8/5/18

1.129. NGƯỜI ĐAM MÊ GIAI ĐIỆU TÌNH CA

Bài viết của Nguyễn Tấn Ái về tập sách "Bob Dylan - Mai sau biết đến bao giờ" 
                        Mộc Nhân Lê Đức Thịnh - Nhà xuất bản Hội Nhà Văn, 2018


Bài viết đã đăng trên trang Văn nghệ báo Quảng Nam ngày 26/5/ 2018


Trong thời gian gần đây, Mộc Nhân xuất hiện trong sinh hoạt văn nghệ với một bút lực khá sung mãn. Dường như bao nhiêu nội lực dồn nén đã đến hồi bung ra tạo thành cơn sóng trong sáng tạo: một tập thơ, ba tập dịch, vài đầu sách chuyên ngành và có lẽ còn cơ man nào là những bản thảo và dự tính. 

Riêng với mảng dịch thuật, kiên trì một đam mê dịch tình ca của Bob Dylan, Mộc Nhân đã chọn một con đường riêng để đi, và đã thành công, một thành công đến từ sở trường - Mộc Nhân cũng là cây guitar đằm ngón, và là một nhà thơ đằm chữ. Một lựa chọn có định hướng tri thức, bởi kết hợp được giữa thơ - nhạc và vốn ngoại ngữ phong phú. Một tích hợp không dễ có và dĩ nhiên không phải ai cũng có quyền đam mê và biến đam mê thành hiện thực.
Để giải mã hiện tượng năng lượng sáng tạo định danh Mộc Nhân, hãy xem Bob Dylan đã hấp dẫn người dịch từ những phương diện nào? Qua anh tâm sự, anh hâm mộ và đeo đuổi Bob từ thuở ôm đàn guitar búng lên thành giai điệu và tan chảy vào tình yêu đôi lứa, tình yêu văn chương, tình yêu nhân loại trong những tia sáng diệu kỳ của Bob, ta hiểu hấp lực toả ra từ Bob là một từ trường tình yêu. Như thế, trong chọn lựa của mình, dịch giả đã chuyển đến người đọc thông điệp thẩm mỹ mà tác giả Nobel văn chương 2016 đã một đời ký thác: cuộc đời là câu chuyện tình ca, và hãy cố giữ cho cuộc đời luôn là câu chuyện tình ca.
Cất cánh từ một nền văn hoá đa diện như một ly cocktail nồng nàn sáng tạo, những vẫy gió của cánh đại bàng trắng mang tên Bob Dylan là những ca hát của dòng sông Mississippi, của thảo nguyên mênh mông và những chàng cao bồi lang thang, của Mark Twain và Hemingway, của tiếng chuông nhà thơ ngân vang với những thánh đường Ki-tô giáo, là ý chí tự do của Washington và Thomas Jefferson... Song nó đã không chỉ là những nốt nhạc mà là những chùm hợp âm, không chỉ là những hợp âm mà là những giai điệu, không chỉ là giai điệu mà đã là những hoà âm, sự công nhận của Nobel văn chương năm 2016 nói lên rằng Bob Dylan đã là tài sản của nhân loại, và Bob đã sám hối khi mình dấn thân vào nhân loại quá trễ muộn:
“Tất cả năng lực thể hiện và tư duy của tôi thật tuyệt vời
 Xin bạn đừng phán xét nguyên nhân hay vần điệu
Chỉ có một điều tôi đã làm sai
Ở lại Mississippi một ngày quá dài
Giẫm chân lên thảm lá lìa cành
Cảm giác như gặp một người lạ vô ảnh vô hình
Có rất nhiều điều mà chúng ta sẽ chẳng thể không làm
Tôi biết bạn hối lỗi, tôi cũng vậy”.
Như thế, Bob Dylan đã rời bỏ ngôi nhà vàng mơ ước mà dấn thân vào mênh mông làm một chiếc lá trong một thảm lá lìa cành như một định mệnh, một lộ trình nhân loại. Và ta biết đó là một lộ trình lớn, lộ trình của những người khổng lồ không chịu ngủ quên trong đời chật. Một xác tín của lực hấp dẫn!
Và xác tín ấy đã thả rơi tự do những vỉa ý tưởng phát sáng.
Là niềm tin vào tình yêu, bởi rời bỏ tất cả là để tìm về một tình yêu:
“Tôi tin vào em khi đông chuyển hạ
Tôi tin vào em khi đời đổi trắng thay đen
Tôi tin vào em không gì đo đếm
Dù đất trời điên đảo
Dù bạn hữu bỏ rơi
Cũng không làm tôi quay lại.”
Và đây là ám ảnh nguồn cội và khao khát trở về nguyên thuỷ của tuyển dân Israel đã tương ngộ với Bob trong hành trình tâm tưởng tìm về nguồn cội khi lạc loài giữa một quốc gia đa chủng tộc: “Thiên thần tuyệt diệu, hãy tin tôi khi tôi nói rằng những gì Chúa ban cho chúng ta thì không ai có thể lấy đi. Chúng ta ngập chìm trong máu. Em biết rằng tổ tiên của chúng ta là người nô lệ. Chúng ta hy vọng họ nhận thấy sự tri ân trong những nấm mộ đầy xương.”
Kinh Thánh Xuất Ê-díp-tô ký kể rằng từ trong Ai Cập xứ nô lệ, Môi-se đã đưa con cháu Gia-cốp vượt biển đỏ làm cuộc hành hương trở về xứ thánh trong sa mạc, trong đói khát, trong máu. Đó là cuộc hành hương của niềm tin.
Và, giữa mênh mông, lòng cũng hãy rộng rãi dìu nhau vào ngõ chật như một tự do tuyệt đối:
“Cởi đôi giày ra đi em, việc gì mà sợ
Mang chai rượu kia lại đây
Anh sẽ là người tình của em đêm nay.”
Tôi đã lẫy ra từ một vũ trụ Bob Dylan một vài vì sao băng để thử hỏi vì sao tôi viết những dòng này. Để thử hỏi vì sao Mộc Nhân đã tìm câu trả lời cho ý đồ sáng tạo của mình từ bầu trời mà không phải là mặt đất.
Song với người đọc chưa có điều kiện tiếp xúc văn bản Anh ngữ, vai trò người dịch là ở chỗ phải đảm bảo tính thẩm mỹ trong ngôn ngữ dịch, sao cho tiếng hoạ mi của giai điệu kia khi thoát ra khỏi khí quyển sinh tồn ban đầu mà vẫn y nguyên một ban sơ nguồn cội, và dịch giả đã làm được điều đó một cách thoả đáng, những ca từ qua lời dịch thấm đẫm tinh thần thơ ca với nhịp điệu và tiết tấu, đôi khi cả vần điệu cũng được tận dụng để chuyển tải tâm tình:
“Tôi đã từng ôm em
Em nói sẽ giữ mãi
Nhưng tôi thật tệ hại
Tựa như kẻ ngông cuồng
Tôi ném đi mọi thứ
Dắt nhau qua núi đồi
Những dòng sông vẫn chảy
Tôi phát điên lên thôi”.
Long lanh trong lời dịch là một chuyển thể khá thành công với sự tương giao của nhạc tính và thi tính. Thi tính giàu trọng âm của Anh ngữ đã được lưu giữ bằng nét duyên mềm mại của thi tính Việt, là bước thơ với tiết tấu linh hoạt được kết nối bằng âm vận tạo một hài hoà da diết:
“Gã nhân viên nghĩa trang nhầm lẫn thở dài
Người chơi đàn organ cô đơn khóc than
Người chơi cây kèn saxo màu bạc nói lời từ chối
Tiếng chuông rè và chiếc kèn horn cũ kỉ
Thổi vào mặt tôi với sự khinh miệt”.
Một trong những thành công trong bản dịch là ở chú trọng trau chuốt ca từ. Ca từ với cái trữ tình đằm thắm của tình thơ và sự diễm lệ của ngôn ngữ. Là trước hết, hay là sau cùng, ngôn ngữ nghệ thuật phải thoát lên, bay lên khỏi tầng ngữ nghĩa điển vựng để tan chảy vào thẩm thấu người đọc như một mời gọi cộng nghĩa. Có lẽ ở điểm này người dịch vốn đam mê Trịnh Công Sơn đã thọ giáo nhiều ở người nhạc sĩ tài hoa để tạo nên một ngôn ngữ chuyển thể giàu sức gợi của nghệ thuật thi ca. Ở phương diện này, chừng mực nào đó Mộc Nhân đã làm được yêu cầu tuyệt đối của dịch giả là giải phóng mình khỏi hình ảnh nguyên gốc để được là độc giả đồng sáng tạo với nguồn cảm hứng vừa quen thuộc vừa lạ lẫm. Người dịch có bản lĩnh và tự trọng phải là người tình mà không bao giờ là nô lệ của một ông chủ. Như đâu đó một Trần Dạ Từ trong nốt nhạc Trịnh Công sơn, một Du Tử Lê trong giai điệu Từ Công Phụng:
“Hãy ôm ấp nhau
Cho đêm trôi qua
Mọi điều rồi ổn thỏa
Khi tôi một mình bên em
Một mình bên em
Lúc ngày đã tàn
Chỉ còn thấy em
Khi hoàng hôn tan”.
Có đôi lúc người dịch đã không theo kịp, không phối kết cùng lúc với tác giả tạo nên độ vênh trong tương tác, có cảm giác con ngựa thiên lý Bob Dylan đã lồng lên mang chàng kỵ mã Lê Đức Thịnh ném vào cuồng nộ của ý tưởng trong sự bất lực của kỵ sĩ. Cũng dễ hiểu thôi, bởi Bob Dylan là một tầm cỡ ngoại hạng.
Song thiết nghĩ vấn đề không phải là đích đến mà là ta đã đi, không phải là thành công hay thất bại mà là ta đã sống. Đó là niềm vui của Lê Đức Thịnh, như lời tự nhủ của lão già Santiago trong một Nobel khác, Nobel Văn chương 1954 của Hemingway - đơn giản là ta đã đi quá xa:
“Chẳng tìm thấy sự giúp đỡ nào
Cũng chẳng có gì là thái quá
Tôi đã thực sự đi xa
Và chỉ nghĩ đến chuỗi giấc mơ thôi.”
Santiago - “Ngư ông và biển cả”, Mộc Nhân Lê Đức Thịnh - kỵ mã và dặm dài thiên lý, cũng thế thôi, đang làm một hành trình đơn độc để đối thoại vào mênh mông, để nhận ra sức mạnh đam mê và cả những yếu đuối trong hạn chế của chính mình, cũng là hành trình tự khám phá như lời tự thú của chính anh: mong muốn không gì khác hơn là khám phá bản thân cùng đối thể trong sự vận động tự thân.

Tôi góp đôi dòng không là đối thoại cùng người dịch, mà cũng chỉ là thêm một lời độc thoại!

Tam kỳ, những ngày nghỉ cuối tháng 4- NTA.
----------------------------------------------------------------
Nguyễn Tấn Ái - Gv Văn học, Trường THPT Chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm, Quảng Nam



Không có nhận xét nào: