19/7/18

1.192. NHỮNG VỤ ÁN KHOA CỬ THỜI XƯA

       

          Nhân vụ Hà Giang nâng điểm thi khống cho thí sinh, tôi đăng lại vài vụ án nâng điểm trong lịch sử khoa cử thời xưa, theo đó bất cứ ai, dù đảm nhận chức vụ gì nếu vi phạm đều bị xử lý rất nghiêm khắc. Còn ngày nay thì sao???

1. CHẤM ĐỖ CHO CON QUAN TRÊN BỊ XỬ TỘI CHẾT
          Khoa thi Hương năm Bính Tý (1696), Tiến sĩ Ngô Sách Tuân (người Bắc Ninh, từng là Hữu Thị lang Bộ Lại) là “Hộ khoa cấp sự trung” được triều đình cử  làm giám thị ở trường thi Thanh Hóa. Trước khi đi, Ngô Sách Tuân có đến gặp Tham tụng (tương đương tể tướng) Lê Hy là quan trên.
Lê Hy nói với Ngô Sách Tuân đặc điểm quyển thi của con mình, xin Tuân “lưu ý” hộ. Sách Tuân đã đưa riêng quyển thi của con Lê Hy cho khảo quan bảo phê lấy đỗ. Đề điệu Ngô Hải biết chuyện nhưng im lặng, không báo cáo lên cấp trên. Vụ việc bị Tham chính Phan Tự Cường phát giác, triều đình khép Ngô Sách Tuân vào tội giảo (thắt cổ), Ngô Hải bị bãi chức. 
Sau sự việc, người xưa bàn luận rằng:
- Phan Tự Cường biết hạch tội Sách Tuân mà không một lời nào đả động đến Lê Hy, thế là cũng sợ uy và nịnh hót Lê Hy. Vậy Tự Cường cũng cùng một loại với Sách Tuân mà thôi.
- Trong kì thi Hương người đỗ cao nhất cũng chỉ là Cử nhân, đủ tiêu chuẩn đi thi Hội, vậy mà bốn vị Tiến sĩ lừng danh: Lê Hy, Ngô Sách Tuân, Phan Tự Cường và Ngô Hải, bị bêu riếu muôn đời, có người bị xử tội chết. Xem thế đủ biết người xưa trọng việc chuẩn mực, nghiêm túc trong thi cử đến thế nào.
2. CAO BÁ QUÁT SỬA BÀI THI PHẠM HÚY
Tháng 8 năm 1841, Cao Bá Quát được cử làm Sơ khảo trường thi Thừa Thiên. Tại đây, ông cùng bạn đồng sự là Phan Nhạ thấy nhiều quyển văn của sĩ nhân khá nhưng vô ý phạm huý nên đã lén lấy bút son hoà muội đèn chữa hộ, cộng 24 quyển, sau lấy đỗ 5 quyển.
Việc bại lộ, hai người đều bị bắt giam và đưa ra xét xử. Cao Bá Quát và Phan Nhạ phải tội xử tử, Nguyễn Văn Siêu phải tội phạt trượng, đồ (vì chứa chấp Cao Bá Quát ngủ một đêm), Chủ khảo và giám khảo bị cách chức, giáng chức.
Sau Vua Thiệu Trị xét lại, cho rằng “bọn Quát sính ý làm càn”, không có động cơ xấu gì, bèn tha cho Cao Bá Quát và Phan Nhạ tội xử tử và chuyển thành giảo giam hậu (hình phạt thắt cổ nhưng chưa thi hành, giam lại đợi lệnh – về sau ông được khoan hồng). Nguyễn Văn Siêu chỉ bị cách chức, tha cho tội đồ. Chủ khảo Bùi Quỹ và phó khảo Trương Tiến Sĩ bị cách chức, lưu làm việc.
5 Cử nhân có bài được sửa đều phải thi lại cả 3 kỳ và đều được lấy đỗ trở lại. Sự việc trên được Quốc sử quán triều Nguyễn ghi lại khá đầy đủ.

3. ĐÀO NGỌC DUNG GIAN LẬN THI CỬ
          Đào Ngọc Dung sinh năm 1962 tại huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam là, hiện là Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và là đại biểu quốc hội Việt Nam khóa XIV (2016-2021) thuộc đoàn đại biểu quốc hội tỉnh Thanh Hóa - là ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XII, nguyên Bí thư Thứ nhất Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, nguyên Bí thư và Trưởng ban Ban Cán sự Đảng Ngoài nước, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa X, XI.
Ngày 27 tháng 5 năm 2006, trong kỳ tuyển Nghiên cứu sinh trường Học viện hành chính quốc gia Đào Ngọc Dung đã vi phạm quy chế thi sử dụng tài liệu, bị lập biên bản tuy nhiên ông đã không ký vào biên bản này với lý do không đồng ý với mức xử lý cảnh cáo. Học viện hành chính quốc gia báo cáo vụ việc của ông lên Ủy ban kiểm tra trung ương và Ban tổ chức trung ương thì Đào Ngọc Dung đã bị kỷ luật bằng hình thức khiển trách và phân công công tác khác.
Tuy nhiên hiện nay ông vẫn là Bộ trưởng…

4. VỤ GIAN LẬN TẠI HÀ GIANG NĂM 2018
Tại kì thi THPT Quốc gia năm 2018, Vũ Trọng Lương, Phó Trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Giang lợi dụng chức vụ quyền hạn được giao đã trực tiếp can thiệp vào kết quả thi của thí sinh – nâng điểm cho 330 bài thi rơi vào 114 thí sinh – trong đó có nhiều thí sinh con quan chức – với mức nâng chênh lệch so với điểm thực trên 20 điểm, có trường hợp được nâng lên đến 29,75 điểm, có trường hợp bị điểm liệt hỏng tốt nghiệp trở thành điểm rất cao…
Vụ nâng điểm thi THPT Quốc gia ở Hà Giang chứng tỏ một điều là xã hội đang có tình trạng chạy theo lợi ích bất chấp các quy định pháp lý, đạo đức, trách nhiệm.

Không có nhận xét nào: