vạt cỏ không hay".

          Trong cái khoảng lặng của các thời văn hóa "Thời/ mạt”, Huỳnh Minh Tâm để cho người đọc tự chiêm nghiệm về nền tảng văn hóa của con người và xã hội dường như đang khủng hoảng, đảo lộn các giá trị. Và trong khoảng lặng đó, có lẽ chút thiên lương còn lại giúp cho kẻ sĩ thực sự ngộ ra cái chân tâm của văn hóa "thời mạt".

***

          Đọc thơ Huỳnh Minh Tâm, dù người đọc chưa chấp nhận “mỹ học của cái khác” vì nhiều khi nó khó hiểu dưới tầng ẩn ngữ nhưng: “Tính táo bạo, quyết liệt, hào sảng pha chút phách lối trong cách sử dụng ngôn từ thể hiện rằng anh là ông chủ đầy uy lực, dư sức điều khiển sai khiến đám “từ ngữ chó đói” (chữ của Huỳnh Minh Tâm) một cách tài tình và tài hoa... Tứ trong thơ anh là thân mềm như dây leo bò quanh, đang khi đó từ ngữ như lá quá xanh tốt rập rạp, um tùm, che lấp mất tứ, làm cho tứ trở nên khó nhận ra" (Dẫn theo Nguyễn Vân Thiên). Minh Tâm tự nói về ngôn ngữ thơ của mình "từ ngữ chạy rông như chó đói" để ám dụ về tinh thần tự do, phóng khoáng, khát khao, chấp nhận phiêu lưu và hoài nghi.

***

          Tác phẩm ra đời tất nhiên cần có công chúng. Tác phẩm âm nhạc hướng tới người nghe, tác phẩm hội họa hướng tới người xem, tác phẩm văn chương cần người đọc bằng tâm hồn đồng điệu. Tôi viết những điều này từ một góc nhìn về thơ Huỳnh Minh Tâm để chia sẻ với bạn đọc về thơ khó – không chỉ của riêng ai. Nhà thơ không dùng ngôn ngữ để nhắn nhủ, giải thích, mà dùng ngôn ngữ để truyền cảm – nói theo Paul Valéry: Thi nhân khơi gợi trong ta một trạng thái”. Điều cốt yếu ở thơ anh vẫn là vẻ đẹp của ngôn ngữ, hình tượng, cấu trúc được thể hiện trong những nỗ lực đổi mới trên cái nền xúc cảm về tự nhiên, con người, quê hương, gia đình tiếp nối trong hành trình thời gian và không gian. Tôi muốn chia sẻ thêm về bài thơ Tháng Hai của Huỳnh Minh Tâm:

“Chúng ta đi qua quá nhiều làng mạc/ Những hàng dừa xanh uống nắng tháng Hai/ Nhưng sao chốc chốc lại nghe tiếng bò rống/ Tiếng cồng chiêng đổ xuống lưng đèo/ Nỗi háo hức xen lẫn âu lo/ Thế giới bất định hay tồn tại một thế giới khác/ Đây ngôi nhà thâm thấp nằm dưới vòm tre/ Những chậu hải đường nằm san sát nhau như bạn tình/ Những chiếc lá hải đường xanh biêng biếc và dịu dàng/ Những cánh hoa hải đường đỏ thẫm đung đưa trong nắng/ Tiếng nói chúng ta dồn ứ lại trong chậu đất/ Nỗi đau cất lên thỏ thẻ chẳng nguyên do/ Trong tĩnh lặng mỗi ngày hải đường lung linh/ Tiếng bò rống đôi khi như thác đôi khi xa thăm thẳm/ Tiếng cồng chiêng cũng lặn vào hơi thở ngọn hải đường/ Chúng ta biến mất trong ngôi nhà yêu dấu/ Những người hàng xóm ghé nhà nhưng chẳng thấy ai/ Họ hôn đắm đuối những cánh hoa hải đường rồi từ biệt/ Xuống một con dốc họ ngỡ ngàng đàn bò sống lại/Nhưng gió cứ đẩy chúng xuống hồ nước đầy rác trong/ khi chúng đang nô đùa” (Tháng Hai – bài đã đăng trên Tạp chí Văn nghệ Bình Định số Xuân Tân Sửu - 2021). Bài thơ là một nỗi phức cảm háo hức xen lẫn âu lo. Không gian trong bài thơ là không gian đời sống với làng mạc, dốc đèo cùng những ngôi nhà, cây cối, con người, sinh hoạt… vốn dĩ như nó đã là. Trong cái không gian rộng mênh mang ấy, tác giả vẽ ra những mảng đối lập, những trạng thái dồn ứ quyện vào nhau, hóa thân vào nhau khiến đôi khi chúng ta có cảm giác hoài nghi “Thế giới bất định hay tồn tại một thế giới khác”. Dường như có sự xung đột văn hóa nơi này khi tiếng rống trước cái chết của con bò lại là niềm hoan hỉ trong một hành trình văn hóa. Chúng hiện hữu rồi lại lẩn khuất vào nhau. Có khi biết mất. Có khi đi qua nhau mà chẳng hay biết. Có khi chết đấy nhưng lại tái sinh như một trò chơi. Cái ác ẩn nấp dưới những màu sắc lễ hội. Điều thú vị là những hình tượng thơ đối lập, manh mún như những mảng đời sống lại được liên kết chặt chẽ với nhau trong một hành trình khá bền vững, với cái nhìn mới để bạn nhận ra các ý nghĩa của nó.

Nụ hôn từ biệt của con người lên những đóa hoa Hải đường làm tôi liên hệ đến ý thơ của Louise Glück trong bài Golden Lily: “Mùa hè này chúng ta đi vào vĩnh cửu/ Tôi đã cảm thấy đôi tay bạn chôn tôi để giải thoát sự hào nhoáng” (Mộc Nhân dịch). Trong mỗi vẻ đẹp đều có sự lãng quên hay tàn phai. Và phải chăng Tháng Hai – một dấu mốc thời gian giúp con người hiểu thêm về những hành vi của mình: “Nhìn lại phía sau - có kinh nghiệm; nhìn về phía trước - thấy hành trình; nhìn ra xung quanh – thấy được thực tại và nhìn vào bên trong - tìm thấy chính mình.

***

Những năm gần đây, Huỳnh Minh Tâm dẫu vẫn tiếp tục tìm tòi trăn trở với cái mới nhưng con chữ của anh đã mềm mại và gần gũi hơn. Đôi khi anh tâm sự: đã đuối, cả tháng chưa viết gì. Tôi biết đó chỉ là trạng thái chứ không phải là chỉ dấu cho một dòng cạn – bởi ngồi nói chuyện với nhau, Tâm hãy còn tranh cãi, phê phán, bày biện cái sự quan sát “thời sự thơ” trên các diễn đàn thật thấu đáo và sinh động.

Chặng đường dấn thân trong cuộc chơi ngôn ngữ trong thơ Huỳnh Minh Tâm dù chưa hẳn đã tìm được sự đồng điệu nhưng việc định giá dựa trên thị hiếu, thói quen của người đọc không phải là chuẩn đánh giá tác phẩm. Bản lĩnh của người sáng tạo là không chạy theo công chúng, không “chiều độc giả” mà trở nên sáo mòn. Sự tìm tòi sáng tạo văn học đã luôn giằng co thử thách và độc giả cũng vậy, họ có thể từ chối những gì không thuộc thẩm mỹ của mình nhưng không vì vậy mà sự vận động của tác giả bị chững lại.

Không nên quên rằng trong lĩnh vực đặc thù như văn chương, ngôn ngữ xuất phát từ đời sống, nhưng nó đã được mã hóa thành ngôn ngữ nghệ thuật mang đậm dấu ấn cá tính sáng tạo của người viết. Đời sống thi ca nhìn sẽ khác biệt qua lăng kính mỗi cá nhân. Vậy nên tác giả/ độc giả thực thụ cũng cần nâng mình lên để sáng tạo/ tiếp cận những giá trị mỹ học mới của thời đại.

Tôi muốn kết thúc tiểu luận này bằng câu trích từ nghệ sĩ Phục hưng người Ý, Michelangelo: “Mối nguy lớn nhất đối với hầu hết chúng ta không phải là mục tiêu quá cao và chúng ta bỏ lỡ nó, mà là mục tiêu quá thấp và chúng ta vươn tới nó” (The greatest danger for most of us is not that our aim is too high and we miss it, but that it is too low and we reach it).

***

(Bài đã xuất bản trong tập tiểu luận "Dưới những lớp ngôn từ", Mộc Nhân, Nhà xuất bản Đà Nẵng, 2023).


Không có nhận xét nào: