Bài giới thiệu cho tập sách "Chúng Ta Từ Cõi Lao Đao"
Tạp văn Mộc Nhân Lê Đức Thịnh - Nxb Hội Nhà Văn 2020.
Tác giả bài viết & tác giả sách |
Mộc
Nhân Lê Đức Thịnh vốn là “người thơ”, người dịch thuật (dịch thơ), thi thoảng
anh viết “phiếm luận”, “nhàn đàm” về văn hóa, nghệ thuật với một chất giọng “hiếu/
háo sự” rất Quảng Nam. Đất Quảng từ lâu được mặc định là đất của những người hiếu
sự - nơi sinh ra những con người “ưa sinh sự hay can dự vào đại sự” là vậy. Việc
chọn những bài viết nhân những lúc “trà dư tửu hậu” in thành sách dường để bạn
đọc biết thêm một “ngón nghề” mới của mình đủ biết anh là người say chữ, luôn
yêu đời và cũng rất “đau đời”…
Nhiều
nhà phê bình văn chương cho thời buổi hiện nay (2020) là thời của tản văn. Thể
văn này ở xứ ta gọi nhiều tên tùy theo nội dung văn bản trong khi đó phương Tây
gọi chung là “essay” (tiểu luận, tản văn, tùy bút, phiếm bút, tạp luận, nhàn
đàm…). Nguyên do dễ nhận diện “thời của tản văn” vì đây thực sự là thời của văn
chương mạng, thời của các thể văn có câu chữ ngắn, gọn, tối giản (cả nội dung
thông tin, nội dung biểu cảm, biểu đạt), phù hợp với quỹ thời gian đọc của con
người thời @. Tản văn hay “essay” nhìn chung thường phi hư cấu (non-fiction) vậy
nên có thể văn nào thuận lợi hơn “essay” vì thể văn này nằm giữa văn chương và
báo chí, giữa “truyện và nghiên cứu” (M.Gorky) lại hết sức “tự do” về đề tài,
bàn đủ chuyện trên trời dưới đất, hữu thể và vô hình. Khổ một điều - khi lựa chọn
thể tài này - kẻ viết mới hay đó là thể dạng của một lối văn “tự do trong khuôn
khổ” khiến kẻ viết luôn phải “ý thức về mức độ” tránh “dây cà ra dây muống” và
thực sự biết “liệu cơm gắp mắm”.
Đọc
trọn tập “essay” của tác giả - theo thiển ý của người viết những dòng này - đây
là tập “nhàn đàm” nghĩa là đàm luận, trò chuyện, tự bạch nhân lúc “thư nhàn”…
Chọn
nhan đề/ đề từ tập sách bằng câu thơ Bùi Giáng “Chúng ta từ cõi lao đao/ quen
nhau từ những kiếp nào xưa xa” tác giả hẳn muốn nói đến tình thế của thân phận
con người trong cõi trần ai, cõi ta bà vốn luôn phải đối mặt với nhiều vấn đề
“bất khả”, “tiến thoái lưỡng nan” như “sống là để chết”, “tĩnh tại với điên
mê”, “mình và ta”, “một mà hai”, “hiện thể với hư phù”, “danh và thực”, “thường
và vô thường”… Tác giả “luận” rất có duyên câu chữ với “ám tượng mùi” nhất là
“mùi người” - cái mùi làm nên nhung nhớ, yêu mê mà “bi hoan lai khứ”, phúc họa
khôn lường “mùi tục lụy lưỡi lê tân khổ - đường thế đồ rổ gót khi khu” (Cung
Oán ngâm khúc). Tác giả nói về giá trị của những lá thư trên giấy với bì thư và
tem ngày cũ, mối quan hệ khăng khít giữa “thư” và “ văn chương”, thư và “văn
hóa viết thư trên giấy”, rồi tác giả luận về bệnh “ái kỷ”, sự nhầm lẫn giữa “cá
tính” và bệnh “háo danh”, “hoang tưởng”, thói “mục hạ vô nhân” của con người thời
hiện tại, luận về “tiếng chửi”, chuyện “nữ quyền”, về “tư duy móc”, về thái độ
“ném đá” của cộng đồng với người bị ném… cùng nhiều “đề xuất” thú vị với mục
đích chia sẻ cảm nhận/ tri nhận ở người đọc hơn là “cao giọng” tuyên xưng “nên
hoặc không nên”…
Mảng
“nhàn đàm” - nếu có thể nói là “độc/ lạ” của tác giả chính là những bài viết về
văn hóa dân gian, văn chương và văn hóa sống (“ông Bộ”, “Mục đồng là cái chi
chi”, “Một thoáng Boléro”, “Tứ nhiếp pháp và giáo dục”, “Mặc khải tình yêu”…).
Tác giả đã dày công sưu tầm tư liệu, dày công so sánh đối chiếu để lựa chọn một
cách nhìn, cách cảm rất riêng với đủ đầy cung bậc của một khách phong lưu, duyệt
thế hay là một người kể chuyện tài hoa với ngón nghề làm “lây lan cảm xúc”…
Có
lẽ - như ở lời thưa trước - tác giả vốn là người thơ - nên ý thức về sự chừng mực
hay ý thức về “những khoảng vô ngôn” giữa chữ/ nghĩa đủ để mỗi tản văn có một
cái “tứ” rất thơ là một điều đáng ghi nhận ở tập nhàn đàm “Chúng ta từ cõi lao
đao”.
Văn
chương đã khó. Luận bàn thiên hạ sự vốn là việc không dễ nếu không chuyên chú
“đọc” trong sách, trong đời, những số phận, những cảnh huống đa đoan. Mong rằng
người say luận bàn “thiên hạ sự” sẽ còn tiếp tục với cái duyên nợ chữ và xin được
chia sẻ với tác giả trong tâm thế của một người cùng cõi lao đao một câu thơ của
Cao Bá Quát “Duyệt thế phương tri kiệm tiếu tần” (trải đời mới biết dè xẻn cái
cười cũng như cái chau mày)…
Phùng
Tấn Đông/ Tháng 5 - 2020
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét