23/5/18

1.141. BỐN THI SĨ TÀI DANH VỚI THỂ LỤC BÁT

          Đỗ Anh Vũ

Đỉnh cao nghệ thuật của thể lục bát trong nền văn học dân tộc đã được khẳng định qua kiệt tác Truyện Kiều của Nguyễn Du ở nửa cuối thế kỷ XVIII, là một tiền đề và mẫu mực cho những thế hệ cầm bút ở giai đoạn sau. Sang thế kỷ XX, thể loại này tiếp tục khẳng định được vị trí của nó trong dòng chảy mãnh liệt của văn học dân tộc. Nhưng đặc biệt nổi bật là bốn thi sĩ được coi là thành công nhất với thể loại này, nổi trội cả về số lượng lẫn chất lượng, mỗi người thể hiện được một chất riêng, phong cách riêng, lưu lại nhiều câu thơ, bài thơ có sức sống vượt thời gian.

1. Nhà thơ Nguyễn Bính:
Nguyễn Bính là nhà thơ nổi lên trong phong trào Thơ Mới (1932 - 1945) với một số lượng lớn thi phẩm được sáng tác và lưu truyền. Theo Hoài Thanh – Hoài Chân trong Thi nhân Việt Nam, thơ Nguyễn Bính có cả ngàn bài. Ông cũng là nhà thơ có số lượng các tập thơ được xuất bản trước năm 1945 nhiều nhất với 7 tập: Lỡ bước sang ngang (1940), Tâm hồn tôi, Hương cố nhân (1941), Một nghìn cửa sổ (1941), Mười hai bến nước (1942), Người con gái ở lầu hoa (1942) và Mây Tần (1942).
Nhiều bài thơ lục bát của Nguyễn Bính đã tạo nên những huyền thoại, trong đó điển hình nhất phải kể đến là Lỡ bước sang ngang. Năm 1939, khi vừa công bố, bài thơ ngay lập tức phổ cập từ Bắc tới Nam, làm nên một hiện tượng văn học hiếm có. Người ta kể rằng nhiều người không biết chữ vẫn thuộc lòng tác phẩm, các bà các chị dùng để ngâm vịnh cho nhau nghe, hò ru con ngủ.
Lục bát của Nguyễn Bính mang âm hưởng của ca dao, đậm chất thôn quê đồng bằng Bắc Bộ, thể hiện nhuần nhị và tinh tế lời ăn tiếng nói của người Việt, tâm lý và cách cảm cách nghĩ của một thế hệ. Chỉ cần đọc lên đôi câu là đã thấy rõ một chất Nguyễn Bính: Em nghe họ nói mong manh/Hình như họ biết chúng mình...với nhau (Chờ nhau), Cái ngày cô chưa có chồng/Đường vòng tôi cứ đi gần cho xa/Lối này lắm bưởi nhiều hoa.../Đi vòng để được qua nhà đấy thôi (Qua nhà). Lục bát của Nguyễn Bính có bài chỉ gồm hai câu (Hồn anh như hoa cỏ may/Một chiều cả gió bám đầy áo em), có bài bốn câu (Hôm nay xuống bến xuôi đò/Thương nhau qua cửa tò vò nhìn nhau/Ai đi đó ai về đâu/Cánh buồm nâu...cánh buồm nâu...cánh buồm...) đều gây được ấn tượng mạnh mẽ. Nhiều bài lục bát được phổ nhạc thành những ca khúc nổi tiếng, chẳng hạn Người hàng xóm được Anh Bằng phổ nhạc thành ca khúc cùng tên, Chân quê được Trung Đức phổ nhạc và giữ nguyên tên gọi như nhan đề tác phẩm. Nguyễn Bính còn là người lập kỷ lục trong văn học thời hiện đại với một bài lục bát bắt vần chính tuyệt đối và kéo dài trong 10 dòng thơ liên tiếp (bài Đường rừng chiều). Nhiều bài lục bát nổi tiếng khác của ông nằm trong trí nhớ của bao thế hệ người yêu thơ như các bài: Giấc mơ anh lái đò, Thời trước, Đêm cuối cùng...
2. Nhà thơ Bùi Giáng :
Bùi Giáng là một trường hợp độc đáo khác của nền văn học hiện đại Việt Nam. Ông không những là nhà thơ mà còn là một dịch giả, một nhà nghiên cứu văn học và triết học. Nổi tiếng từ năm 1962 với tập Mưa nguồn, ông tiếp tục công bố khoảng hơn 20 tập thơ khác trong những năm tiếp theo. Sau khi ông qua đời (1998), nhiều di cảo và những tập thơ khác của ông lại được xuất bản như Mười hai con mắt, Tuyết băng vô tận xứ. Thể lục bát chiếm một vị trí thật đặc biệt trong sự nghiệp thơ Bùi Giáng, số lượng thơ lục bát của ông có thể nói nhiều hơn cả Nguyễn Bính và Nguyễn Duy cộng lại. Trong tập thơ đầu tay (Mưa nguồn) với 139 bài thơ thì đã có tới 57 bài lục bát, chiếm tỷ lệ 40% toàn tập. Càng về sau này, Bùi Giáng làm lục bát càng nhiều. Chẳng hạn tập Rong rêu (1995) có 83 bài thì 42 bài là lục bát. Hay tập Mười hai con mắt (2001) có 113 bài thì 93 bài là lục bát. Ông đưa ra tuyên ngôn rõ ràng của mình về thể thơ này: “Lục bát Việt Nam là cõi thi ca hoằng viễn nhất, kỳ ảo nhất của năm châu bốn biển, ba bảy sông hồ.”. Nhà phê bình văn học Thụy Khuê cũng phải công nhận rằng, Bùi Giáng là người “cả đời lục bát”. Thi phẩm lục bát nổi danh nhất của Trung niên thi sĩ phải kể đến trước tiên là bài Mắt buồn, in lần đầu trong tập “Mưa nguồn”. Câu kết của bài thơ về sau được nhạc sĩ Trịnh Công Sơn mượn tứ để phát triển thành toàn bộ lời ca của ca khúc Con mắt còn lại: Còn hai con mắt khóc người một con. Bùi Giáng còn làm vô số những bài thơ lục bát chỉ gồm hai câu, tạo ra một phong vị độc đáo, ấn tượng, bất ngờ và không kém phần điêu linh cổ quái: Dạ thưa xứ Huế bây giờ/Vẫn còn núi Ngự bên bờ sông Hương (Dạ thưa); Em về giũ áo mù sa/Trút quần phong nhụy cho tà huy bay (Em về); Bình sinh ta! Bình sinh ta!/Vì mê gái đẹp mà ra điên rồ (Ra hoa); Thịt và da thịt và xương/Dặm nghìn nằm giữa thân Vương Thúy Kiều (Dặm nghìn nằm giữa). Nhiều bài lục bát nổi tiếng khác của Bùi Giáng có thể kể tới nữa như Tặng Mã Giám Sinh hoặc Lá hoa cồn. Trong Từ điển Văn học (Bộ Mới), Bùi Giáng được đánh giá là người đã “tái dựng lục bát trong bối cảnh mới của thời đại hiện sinh”.
3. Nhà thơ Nguyễn Duy:
Nguyễn Duy là nhà thơ trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Năm 1973, ông đoạt giải Nhất cuộc thi thơ Tuần báo Văn nghệ với chùm ba bài, trong đó có tới hai bài lục bát là Bầu trời vuôngTre Việt Nam. Bài Tre Việt Nam được đưa vào chương trình Tiểu học trong suốt nhiều năm và vẫn giảng dạy cho tới nay. Vậy là ngay từ sớm, Nguyễn Duy đã tỏ ra khá có duyên với thể lục bát và ông tiếp tục phát triển cảm hứng với thể loại này trong hơn 10 tập thơ công bố từ năm 1973 tới 2002. Trong tuyển tập Thơ Nguyễn Duy (NXB Hội nhà văn, 2010) tuyển chọn những bài tiêu biểu nhất của ông, tập thơ gồm 381 bài thơ thì đã có tới 151 bài là lục bát, chiếm tỷ lệ 40% toàn tập. Nhiều câu lục bát của Nguyễn Duy đã vượt thoát khỏi tác phẩm, tự nó có một đời sống riêng và khiến nhiều người lầm tưởng là ca dao, chẳng hạn: Ta đi trọn kiếp con người/Cũng không đi hết mấy lời mẹ ru (Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa); Có gì lạ quá đi thôi/Khi gần thì mất xa xôi lại còn (Thơ tặng người xa xứ). Nhiều bài lục bát của Nguyễn Duy trở thành nổi tiếng và được nhiều người biết tới như: Vợ ốm, Mời vợ uống rượu,Về làng, Cơm bụi ca, Mắt na, Áo trắng má hồng... Nguyễn Duy cũng là người rất thành công khi đưa được chất khẩu ngữ vào lục bát một cách nhuần nhuyễn, chẳng hạn: Giọt rơi hơi bị chong veo/Mắt đi hơi bị vòng vèo lôi thôi/Chân mây hơi bị cuối trời/Em hơi bị đẹp anh hơi bị nhàu (Chạnh lòng 1).
4. Nhà thơ Đồng Đức Bốn :
Đồng Đức Bốn công bố tập thơ đầu năm 1992 – Con ngựa trắng và rừng quả đắng, chưa gây được nhiều tiếng vang. Nhưng đến tập thứ hai – Chăn trâu đốt lửa, một tập thơ với hầu hết là những bài lục bát, tác phẩm của ông ngay lập tức tạo được sự chú ý. Vương Trí Nhàn gọi thơ lục bát của Đồng Đức Bốn là một thế giới cổ sơ, cũ kỹ, quê mùa, hoang dại. Đồng Đức Bốn, đó là một giọng điệu dân gian hiện đại, không trộn lẫn với bất kỳ ai. Cũng giống như Nguyễn Duy, nhiều câu lục bát của Đồng Đức Bốn tách khỏi thi phẩm và đi thẳng vào đời sống, được vô số tầng lớp quần chúng thuộc đủ mọi lứa tuổi và trình độ ngâm ngợi. Những câu thơ hay (không phải bài thơ hay) của Đồng Đức Bốn, xét ở góc độ nào đó có tần số dày đặc hơn cả Nguyễn Duy: Cầm lòng bán cái vàng đi/Để mua những thứ nhiều khi không vàng; Cánh hoa sắc một lưỡi dao/Vì yêu tôi cứ cầm vào như không; Chiều nay Hồ Tây có giông/Tôi ngồi trên sóng mà không thấy chìm. Có những bài hay mà hết sức ngắn gọn, cô đọng, theo ý của nhiều nhà nghiên cứu có thể đưa vào sách giáo khoa để dạy cho trẻ con: Chăn trâu đốt lửa trên đồng/Rạ rơm thì ít gió đông thì nhiều/Mải mê đuổi một con diều/Củ khoai nướng để cả chiều thành tro (Chăn trâu đốt lửa). Đồng Đức Bốn xuất bản thơ như một định mệnh, mỗi lần công bố một tập thơ mới là một người trong gia đình qua đời. Tập thơ đầu tiên là cái chết của con trai ông và tập thơ cuối cùng là cái chết của chính ông. Trong hợp tuyển cuối cùng Chim mỏ vàng và hoa cỏ độc xuất bản trước khi ông qua đời, toàn tập tuyển chọn được 194 bài thơ thì có tới 147 bài là lục bát, chiếm tỷ lệ 76% trong toàn bộ các tác phẩm. Trong 80 bài lục bát hay được nhiều người nhắc đến và trích dẫn, theo Nguyễn Huy Thiệp có 15 bài đáng được xếp vào hạng tài tử vô địch. Những bài lục bát hay nhất , theo tôi có thể kể đến như sau: Cái đêm em ở với chồng, Chợ buồn, Trở về với mẹ ta thôi, Mẹ ơi, Tôi không thể chết được đâu, Chiều mưa trên phố Huế, Đi xích lô đường Bà Triệu, Vỡ đê, Trả bút cho trời. Những ngày cuối cùng của cuộc đời, Đồng Đức Bốn như rút hết gan ruột để viết. Mẹ ơi có lẽ là bài thơ cuối cùng của ông nên chưa kịp đưa vào tuyển tập Chim mỏ vàng và hoa cỏ độc. Tôi tin đây là một trong những bài thơ hay nhất của văn học hiện đại Việt Nam viết về tình mẫu tử, gây xúc động mạnh mẽ với mỗi người đọc bởi sự chân thành, da diết và sâu lắng: Bây giờ con chẳng có gì/Cúi đầu lạy mẹ con đi về trời/Chỉ xin mẹ một tiếng cười/ Và câu hát thuở mẹ ngồi ru con/Chỉ mong trái đất vẫn tròn/Biết đâu mẹ lại gặp con có ngày/Cõi người nhiều nỗi đắng cay/Cho nên Phật vẫn ngàn tay kêu cầu/Cõi người còn lắm bể dâu/Con lấy lục bát bắc cầu đi qua/Tin rằng sông lắm phù sa/Cho nên đời vẫn nở hoa bốn mùa/Bây giờ trời đổ cơn mưa/Xa xa đã tiếng chuông chùa gọi con. Đồng Đức Bốn đã về trời đúng 10 năm và lục bát của ông cũng đã thực sự khẳng định được vị trí không thể thay thế của nó. Thơ lục bát của Đồng Đức Bốn rõ ràng là một tiếng nói mới, nổi lên vắt giữa hai bờ thế kỷ XX và XXI của nền văn học Việt Nam hiện đại.
Điều kỳ lạ hơn nữa là cả bốn thi sĩ này đều mang mệnh Hỏa (một trong năm mệnh thuộc Ngũ hành: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ). Đó là: Nguyễn Bính (1918, Mậu Ngọ, Thiên Thượng Hỏa), Bùi Giáng (1926, Bính Dần, Lư Trung Hỏa), Nguyễn Duy và Đồng Đức Bốn (1948, Mậu Tí, Tích Lịch Hỏa).
Nhân sinh quan về Âm Dương và Ngũ hành từ lâu đã trở thành một triết lý, một nét văn hóa của người Việt. Những quan hệ tương sinh và tương khắc trong Ngũ hành sẽ thúc đẩy hoặc kìm hãm sự phát triển của vạn vật trong mối tương thông qua lại với nhau. Và những ý nghĩ nung nấu đã thúc đẩy tôi đi tìm bản mệnh của thể thơ lục bát. Kỳ lạ thay, càng suy ngẫm, tôi càng nhận ra mối liên hệ kỳ lạ giữa hai hình tượng lục bát và cây lúa nước của người Việt. Hãy để ý vần điệu và sự luân chuyển âm vực giữa các thanh điệu, nó đều đặn và nhịp nhàng như sự lên xuống của con nước, của thủy triều. Không phải ngẫu nhiên mà thuật ngữ Rhythm (Nhịp điệu) có nguồn gốc từ một từ Hy Lạp cổ là Rhythmos, nghĩa là thủy triều, chỉ sự tuần hoàn lên xuống đều đặn trong những khoảng cách nhất định. Rõ ràng đối với thể lục bát (trong tương quan với tất cả những thể thơ còn lại) là thể thơ trọng thanh bằng, lấy thanh bằng làm chính nên độ mềm mại của âm điệu đạt tới độ cao nhất, cũng như những tuần hoàn của các thanh điệu (đặc biệt trong các vị trí thứ 6 và thứ 8 của câu Lục – câu Bát) luôn ở tương quan ổn định nhất. Thứ nữa, một trùng hợp lạ kỳ lại xuất hiện khi hai con số 6 và 8 của câu lục bát tương ứng với chiều cao chuẩn mực của cây lúa nước từ những nghiên cứu của các chuyên gia nông nghiệp. Từ quan sát thực tế cũng như những tổng kết chuyên môn, chiều cao của cây lúa nước ở Việt Nam luôn ở trong khoảng 60 – 80 cm, là một tương hợp trùng khít với hai con số Sáu – Tám làm nên thể thơ đậm đà bản sắc dân tộc của chúng ta.
Từ những căn nguyên trên, chúng tôi cho rằng bản mệnh của Lục Bát chính là Mộc – Thủy, tương ứng với hình tượng cây lúa nước. Như vậy, những thi sĩ mệnh Hỏa đặc biệt thành công với thể lục bát không phải là sự ngẫu nhiên mà nó nằm trong mối quan hệ của ngũ hành. Hỏa với Mộc là quan hệ tương sinh, Mộc dưỡng Hỏa nên căn cốt thi sĩ chạm tới hồn vía của từng câu chữ là điều có thể hiểu được. Hơn nữa, những xung quan tương khắc giữa Hỏa và Thủy sẽ tạo nên những chiều kích mới lạ cho câu thơ, điều này lí giải vì sao lục bát của những thi sĩ như trên đã kể tới không bị rơi vào lối mòn như hàng trăm hàng ngàn người làm thơ lục bát khác, mà vẫn đứng vững với một phong cách riêng, một bản sắc riêng. Dĩ nhiên, không chỉ những người mệnh Hỏa mới làm lục bát hay còn những thi sĩ thuộc mệnh khác sẽ kém thành tựu với thể loại này.

Không có nhận xét nào: