28/3/24

3.096. GHI NHANH TẠI THĂNG BÌNH

   


   Có những việc chuẩn bị cả tuần hay cả tháng. Việc hôm nay chúng tôi chuẩn bị trước một năm cho sự kiện 50 năm huyện Thăng Bình diễn ra vào tháng 3 năm 2025. Vài ghi chép ngắn và vui trong chuyến đi theo lời mời của Ủy ban Nhân dân huyện Thăng Bình trong hai ngày 27 và 28 tháng Ba/ 2024 - trong khi chờ đợi hoàn tất những bài viết chỉn chu cho sự kiện.

***

 

1. HỒ CAO NGẠN

Hồ La Nga - Cao Ngạn (thường gọi tắt là hồ Cao Ngạn) là công trình đại thủy nông của vùng tây Thăng Bình được xây dựng từ sau năm 1975. Hồ La Nga - Cao Ngạn gắn liền với bài hát “Hồ Cao Ngạn” của nhạc sĩ Hoàng Bích, một người con của Thăng Bình. Hồ này cùng với các hồ Phước Hà (xã Bình Phú), hồ Đông Triển (xã Bình Trị) cung cấp nước cho hầu hết các xã của huyện Thăng Bình.



Hồ Cao Ngạn trên núi cao

thêm bài hát (*)

có hồ nào

cao hơn.

----------------------

(*). Bạn có thể tự search để nghe bài "Hồ Cao Ngạn" của nhạc sĩ Nguyễn Hoàng Bích trên YouTube

***

2. LÀNG NƯỚC MẮM CỬA KHE

Nước mắm Cửa Khe là tên gọi chung cho các loại nước mắm được sản xuất tại làng nghề Truyền thống sản xuất nước mắm Cửa Khe, thuộc xã Bình Dương, huyện Thăng Bình. Làng nghề này đã tồn tại từ hàng trăm năm trước. Nhãn hiệu nước mắm Cửa Khe đã được cục sở hữu trí tuệ Việt Nam và làng này đã được UBND tỉnh Quảng Nam công nhận danh hiệu Làng nghề truyền thống tỉnh Quảng Nam từ năm 2014.



Về thăm làng mắm Cửa Khe (*)

thầy em he hé

anh lè lưỡi

khen.

----------

(*). Điều khôi hài của mọi người là khi đến thăm làng này, họ thường tò mò về cái tên "Cửa Khe" nhiều hơn là tìm hiểu về làng nghề và vị thơm, mặn mòi của sản phẩm nước mắm ở đây. 

☺☺☺

***

3. BUỔI TRƯA Ở CHỢ TÂY GIANG

Chợ Tây Giang nằm ở thôn Tây Giang, ven một bến sông Trường Giang thuộc xã Bình Sa. Thời xưa đây là một nơi giao thương nhộn nhịp giữa các vùng miền do tuyến đường thủy kết nối từ Hội An đến các miền đất phía đông Quảng Nam. Nơi đây có đủ các yếu tố địa lợi, địa linh, kinh tế, văn hóa: Bến (bến sông) – Lăng (lăng Bà, vị thần nữ linh ứng che chở cho dân làng)  - Chợ (nơi buôn bán trao đổi và vận chuyển hàng hóa thuận lợi) – Đình (nhà hát tuồng). Thôn Tây Giang cũng là nơi lưu dấu lịch sử cách mạng của huyện Thăng Bình. Ngày nay khu chợ chỉ còn là một bến vắng, không ai buôn bán và một cây đa cổ thụ khoảng trên 10 người ôm. Hàng năm vào mùng 8 tháng Giêng có hội đua thuyền trên sông Trường Giang tổ chức tại đây. Bến sông này cùng với nhiều phân cảnh khác của xã Bình Sa được quay trong bộ phim “Mắt Biếc” của đạo diễn Victor Vũ, dựa theo kịch bản cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh.



Buổi trưa đứng dưới gốc đa

nhớ em

mà nghĩ tới bà hôm nay.

***

4. NGHE HÁT DÂN CA TẠI BÌNH HẢI

Bình Hải nằm ở vùng đông nam của huyện Thăng Bình. Nơi này phía đông giáp biển, phía nam giáp sông Trường Giang. Tuy là vùng đất cát khô cằn nhưng nơi đây có sông, biển, núi đồi và đồng bằng rộng lớn. Cảnh thiên nhiên Bình Hải khá đẹp mắt. Chúng tôi được địa phương đón tiếp và tổ chức buổi giao lưu, trong đó có tiết mục nghe nghệ nhân địa phương hát các bài dân ca, bài chòi yêu thích.



Áo em đỏ chói sân đình

bài dân ca

hóa

nụ tình trổ bông

***

5. NHỮNG THỬA RUỘNG BẬC THANG

Những cánh đồng lúa bậc thang này nằm ở vùng đồi thôn La Nga, xã Bình Lãnh. Vẻ dẹp của nó không kém gì các ruộng bậc thang Tây Bắc. Chúng tôi đến khi lúa đã trổ đòng, còn xanh, vài thửa đã ngã vàng nhưng vẫn chưa đến vụ.



Nước trời

chảy xuống bậc thang

để cây lúa trổ

lên

hàng đòng xanh

***

 

6. PHẬT VIỆN ĐỒNG DƯƠNG

Tháp Đồng Dương là một di tích quan trọng vào bậc nhất của Chăm Pa, gồm có hệ thống các tháp nằm gần nhau, thuộc làng Đồng Dương, xã Bình Định Bắc, huyện Thăng Bình. Tháp được xây dựng vào thời kỳ vương triều Indrapura. Lúc này Chăm Pa chịu ảnh hưởng của Phật giáo, nên kiến trúc có tính chất đặc biệt so với các tháp khác trong hệ thống tháp Chăm. Nơi này được mệnh danh là tu viện Phật giáo nằm ngay trung tâm đô thành Indrapura. Hiện nay cả khu đền tháp này đã bị hủy hoại bởi chiến tranh, thiên tai, và ngay cả con người nữa. Nó đã bị biến thành bình địa, một đống đổ nát, chỉ còn lại nền chính và một ít dấu tích của các bức tường, và các thềm cửa - một phế tích khó phục hồi.



Cỏ hoang che dấu đền đài

lời kinh cổ tháp

vọng ngày nam mô

Phật viện đã hóa nấm mồ

những viên gạch

gọi hư vô

muôn trùng.

-------------------------

Thăng Bình, tháng Ba, 2024 -Mộc Nhân



Không có nhận xét nào: