Mộc Nhân
Trong các phép tu từ tiếng Việt có biện pháp “nói giảm nói tránh” hay còn gọi là “khinh
từ”, “nhã ngữ”, “uyển ngữ” là cách biểu
đạt tế nhị, uyển chuyển, tránh gây cảm giác quá buồn đau, ghê sợ, nặng nề,
tránh thô tục, thiếu văn hóa…
Nói giảm nói tránh là cách sử dụng ngôn ngữ thể hiện thái độ
lịch sự, văn hóa trong giao tiếp ứng xử mang tính tích cực.
Nguyễn Khuyến khi khóc người bạn già của mình là Dương Khuê đã viết “Bác
Dương thôi đã thôi rồi/ Nước mây man mác ngậm ngùi lòng ta” – cụm từ “thôi đã
thôi rồi" thông báo một cái tin đột ngột, đau buồn, đồng thời cũng là một
lời kêu tuyệt vọng trước định mệnh phũ phàng khi người bạn đã qua đời. Trong
ngôn ngữ đời thường người ta cũng hay biểu thị thái độ nhã nhặn, lịch sự bằng
cách nói tránh. Ví dụ nói “học chưa được khá” dùng thay cho "học
kém", “chưa đẹp lắm” thay cho “xấu”… ít nhiều cũng tạo cảm giác dễ chịu
cho người nghe.
Tuy vậy trong thực tế, do những nguyên
nhân khác nhau, người ta lại lạm dụng kiểu nói tránh như vậy không phải để tạo
lời nói có văn hóa trong giao tiếp mà thực chất là họ muốn thay đổi bản chất
của sự việc. Đây là cách “nói giảm nói tránh”, dùng “uyển ngữ” với mục đích
tiêu cực bằng những trò xiếc chữ.
Hiện tượng này thể hiện khá phổ biến trong các hoạt động chính trị xã
hội. Chẳng hạn thay vì nói là “thua lỗ,
nợ nần” thì người ta nói là "đạt
thành quả hạn chế"; trong nội bộ đấu đá, phe phái thì người ta dùng
cụm từ "đoàn kết nội bộ chưa cao";
khi nói về số đông tiêu cực thì diễn đạt là “một
bộ phận không nhỏ”; những nơi thường xuyên ngập nước ở Sài Gòn được gọi là
điểm “tụ nước”…
Bằng cách diễn đạt nhã ngữ
như vậy, người ta đã che đậy bản chất sự việc trước cấp trên, với công luận thì
đó là cách dối trá, mị dân, xoa dịu sự phẫn nộ của nhân dân.
Gần đây nhất toàn xã hội sôi lên vì tất cả các trạm thu phí BOT trên cả
nước đồng loạt đổi tên thành “trạm thu giá”. “Thu phí” (đối với đoạn đường
thuộc quản lí nhà nước) hay “thu giá” (đối với đoạn đường mà doanh nghiệp đầu
tư xây dựng, vận hành, thu phí để hoàn vốn rồi chuyển giao công trình cho nhà
nước sau khi thu hồi vốn, và lãi theo thoả thuận với nhà nước) - về bản chất quan
hệ hành động không thay đổi tức là chủ phương tiện phải móc ví trả tiền khi đi trên
đoạn đường được phép thu. Bộ trưởng
Bộ Giao thông vận tải lý giải cho việc thay từ “thu phí” thành “thu giá” rằng
điều đó giúp cho việc điều chỉnh giá phí qua trạm linh động hơn, không bị điều
chỉnh bởi quy định về phí của Bộ Tài chính. Cách giải thích này không ổn, hay
nói cách khác là bẻ cong ngôn ngữ (tối nghĩa), đồng thời ẩn chứa một thông điệp
rằng BOT là sản phẩm của doanh nghiệp,
và quyền định đoạt về giá phí thuộc về doanh nghiệp. Khái niệm “thu giá” không
chỉ khiến người dân khó chịu về sự ngang trái của chữ (nhiều trí thức đã phẫn
nộ gọi đây là cách dùng chữ dốt nát), mà nghiêm trọng hơn, nó có thể khiến
người dân nghi ngờ động cơ của nhóm lợi ích có chân rết từ cấp cao.
Bàn về cụm từ "thu giá", chúng ta thấy rõ : "Thu giá" là sự ngu độn về ngôn ngữ, là sự
trí trá về lập luận, là sự xảo quyệt về ý đồ, là sự lỳ lợm và
trắng trợn trong thái độ đối với người dân... Bản thân ngôn ngữ không có tội, nhưng ngôn ngữ là thứ dễ bị lợi dụng để
giúp người ta ngụy trang những sự việc tạo hoài nghi, bất mãn trong xã hội. Một
đằng cho thấy các nhà quản lý đã tìm cách lách luật trước phản ứng của dư luận
về các vấn đề xã hội, tuy nhiên sự bẻ cong chữ nghĩa như trên phần nào thể hiện
sự yếu kém về tư duy và ứng xử trong quản lí xã hội.
Và cách sử dụng ngôn ngữ như trên không thể xem là biện pháp tu từ được.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét