7/6/18

1.158. TẢN MẠN VỀ GIÁ VÀ PHÍ


             Mộc Nhân

Vì sao xu hướng chuyển đổi từ phí sang giá đang dần trở nên nóng trong xã hội?

“Phí” (fee) được hiểu là một khoản tiền cố định phải trả cho dịch vụ công, nhằm bù đắp một phần các chi phí mà cá nhân, cơ quan, tổ chức đã bỏ ra. Từ “phí” đã trở nên quen tai trong các tổ hợp ghép chính phụ như: học phí, viện phí, lộ phí, tình phí, cước phí, lệ phí, phí tham quan…
Trong khi đó “giá” (price) lại mang hàm nghĩa rộng hơn bao gồm tất cả các loại chi phí, trong đó có phí, thuế, các khoản phụ thu và cộng thêm cả lợi nhuận. Từ giá cũng quen thuộc và tồn tại trong các tổ hợp ghép như: giá xăng, giá nhà đất, giá hàng hóa, giá dịch vụ… Nói rõ hơn, “giá” là tổng chi phí (cost) mà bạn phải trả tiền cho việc mua một món hàng hay sử dụng dịch vụ.  
Như vậy, có thể thấy, “phí” (free) chỉ là một phần trong chi phí (cost), còn “giá” (price) là tổng tiền trong đó gồm cả freecost. Chẳng hạn trong giá xăng dầu có cả: phí bảo vệ môi trường, + các chi phí sản xuất kinh doanh như pha chế, vận tải, xuất nhập cảng, khấu hao... + các loại thuế + lợi nhuận của tổng công ty, công ty, đại lí...
Thu phí phải được phép của cơ quan, tổ chức quản lí về mức thu trong mối tương quan với sự phù hợp về mặt xã hội. Bởi vậy học phí, viện phí, lệ phí… đều phải do nhà nước qui định và hội đồng nhân dân thông qua; khi đã thông qua tức là phí ấy đã hợp tình hợp lí không có gì phải bàn cãi; vậy nên khi nộp phí người ta thường mặc nhiên chấp thuận, ít có chuyện cò kè, so đo, bàn cãi. Nếu có ý kiến bất đồng thì đề xuất lên cấp trên để nghiên cứu xem xét.
Còn “giá” thì do cá nhân, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp quyết định sau khi tính toán tổng chi phí và lợi nhuận nhà đầu tư hay sản xuất. Tất nhiên giá cũng phải tuân theo qui luật thị trường tức là phải phù hợp với nhu cầu, thị hiếu, thuận mua vừa bán… Vì giá là khái niệm thị trường nên ông chủ hàng hóa dịch vụ có quyền báo giára giá, có khi lên giá hoặc hạ giá, phá giá tùy theo tình hình thị trường; còn người mua thì có quyền trả giá, và chọn lựa mức giá phải chăng… Hãy hình dung nếu hàng hóa dịch vụ thuộc loại phong phú trên thị trường thì người mua còn cò quyền chọn lựa ngã giá, ngược lại nếu hàng hóa dịch vụ nào đó kiểu như con đường độc đạo có trạm BOT thì người tiêu dùng sẽ ở thế bất lợi vì không có lựa chọn nào khác khi đứng trước barier "trả đúng, trả đủ" mới cho đi tiếp. 
Quay trở lại câu chuyện trạm thu phí đổi thành trạm thu giá ta thấy rõ Bộ GTVT đã chơi trò lách luật để mưu đồ lợi ích nhóm và bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư hơn là bảo vệ lợi ích chính đáng của người dân. Họ đã lách từ “Luật Phí và Lệ phí” (năm 2012) sang “Luật Giá” (năm 2017) theo đó giá thì "linh hoạt" điều chỉnh sao cho có lợi nhất, còn phí thì cố định, và muốn thay đổi phải thông qua cấp Bộ, UBND hoặc Hội đồng nhân dân địa phương. Sự lách luật này không làm thay đổi bản chất hành động người dân móc tiền túi trả cho lộ phí một hành trình tuy nhiên khiến người dân khó chịu về sự ngang trái của chữ. Nhiều trí thức đã phẫn nộ gọi đây là cách dùng chữ dốt nát ngu độn về ngôn ngữ, là sự trí trá về lập luận, là sự xảo quyệt về ý đồ… qua đó phần nào thể hiện sự yếu kém về tư duy và ứng xử trong quản lí xã hội. Hãy hình dung một cách khôi hài: người đi đường đến chỗ này móc tiền ra để trả phí sử dụng đường bộ, sau đó đến đoạn đường khác anh ta lại mọc tiền ra trả giá sử dụng đường bộ... cứ thế: phí - giá, phí - giá... bản chất hành động chẳng có chi là khác biệt, chỉ có khác biệt trong túi tiền của ông chủ BOT mà thôi.
Hưởng ứng phong trào thu giá của Bộ GTVT, Bộ Giáo dục - Đào tạo cũng đề xuất thay từ học phí bằng học giá được diễn đạt bằng cụm từ Giá dịch vụ đào tạo nhằm "tính đúng, tính đủ" các chi phí đã bỏ ra và có cả lợi nhuận của cơ sở giáo dục trong đó. Từ trước đến nay, người Việt vốn dĩ đã quen thuộc với cụm từ học phí bất kể trường công hay trường tư. Nay nếu chuyển từ học phí thành "giá dịch vụ đào tạo" khiến cho nhà trường trở thành nơi thương mại hóa giáo dục một cách trắng trợn. Hãy hình dung thầy cô giáo dạy thêm cho học sinh, trước đây thu tiền học phí dạy thêm giờ đây chuyển thành thu giá dịch vụ dạy thêm… thật vô cảm biết bao.
Sự thay đổi từ phí sang giá nằm ở sức hấp dẫn của từ giá; sức hấp đó chính là đồng tiền. Vì đồng tiền người ta sẵn sàng đánh tráo chữ nghĩa, sẵn sàng để công luận mắng chửi là ngu dốt nhưng họ lại rất ranh ma khi mị dân, tự chuyển hóa vì những lợi ích của nhóm mình.
Sau câu chuyện phí và giá của hai bộ GTVT và GD-ĐT, biết đâu có nhiều bộ ban ngành khác cũng đang đệ trình lộ trình chuyển phí thành giá để cho đầy túi tiền nhóm quyền lợi và quyền lực của mình… Thật khôi hài, đau đớn, bất lực, xót xa biết bao khi xã hội đang vận hành theo cơ chế giá như trong truyện Kiều – Nguyễn Du:
     “Cò kè bớt một thêm hai
     Giờ lâu ngã giá vâng ngoài bốn trăm.”

Không có nhận xét nào: