2/5/18

1.123. THAY ĐỔI CT VÀ SGK MÔN NGỮ VĂN (1)


          Bài 1- GS Nguyễn Khắc Phi
    Tổng chủ biên bộ sách Ngữ văn THCS hiện hành

Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông các môn học đang được lấy ý kiến rộng rãi để các tác giả chỉnh sửa trình Hội đồng thẩm định quốc gia xét duyệt. Đối với Chương trình môn Ngữ văn, cũng như một số chương trình khác, bên cạnh những ý kiến khẳng định, cũng đang có không ít ý kiến phân vân về một vài vấn đề chung cũng như về một số điều cụ thể. Với tư cách là một người đã từng tham gia Hội đồng xét duyệt Chương trình môn Ngữ văn của các cấp học phổ thông, đã trực tiếp viết Sách giáo khoa (SGK) hoặc tham gia một số Hội đồng xét duyệt SGK, tôi xin được nêu lên một số ý kiến để các tác giả làm Chương trình và bạn đọc rộng rãi tham khảo.

Trước hết, tôi thấy phải thống nhất công nhận một số tiền đề mới có thể trao đổi thảo luận có hiệu quả được. Có một giáo sư nêu ý kiến “văn là văn, ngữ là ngữ” như ở Đại học Quốc gia có Hai khoa riêng là Khoa Văn học và Khoa Ngôn ngữ học. Ở đây rõ ràng có sự lẫn lộn về khái niệm: một bên là tên gọi một tổ chức gắn với một khoa học ở Đại học quốc gia, một bên là tên gọi một môn học ở phổ thông; chưa nói, ở hệ thống đại học sư phạm, đều có một khoa gọi là Khoa Ngữ văn, chắc còn lâu hoặc không bao giờ có thể tách làm Hai như ở Đại học Quốc gia được! Thiết tưởng đây không còn là lúc phải bàn luận về việc tích hợp hai môn học lại như thế nữa vì xu hướng phát triển của giáo dục thế giới đã là như thế, ở Việt Nam đã tồn tại một môn học như thế gần 20 năm rồi và hầu hết mọi người đều thấy là hợp lý. Xin nhấn mạnh là trước đây dù gọi là Văn học, nhưng chỉ có học giảng văn, còn ngôn ngữ đã có đến 2 phân môn. Ở chương trình hiện hành cũng như chương trình dự thảo, xét về cấu tạo cũng như phần nội dung, không có chuyện Tiếng Việt áp đảo Văn học. Đề nghị những người soạn thảo CT mới chứng minh cho mọi người thấy cụ thể khối lượng kiến thức về Tiếng Việt đã được “giảm tải” như thế nào (đặc biệt là ở cấp THCS và THPT) so với CT hiện hành và các CT trước đó nữa. Giảm bớt khối lượng kiến thức nhưng chắc chắn hiệu quả sẽ cao hơn vì được tích hợp triệt để hơn với văn học. Học ngôn ngữ và tiếng Việt qua văn học, nhất định HS sẽ hứng thú hơn.
Định kiến cho rằng “Phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam” một phần là do việc dạy ngôn ngữ ở phổ thông tách khỏi văn cảnh của nó. CT không nói nhưng theo tôi, với CT hiện hành và CT dự thảo, học sinh không chỉ được học những kiến thức về ngữ âm, từ vựng, tu từ, ngữ pháp mà còn được hướng tới lĩnh vực của ngữ dụng học bằng thực tiễn.
Thế nhưng, tại sao có không ít ý kiến cho rằng chương trình dự thảo dường như coi nhẹ phần văn học, chúng tôi sẽ xin lý giải sau đồng thời nêu lên một vài kiến nghị.
Có ý kiến nói rằng CT quá chung chung, phải chờ có SGK mới có ý kiến được. Trước đây, đã từng có người ngộ nhận CT là đồng nhất với SGK, nên có lúc, có chỗ đáng lẽ phải phê phán, góp ý cho CT lại tập trung phê phán SGK! CT là pháp lệnh, SGK không phải là pháp lệnh. Nhất là trong bối cảnh nhà nước đã cho thực hiện chủ trương “một CT nhiều SGK”. Chương trình là điều kiện tiên quyết để có những bộ SGK tốt. Bởi vậy, tôi tha thiết đề nghị, khi chưa có một bộ CT tốt, được sự đồng thuận cao của xã hội, chưa nên vội vã cho triển khai đồng loạt viết SGK, dầu phải nói thẳng với nhau rằng, tất cả chúng ta giờ đều phải tăng tốc, vì lẽ ra những việc này đã có thể tiến hành sớm hơn. Nói vậy cũng có nghĩa là, trước mắt, những người có quan tâm đến giáo dục hãy tập trung trí lực góp ý cho CT để những người soạn thảo gấp rút sửa chữa cho kịp tiến độ. Muốn CT chi tiết cụ thể hơn là một đòi hỏi chính đáng nhưng điều đó không phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ của việc xây dựng CT, nhất là trong điều kiện thực hiện chủ trương “một CT nhiều SGK”. Một trong những quan điểm định hướng xây dựng CT các môn học lần này là “định hướng mở”. CT chủ yếu phải nêu ra những vấn đề cơ bản, cốt lõi về tất cả mọi mặt. Riêng về nội dung, dầu cố gắng chi tiết hóa bao nhiêu cũng không thể việt vị, vi phạm những nguyên tắc xây dựng CT, không thể không để dành những dư địa cho các tác giả SGK phát huy tính chủ động, sáng tạo. Viết theo một CT, nghĩa là phải bảo đảm sự thống nhất về cơ bản. Chấp nhận nhiều bộ SGK, nghĩa là cần sự khác biệt. CT dành dư địa cho SGK là một trong những điều kiện để tạo nên sự khác biệt ấy. Song, chính ở chỗ này, cũng đang còn có những ý kiến khác nhau. Chúng tôi sẽ bàn về vấn đề này khi đề cập chuyện chọn văn bản, tác phẩm. 
Là người đã người đã tham gia Hội đồng duyệt CT môn Ngữ văn, tôi có đủ căn cứ để khẳng định Dự thảo CT môn Ngữ văn lần này là văn bản CT tốt nhất. Tất nhiên, “mọi sự so sánh đều khập khiễng” vì mỗi bộ CT đều đánh dấu sự tiến bộ có tính lịch sử so với bộ trước đó nhưng phải công bằng đánh giá CT lần này thể hiện một sự tiến bộ vượt bậc. Việc biên soạn CT dự thảo lần này tiến hành một cách bài bản hơn rất nhiều, CT Tổng thể cũng như CT môn Ngữ văn đã thể hiện rõ ràng mục tiêu đổi mới được Đảng, Chính phủ và Quốc hội đề ra, đặc biệt là quy định của Nghị quyết số 88/ 2014/QH 13: “Đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông nhằm tạo chuyển biến căn bản, toàn diện về chất lượng và hiệu quả giáo dục phổ thông;kết hợp dạy chữ, dạy người và định hướng nghề nghiệp; góp phần chuyển nền giáo dục nặng về truyền thụ kiến thức sang nền giáo dục phát triển toàn diện cả về phẩm chất và năng lực, hài hòa đức, trí, thể, mỹ và phát huy tiềm năng của mỗi học sinh”.
CT môn Ngữ văn đã phản ánh trung thành, đầy đủ tinh thần chung của CT Tổng thể, đã xác lập và thể hiện đúng vị trí của môn học như CT tổng thể đã quy định. CT môn Ngữ văn đã tiếp thu, vận dụng được nhiều kinh nghiệm quý báu trong việc xây dựng CT môn học của nhiều nước có nền giáo dục phát triển như Mỹ, Singapore, Úc, và một phần của Pháp, Đức, Hàn Quốc…CT môn Ngữ văn cũng đã học tập được nhiều kinh nghiệm làm CT của các thế hệ đi trước, kế thừa và phát huy được những ưu điểm của các CT trước đây, đặc biệt là CT hiện hành. Về mặt cấu trúc, Dự thảo CT đã mang đầy đủ các bộ phận cần thiết của một CT hiện đại. Chúng tôi tán thành về cơ bản những điểm đề xuất trong cả 8 mục chính của CT, đặc biệt là phần Mục tiêu CT (bao gồm Mục tiêu chung và Mục tiêu cấp học) và phần Yêu cầu cần đạt (gồm yêu cầu cần đạt về phẩm chất và yêu cầu cần đạt về năng lực, trong đó có năng lực chung và năng lực chuyên môn).
Có người cho rằng không cần làm ma trận như ở các trang 17 - 19, tôi lại thấy ma trận là rất cần thiết vì có thể cho người đọc nắm bắt nhanh nhất nhiều điểm cơ bản của CT, từ việc phân bố nội dung, kế hoạch dạy học, trục tích hợp chủ yêu của CT, đặc biệt là cho thấy quan niệm và quy trình hình thành và phát triển các kĩ năng giao tiếp (đọc, viết, nói, nghe). Ít nhất cũng cho thấy, ở Ma trận nội dung (gồm phần nội dung và ngữ liệu), văn học không hề bị ngôn ngữ và Tiếng Việt chèn ép: ngôn ngữ và Tiếng Việt chỉ chiếm 4 mục trong khi văn học chiếm đến 10 mục! 
Với tất cả những nhận định trên, tôi cho CT dự thảo về cơ bản là tốt. Tuy nhiên, có một số điều tôi vẫn còn băn khoăn, xin được nêu lên để cùng trao đổi.
Trước hết, phải nói môn học có tên Ngữ văn đã tồn tại ở nước ta trong gần 20 năm qua là một hiện tượng mới,“hợp lý”, nhưng cũng là một thực tế tiềm ẩn khả năng gây nên những ý kiến trái chiều. Có thể thấy “Ngữ văn” với nội hàm như đã biết (Ngữ và Văn không phải là một phép cộng giản đơn, là sự phối kết hợp mà đã được đưa vào trong một chỉnh thể) quả là một hiện tượng mới, không chỉ ở Việt Nam. Mà đã là một sự vật mới thì nhận thức về nó phải là một quá trình, có những ý kiến khác nhau là tất yếu, cần trao đổi bàn bạc để dần đi tới thống nhất. Ở Trung Quốc, tên Ngữ văn đã xuất hiện ngay từ đầu, từ cấp Tiểu học tới cấp Cao trung (PTTH) hơn nửa thế kỷ nay không hề thay đổi. SGK chỉ có một cuốn là Ngữ văn, trong đó dạy cả Văn cả Ngữ nhưng phần ngữ chỉ đan cài vào Văn, không tích hợp như ở SGK của Việt Nam.
CT Tổng thể xác định nội dung cốt lõi của môn Ngữ văn “bao gồm các mạch kiến thức và kỹ năng cơ bản, thiết yếu về tiếng Việt và văn học dựa trên ngữ liệu là các kiểu loại văn bản và phương thức thể hiện đa dạng, nhằm hình thành, phát triển các phẩm chất và năng lực của học sinh nhằm đáp ứng mục tiêu giáo dục ở từng cấp học” (CT Tổng thể, trang 16). Xác định như vậy là hoàn toàn chuẩn xác, tuy nhiên, các kỹ năng về văn học, liệu có quy vào hết được các kĩ năng giao tiếp được quy định thành các kĩ năng Đọc, Viết Nói, Nghe không? (cho dù các khái niệm Giao tiếp và Đọc được hiểu theo nghĩa rộng rãi nhất). Chính ở chỗ này, chứ không phải ở phần nội dung, ngữ liệu, một số người nghĩ rằng việc rèn luyện các kĩ năng ngữ văn, hay nói tách ra, việc rèn luyện các kĩ năng văn học, chưa được quan tâm đầy đủ và toàn diện.
Chúng tôi cho lấy “Đọc, Viết , Nói, Nghe” làm trục tích hợp chủ yếu là hoàn toàn đúng, nhưng “chủ yếu” không phải là “duy nhất”. Và ngay về 4 kỹ năng này ở môn Ngữ văn, độc giả cũng muốn người làm CT giải thích rõ hơn, thuyết phục hơn chỗ khác nhau giữa chúng với các kỹ năng cùng tên ở môn ngoại ngữ cũng như ở phân môn tiếng Việt dạy tách riêng như trước đây. Năng lực phân tích, đánh giá tổng hợp về một tác giả lớn, khả năng liên tưởng, trực cảm…có phải là những khả năng (hoặc thấp hơn là kỹ năng) cần có ở một người có trình độ “tú tài” không? Chính từ góc độ này, tôi thấy ý kiến đề xuất nên học một số tác giả là có lý. Chương trình hiện hành quy định học 9 tác gia (cấp độ cao hơn tác giả), nay đến cấp độ tác giả cũng không có, rõ ràng là chưa ổn. Qua việc học một tác giả, chúng ta có thể cung cấp bao nhiêu kiến thức quan trọng và hình thành, rèn luyện nhiều kỹ năng cần thiết. Theo tôi, ít nhất cũng cần học 3 tác giả có danh hiệu quốc tế: Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh. Có người e ngại, việc dạy một vài tác giả sẽ làm rối loạn cái khung “đọc viết nghe nói”, tôi thì không nghĩ thế, vì học tác giả nào thì cũng phải thông qua việc “đọc” một số tác phẩm tiêu biểu của tác giả đó, hơn thế, các tác phẩm này lại thường thuộc các kiểu loại văn bản khác nhau, qua đó có thể hình thành những kỹ năng khác mà CT cũng có đề cập như kĩ năng tổng hợp, khái quát, so sánh…
Điểm thứ hai tôi muốn đề cập là việc chọn ngữ liệu. Tôi hoàn toàn tán thành việc đưa ra 6 văn bản (ngữ liệu) bắt buộc như ở Dự thảo. Có người nói nên bớt Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc vì quá khó. CT nào cũng có điểm khó, điểm dễ. Hướng dẫn cho HS chiếm lĩnh được điều đó là chỗ thử thách của người viết SGK, của các thầy cô giáo. uy nhiên, nhiều người cho rằng văn bản bắt buộc không nên chỉ có 6 mà cần nhiều hơn và nói chung không nên đặt một ranh giới cứng nhắc giữa ngữ liệu bắt buộc và tự chọn, giữa đóng và mở, giữa cứng và mềm. Có những tác phẩm quá tiêu biểu cho một thể loại, những tác giả thực sự tiêu biểu cho một thời kỳ, giai đoạn văn học thì ta nên đưa vào diện bắt buộc để bảo đảm sự thống nhất cần thiết cho các bộ sách khác nhau. Song mức độ bắt buộc ở đây thấp hơn so với 6 văn bản nói trên, và ở đây, trong cái bắt buộc có phần tự chọn, trong cứng có mềm, trong đóng có mở. Về những văn bản hoàn toàn có tính chất gợi ý, nên tăng cường thêm số lượng, nếu số lượng văn bản gợi ý chỉ bằng thời lượng dành cho chúng thì chỉ có thể có hai hệ quả trái ngược: một là “gợi ý nhưng thực chất cũng là bắt buộc”, hai là sẽ rất khác nhau vì gợi ý có tính chất cào bằng, không có gì ràng buộc. Chỉ có cách nêu hướng chọn lựa như chúng tôi đề xuất mới có thể tạo nên sự đa dạng trên cơ sở sự thống nhất cơ bản.
Về các chuyên đề ở cấp THCS và THPT, cũng nên thể hiện định hướng mở bằng cách đưa ra nhiều chuyên đề hơn cho mỗi lớp, có thể là 5 hay 6 chuyên đề để tác giả SGK cũng như GV, HS có thể chọn 3. Nhu cầu học chữ Hán (cổ Hán ngữ) là một nhu cầu có thật của một số HS, nhất là ở các thành phố lớn. Mặc dầu tôi không tán thành đề nghị dạy chữ Hán một cách đại trà của một số người nhưng tôi cho là nên có chuyên đề Học chữ Hán ở những nơi có nhu cầu và có điều kiện thực hiện. Về vấn đề dạy từ Hán Việt, tôi đã viết một bài đăng trên Tạp chí Văn học và Tuổi trẻ số 398 và 399, mong được các tác giả biên soạn CT tham khảo (…)
(Tư liệu tham khảo - Tập huấn thay đổi chương trình và SGK 2018)

Không có nhận xét nào: