18/3/24

3.094. CÚNG TÁ THỔ

  Mộc Nhân

Người Việt Nam ta quá quen thuộc với cụm từ "cúng đất". Cụm từ này chẳng có gì khó hiểu - nôm na là soạn một mâm lễ để cúng chỗ đất đai. "Cúng đất" được thực hiện quanh năm, bất kể mùa nào, nhân bất cứ dịp nào đó như: khai mở, tạ ơn, vui mừng, lễ hội, kỷ niệm, sinh-tử, đầu năm, cuối năm... Mỗi đám cúng đất như vậy đều gắn với ý thức tâm linh khác nhau.

Minh họa: Lễ cúng bạt độ, cầu siêu cho âm nhân
để được phước cho mình và gia đình

        Tuy nhiên, việc "cúng đất" mang ý nghĩa phong tục cộng đồng tập trung và phổ biến vào tháng Hai âm lịch thì nhiều hơn các dịp khác.

Dân gian quan niệm sau một thời gian dài vui xuân "Tháng Giêng là tháng ăn chơi", thì bước qua tháng Hai là bắt tay vô lao động sản xuất. Đây là tháng "trọng xuân" - tháng giữa xuân. Trong bài thơ “Túc Tạc Thạch Phố” của Đỗ Phủ có câu "Trọng xuân giang sơn lệ/ Phiêu phong quá vô thì" nghĩa là: Giữa mùa xuân cảnh núi sông đẹp/ Gió lúc nào cũng thổi không ngưng nghỉ.

Dân gian khởi động cho năm mới bằng việc "cúng đất" hàng năm để tạ ơn đất đai khi bước vào năm làm ăn mới.

***

Tất nhiên nơi nào trên đất Việt cũng có "cúng đất" cả nhưng cư dân Việt ở vùng đất từ phía nam Đèo Ngang (Quảng Bình) trở vào thường có lễ cúng đất phổ biến hơn, thành tục lệ - tên chữ gọi là “cúng tá thổ”.

“Tá" nghĩa là vay mượn, "thổ" là đất; “tá thổ” là vay mượn đất đai – hiểu là người đang sống trên khu đất hiện nay đã mượn (nương tựa, sinh hoạt) trên đất của người có công khai khẩn từ trước hoặc người tiền trú, dân bản địa… vì nhiều lý do họ đã rời đi (chết, bán lại qua nhiều đời, bị xâm chiếm, xua đuổi…).

Khi người Việt vượt Hoành Sơn (Đèo Ngang) tiến vào phía Nam thì đất này vốn đã có chủ. Họ đến đây vì nhiều lý do: có đoàn đi theo Chúa Tiên Nguyễn Hoàng vào tìm đất mới, cũng có tội đồ trốn tránh sự truy tìm của triều đình, binh lính không còn sức chiến đấu, di dân tự phát... gọi chung là người đàng ngoài đến khai phá đất hoang, mở làng lập ấp…

Nhưng dù là đất hoang vu đầy sơn lam chướng khí hay đất của chủ cũ thì việc người đến sau định cư tại nơi này nhớ đến người trước, biết ơn đất đai đã cho họ một cuộc sống mới an bình no đủ cũng là một nét văn hóa đáng lưu giữ - nó thuộc về văn hóa phong tục chứ không phải mê tín dị đoan như có một thời chúng ta nhầm lẫn và muốn xóa bỏ.

Lễ cúng đất (tá thổ) là một phong tục đẹp, thể hiện lòng thành kính, hàm ơn của người đến sau với tiền nhân khai khẩn hoặc chủ cũ đã tạo dựng dù họ đã mất đi để mình thừa hưởng. Cúng tá thổ, vì thế phản ánh mối quan hệ giữa tự nhiên với con người, giữa hiện tại với quá khứ. Ngoài ra, lễ cúng này còn mang dấu ấn tâm linh bởi người Việt - vốn trọng “người khuất mặt” bao gồm thần thánh, tổ tiên, âm binh, cô hồn lẩn khuất nơi chúng ta đang sinh sống.

Vậy nên lễ cúng đất không chỉ tổ chức trong phạm vi gia đình mà còn trong cả cộng đồng. Cộng đồng nhỏ thì tổ chức cúng xóm, cúng đường, cúng phố - nơi mình đang ở - người ta chọn một ngày tốt bất kỳ trong tháng Hai âm lịch; ở cộng đồng lớn xóm hơn thì cúng đình, cúng làng; cộng đồng lớn hơn tí nữa thì cúng cầu an cấp huyện hoặc kết hợp với các lễ hội được chính quyền công nhận (ngày tháng được quy định)…

Mâm lễ cúng và bài văn cúng thì cũng tùy nơi tổ chức chứ không nhất thiết đúng bài bản như một số trang phong thủy ấn định phải khấn thế này thế nọ mới đủ lễ, được thánh thần chứng giám…

Những danh vị thường được khấn – cung thỉnh - trong lễ cúng này thường là: Chư vị Bổn xứ Thành hoàng Thổ địa (các vị thần đất đai đời trước), Đương cảnh Thổ địa Phước đức Chánh thần Tôn thần (vị thần đất đai đương nhiệm), Đương niên Thái tuế Chí đức Tôn thần (Vị thần vâng lệnh Thượng đế xuống bảo hộ sinh linh tảo trừ yêu nghiệt), Hành khiến Hành binh Tôn thần (Vị thần điều khiển âm binh để bảo vệ sinh linh)… Ngoài ra cũng thỉnh mời chư vị ma Chăm, ma chợ, ma mọi, ma rợ, lồi lạc (gọi chung là âm hồn cô hồn, người khuất mặt)…

Tùy theo hiểu biết, nghiên cứu của vị chủ tế mà danh sách khấn vái có thể dài ngắn, ít hoặc nhiều danh vị khác nhau. Thậm chí có chủ tế còn soạn bài khấn vái gọi tới "Mười phương chư Phật" hoặc "Ngọc Hoàng Thượng đế"...

Còn với người bình dân không nặng về âm lễ thì chỉ khấn vái bằng cái tâm cũng là quá đủ, gói gọn trong cụm từ "khấn vái đất trời" - và chẳng có ai vì khấn vái cúng kính trật bài mà bị tai nạn hoặc đói nghèo cả.

***

Trong một số tôn giáo như Đạo Phật, Đạo Cao Đài "cúng đất" còn gắn với ý nghĩa “cúng bạt độ giải oan” có nghĩa là cỡi bỏ oan khiên trói buộc, phiền não, giúp vong linh oan hồn, cô hồn được siêu thoát, hoá giải cứu độ; hoặc “cúng chẩn tế” (thí thực) nghĩa là cấp phát, bố thí và cứu giúp cho vong linh âm nhân để họ không còn bị đói khổ hành hạ mà nhẹ nhàng siêu thoát. Về bản chất, các lễ cúng nói trên đều có mục đích giống nhau nhưng việc gọi tên khác nhau sẽ dần đến các hình thức bày lễ và kinh kệ hoặc lời khấn vái khác nhau chút ít.

Với tín ngưỡng dân gian, mâm cúng đất có thể bày 1 bàn lễ; với nghi thức Đạo Phật, có thể bày 2 bàn lễ gọi là bàn thượng (bày tượng Phật, Bồ Tát hoặc ngài Tiêu Diện Ðại Sĩ (hóa thân của ngài Quán Thế Âm chuyện cứu độ chúng sanh), lư hương, đèn, hoa, quả, ly nước và bàn hạ (bày các loại đồ thờ và lễ phẩm: thức ăn tùy ý gia chủ, giấy âm binh, cháo loãng và diêm mễ (gạo muối). Theo nghi thức Đạo Cao Đài, nếu cúng bạt độ thì bày 3 bàn (Bàn Tiêu Diện, bàn hội đồng và bàn hương án); nếu cúng chẩn tế (quy mô hơn và thêm ý nghĩa thí thực thì bày 5 bàn: tăng thêm 2 bàn tả ban và hữu ban).

Như trên đã nói, với quy mô hình thức và ý nghĩa, tên gọi nào thì "cúng đất" (rộng ra là cúng cô hồn, bạt độ, chẩn tế nhân dịp giỗ kỵ, khai trương...) cũng đều hướng đến cầu siêu cho người để được phước cho mình trong cuộc sống cả. 

“Xin Trời Phật chứng lòng sở nguyện/ Hộ thương sanh u hiển khương ninh” (Kinh cầu siêu Cao Đài) 

hoặc: "Chắp tay vái lạy đất trời Gió mưa bình lặng, để đời ấm chăn" (Ca dao)

hoặc: "Ơn trời hạ kế sang đông/ Lúa khoai no đủ, thong dong con người" (Ca dao)...

***

Ở Quảng Nam, trong tháng Hai này, bên cạnh lễ cúng tá thổ (cúng đất) còn gắn với nhiều lễ hội khác liên quan mà suy cho cùng cũng là nhân tiết lập xuân mà tri ân tiền nhân:

- Lễ hội bà Thu Bồn (12/2 âm lịch)

- Lễ hội bà Phường Chào (25/2 âm lịch)

- Lễ cúng Chúa Ngung Đào Lương Bang mà tùy vào từng vùng miền khác nhau kết hợp với tín ngưỡng khác nhau mà bà được gọi bằng những cái tên như: Chúa Ngung Man Nương, Thiên Y A Na Diễn Ngọc Phi, bà Chúa Tiên, Chúa Xứ, nữ thần Mẹ xứ sở (Pô Inư Nưgar) trong tín ngưỡng mang sắc thái Chăm bản địa và tục thờ Mẫu trong tín ngưỡng của người Việt từ phương Bắc vào (Lễ này mỗi vùng chọn ngày khác nhau nhưng phổ biến ở Quảng Nam là vào tháng Hai).

Trong thời hiện đại, ngoài ý nghĩa tâm linh, văn hóa, phong tục, lễ cúng đất hàng năm trong phạm vi cộng đồng cũng là dịp để mặt bà con hàng xóm gặp nhau, thắt chặt tình đoàn kết xóm giềng, chúng tay đóng góp xây dựng làm đẹp làng xóm phố phường… qua đó gìn giữ phong tục và ứng xử tốt đẹp.

Khái niệm “cúng đất” như đã nói phần đầu, được mở rộng không chỉ trong tháng Hai tá thổ mà dường như người Việt khi khởi sự làm bất cứ việc gì: khai trương, làm nhà, động thổ, sửa chữa, sinh nhật, thôi nôi, ma chay, giỗ chạp… họ cũng đều “cúng đất”. Điều đó cũng không ngoài tư duy, quan niệm tâm linh là phải ra lễ xin phép, báo cáo với thần đất kết hợp thí thực, cầu siêu âm nhân để mong cho mọi việc được suôn sẻ, thuận lợi. 

Dù dưới bất kỳ tên gọi, hình thức, nội dung hoặc bày biện theo nghi thức tôn giáo hay tín ngưỡng dân gian nào thì việc “Có kiêng có lành”, “Có thờ có thiêng”, “Có xưa có nay” cũng là nét ứng xử văn hóa cần được tôn trọng.

Và chúng ta tin rằng con người Việt Nam ngày nay có đủ bản lĩnh và tri thức để lựa chọn cho mình những giá trị tâm linh đúng đắn và hữu ích đem lại hạnh phúc cho chính mình và cộng đồng.

-----------------------------

(Bài viết thuộc bản thảo "Kiếp nào xưa xa" - trong kế hoạch xuất bản quý III, năm 2024 của tác giả).


 

Không có nhận xét nào: