24/7/18

1.199. NỖI BUỒN HÀ GIANG

Mộc Nhân

Bê bối nâng điểm thi ở Hà Giang và nghi vấn ở một số địa phương khác như Sơn La, Lạng Sơn, Hòa Bình, Kon Tum, Bạc Liêu... đang làm dư luận cực kỳ quan tâm với nỗi đau tột cùng, đắng chát.
Biết bao nhiêu thầy cô giáo trên khắp lãnh thổ Việt Nam phải còng lưng dạy, học trò thì miệt mài học bất kể ngày đêm; trong số đó nhiều em nhận được kết quả xứng đáng nhưng nhiều em đã mất cơ hội vào những ngôi trường mơ ước, thực hiện những ước mơ hoài bão không chỉ bởi lí do chưa đáp ứng được yêu cầu kiến thức kĩ năng thể hiện qua bài làm mà còn bởi một lí do rất bức xúc đó là: việc gian lận thi cử.
Sự việc nâng điểm khống vì nhiều mục đích không trong sáng của một số cá nhân trong ban lãnh đạo chấm thi THPT QG 2018 vừa qua đã gióng lên hồi chuông báo động. Ở Hà Giang chỉ cần 6 giây để sửa một bài thi – có 330 bài thi/ 114 thí sinh là con quan chức, con đại gia được can thiệp điểm số tích cực; ở Sơn La có 5 vị trong ban lãnh đạo HĐ chấm thi vi phạm qui chế chuyên môn; ở nhiều tỉnh thành khác có hàng chục, hàng trăm bài thi được chỉnh sửa… đã biến một học sinh trung bình, không cần học nhiều trở thành những em có điểm cao ngất, thủ khoa… nhiều thí sinh chênh đến hơn 20 điểm, thậm chí có thí sinh chênh đến 29,95 điểm ?!!
Nhiều trạng thái cảm xúc đã được thể hiện qua sự việc này: phẫn nộ, đau buồn, nhục nhã, thất vọng… vì bất công, vì sự dối trá, vì hụt hẫng, vì chính các em học sinh cũng là nạn nhân của người lớn…
Buồn cho môi trường giáo dục đã bị vấy bẩn bởi đồng tiền và bị chi phối bởi quyền lực; buồn cho người thầy lại thêm những áp lực và nỗi buồn mới trong dạy học; buồn cho học trò vì sự xáo trộn rớt thành đậu, đậu thành rớt; buồn cho xã hội thiên đường nơi những giá trị sống chân thiện mỹ đã và đang tiếp tục chao đảo vì sự dối trá mà không biết xấu hổ; buồn vì nó để lại hậu quả vô cùng tệ hại, thêm một thách thức với nhà giáo khi truyền cho học trò về sự học, về nỗ lực, về đạo đức; buồn vì người ta không còn niềm tin vào sự công bằng và những điều tốt đẹp nên đã thúc đẩy tệ nạn chạy chọt trong mọi lĩnh vực, và tạo ra tình trạng bát nháo, vô pháp trên toàn xã hội; buồn vì tương lai đất nước, tương lai GD không biết về đâu trước vấn nạn ăn cắp, vô liêm sĩ có tổ chức… để rồi mai sau, con cháu của chúng dù dốt nát bất tài nhưng do được nâng điểm mà vào các trường danh giá; ra trường thì được nâng đỡ để lên chức lên quyền ăn trên ngồi trước hiên hạ và tiếp tục vận hành bộ máy công quyền gian dối đó.  
Những vụ việc đau buồn của giáo dục như cô giáo bắt học sinh uống nước giẻ lau bảng, cô giáo suốt 4 tháng không giảng bài, thầy giáo dâm ô, cô giáo chửi mắng, đánh đập học sinh, bảo mẫu hành hạ trẻ…chỉ mang tính cá nhân; còn giờ đây việc nâng điểm trong một kì thi QG thì được cả một ban bệ gồm lãnh đạo, quan chức, cán bộ ngành GD tham gia… thì sự thối nát đã lên đến đỉnh cao nhưng người có trách nhiệm lại thấy bình thường từ những điều bất thường đó.
Trong những ngày qua, không chỉ nhiều chuyên gia giáo dục mà những trí thức, quần chúng đã lên tiếng trên nhiều góc độ, nhiều đánh giá về những bất cập, về niềm tin, trách nhiệm, kỹ thuật bảo mật, ngăn ngừa gian lận... trong việc vận hành một kì thi lớn như thế này.
Nhiều ý kiến lại cho rằng họ không ngạc nhiên về vụ gian lận điểm thi lần này vì tình trạng gian lận và thiếu trung thực đã tồn tại nhiều năm nay ở dưới nhiều hình thức khác nhau trong nền giáo dục của Việt Nam bằng sự chạy chọt của phụ huynh, sự can thiệp trực tiếp của người có chức trách mà hệ lụy của tình trạng này là làm mất cơ hội của những người trẻ thực sự có năng lực. Người ta cám cảnh mà nghĩ rằng bọn tư bản mới thì cướp sức lao động dân nghèo và mượn tay quan chức để cướp đất người dân, giờ chúng lại cướp luôn cơ hội phấn đấu vươn lên của học trò nghèo bằng việc bỏ tiền mua điểm hoặc dùng quyền để nâng điểm cho con cái chúng… quá khốn nạn và thất đức, làm tổn hại cả một thế hệ tử tế! 
Từ câu chuyện nâng điểm, chạy điểm ở Hà Giang, người ta có thể liên hệ đến cơ chế “nâng” trong xã hội Việt Nam – tất nhiên cơ chế này chỉ dành cho con quan chức và đại gia nhiều tiền lắm quyền:
Con quan chức (đại gia) đi thi: nâng điểm
Con quan chức (đại gia) đi làm: nâng ngạch
Con quan chức (đại gia) dự nguồn: nâng đỡ
Con quan chức (đại gia) làm dự án: nâng vốn, nâng giá
Con quan chức (đại gia) vui chơi: được xum xuê nâng ly.
Từ xưa đến nay, xã hội nào trọng hiền tài và sự công bằng trong thi cử thì xã hội đó sẽ trường tồn thịnh trị; ngược lại thì dẫn đến suy đồi thối nát từ triều đình đến quan lại.
Sự việc thi cử năm 2018 tại Hà Giang nói riêng và nhiều nơi khác nói chung là lời cảnh báo về lụn bại văn hóa, đạo đức, pháp luật, nhân cách trong xã hội.

Không có nhận xét nào: