Mộc Nhân
Chuột là loài vật có hại nhiều hơn là có ích lợi đối với con người. Thế nhưng nó lại là loài sống gần gũi, hiện diện khắp mọi nơi: ngoài đồng chuột cắn phá lúa và hoa màu; trong nhà chuột chui rúc bếp, ẩn nấp mọi nơi để gặm nhấm thức ăn và cắn phá đồ đạt…
Chuột làm ổ mọi nơi: trên cây chuột làm tổ, dưới đất chuột đào hang, trong nhà chuột chui vào tủ áo quần làm nơi trú ẩn, ngoài đường phố chuột làm nhà nơi hốc tường, bãi rác, thậm chí chui vào các góc kín xó xỉnh của xe cộ… đâu đâu cũng có thể là nơi trú ngụ sinh sản của chúng.
Thức ăn của chuột cũng đa dạng: động thực vật nấu chín hoặc còn tươi sống, xác chết, những thứ thực phẩm, phế phẩm vứt bỏ… thậm chí chúng còn cắn phá tranh ăn với các con vật nuôi khác như gà vịt…
Không ai biết được loài chuột xuất hiện trên hành tinh này từ bao giờ. Chúng sinh sôi nảy nở nhanh đến mức nhiều lúc con người không kiểm soát được. Trong lịch sử nhân loại, con người không ít lần phải khốn đốn với loài chuột: chuột tàn phá mùa màng gây ra nạn đói; chuột gặm phá hàng hóa khiến thương nhân bị thua lỗ; chuột gây bệnh dịch hạch gieo cái chết cho người…
Con người tìm đủ mọi cách để diệt chuột nhưng không bao giờ diệt được. Cách diệt cơ học là các loại bẫy lồng bẫy kẹp, cách diệt hóa học là pha chế các loại thuốc diệt chuột, cách diệt sinh học là làm cho chuột cái không thể đẻ… thế nhưng cuộc chiến ấy dường như là không cân sức: chuột luôn tồn tại – luôn sinh sôi – chỉ cần con người lơ là một chút là chuột xâm lấn người.
Chính vì vậy, dưới cái nhìn dân gian, con chuột bị gắn nhãn “xấu” hơn là tốt. Tả thực hay ẩn dụ tượng trưng, chuột đều xấu: Chuột gặm chân mèo/ Chuột leo chĩnh gạo/ Chuột chạy cùng sào/ Chuột vào hũ nếp/ Mặt như chuột kẹp/ Hôi như chuột chù… (tục ngữ, thành ngữ).
Con người ghét chuột, thù chuột, tìm cách diệt chuột song cũng sợ chuột: sợ chuột phá hại, sợ chuột trả thù. Trong nền văn hóa nông nghiệp lúa nước thì đó là một tâm lí dân gian “kiêng sợ” xuất phát từ nỗi ám ảnh về sự phá hoại của loài chuột cũng như khả năng dự báo thiên tai của chúng khiến người ta sợ chuột. Ở đâu có lúa, ở đó có chuột; ở đâu có người, ở đó có chuột… Vậy nên mới có hiện tượng “kiêng” - tránh gọi đích danh “chuột” mà gọi là “ông tý”, “lão thử” (kiểu như kiêng gọi tên con hổ mà gọi là ông ba mươi). Tâm lí kiêng sợ dẫn đến nhiều nơi thờ chuột, tạc tượng chuột, thần thánh hóa con chuột… Người theo đạo Hindu xem con chuột là con vật được hầu các vị thần, người Tàu có nhiều truyền thuyết về chuột tinh, người Do Thái “nghiêm cấm ăn thịt chuột” (theo kinh Cựu Ước), nhiều dân tộc coi chuột là một trong những loài vật tổ linh thiêng (totem)…
Vậy là chuột đi vào các giá trị văn hóa thành một biểu tượng, hình tượng, tín ngưỡng, ứng xử, ẩn dụ…
Trong 12 con giáp, chuột đứng ở vị trí đầu tiên với tên gọi “Tý”. Trong thành ngữ tục ngữ, chuột tượng trưng cho ý nghĩa tiêu cực: Cháy nhà ra mặt chuột, Đầu voi đuôi chuột, Chuột chạy cùng sào, Ném chuột sợ vỡ bình, Mèo già thua gan chuột, Len lén như chuột ngày… Ngoài xã hội chuột tượng trưng cho thành phần cơ hội đục khoét…
Tuy nhiên về mặt tử vi, phong thủy, chuột lại được sự ưu ái với ý nghĩa tượng trưng cho sự thông minh, nhanh nhẹn và phồn thực… Quan niệm dân gian cho rằng đêm giao thừa mà nghe tiếng chuột thì đó đó là dấu hiệu của một năm mới sung túc, mùa màng bội thu, gia đình thêm con thêm cháu…
Có thể nói mối quan hệ giữa chuột và người là khá phức tạp và đa đoan: người ghét chuột nhưng lại kiêng sợ chuột; người ghê tởm chuột nhưng lại ăn thịt chuột; người tìm cách diệt chuột nhưng lại thờ chuột; người biết chuột xấu xa nhưng lại gắn cho chuột những tín điều tốt đẹp… Vài giống chuột được tiến hóa thành thú cưng. Thậm chí hình tượng chuột được xây dựng theo kiểu đổi ngôi trong quan hệ với mèo như chú chuột Jerry trong loạt phim hoạt hình Mỹ “Tom and Jerry” là chú chuột thông minh, vui nhộn khiến chú mèo Tom nhiều phen khốn đốn hụt hẫng… Và loài chuột cuối cùng cũng có những giá trị nhất định trong khoa học, văn học, nghệ thuật, tín ngưỡng…
Dù muốn dù không, loài chuột vẫn cứ hiện diện cùng với loài người; chúng có bản năng thích nghi cao như con người; chúng vừa là loài có hại vừa có ích; đời sống của chúng vừa bi kịch vừa hài kịch vừa chính kịch; chúng khổ sở bất hạnh mà cũng rất tự do cùng niềm hạnh phúc của giống loài mình.
Vậy nên đời chuột có cả trăm lí do để khóc nhưng cũng có trăm lí do để mỉm cười. Và người viết bài này cũng có lí do để “bonus” một bài thơ nhân năm Chuột:
Bài thơ anh viết đầu năm
Con chuột rúc rích đang nằm trong rương
Con heo mãn nhiệm lên đường
Chuột bầy tới quận lên hương căng phồng
Xin chào chuột chũi thong dong
Mùi thơm ngan ngát từ trong ra ngoài
Xin chào chuột nhắt loai choai
Lăng xăng như thể nhân loài là đây
Xin chào chuột cống cả bầy
Đầu xuân dạo dưới vòm cây trong vườn
Cỏ hoa ngan ngát mùi hương
Để cho chuột túi còn vương vấn tình
Trên bàn chuột trỏ màn hình
Bỗng dưng chuột rút thân hình rỉ rên
Gồng tay con chuột trồi lên
Hình như ta đã vừa quên heo vàng.
---------
Bài liên quan: Muôn kiểu chuột
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét