24/5/18

1.143. TỪ NGẠC NHIÊN ĐẾN…

Bài viết của Nguyễn Hữu Bánh
Cảm nhận về bộ sách biên khảo dịch thuật Bob Dylan của Mộc Nhân Lê Đức Thịnh
hai chuyên viên Anh ngữ Nguyễn Hữu Bánh và Võ Văn Nhi trong buổi ra mắt tác phẩm
Cảm thụ sâu sắc nhạc –thơ, nhạc –triết, nhạc phản chiến… của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn không hề dễ chút nào. Cảm thụ sâu nhạc-thơ, nhạc –triết, nhạc phản chiến … của Bob Dylan, chủ nhân giải Nobel Văn chương năm 2016, thì càng khó hơn vì rào cản ngôn ngữ, văn hóa Anh - Mĩ.

Giả sử có một nhạc sĩ tiếng tăm nào đó ở nước ta mà rất sành ngoại ngữ nhất là tiếng Anh, tiếng Pháp chẳng hạn thì việc nghiên cứu hoặc dịch một số ca khúc nổi tiếng của Nhạc sĩ, ca sĩ Bob Dylan sang tiếng Việt thì cũng không làm chúng ta ngạc nhiên.. Đàng này có một nhà giáo dạy môn Ngữ văn - Mộc Nhân Lê Đúc Thịnh - âm thầm thâm nhập vào miền đất lạ, bao la, đa dạng, đa sắc… của thiên tài âm nhạc Bob Dylan để cho ra đời hai tác phẩm dịch thuật – khảo cứu: “Bob Dylan-Những hòn đá lăn”(nxb Hội Nhà Văn, 2017) và “Bob Dylan - Mai sau biết đến bao giờ”(nxb Hội Nhà Văn,2018) thì thật đáng ngạc nhiên và khâm phục.
Hình như hai tác phẩm này cũng độc nhất vô nhị ở nước ta (đến tháng 5/2018) – tức là tính đến lúc này ở Việt Nam chưa có một quyển sách nào tương đối hoàn chỉnh viết về diện mạo Bob Dylan, dầu rằng bài báo và bài viết trên mạng thì ít nhiều cũng có.
Xuất phát từ niềm yêu nhạc Trịnh Công Sơn và khi chộp được “Trịnh Công Sơn và Bob Dylan: như trăng và nguyệt” của giáo sư người Mỹ John C. Schafer do Cao Huy Thuần giới thiệu thì anh mới bắt nghe các Album nhạc của thiên tài Bob Dylan. Dần dà anh trở thành “tín đồ” của Bob cộng với nỗ lực không ngừng tự học tiếng Anh, Mộc Nhân đã cảm hiểu sâu sắc thế giới tinh thần của Bob thông qua các giai điệu tầm vóc thế giới.
Chỉ có niềm đam mê tột cùng bộc phát thành hai đứa con tình thần khiến nhiều người ngạc nhiên và cảm phục về sức làm việc của Lê Đức Thịnh, trong khoảng thời gian 1 năm, anh đã cho ra mắt hai tác phẩm đầy công phu chữ nghĩa.
“Dịch là phản”(Traduire c’est trahir). Chỉ có hai từ “nghinh diện” trong một câu thơ “Nghinh diện thu phong trận trận hàn” mà dịch “rát mặt” thì đã có rất nhiều người “chê”… Tôi nhận hai cuốn sách của anh trong cuộc gặp gỡ bất ngờ tại buổi ra mắt bộ đôi tác phẩm về Bob Dylan.
Đọc và cảm nhận những lời dịch ca từ hay, tài hoa của anh. Chẳng hạn “Tà dương” (Not dark yet), “Mai sau biết đến bao giờ” (Tomorrow is a long time), “Tôi có thể nghe tiếng em trở về (I can hear the turning of the key)…vân vân… Nhưng cũng có khi nếu chỉnh chu hơn thì anh sẽ diễn đạt trọn vẹn ý của tác giả như: “Một cơn mưa lớn sắp đổ xuống” (A hard rain’s a-gonna fall)-theo tôi nên chọn nghĩa thứ 8 của tính từ “hard” trong Advanced Learner’s dictionary đồng nghĩa với “severe” (a hard winter / frost)… hoăc nhầm lẫn button với buttonhole (Cồ Việt – Tra từ-Tra từ điển cũng nhầm button: cái khuy, cúc áo). Riêng chữ nầy thì tự điển tiếng Mĩ-loại mini-cũng giống ngữ nghĩa với từ điển ALD trên đây… 
Tóm lại là có vài lỗi nhỏ không làm mất đi thần thái ý nghĩa của ca từ văn chương Bob. Còn chuyện lớn thể hiện sự thành công của bộ sách thì tác giả Võ Văn Nhi đã viết khá đầy đủ trong bài “Trên lộ trình tìm lời” – trích một đoạn như sau: “Bằng sự tinh tế và nhạy cảm, Mộc Nhân đồng ứng tương cầu, can trường tương giao chuyển tải hồn phách của Dylany trong các bài dịch”…. Đọc lời mà vẫn rộ lên nhịp-phách trắc-bằng giai điệu; đọc lời mà ngỡ như thơ nhạc có chung dáng cùng hình thướt tha ngân nga diễu gót qua hồn...”. Đây là lời tâm huyết của con người đồng điệu-cùng dạy ngữ văn, cùng hiểu biết Anh ngữ ở múc độ chuyên sâu, cùng viết văn, làm thơ, cùng mê âm nhạc Bob Dylan, nghe và đọc ca từ của Bob Dylan từ nguyên tác.
Cầu toàn là ước mơ chân chính của con người nhưng cầu toàn cũng hỏng việc “The best is the enemy of the good” (Tục ngữ Anh) vì thời gian không đứng đợi sự toàn mỹ.
Cảm ơn tác giả, cảm ơn tác phẩm vì đó là niềm vui, hạnh phúc của văn nhân Đại Lộc, của ngành Giáo dục và của văn chương tỉnh nhà.
-------------------------
* Nguyễn Hữu Bánh – giáo sư Anh ngữ (thế hệ trước 1975), chuyên viên kiêm nhiệm Sở GD-ĐT Quảng Nam – đã về hưu.

Không có nhận xét nào: