Lê Đức Thịnh
* Về truyện ngắn “Đêm nguyệt bạch”
trong tập truyện ngắn cùng tên của nhà
văn Lê Trâm
Tôi
được nhà văn Lê Trâm tặng tập truyện ngắn “Đêm nguyệt bạch” (nxb Trẻ, 2018)
nhân một cuộc gặp. Sách ra đã lâu nên cái tâm lí háo hức, chờ đợi để được đọc
tác phẩm của anh cũng là điều thú vị.
Anh
em văn nghệ hay nói vui với nhau có ba trạng thái thể hiện khi ai đó được nhận
sách tặng: loại thứ nhất vui sướng khi được tác giả tặng nhưng không hề đọc, loại
thứ hai: chọn trong tập sách vài bài để đọc theo sở thích hay dư luận, loại
thứ ba: đọc nghiêm túc trọn vẹn tác phẩm.
Vì trong thời điểm bận rộn
nên trước mắt tôi tự nhận mình là loại bạn đọc thuộc nhóm thứ hai. Cái nhan đề tác
phẩm khiến tôi tò mò theo dõi câu chuyện qua lời kể của Lê Trâm và quả thực “Đêm nguyệt bạch” xứng đáng là một truyện
ngắn hay trong tập truyện.
Hai nhân vật chính trong
truyện là Tuấn và Hạnh, hai con người, hai tính cách, hai cuộc đời nhưng sự đưa
đẩy của tình huống, hai số phận đã giao cắt nhau trong đêm nguyệt bạch mà thăng hoa trong ăm ắp yêu thương để rồi đời sống
của họ đã chuyển sang một khúc rẽ mới.
Tuấn là một thanh niên
có cá tính, cuộc đời anh quăng quật giữa bao cảnh ngộ. Đi bộ đội thì làm lính của
một tay đại đội trưởng ngu dốt chỉ giỏi
nướng lính bởi thói bảo thủ; giải ngũ về quê làm cán bộ kỉ thuật hợp tác xã
thì dưới trướng tay chủ nhiệm hời hợt vô
trách nhiệm không điều hành nổi công việc; cuối cùng chán chường, không tiền
bạc, anh vắt kiệt sức mình cho những chuyến đi tìm trầm rủi nhiều hơn may, mỗi
chuyến đi là một cuộc phiêu lưu đầy mạo hiểm nơi rừng thiêng nước độc mà bạn địu thì tha hồ sát phạt nhau, thậm chí
thanh toán nhau là chuyện thường… Tuấn dường như mất phương hướng giữa bao
thăng trầm cuộc đời càng khiến anh thêm trác táng; cái cá tính ngang tàng, bất
cần đời của anh có cơ hội bộc lộ khá mạnh mẽ. Anh đập bàn và chửi vào mặt tay
chủ nhiệm bất tài mà kênh kiệu cũng như hồi đi lính anh từng chống lại lệnh đại
đội trưởng, thậm chí anh kìm chế để khỏi
kéo hết băng đạn trước tay chỉ huy và sau này khi lăn vào chốn rừng sâu núi
thẳm để ngậm ngải tìm trầm, anh sẵn sàng quăng tiền, vàng, đồng hồ vào những cuộc
sát phạt trác táng…
Cuộc đời của Tuấn nhiều
khi bị nhiễm bẩn bởi cái khó, cái đói và thói ích kỉ ngu muội của kẻ bề trên;
nhân cách bị chôn vùi thành cái thằng Tuấn
trơ như đá, không yêu không ghét, không một mảy may xúc động bất cứ chuyện gì… đến
mức anh hoài nghi chính mình “một tên tìm
trầm khói có thể tin là tốt được” để rồi cuối cùng tình yêu với Hạnh đã làm
tất cả đã bật dậy; cái thiên lương trong anh được Hạnh khơi gợi “có thể sống khác hơn được không anh Tuấn?” khiến nó đòi hỏi phải được lên
tiếng.
***
Cuộc đời của Hạnh cũng
thật éo le “một trái pháo trăm lẻ năm vu
vơ của tụi Đại Hàn nhà em chỉ còn mỗi mình em”. Chỉ với một vài câu kể nhà
văn đã khái quát được cái bi kịch của chiến tranh: tang thương, chết chóc, chia
lìa đẩy đưa Hạnh thành cô gái mồ côi, ở nhờ những người thân quen ít ỏi còn lại.
Và khi những người thân ấy mất đi, cô trở nên đơn độc đến mức lúc trở thành cô
giáo vùng cao, Hạnh không còn cái cảm giác bồi hồi trong đêm giao thừa xa quê,
mà sẵn sàng ở lại ăn tết với thôn làng dân tộc vùng cao - “sự cô đơn đã ám ảnh cô quá lâu rồi”.
Giữa những bề bộn oái ăm
của đời sống, cái thiên tính trong con người vẫn không mất đi. Với Tuấn thì đó
là lúc anh cảm thấy bị giằng xé giữa cuộc đời đầy trái khuấy: “Giá không có những con người như tay địa đội
trưởng, như lão chủ nhiệm; giá như, giá như… liệu mình có sống khác được không?”;
với Hạnh thì đó là tính cách dạn dĩ,
thương người nhưng đôi khi ngây thơ tin người đến liều lĩnh.
***
Trong dòng kể, tác giả
đã sắp đặt để những nhân vật của mình tìm lại bản thể. Tình huống Tuấn dường
như kiệt sức khi lạc giữa rừng sâu trong lần tìm trầm, anh mất phương hướng,
đói khát, sốt rét, lê lết đến bên suối tìm một cơ may sống sót khi gần như chỉ còn chút hơi tàn nơi cuống phổi.
Đúng lúc đó anh tình cờ gặp Hạnh giữa chốn núi rừng, dưới thác nước. Hạnh vẫn hồn
nhiên nghịch nước. Cô hiện ra giữa một cảnh tượng kì diệu ảo mờ chợt nhòa chợt
hiện giữa màn nước trắng xóa, trong ánh chiều muộn, với những đường cong tuyệt
đẹp ẩn hiện sau làn nước; nửa thánh nữ, nửa phàm nhân, nửa hư nửa thực. Nàng là
cô gái người kinh mang cái vẻ đẹp núi rừng với đôi mắt đen, sáng, khuôn mặt
xinh xắn và giọng hát trong trẻo, nhẹ
tênh, lan tỏa như muốn át đi tiếng suối rì rầm, tiếng thác gầm réo đã ám
vào số phận của Tuấn. Dù lúc này Tuấn đang có cảm giác cái chết đang đến gần
nhưng anh vẫn cố tận hưởng niềm sung sướng khi bắt gặp tấm thân lõa thể óng ả để rồi vẻ đẹp ấy đánh thức bản năng sống
trong anh.
Anh được Hạnh cứu sống.
Trong những ngày giữa núi rừng, cô giáo bản và chàng trai tìm trầm đã có những
kỷ niệm ăm ắp yêu thương. Cô cứu chữa anh bằng những viên thuốc trị sốt rét còn
sót lại, cô chăm sóc anh từ những bữa ăn, miếng bánh, kể cho anh nghe những câu
chuyện về mình như một cách để đối thoại với nửa kia của mình dường như đang
manh nha thật mơ hồ !
Tình yêu giữa hai con
người xa lạ đã nảy sinh trong những ngày như thế. Tuấn thấy thương Hạnh vô cùng
khi nhận ra những điều tốt đẹp hồn nhiên từ cô khiến anh cảm thấy mọi thứ đang
trở nên tuyệt vời; còn Hạnh thì càng lúc càng gần gũi, kín đáo trong khi đôi mắt
ánh lên, chập chờn những ánh lửa nhỏ và sẵn sàng cho những vũ khúc dâng hiến.
Trong tiếng trống bồng bềnh
của lễ hội Băn Calang ngày cuối năm của người dân tộc Catu, họ bày biện những
thứ bánh trái, đốt lên một đống lửa và trong thoáng chốc ảo huyền, Tuấn đã ngẩn
người nhìn Hạnh cong mềm những đường lượn đẹp mắt trong điệu múa kì ảo, vạch
lên những đường sáng như lụa lao tới anh. Và rồi cuối cùng, người Tuấn rung lên
bần bật, đầu óc choáng váng chao đảo, anh chìm đi trong đêm nguyệt bạch và khỏa
thân như múa. Cái đống lửa kia phải chăng mang ý nghĩa tượng trưng cho ánh sáng
đồng điệu của hai tâm hồn, soi rọi những góc khuất, xóa đi mặc cảm e dè, dẫn dắt
những trái tim đến những miền tâm tưởng mới mẻ khác thường.
***
Lê Trâm đã thành công
khi vận dụng thủ pháp “dòng ý thức”
xuyên thấm từng chi tiết trong câu chuyện. Dòng ý thức (stream of consciousness) là một thuật ngữ chỉ một xu hướng
sáng tạo văn học (chủ yếu là văn xuôi) trong đó tác giả tái hiện trực tiếp đời
sống nội tâm, xúc cảm và liên tưởng ở con người; theo đó ý thức là một dòng chảy
mà ở đó những tư tưởng, cảm xúc, liên tưởng bất chợt luôn lấn át nhau và đan bện
một cách kỳ quặc, "phi logic" trong những độc thoại nội tâm.
Tác giả đã để cho đời sống
nội tâm của nhân vật Tuấn vận động trong dòng chảy tâm trạng từ hữu thức đến vô
thức; từ hiện tại đến kí ức xa xôi nhung nhớ; có cả logic của sách vở và cái
phi logic của hiện hữu; có cả dự định tương lai nghiêm túc đan xen với ám tượng
nổi loạn của cái tôi cá nhân thời nhiễu nhương; có những chi tiết lung linh, thấm
đẫm chất trữ tình xen lẫn với những dằn vặt, hằn học... và cuối cùng, tác giả để
cho bạn đọc nhận ra vẻ đẹp của nhân vật, nhận thức chủ đề câu chuyện qua dòng ý
thức đó.
Có ai đó đã
nói về nhân vật
truyện ngắn rằng: “Qua một nỗi
lòng, một cảnh ngộ, một sự việc của nhân vật, nhà văn muốn đối thoại với bạn
đọc một vấn đề nhân sinh”.
Trong “Đêm nguyệt bạch”, nhà văn Lê
Trâm đã đối thoại với chúng ta không chỉ một mà nhiều vấn đề nhân sinh qua chuỗi
sự việc và nhân vật. Đó là những chiêm ngẫm của nhân vật chính về đời sống đồng
thời cũng là thông điệp nhân sinh mà tác giả muốn thủ thỉ đây đó trong trang
viết cùng bạn đọc; chẳng hạn như: “Tuấn
mơ hồ cảm thấy càng làm ra tiền người ta
cứ tha hóa dần đi” hoặc “Thiên hạ còn
đạp lên đầu người khác để giành giật địa vị tiền bạc của cải” hoặc “người tốt ở đâu cũng có”… Cách chuyển
tải thông điệp như thế khiến tôi liên tưởng đến cách tỉa ý của Nguyễn Huy Thiệp – cái nhà văn cần nói thường được đặt
vào đối thoại, độc thoại, độc thoại nội tâm nhân vật hoặc vào những tiểu tiết
trong tác phẩm.
Đặc biệt
trong truyện, tác giả đề cập đến tình yêu và tình dục là hai mảng màu đậm nét
tạo nên vẻ đẹp của tác phẩm.
Tình yêu của Tuấn và Hạnh là trạng thái của bản thể vừa
thế tục vừa cao cả, tình yêu ấy thăng hoa trong âm nhạc cùng những vũ khúc của
rừng giữa thời khắc thiêng liêng ảo diệu không bắt gặp lại bao giờ; và quan trọng
nhất là nó giúp con người đứng dậy, vươn lên từ bậc đá của cái chết.
Tính dục trong truyện được
tác giả thể hiện vừa phải, có sức gợi nhiều hơn là tả nhưng vẫn đủ để bạn đọc cảm
nhận được dục tình bản năng. Dường như tôi liên tưởng đến cách viết sex Lê Trâm
với Haruki Murakami trong tác phẩm “Rừng
Na Uy” ở độ tinh tế mà đủ sức hấp dẫn trong những trang viết của mình.
***
Câu chuyện chỉ hơn hai
mươi trang sách nhưng đọc xong chúng ta âm thầm nhận thấy rằng không phải là Lê
Trâm đang kể mà anh đang đối thoại, lật ngược mọi ngóc ngách phận người để truy
vấn đôi điều về nhân sinh trong vòng xoáy của cảnh ngộ và nghịch lý.
Ngôn ngữ trong tác phẩm
tinh tế, tài hoa, gợi lên nhiều điều rất đáng ngẫm ngợi về con người và đời sống.
Kết cấu của truyện được
anh xây dựng theo lối khuấy đảo mọi trình tự thời gian và không gian đôi khi dòng
sự kiện phó mặc cho ngẫu hứng, phi hiện thực. Mở đầu truyện là không gian đầy
màu sắc lễ hội của người miền núi khiến Tuấn nhớ lại kí ức đẹp đẽ với mối tình của Hạnh. Hồi
ức đó được tác giả tái hiện thành những trang viết đầy chất lãng mạn, kỳ ảo “điệu múa dồn dập, sôi nổi như gió cuốn.
Bóng những cánh tay trắng muốt cứ vươn lên, nở ra liên hồi... thân thể trẻ
trung vạch lên một đường sáng như dải lụa”. Tuấn giờ đây đã trở thành con
người khác, một lần nữa số phận lại đưa đẩy để cái công việc mà anh làm hôm nay
lại luôn gợi nhắc đến kỉ niệm khó phai khiến cuộc đời anh ra khỏi mép vực. Dường như trong anh cái niềm trắc ẩn về quá khứ
luôn hiện hữu khiến anh rưng rưng vì đã chậm chân bỏ lỡ những gì đã thuộc về
mình.
Tôi thích nhất
cái cách kết thúc truyện. Nếu truyện kết thúc theo lối có hậu – Tuấn và Hạnh trở thành một cặp đôi ăn đời ở kiếp bên nhau
thì quả thật là bình thường, mang phong cách cổ điển. Lê Trâm đã chọn cái kết mở,
kết thúc không chỉ giản đơn là sự dừng lại hay chỉ là kết thúc số phận nhân vật,
kết thúc mâu thuẫn, kết thúc dòng kể mà nó còn gợi mở ra nhiều điều về quá
khứ, hiện tại và tương lai, tạo nên sự đồng cảm sáng tạo đối với người đọc
sau khi gấp trang sách lại mà vẫn ám ảnh, nuối tiếc, suy tư.
Đó là tất cả
những gì mà nhà văn Lê Trâm muốn soi sáng cùng chúng ta trong đêm nguyệt bạch và tôi đoan chắc rằng mỗi
người đàn ông trong cõi đời đều có một đêm
nguyệt bạch như thế của mình.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét