* Trong những ngày gần đây, nhân dân cả nước sôi sục phản đối QH
sắp thông qua “Dự luật về đặc khu”, đây là một dự luật mà theo giới trí thức phản
biện lợi cho quốc gia, cho nhân dân thì ít mà ẩn chứa nhiều mầm họa cho chủ quyền
tương lai đất nước.
Tôi lưu lại vài bài viết về chủ đề này.
1. ĐẶC
KHU VÀ TIẾNG KÊU CỦA NHÂN DÂN
Bài của Nguyễn Quang Thiều
nhà thơ, Ban chấp hành Hội nhà văn VN
Tổng giám đốc nhà xuất bản Hội Nhà văn
Thư ngỏ gửi các vị đại biểu Quốc hội
Kính thưa các vị,
Trong những ngày này, quanh chúng ta
đang vang tiếng kêu của nhân dân về một mối đe dọa mà nhân dân đang cảm thấy và
nhìn thấy. Đó là mối đe dọa từ cái tên “ đặc khu”. Trong suy nghĩ đơn giản của
tôi, đặc khu không phải tạo ra bất cứ điều gì gọi là sự đe dọa. Nhưng ai là
người thuê đặc khu ấy trong một thời gian quá dài mới là kẻ làm ra sự đe dọa.
Và trong suy nghĩ có thể là thiển cận của mình, tôi nghĩ “đặc khu” không phải
là con đường duy nhất làm cho một đất nước phát triển và giàu có. Rất nhiều
quốc gia giàu có trên thế giới không phải dùng phương án gọi là đặc khu mà họ
đã phát triển đất nước rực rỡ. Hơn nữa, người sẽ thuê 3 đặc khu ở những vị trí
rất đặc biệt và quan trọng có nguy cơ là Trung Quốc. Và chính vì người sẽ thuê
3 vị trí chiến lược của Việt Nam là Trung Quốc nên tiếng kêu của người dân mới
vang lên khẩn thiết như vậy.
Trước hết, tôi muốn các vị hiểu một điều
quan trọng là tiếng kêu của nhân dân xuất phát từ đâu ?
Từ cảm giác của nhân dân về sự bất an.
Từ linh cảm của nhân dân về những bất
trắc
Từ trí tuệ của dân dân là trí thức, văn
nghệ sỹ, các nhà kinh tế học, các doanh nhân chân chính...
Từ kinh nghiệm và sự thật lịch sử của
một dân tộc chống ngoại bang
Từ trách nhiệm và lương tâm của nhân dân đối với vận mệnh tương lai của đất nước.
Từ trách nhiệm và lương tâm của nhân dân đối với vận mệnh tương lai của đất nước.
Kính thưa các vị
Cách đây mấy năm, tôi đã viết trên báo
một bài nói tới sự cảnh báo của nhiều nước lớn về Trung Quốc. Một trong những
điều tôi nói tới là hình ảnh các China Town (phố Tàu) trên thế giới. Đoạn viết
như sau: “Trước năm 1992, tôi không hiểu gì về China town – phố Tàu ngoài nghĩa
là một cộng đồng di dân người Trung Quốc sống tập trung. Tháng 7 năm 1992, tôi
được Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc mời đến thăm Úc. Trong chuyến đi ấy, tôi đã
đọc một cuốn sách nghiên cứu về China town của một nhà nghiên cứu Úc. Tôi xin
tóm tắt những gì tác giả này viết về China town: Khi China town được dựng lên,
chúng ta (người Úc) đến đó với tinh thần đi thăm quan một cộng đồng di dân có
một nền văn hóa khác biệt. China town lúc đầu giống như một hội chợ của người
Trung Quốc tổ chức trên đất Úc. Chúng ta đến đó xem họ múa lân và thưởng thức
các món ăn Trung Quốc. Chúng ta thực sự thấy vui vẻ khi trên đất nước chúng ta
có một cộng đồng đầy bản sắc bởi Úc là một đất nước đa bản sắc nên sự chấp nhận
các cộng đồng khác không có gì quá khó khăn. Rồi chúng ta lãng quên đi. Mười
năm sau chúng ta trở lại China town. Chúng ta giật mình. China town đã phát
triển quá nhanh. Nhưng điều đáng suy nghĩ nhất là China town không phải là khu
cộng đồng của người Trung Quốc định cư trên đất Úc hay là một hội chợ của Trung
Quốc nữa mà nó đã biến thành một tiểu Trung Quốc trên đất Úc với sức ảnh hưởng
không nhỏ của nó. China town này muốn mở rộng mãi mãi và muốn Trung Quốc hóa
những khu vực mà China town lấn tới. Đến lúc này, niềm vui và tính tò mò của
chúng ta về trò múa lân cùng với hương vị của ẩm thực Trung Quốc không còn mà
thay vào đó là một nỗi lo sợ.
Nỗi sợ hãi của tác giả cũng là nỗi sợ
hãi của rất nhiều người ở những quốc gia mà những người Trung Quốc đến định cư
và làm mọc lên những China town. Tổng thống Mỹ Donald Trump trong thời gian
tranh cử đã liên tục cảnh báo người Mỹ về mối nguy hiểm của con bạch tuộc mang
tên Trung Quốc. Và trrong cách nhìn của tôi thì các China town là những cái
hang của con bạch tuộc đó.
Đọc trên trang web SOI, tôi thấy một bài
viết rất hay về hội họa Kenya trong một triển lãm quốc tế. Điều bài báo nói đến
là “ một triển lãm hội họa Kenya ( Châu Phi ) nhưng lại là tranh đặc Tàu của
các họa sỹ người Hoa định cư ở đó. Một cú đánh trắng trợn và một cái chết thảm
thương của nền hội họa của nước Châu Phi này.
Tôi đã nói khá kỹ phần nghiên cứu về
China town của nhà nghiên cứu xã hội Úc trên một tờ báo trong nước từ những năm
1990 của thế kỷ trước. Tất nhiên ý kiến về một nguy cơ có vẻ “xa xôi” này có lẽ
quá ít người chú ý. Giống như khởi đầu của những China town – phố Tàu trong
những ngày đầu xuất hiện”.
Kính thưa các vị
Trong những năm gần đây, các cơ quan
truyền thông thế giới và báo chí chính thống của chúng ta đã liên tục lên tiếng
về hành động của Trung Quốc trong vấn đề biển đảo và những cuộc “xâm lược mềm”.
Trung Quốc đã dùng sức mạnh về người, về tiền và vũ khí trắng trợn vi phạm chủ
quyền biển đảo của chúng ta và một số nước láng giềng của họ. Những nhóm du
lịch Trung Quốc ngang nhiên đứng giữa một số thành phố của chúng ta và tuyên bố
chủ quyền của họ. Gần đây nhất, một nhóm du lịch Trung Quốc nhất loạt mặc áo có
in bản đồ công khai tuyên bố một số hòn đảo của Việt Nam thuộc chủ quyền của
họ. Đây không phải là trò láo lếu của một thằng oắt con vô học trốn bố mẹ đi
chơi mà là chiến lược của Trung Quốc. Chỉ bằng những hiện thực ít ỏi vậy thôi
chúng ta cũng thừa đủ chứng cứ để hiểu Trung Quốc đã và đang làm gì với đất
nước chúng ta.
Kính thưa các vị
Đặt ngón tay lên nút ấn ngay cả nút ấn
phóng tên lửa mang đầu đạn hạt nhân sẽ không làm những ngón tay ấn nút ấy có
một chút gợn nào của sự đau đớn và chết chóc. Bởi thế nó dễ làm người ta bị
đánh lừa bởi những cảm giác êm ái khác ví dụ như cảm giác nền kinh tế Việt Nam
sẽ phát triển thành rồng thành hổ. Nhưng hậu quả sau đó thật khôn lường. Viết
đến đây, tôi nhớ tới một bài thơ của cố nhà thơ Phạm Tiến Duật khi ông viết về
một bà mẹ ở địa đạo Vĩnh Linh trong năm tháng chiến tranh khốc liệt chống Mỹ
bảo vệ tổ quốc. Bà mẹ Vĩnh Linh ấy nói “ Thà ăn muối suốt đời còn hơn là có
giặc”. Nếu chỉ vì miếng ăn thì trong những ngày này chúng ta sẽ không nghe
tiếng kêu của nhân dân vang lên khẩn thiết cho dù rất nhiều nhân dân của các vị
đang sống trong muôn vàn khó khăn. Và tôi biết, có những người trong các vị
trong những ngày này đã cất tiếng kêu công khai cùng tiếng kêu của nhân dân và
cũng không ít vị đang dày vò lương tâm.
Hơn lúc nào, lúc này tất cả chúng ta
phải thật tĩnh tại và suy ngẫm thật thấu đáo. Hơn lúc nào, lúc này chúng ta cần
sử dụng đến lương tâm và tình yêu tổ quốc của mình. Các vị có thể ấn nút thông
qua cho Trung Quốc thuê 99 năm 3 “vùng lãnh thổ đặc biệt” của chúng ta mà không
cảm thấy có gì bất trắc. Rồi mươi năm sau này, các vị cũng sẽ không cảm nhận
thấy gì cả. Nhưng 30, 50 hay 100 năm sau khi chúng ta trong đó có các vị đã tan
vào cát bụi hư vô, thì là lúc con cháu chúng ta đứng trước đất nước và bật khóc
hỏi : vì sao dân tộc chúng ta lại như thế này ???
Dân tộc chúng ta đang đứng trước những
thách thức khổng lồ. Có không ít các dân tộc trên thế giới ở những “cuộc chiến”
nào đó và ở một giai đoạn nào đó họ đã không chiến thắng. Nhưng điều quan trọng
nhất là các dân tộc đó đã không khuất phục. Bởi khuất phục là sự thất bại đau
đớn và hổ nhục nhất mà không có chiến thắng nào sau đó có thể bù đắp được. Và “sự
khuất phục” mới thực sự là thất bại thảm hại nhất mà không ai có quyền ngụy
biện.
Xin chúc các quí vị luôn là người chiến
thắng. Bởi nhân dân của các quí vị chưa bao giờ chịu khuất phục trong toàn bộ
lịch sử của mình.
Hà Đông, 3 tháng 6 năm 2018.
-------------------------------------------------
2. THƯ GỬI TS NGUYỄN ĐỨC KIÊN
tác giả Trần Kiêm Đoàn
giáo sư, tiến sĩ khoa học,
đang sống và làm việc tại California. USA
Ngày
30 tháng 5 năm 2018
Thư gửi: Tiến
sĩ Nguyễn Đức Kiên
Phó Chủ nhiệm Ủy
ban Kinh tế của Quốc Hội Việt Nam
Kính thưa TS.
Nguyễn Đức Kiên,
Trả lời câu hỏi
: “Về vấn đề an ninh - quốc phòng, ông có lo ngại khi thời gian thuê
đất dài và các đặc khu nằm ở vị trí khá nhạy cảm?”
TS. Nguyễn Đức
Kiên - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội đã nói: “Tại sao cứ sợ ảnh
hưởng của Trung Quốc tại các đặc khu. Tại sao ở Úc, Pháp, Mỹ... đều có
Chinatown. Ở California mình có Little Saigon. Ở đó toàn người Việt, nói bằng
tiếng Việt, thì bang California có lo ngại vấn đề an ninh quốc phòng hay
không?”
Là một người Việt
có song tịch (Mỹ -Việt), đã sống nửa đời ở Việt Nam và nửa đời ở Mỹ, tôi thấy
có trách nhiệm góp ý với ông và các quan chức đang ở vị thế lãnh đạo trong nước
nhằm làm sáng tỏ sự so sánh hời hợt và suy luận quá đơn giản của quý vị về vấn
đề ở tầm mức quốc gia như thế nầy.
Khi nói đến những
Khu Vực Đặc Biệt - Đặc khu (Special Zones) của một đất nước thì cần phải hiểu
ngay rằng đấy là những khu vực nằm trên một quốc gia có chủ quyền và toàn vẹn
lãnh thổ của riêng đất nước đó. Tuyệt nhiên không có ảnh hưởng hay sự nhúng tay
làm áp lực của nước ngoài bất cứ từ đâu đến. Từ năm 1934, Mỹ đã có những Đặc
khu Thương mãi với Nước ngoài (Foreign Trade Zone – FTZ) và Trung Quốc mới bắt
đầu thành lập các Đặc khu Kinh tế (Special Economic Zone – SEZ) từ năm 1980.
Trong chiến tranh Việt Nam, miền Nam đã có những Đặc khu Quân sự như năm 1962
có Đặc khu Rừng Sát, Đặc khu Quảng Đà nhưng ở vào một vị thế và yêu cầu chiến
lược cấp thời.
Các khu dân cư
và buôn bán ở tại Pháp, Úc, Canada, Hoa Kỳ của các nhóm nước ngoài như Phố Tàu
(China Town - Quartier Chinois)), Phố Hàn (Korean Town), Phố Việt (Little
Saigon) là hoàn toàn khác với những “Đặc khu” như Ts. Kiên đã nêu ra làm ví dụ
để so sánh và suy diễn với những “Đặc khu” của người Trung Quốc trên đất nước
Việt Nam.
Tôi đã đi qua
và đã tận mắt chứng kiến cũng như tìm hiểu trong quần chúng và chính mình nếm
trải sự xa lạ, vong thân, vong quốc khi tiếp cận với những “Đặc khu” Trung Quốc
tại Huế (Tân Mỹ), Đà Nẵng (Bãi biển Sơn Chà), Nha Trang (Đường Duy Tân dọc biển).
Những nơi đó, người Trung Quốc đã ngang nhiên biến những mảnh đất thân yêu Việt
Nam thành những “Tử cấm Thành” đại Hán của riêng họ. Họ che chắn bịt bùng như một
sào huyệt riêng tư, người Việt Nam không có quyền lai vãng đến đó. Ngoài ra, những
nhân sự người Trung Quốc là những kẻ mang sẵn tinh thần kiêu căng nước lớn,
giàu có. Chúng nghênh ngang sẵn sàng khiêu chiến, gây sự với người Việt Nam ló mặt
tới căn cứ địạ của họ. Và cũng đã có tin đồn phát tác rộng rãi trong quần chúng
rằng, có những tình huống éo le và mỉa mai hơn nữa là các quan chức Việt Nam
cũng bị cấm không được bước chân vào đặc khu nhượng địa của người Trung Quốc
trên đất nước Việt Nam.
Trong khi đó,
những khu Phố Tàu, Phố Hàn, Little Saigon… tại Hoa Kỳ và các nơi khác chỉ là một
hình thức văn hóa chủng tộc trong một quốc gia hợp chủng. Nếu Ts. Nguyễn Đức
Kiên dụng công tìm hiểu cẩn thận hơn thì đã không làm một sự so sánh khập khiễng
và phiến diện “đau lòng dân Việt” đến như thế.
Những nơi đó
không phải là một quốc gia trong một quốc gia như các Đặc khu Trung quốc trên đất
nước Việt Nam hiện nay. Như khu Little Saigon lớn nhất ở Santa Ana chẳng hạn là
một ví dụ điển hình phân biệt giữa cái gọi là đặc khu và khu phố thương mãi
bình thường.
Toàn khu phố
Little Saigòn là sở hữu của nhiều chủ nhân, nhưng địa bàn đất đai, kiến trúc là
tài sản quốc gia Hoa Kỳ. Giới chủ nhân kinh doanh hay sở hữu địa ốc hầu hết là
công dân Hoa Kỳ. Tất cả đều phải tuyệt đối tuân thủ luật pháp quốc gia từ thượng
vàng đến hạ cám. Tiếng Anh là ngôn ngữ hành chánh chính thức (official
language) mà từ một cái hóa đơn bán lẻ đến những văn tự giao dịch hàng ngày hay
các văn kiện quan trọng đều phải dùng tiếng Anh. Những chủ nhân kinh doanh
thương mãi hầu hết sử dụng song ngữ Anh-Việt mà tiếng Việt thì tùy nghi
(optional), nhưng tiếng Anh là bắt buộc (mandatory). Không biết nói tiếng Anh
thì phải dùng thông dịch viên chứ không phải như phường ú ớ chỉ biết rặt tiếng
Tàu trên xứ Việt. Mọi nguyên tắc và quy trình sinh hoạt đều phải theo đúng tinh
thần văn hóa, xã hội và pháp luật của Hoa Kỳ. Bất cứ một biểu hiện hay sự việc
xảy ra lớn nhỏ nào đều do cơ quan an ninh Hoa Kỳ đảm trách. Mọi sự gian dối,
phá rối, bạo hành, phạm pháp, tình nghi… dù ở mức độ lớn nhỏ nào đều do cơ quan
công quyền xử trị tức khắc.
Thưa Ts. Nguyễn
Đức Kiên,
Là người có
chút học vị, chắc ông khó có thể phủ nhận được thực trạng Việt Nam hôm nay là
đang nắm trong chiến dịch “Chinh phục bằng vũ khí mềm” của Trung Quốc đang diễn
ra quyết liệt tại Phi Châu, Nam Mỹ và Đông Nam Á mà nước Việt Nam chúng ta đã
và đang bị lún sâu vào con đường “bán nước” theo nghĩa thật, nghĩa đen, nghĩa
minh xác nhất của nó. Đó là sự kiện (không còn là hiện tượng nữa) diễn ra quá
rõ ràng rằng: đất nước Việt Nam, từ sông núi, biển trời tới đền đài, phố chợ… từ
Bắc chí Nam đã bị bán và đang bị bán từng phần cho đạo quân vũ khí mềm Trung Quốc
được trang bị và tiềm ẩn dưới nhiếu danh nghĩa khác nhau. Nghĩa là họ chở tiền
chứ không phải chở xe tăng, đại bác đi chinh phục Việt Nam và thế giới nữa. Bất
hạnh thay cho vận nước là đồng tiền chinh phục của Trung Quốc gặp đạo hùng binh
tham nhũng Việt Nam kẻ tung người hứng thì còn chi là gia tài tổ quốc!
Hệ lụy của đất
nước Việt Nam trước nạn xâm lăng của Trung Quốc còn dài. Vai trò kẻ sĩ ngày xưa
hay trí thức ngày nay đã được đặt định: “Đất nước an nguy, người thường phải
gánh” huống chi là thành phần trí thức và quan chức như quý ngài. Có một đại biểu
trong Quốc Hội quý vị thuộc đơn vị Quảng Nam đã lên tiếng xác định với đồng viện
rằng: “Có đặt vấn đề đúng, mới đưa ra cách giải quyết đúng!” Quả nhiên là vậy.
Cách đặt vấn đề của Ts. Nguyễn Đức Kiên về những Đặc khu đang hiện hữu của người
Tàu trên đất Việt là rõ ràng chủ quan và tùy tiện; nếu không muốn nói là mỵ dân
và sai lầm. Một nhà khoa bảng giữ chức vụ trọng trách trong Quốc Hội của một nước
95 triệu dân như ông mà nhìn sự thoái trào của đất nước như là một chuyện qua
đường bâng quơ và đơn giản như vậy thì làm sao tìm ra một con đường khả thi để
giúp dân, giữ nước.
Đây không chỉ
là sự góp ý riêng đối với trường hợp Ts. Nguyễn Đức Kiên mà là chung với các
quan chức đang nằm trong vị thế lãnh đạo Việt Nam. Rằng là: Cần đặt vấn đề đúng
đối với sự xâm lăng quân sự trên các vùng biển đảo đến cuộc vạn lý trường chinh
bằng vũ khí mềm của Trung Quốc vào Việt Nam. Cần bạch hóa những Đặc khu nhượng
địa để thế hệ con cháu mai sau không thống hận, nguyền rủa thế hệ đàn anh bất
tài, tham bạo. Đất nước là đất nước chung, một thế lực có thể nhất thời giữ độc
quyền cai trị; nhưng không ai là kẻ độc quyền yêu nước. Mong thay.
Đồng thời với
đôi điều góp ý trên đây, tôi cũng đã viết và trình bày về nạn du lịch của du
khách Trung Quốc tại Việt Nam và trên thế giới để có thêm thông tin về quan hệ
nhân văn và văn hóa ứng xử của người Trung Quốc nội địa và thế giới bên ngoài
trong thời hiện đại.
Là một người
con dân Việt sống xa quê hương, tôi chỉ xin có đôi điều góp ý chân thành.
Xin cám ơn quý
vị.
Trân trọng,
Trần Kiêm Đoàn,
MSW; Ph.D
California. USA
& Huế. VN.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét