2/5/18

1.124. THAY ĐỔI CT VÀ SGK MÔN NGỮ VĂN (2)


           Bài 2 - GS Trần Đình Sử
        Tổng chủ biên sách Ngữ văn THPT hiện hành

Chương trình giáo dục phổ thông môn ngữ văn đã được Bộ Giáo dục đào tạo công bố để xin ý kiến của đông đảo các chuyên gia và bạn đọc trong nước, ngoài nước. Đã có nhiều cuộc trao đổi, tọa đàm có sự tham gia của nhiều nhà khoa học, nhà văn, nhà giáo. Nhiều ý kiến băn khoăn, phê bình một số ưu, khuyết điểm của chương trình. Có không ít người góp ý xây dựng, nhưng do chưa thật hiểu chương trình, cho nên chưa sát. Có ý kiến thậm chi đề nghị làm lại. Là một người từng biên soạn chương trình, chủ biên và tổng chủ biên SGK phổ thông, tôi xin nêu một số nhận xét đánh giá như sau.

Chương trình gíáo dục phổ thông môn ngữ văn được biên soạn công phu, khoa học, quán triệt tinh thần chỉ đạo của các nghị quyết của Đảng, văn bản của Quốc hội và Chính phủ, tuân thủ các quy định của chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, kế thừa ưu điểm của chương trình hiện hành, vận dụng các tư tưởng và kinh nghiệm giáo dục của một số nước tiên tiến, do đó có nhiều điểm mới đáng ghi nhận.
Một là xác định mục tiêu đào tạo gồm các phẩm chất và năng lực của người học. Chương trình đã cung cấp các tiêu chí của năng lực và phẩm chất một cách cụ thể, chi tiết, cho phép người dân, người soạn sách và người giáo viên có thể hình dung ra người học sinh – sản phẩm mà mình phải đào tạo sẽ như thế nào. Điều này giúp sáng tạo những phương pháp thích hợp để thực hiện.
Hai là trong toàn bộ chương trình đặt trọng tâm ở đào tạo năng lực người học, lấy trục đọc viết nói nghe làm trục chính để thiết kế các yêu cầu cần đạt trong giao tiếp là xu hướng giáo dục của các nước tiên tiến, không phải là dạy ngoại ngữ như nhiều người hiểu lầm. Điều này sẽ đảm bảo rằng các kiến thức cụ thể không còn là trọng tâm giáo dục, và các kì thi cử sẽ lấy trọng tâm ở năng lực để ra đề, góp phần khắc phục bệnh thầy đọc trò chép, học bài tủ như trước đây. Việc xác lập trục đọc viết nói nghe là một nhấn mạnh toàn diện đối với giáo dục ngữ văn. Trước đây mới quan tâm đọc viết, nói và nghe cũng là một khâu rất quan trọng, ở các nước có sách nghiên cứu và dạy riêng, nay nêu lên ở đây mở đầu cho những nghiên cứu, giảng dạy về sau.
Ba là đào tạo cơ bản và đào tạo hướng nghiệp ở THCS và THPT, thực hiện tích hợp và phân hóa. Điều này làm cho sự phân biệt cấp học được rõ rệt, giúp hoàn thiện cấp đào tạo THCS và đổi mới cách giáo dục hướng nghiệp cho THPT, điều mà trước đây chưa nhận thức rõ.
Bốn là đã xây dựng hệ thống nội dung dạy học từ lớp một đến lớp 12 theo từng lớp một cách chi tiết, điều mà các chương trình trước đây chưa làm được.
Năm là đề xuất các phương pháp dạy học ngữ văn và kiểm tra đánh giá phù hợp với tinh thần đổi mới giáo dục.
Sáu là đề xuất phương án mở, tạo điều kiện để thực hiện thể thức một chương trình nhiều SGK, chống độc quyền và thu hút các nhân tài trong nước tham gia biên soạn SGK phổ thông, làm phong phú tài liệu học tập cho học sinh. Đó là những thành công rất cơ bản của dự thảo chương trình giáo dục phổ thông môn ngữ văn mới.
Đây là chương trình được xây dựng theo tư tưởng mới, tiên tiến, đáng được khẳng định để đi đến hoàn thiện. Có ý kiến cho rằng ngữ và văn là hai khoa học khác nhau, không nhập một được, do đó môn ngữ văn là thiếu cơ sở, phải làm lại. Theo chúng tôi nhận thức đó là không đúng, bởi đây là môn học ngữ văn, chứ không phải là các chuyên ngành khoa học như đại học. Bộ môn này vừa đào tạo năng lực ngôn ngữ dân tộc, vừa đào tạo năng lực văn học ở trình độ phổ thông, nước nào cũng làm như thế, dù tên gọi khác nhau. Môn học ngữ văn thực chất là một môn học tích hợp ba phân môn: tiếng Việt, Làm văn, Văn học, ba phân môn này trước đây có ba sách giáo khoa riêng. Trước đây đã gọi là môn văn, coi nhẹ phần tiếng và làm văn. Quan niệm giáo dục ngày nay rất coi trọng các văn bản phi văn học. Có lần đã gọi là môn Tiếng Việt – Văn học, vẫn thiếu. Nếu gọi bằng hết các tên gọi ấy thì quá dài, cho nên gọi môn ngữ văn và chỉ có một sách giáo khoa. Đó là một tiến bộ mà không nên làm ngược lại.
Tuy vậy, chương trình văn bản khoa học, pháp lí, có ý nghĩa lâu dài, lại đang trên đà hoàn thiện, sửa chữa, để đi đến thẩm định, công bố, tôi xin nêu một số nhược điểm để các soạn giả tham khảo, bổ sung sửa chữa để nâng cao thêm chất lượng khoa học của công trình.
Một là về mục tiêu đào tạo. Phần mục tiêu đào tạo cụ thể hoá mục tiêu giáo dục chung của chương trình tổng thể vào môn ngữ văn. Phần viết về mục tiêu này có hai nhược điểm: Một là cách viết mục tiêu theo lối cụ thể hoá và liệt kê các biểu hiện. 
Hai là về mục Yêu cầu cần đạt. Mục này thực chất là cụ thể hoá của Mục tiêu bộ môn. Do đó nó có nhược điểm là không tránh khỏi sự trùng lặp trong diễn đạt về các mục tiêu về phẩm chất đã nêu. Cách viết cũng lại là các biểu hiện cụ thể, liệt kê các biểu hiện ấy, mà như trên kia đã nói, các liệt kê không bao giờ nói hết được. Cần có cách trình bày khái quát, cô đọng ở cấp độ khái niệm bao quát. Để giải quyết nhược điểm này nên chăng gộp hai mục này làm một, tức là bỏ yêu cầu cần đạt, diễn đạt lại mục tiêu để thể hiện được yêu cầu cần đạt một cách khái quát?
Soạn giả phân biệt yêu cầu cần đạt về phẩm chất, về năng lực chung và năng lực chuyên môn. Các năng lực chuyên môn này bao gồm năng lực thẩm mĩ và năng lực ngôn ngữ. Rõ ràng ở đây chương trình thiếu khái niệm năng lực văn học. Sang mục Yêu cầu cần đạt về năng lực chuyên môn, tại mục Yêu cầu cần đạt về kĩ năng đọc trung học cơ sở, cũng thế. Ở đây không hề có ý niệm phân biệt văn học với văn bản thông tin và văn bản nghị luận, văn bản nào cũng có hai mặt là nghĩa tường minh và ý nghĩa hàm ẩn. Như vây quan niệm ngôn ngữ học nói chung về văn bản chi phối tất cả, thiếu khái niệm về đặc trưng văn học. Sự thiếu hụt này không thể chấp nhận đối với yêu cầu đối với cấp trung học cơ sở, là cấp cơ bản nhất trong hệ thống đào tạo.
Ở đây có hai vấn đề. Một là năng lực thẩm mĩ có bao chứa hay thay thế được năng lực văn học không, trong khi bỏ qua năng lực văn học? Hai là đọc văn bản nói chung có thay thế được đọc văn bản văn học, mà không nói về đọc văn học? Ở đây thiết nghĩ phải nêu lên năng lực văn học và đọc hiểu văn bản văn học.
Ba là về nội dung giáo dục. Nội dung giáo dục là phần chủ yếu nhất, cơ bản nhất, dài nhất, gồm gần 90 trang trên tổng số 124 trang của chương trình và chi tiết nhất đến các bài học của từng lớp. Đây là sự quy định cụ thể của chương trình, không chỉ đọc chữ, mà còn cả đọc hình, rất cần cho người học, người viết sách và người dạy học, chưa từng có trong các chương trình trước đây. Nội dung dạy học cũng chính là yêu cầu cần đạt xét về mặt chuyên môn và cũng là chuẩn đào tạo. Nó là sự kéo dài của yêu cầu cần đạt của mục tiêu giáo dục. Phần này đã bao quát các nội dung tiếng Việt, văn học, làm văn, các văn bản nghị luận, thông tin, nhật dụng Hình như chương trình này hòa tan nhật dụng hay còn gọi là văn bản hành chính công vụ là một. Theo tôi không đúng. Tiêu biểu của văn bản thông tin là bài báo. Các nội dung văn học gồm vấn đề chung, thể loại, các yếu tố của tác phẩm. Các phần hướng dẫn đọc văn học ở mỗi lớp đã có cụ thể hoá tương ứng. Nhìn tổng thể, chương trình như thế là đạt yêu cầu và có tính khả thi cao. 
Tuy nhiên vẫn có những vấn đề chuyên môn cần được trao đổi thêm. Về ma trận, trình bày nội dung dạy học tổng thể của toàn bộ chương trình. Tuy nhiên sự trình bày có chỗ chi tiết chưa hợp lí. Ví dụ khi trình bày, tách bạch Đọc hiểu nội dung khỏi đọc hiểu hình thức. Đó là cách cũ. Cần phải hình dung quá trình đọc theo lí thuyết tiếp nhận. Đọc văn bản ngôn từ (tức là đọc hình thức) trước, đọc chữ, câu, đoạn, bài, thể loại, sau đó mới đọc hình tượng (nhân vật, sự kiện, người kể, điểm nhìn, không gian thời gian…) cuối cùng mới phát hiện nghĩa và ý nghĩa. Nên chuyển dần từ lí thuyết nội dung/hình thức sang lí thuyết kí hiệu/ nghĩa và ý nghĩa.
Về nội dung văn học trong chương trình bao gồm tri thức văn học chung, tri thức văn bản văn học, văn học Việt Nam, tương quan văn học VN, thế giới, Văn học dân gian, văn học dân tộc thiểu số chưa có định lượng về lí thuyết. Về văn học Việt Nam, tôi đồng ý chỉ giới thiệu một số kiến thức sơ giản. Ngoài các phần giới thiệu đầu mỗi văn bản, trong toàn chương trình chỉ nên học một ít khái lược về văn học Việt Nam như văn học chữ Hán, chữ Nôm, chữ quốc ngữ, các giai đoạn lớn và các tác giả lớn như Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Chí Minh, trong khoảng 4 tiết trở lại. Ở THPT có thể thêm phần một số trào lưu văn học lớn như chủ nghĩa cổ điển, chủ nghĩa lãng mạn, chủ nghĩa hiện thực, các chủ nghĩa hiện đại, hậu hiện đại. Một người tốt nghiệp THPT, công dân toàn cầu mà không biết về các hiện tượng văn học – văn hóa ấy là không thể chấp nhận được.
Các chuyên đề THPT còn sơ lược, nên đầu tư nhiều hơn. Tuy là ví dụ, giáo viên có thể tự soạn thêm, những những cái mẫu cũng cần được định hình thích hợp hơn, hấp dẫn hơn.Về phần hướng dẫn, khi đọc văn bản văn học thường thấy lưu ý “tìm nội dung tường minh hoặc hàm ẩn”, tôi thấy không đúng, vì sao lại “hoặc”theo lối lựa chọn? Văn bản văn học có cả hai, phải “và” thì mới đúng. Phần nội dung dạy học này không chỉ là yêu cầu cần đạt, mà còn có ý nghĩa là chuẩn đào tạo, có tính chất định lượng, vì thế đề nghị rà soát lại số lượng các thể loại (Ở đây không nên lẫn lộn kiểu văn bản với thể loại văn học), soát lại các kĩ năng để tránh yêu cầu cao quá hay thấp quá, hoặc bỏ sót.
Cuối cùng là vấn đề ngữ liệu. Theo quan niệm của tôi, ngữ liệu không chỉ là tư liệu dạy học, mà còn là nội dung dạy học, cái dùng để giáo dục tư tưởng, tình cảm, chất lương văn học, vì thế nó là một nội dung quan trọng của chương trình. Có thể nhận thức của soạn giả chương trình chưa đầy đủ cho nên đã giới hạn trong phạm vị 6 văn bản. Theo quan niệm của tôi, phần nội dung văn học này phải được coi là bắt buộc. Nhưng để cho các nhóm tác giả SGK được lựa chọn chúng ta nên đưa một danh mục nhiều tên tác giả và tác phẩm (chứ không phải đoạn trích hay bài lẻ). Hầu hết các tác giả ưu tú, các tác phẩm tiêu biểu đều được giới thiệu để lựa chọn các văn bản đưa vào SGK trong phạm vi ấy. Phần lựa chọn tự do chỉ chiếm khoảng 20%, nhưng lựa chọn này cũng phải được HĐTĐ thông qua mới được. Như vậy Nội dung ngữ liệu của chương trình không để ở phụ lục, mà để trong chương trình, với hai nội dung lựa chọn: lựa chọn bắt buộc trong phạm vi đã quy định và lựa chọn tự do theo tiêu chuẩn và được thẩm định. 6 văn bản bắt buộc vẫn có hiệu lực và không thuộc diện tự chọn. Có thể ở tiểu học phạm vi lựa chọn tự do có phần nới rộng hơn, do yêu cầu dạy học đặc thù.
Tóm lại, chương trình giáo dục phổ thông môn ngữ văn đã được soạn công phu, khoa học, đúng hướng và có tính khả thi cao. Một số vấn đề chi tiết về cách biên soạn, về phân bố khái niệm, về nhận thức cần được xem lại và bổ sung, sửa chữa để chương trình được hoàn thiện.
                                                     (Tư liệu tham khảo - Tập huấn thay đổi chương trình và SGK 2018)

Không có nhận xét nào: