9/6/20

1.807. “TỪ ĐIỂN CHÍNH TẢ” SAI CHÍNH TẢ TRẦM TRỌNG

Cuốn từ điển đáng xấu hổ nhất Việt Nam


       Đó là cuốn “Từ điển chính tả tiếng Việt” (PGS.TS. Hà Quang Năng chủ biên - Th.S Hà Thị Quế Hương - NBX Đại học Quốc gia Hà Nội - 2017). Nhóm tác giả biên soạn thuộc hàng giáo sư “dỏm”, tiến sĩ “giấy” nên cho ra sản phẩm để “chuẩn chính tả” nhưng lại sai chính tả trầm trọng, rất khó chấp nhận.

Lỗi chính tả sai phổ biến ở đây là:
- Nhầm lẫn S với X; X với S; không phân biệt được D hay GI; TR hay CH; N hay NG; IN hay INH, C hay Q, IU hay ƯU, R hay GI, R hay D, ƯU hay IU… (nguyên nhân là do nói ngọng nên ghi chính tả theo âm ngọng.
- Nhầm lẫn giữa cách viết đã từng tồn tại, với chuẩn chính tả hiện hành.
- Nhầm lẫn giữa từ đồng nghĩa với từ có hai dạng chính tả…
* Tóm lại là sai chính tả do NGU DỐT chứ không phải do “thằng đánh máy”. Một cuốn từ điển về chính tả mà có trên 100 lỗi sai chính tả thì quá khiếp đảm. Vậy đăng lại nơi đây để các em học sinh (và bạn đọc) khỏi sai chính tả khi sử dụng quyển từ điển chính tả này)
1. bàn hoàn (tv. bàng hoàng)
* đây là 2 từ khác nhau chứ không phải 1 chữ mà viết 2 dạng khác nhau như quyển từ điển (tđ) ghi nhận:
- bàn hoàn (từ HV): 1. quấn quýt không rời; 2. nghĩ quanh quẩn không dứt” (vd: "Lòng riêng riêng những bàn hoàn/Lo sao khôi phục gian san Tiên Rồng" - Đi thuyền trên sông Đáy (Hồ Chí Minh).
- còn bàng hoàng: ngẩn người ra, choáng váng đến mức như không còn ý thức được gì nữa. (vd: bàng hoàng khi nhận tin dữ)
2. bánh dày: Không có sách từ điển tiếng Việt hoặc từ điển chính tả nào ghi nhận “bánh dày” (chỉ có “bánh GIẦY” hoặc “bánh GIÀY” (tên gọi bánh theo cách chế biến “giày”, “xéo” cho nát nhuyễn ra – truyện bánh chưng bánh giầy)
3. bơi chải: đúng là “bơi TRẢI”.
4. chai: con chai – đúng là con trai (sai do phát âm ngọng)
5. chầy chật: đúng chuẩn là “trầy trật” (trầy da, trật xương)
6. chéo ngoe: đúng chuẩn là “tréo ngoe”
7. chỉnh chu: đúng là “CHỈN chu” (chỉn chu = rất/thật chu đáo)
8. chiều: xuôi chiều mát mái (đúng là “xuôi CHÈO” mát mái)
9. xung công: đúng là “SUNG công (từ Việt gốc Hán: nhận thêm, nhập vào của công)
10. dằng xé; dằng níu: đúng là “giằng xé”; “giằng níu”
11. dày trông mai đợi: đúng là “RÀY trông mai đợi”
12. dãy nảy: đúng là “GIÃY nảy”
13. dẫy dụa; dẫy nẩy: đúng là “GIẪY giụa”, “GIẪY nẩy”.
14. dấu diếm: đúng là “GIẤU GIẾM” (“giấu” trong “giấu kín”; không phải “dấu” trong “dấu vết”)
15. dở trò: đúng là “GIỞ trò” (“giở” trong “giở ra”; không phải “dở” trong “dở dang”)
16. dục dịch: không có từ này (có thể có ở phương ngữ Quảng Nam) – chắc tác giả nhầm với “RỤC RỊCH”.
17. giây dưa: đúng là “DÂY dưa” (dây của cây dưa) - vì “dây dưa” bò lan, nhánh nọ đẻ nhánh kia, nên có một nghĩa bóng chỉ “anh em họ hàng xa”. Ví dụ “Hai nhà ấy có dây dưa gì với nhau đâu!” (tương tự “dây mơ rễ má”).
18. ma chơi: đúng là “ma TRƠI”. “Trơi” ở đây là dối, có mà không thật. (thằng bù nhìn giữ dưa còn gọi là “thằng trơi dưa”)
19. trứng quốc: nhầm với trứng “CUỐC”
20. thôi sao: đúng là “Thôi XAO” – âm Hán 推敲 có nghĩa là đẽo gọt, lựa chọn chữ nghĩa. Nguyên Giả Ðảo đời Đường có câu thơ: Điểu túc trì trung thụ, Tăng xao nguyệt hạ môn 鳥宿池中樹, 僧敲月下門. Vốn Giả Ðảo định dùng chữ thôi 推 = đẩy (cửa), rồi lại định dùng chữ xao 敲 = gõ (cửa), băn khoăn mãi mà không biết nên chọn chữ nào. Khi hỏi Hàn Dũ, ông bảo nên dùng chữ xao 敲. Sau này “thôi xao” 推敲 được dùng với nghĩa cân nhắc, lựa chọn chữ nghĩa. Viết “thôi SAO” là vô nghĩa.
21. sẻ đàn tan nghé: đúng là “sẩy/sểnh/ xẻ đàn tan nghé”. Vì “sẩy” hay “sểnh” mới có nghĩa là hụt, lạc, lỡ, mất (như “sẩy/sểnh nạ quạ tha”; “sẩy miệng buột lời”; xẻ:chia cắt ra).
22. chiết suất: nhầm với chiết XUẤT
23. xét sử: đúng là “xét XỬ”
24. táng gia bại sản: đúng là “TÁN gia”. Vì “TÁN” từ gốc Hán, có nghĩa tiêu tan, mất mát. Tán gia bại sản: gia đình tan nát, tài sản tiêu tan (Dị bản: khuynh gia bại sản.
25. xa trường: đúng là “SA trường”. (“sa” 沙 nghĩa gốc là “cát”, “bãi cát ven sông”. “SA trường” 沙場 = bãi cát bằng mà rộng, thường dùng để chỉ chiến trường.
26. trưởng bạ: đúng là “CHƯỞNG bạ” (“chưởng” 掌 nghĩa là nắm, giữ; “chưởng bạ” 掌簿 = người nắm giữ sổ sách giấy tờ)
27. xẩy chân; xẩy đàn tan nghé; xẩy nhà ra thất nghiệp: ba từ ngữ đều sai cả. Viết đúng phải là “SẨY chân”, “SẨY đàn tan nghé”, “SẨY nhà ra thất nghiệp”.
28. xảy tay, xơ xảy: đúng là sảy tay, sơ sảy
29. xẻ cơm nhường áo: đúng phải là “SẺ cơm nhường áo” (“SẺ” trong “san sẻ”, “chia sẻ”)
30. xỉ mắng; xỉ nhục: đúng phải là “SỈ mắng”, “SỈ nhục”  (yếu tố gốc Hán, có nghĩa là làm cho nhục nhã)
31. xưng xỉa: đúng là “SƯNG SỈA”. Đây là từ ghép đẳng lập: “sưng” = phồng, phù da thịt lên (như sưng mặt; sưng phù); “sỉa” = sưng phù lên - Mặt sưng mày sỉa.
32. xít xoa: đúng là “xuýt xoa”. “XUÝT” = phát ra tiếng gió trong miệng; “xoa” = dùng tay mơn nhẹ vết thương, hoặc xoa lại với nhau, tỏ vẻ đau đớn, kinh ngạc hoặc tiếc nuối…
33. reo rắc: đúng là “GIeo rắc” – từ ghép đẳng lập: “gieo” đồng nghĩa với “GIEO” trong “gieo hạt” + “RẮC” trong “rắc hạt”, có khi được dùng như “gieo” (như rắc hạt giống).
34. xóng xoài: đúng chuẩn là “SÓNG SOÀI”, (cũng như viết “sóng sượt”, không phải “xóng xượt”).
35. trừu mến: đúng là “TRÌU mến”.
36. già xọm: đúng là “già sọm” (SỌM = gầy, già yếu, hom hem).
37. xừng xộ: đúng là “sừng sộ” (“SỪNG” nghĩa là gườm nhau, khiêu khích, chực ăn thua với nhau.
38. xới chọi gà: đúng là “sới” - khoảng đất được bố trí làm nơi đấu vật hoặc chọi gà, chọi chim (sới bạc, sới vật…)
39. khinh xuất: đúng là “khinh suất (từ ghép đẳng lập gốc Hán: “khinh” 輕 = xem nhẹ; “SUẤT” 率 = hấp tấp, không thận trọng)
40. xứ bộ: chỉ có “SỨ bộ”, không có “XỨ bộ”
41. xực mũi; thơm xực: đúng là “SỰC mũi”, “thơm SỰC”. Còn “xực” (gốc Hán chỉ có nghĩa là “ăn”, với hàm ý thô tục.
42. giộp da, giộp lưỡi: đúng là rộp
43. gia giết: đúng là da diết
44. Nhầm lẫn, đánh đồng những cặp từ gần nghĩa, đồng nghĩa như: đại thụ - đại thọ; đông nghịt – đông nghẹt; mất lòng – mếch lòng/mích lòng; chói lọi - chói lói; nhưng nhức – rưng rức… ”
45. tuần điểm: đúng là “tuần điếm”
46. trừ tác: đúng là “trứ tác”
47. Lỗi do thu thập ngữ liệu không chuẩn. Ví dụ: “tu binh mãi mã” (chính xác là “chiêu binh mãi mã); “ấm da gà” (đúng là “ấm gan gà”); “cơm sung cháo đền” đúng là “cơm sung cháo dền”); “trọng nghĩa khinh bần” (đúng là “trọng nghĩa khinh tài”)…
(còn nữa)
Nguồn: từ trang blog nhà nghiên cứu Hoàng Tuấn Công và các báo


Không có nhận xét nào: