11/5/18

1.132. THƯ CUỐI NĂM HỌC

Thầy và học trò cũ


Thân gởi quí đồng nghiệp của tôi.
Một năm học sắp kết thúc. Mỗi chúng ta đang rút ngắn khoảng thời gian còn lại của đời người và đời nghề.

Có cảm giác như mỗi người đang trút bớt một gánh nặng trên hành trình của mình dù biết trước là phần còn lại những gánh nặng ấy chưa hẳn đã vơi đi khi áp lực dạy học trong một xã hội có nhiều biến thiên, đạo đức lớp trẻ dần suy thoái càng khiến mỗi chúng ta càng giảm sút nhiệt huyết với nghề và dường như mỗi thầy cô giáo chúng ta đang bất lực khi thực hiện các biện pháp nghề nghiệp của mình.
Dầu gì đi nữa, mỗi chúng ta đều bằng một cách nào đó tìm thấy niềm vui, hạnh phúc trong lúc này.
Niềm vui ấy là những lời chia tay, từ biệt của học sinh cuối cấp với thầy cô giáo của mình trong không khí xúc động lưu luyến; hạnh phúc ấy nằm trong những con số, các giải thưởng, thành tích của thầy và trò cùng kết quả thi đua…
Tuy nhiên không phải ai cũng vậy; nhiều vị cảm thấy bất an, bất mãn, bất ý với tất cả những gì đã xảy ra trong chặng hành trình của mình. Điều ấy là dễ hiểu bởi vì trên đời này chẳng có gì là viên mãn. Trong gia đình có những đứa con hư, trong nhà trường có học trò vô kỉ luật, trong hoạt động nghề nghiệp đôi khi có những lúc bế tắc, trong công tác giáo dục nhiều khi mọi biện pháp từ mềm mỏng tinh tế đến cương quyết cứng rắn đều vô tác dụng… Và việc đón nhận nó như thế nào là hoàn toàn tùy thuộc và cách ứng xử, thái độ và suy nghĩ của mỗi người.
Vậy nên tại sao chúng ta phải cố gắng tìm kiếm một sự hoàn hảo trong đó có nhiều phần gượng gạo và giả dối.
Bên cạnh nhiều học sinh ngoan ngoãn, nỗ lực học tập bằng khả năng của mình thì nhiều em đến trường không vì mục đích học tập mà chỉ xem nhà trường là nơi để chơi, để thể hiện cái tôi hư hỏng, lôi kéo bạn bè cùng chơi với mình, thách thức nội qui nhà trường trong xấc xược với người lớn, bạo hành với bạn bè, coi thường chữ nghĩa…
Nhà trường của chúng ta từ lâu nay đã song hành hai việc là: dạy và dỗ. Cả hai đều có hiệu quả giáo dục nhưng đối với một số đối tượng, việc “dỗ” lại phá hỏng tất cả, tạo ra một nếp nghĩ trong nhóm học sinh tiêu cực rằng rồi đâu cũng vào đấy, nhà trường này sẽ vì thành tích mà bao che, dung túng cho các em và tất cả sẽ được nhận tấm giấy chứng nhận tốt nghiệp bậc THCS và an nhiên rời nhà trường. Đó là một hệ lụy khinh nhờn và trong môi trường giáo dục sự việc “con sâu làm rầu nồi canh” đã làm dấy lên mối lo rộng khắp.
Chúng ta đã từng chứng kiến các em ấy hỗn xược với thầy cô giáo, vô tổ chức kỉ luật trong nhà trường, phản kháng trước mọi biện pháp giáo dục từ mềm mỏng, năn nỉ, khuyên nhủ đến các biện pháp mạnh hơn.
Chúng ta đã từng chứng kiến các em học sinh ấy trong một năm học không làm bất cứ bài kiểm tra nào hoặc có làm thì cũng nộp giấy trắng hoặc viết vẽ bậy bạ vào tờ giấy ấy, thách thức mọi con điểm của giáo viên. Dường như hệ thống giáo dục của chúng ta đã bất lực khi mọi cơ chế đều gây áp lực cho người dạy: từ khâu kiểm tra quản lí đến các biện pháp giáo dục…
Vậy nên đến thời điểm cuối năm này, tôi cùng nhiều đồng nghiệp có cùng băn khoăn như năm những trước là có nên thực hiện theo một chỉ đạo ngầm nào đó để nhà trường và xã hội có con số đẹp: 100% học sinh đủ điều kiện tốt nghiệp THCS.
Thực ra mà nói, cái gọi là TN THCS chỉ là một dấu mốc đơn giản, nhỏ bé trong hành trình học tập gian nan vạn lí của đời người. Với nhiều em học sinh vì lí do nào đó dừng lại ở cái mốc này thì dầu được TN THCS hay không cũng không có tác dụng gì nhiều trong đường đời.
Vậy tại sao chúng ta lại nhét vào tay các em một mảnh giấy chứng nhận tốt nghiệp THCS mà bản thân các em dường như không sẵn sàng hoặc không muốn hoặc không cần hoặc không phấn đấu để đón nhận nó. Mảnh bằng nhỏ nhoi ấy là hoàn toàn vô nghĩa với các em, nó chẳng giúp ích gì cho các em trên đường đời sau này, càng không giúp gì trên đường học vấn.
Xin các đồng nghiệp đừng gây áp lực cho tôi bằng nhiều tác động như: thành tích nhà trường, thi đua cá nhân, lấy các quan hệ gia đình và xã hội, thậm chí kêu gọi tình thương hoặc khuyến khích “thôi kệ, nước mình nó thế” …
Các vị nói về tình thương và sự bao dung - tôi có nhiều tình thương và sự bao dung không kém gì các vị; các vị nói về sự ứng xử - tôi biết cách ứng xử với đồng nghiệp, phụ huynh không kém gì các vị; các vị nói về quan hệ xã hội – tôi cũng nghĩ đến các quan hệ của mình; các vị mong một kết thúc hoàn hảo cho mình nhưng lại không nghĩ đến nhọc nhằn bế tắc của đồng nghiệp trong tương lai…
Xin hãy để mỗi cá nhân: tôi – các bạn – và kể cả học trò (các em đã đủ lớn) tự chịu trách nhiệm về bản thân và tương lai của mình. Chúng ta không thể áp đặt mọi thứ lên nhau.

Không có nhận xét nào: