5/6/18

1.156. ĐẶC KHU VÀ TIẾNG KÊU CỦA NHÂN DÂN (2)



            * Trong những ngày gần đây, nhân dân cả nước sôi sục phản đối QH sắp thông qua “Dự luật về đặc khu”, đây là một dự luật mà theo giới trí thức phản biện lợi cho quốc gia, cho nhân dân thì ít mà ẩn chứa nhiều mầm họa cho chủ quyền tương lai đất nước. 
           Tôi lưu lại vài bài viết về chủ đề này. (PHẦN 2) - xem lại các bài viết PHẦN 1 tại đây.

1. TRƯỚC KHI QUỐC HỘI BẤM NÚT VỀ LUẬT ĐẶC KHU
Nhà văn Tạ Duy Anh
Có thể trên thực tế Quốc hội dưới sự lãnh đạo của đảng đã bấm nút về Luật Đặc khu rồi, hoặc ai không định bấm rồi sẽ phải bấm (như biểu quyết sáp nhập Hà Tây vào với Thủ đô) nhưng tôi vẫn kiên nhẫn nói thêm với các vị đôi điều.
Các vị đã từng cho phép thành lập những Tập đoàn kinh tế nhà nước, với lý lẽ để tạo nhiều quả đấm thép đưa nước ta bắt kịp Hàn Quốc. Khi đó ai nói khác đi là bị dọa “Bộ chính trị đã đồng ý”. Giờ thì nhìn đấy, mô hình Tập đoàn kinh tế là thảm họa chưa có lối thoát cho đất nước, là nơi công nghệ rác thải của Trung Quốc làm mưa làm gió trên lưng người dân Việt. Và thay vì mau mau sánh kịp Hàn Quốc, chúng ta tụt lại so với họ thêm một quãng dài miên man.
Các vị đã từng cho phép khai thác Bô-xít ở Tây Nguyên cũng với lý lẽ để tạo nguồn thu cho ngân sách và tăng trưởng quốc gia. Khi đó giới trí thức ra sức can ngăn, đều bị quý vị bỏ ngoài tai còn người can ngăn thì bị coi là phá hoại, là thế lực thù địch. Trong Quốc hội nếu có ai nói khác đi là bị dọa “Bộ chính trị đã đồng ý”. Giờ thì các vị đã thấy trắng mắt ra chưa? Lỗ nặng chưa phải là thảm họa đáng sợ nhất. Môi trường bị tàn phá tan nát chưa phải là thảm họa kinh khủng nhất. Hãy hình dung mấy chục năm các cơ sở của Trung Quốc không làm kinh tế, mà chuẩn bị cho việc to lớn hơn là thôn tính lãnh thổ, thì điều gì xảy ra hẳn các vị có thể hình dung, mặc dù thực lòng tôi nghi ngờ lòng yêu nước và trí tuệ của đa số quý vị.
Các vị đã từng cho phép khu công nghiệp Fomosa, tập đoàn kinh tế bị xua đuổi khắp nơi vì gây ô nhiễm vào tọa chiếm vùng xung yếu về an ninh của bờ biển Hà Tĩnh, với thời hạn tới 70 năm, cũng vẫn với lý lẽ để tạo cú huých cho tăng trưởng kinh tế, tạo bức tranh sáng cho đầu tư nước ngoài, vực dậy một vùng nghèo đói và nào là đánh thức tiềm năng…Giờ thì quý vị thấy hậu quả đã nhãn tiền. Tôi dám đảm bảo, thứ mà Fomosa tạo ra cho đất nước chúng ta, chỉ bằng một phần rất nhỏ thứ mà nó làm mất đi của đất nước. Đấy là chưa kể, trong 70 năm dài dằng dặc, sẽ còn bao nhiêu sự cố kinh hoàng như đã xảy ra, đi kèm sẽ là những cuộc nổi loạn không ai dám nói trước có thể kiểm soát của ngư dân.
Tôi không phải là người cứ muốn là nói lấy được, càng không là tín đồ của chủ nghĩa dân tộc một mực bài Trung Quốc. Có nhiều thứ chúng ta còn xa mới làm được như Trung Quốc. Đó là một sự thật. Nhưng sự thật mà tôi muốn nói ra trước tiên, là chúng ta đang tự trở thành miếng mồi ngon dưới con mắt của con sư tử Đại Hán chưa khi nào tàn bạo và tham lam như hiện nay.
Còn quá nhiều ví dụ khác mà tôi không còn hứng thú và sức lực để dẫn ra. Nhưng những thứ mà tôi đã dẫn và chưa dẫn, không phải để khía thêm nỗi bẽ bàng mà các quý vị đã và sẽ nhận đủ, mà chỉ để nhắc các vị nhớ lại, trước khi quyết định một vấn đề to lớn hơn tới vận mệnh và số phận của đất nước: Vấn đề thành lập các đặc khu kinh tế. Tôi cho rằng, mạng xã hội, với tình cảm quá sốt sắng, đang có sự nhầm lẫn khi hướng chú ý vào sự lựa chọn giữa hậu quả nhỏ và hậu quả lớn. 99 năm hay 70 năm, hay 50 năm không phải là vấn đề. Vấn đề là có cần phải thành lập các đặc khu trong bối cảnh hiện nay (xét cả về xu hướng phát triển, tiến bộ công nghệ, đòi hỏi của hoàn cảnh đất nước và nhất là KHI MÀ CHÚNG TA, BAO GỒM CẢ CÁC ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI, BIẾT RÕ TRUNG QUỐC đang muốn gì ở cái mảnh đất hình chữ S này?) Mục tiêu cuối cùng của họ là biến cả Việt Nam thành một ĐẶC KHU của họ. Nếu tôi là Tập Cận Bình, thì tôi cũng sẽ làm thế, nhân danh lợi ích dân tộc Trung Hoa. Vì thế (tôi đang nói với tất cả) thay vì trách họ nham hiểm (trách Trung Quốc nham hiểm khác nào trách sao họ có tới một tỉ rưỡi người!), hãy trách mình trước: Vì sao mình lại dại dột để cho họ dắt mũi, vì sao mình không có chiến lược bài bản như họ, vì sao mình thiếu vắng những nhà lãnh đạo có tầm nhìn như họ…Vấn đề đó không ai giải quyết thay người Việt, vì thế, không ai có lỗi ngoài chính chúng ta. (Tôi thấy lạ, khi tận giờ này vẫn có người lập luận rằng chúng ta gặp khó vì Hoa Kỳ nước đôi, vì Nga thực dụng, vì Camphuchia hai ba bốn mặt, vì Lào thân Trung Quốc hơn, vì thế giới tối mắt trước lợi ích…).
Trở lại chuyện đang bàn. Đừng lấy ví dụ thành công của Thâm Quyến hay bất kì sự thành công của các đặc khu nào khác làm lý lẽ thuyết phục cho sự ủng hộ luật đặc khu. Cũng không cần phải mang sự thất bại của mô hình này ở đâu đó ra để tăng trọng lượng cho ý kiến phản đối. Chúng ta nên tham khảo kinh nghiệm của thế giới, nhưng đã đến lúc người Việt phải tập thói quen độc lập khi đưa ra những quyết định liên quan đến sự tồn vong của mình. Trên tinh thần đó, tôi đồng ý với nhà báo Huy Đức là chúng ta không cần phải có đặc khu kinh tế, không cần ưu đãi nơi này hơn nơi khác khiến đất nước thêm chia rẽ, trong khi tốn tiền xây thành trì cho tội phạm và tư bản thân hữu, mà hãy tạo một không gian mà sự kiếm sống để hưởng hạnh phúc của người dân trở nên thuận lợi, nhân bản cho cả cái đất nước này. Đừng hành hạ dân, hãy tạo ra một thế chế mà không quan chức nào muốn và có thể tự biến mình thành con mối chúa kéo theo cả đàn mối đục khoét đất nước, đừng bỏ rơi người tài chỉ vì họ không thích thú với các nguyên tắc chính trị hiện hành, hay khi họ căm ghét sự xu nịnh, không chịu nói như vẹt. Và xin đừng cố gắng biến nhân dân thành vật thế chấp cho các mục tiêu tù mù…Chỉ cần ngần ấy thôi, tự đất nước sẽ thanh bình, sẽ phát triển, sẽ giầu có mà không cần phải “lót ổ cho phượng hoàng” khi biết trước là diều cắt, cú vọ sẽ nhảy vào trước.
Các quý vị có tự hỏi và có biết là người dân đang hỏi: Vì sao Quốc hội lại sốt sắng với luật Đặc khu đến thế? Một bộ luật đụng chạm đến an nguy quốc gia, đến sự tồn vong của nòi giống, đến cuộc sống của nhiều thế hệ tương lai, mà sao lại cập rập trong thảo luận, trong tập hợp ý kiến người dân? Khôn ngoan của người Việt để đâu hết cả rồi? Tôi không muốn làm kẻ nói bừa, nhưng tôi tin rằng nhất định là có khuất tất.
Vài hôm nữa, với danh nghĩa là cơ quan quyền lực tối cao, quý vị có thể bấm nút thông qua luật đặc khu, bất chấp mọi sự phản đối và lo lắng của người dân cùng với giới sỹ phu (tôi muốn dùng lại từ này). Nhưng tôi muốn chân thành khuyên quý vị, làm diễn viên tồi quá lắm chỉ đáng chê cười vì thế, nếu vì miếng cơm manh áo mà phải thủ vai thì cũng được. Nhưng đừng tự biến mình thành tội đồ, khi biết rõ hoặc linh cảm thấy khả năng đó là rất cao. Dân tộc này có thể tha thứ mọi tội lỗi-như lịch sử từng cho thấy-trừ tội theo chân Trần Ích Tắc và Lê Chiêu Thống.
------------------
2. TÔI CÓ Ý KIẾN
Phạm Quang LongGiáo sư, Tiến sĩ - Chủ nhiệm Khoa Ngữ  (từ 1992 đến 1996), Phó Hiệu trưởng, rồi Hiệu trưởng Trường ĐHKHXH&NV (từ 1996 đến 2001), Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội (2001-2005), Giám đốc Sở Văn hóa Hà Nội (2005-2013), hiện nay tiếp tục dạy học tại Khoa Văn học, ĐHQGHN
Dạo này, các trang mạng xã hội tràn ngập những vấn đề nóng: giao thông, giáo dục, y tế, tư pháp, đặc khu...Xen vào đó là nỗi bất bình vì phát ngôn của các chức sắc " phân bổ ngân sách nước nhà ở đỉnh cao minh bạch"( Đinh Văn Nhã), " đừng nhìn đặc khu kinh tế từ góc nhìn quốc phòng an ninh"(Nguyễn Đức Kiên), dự án từ 76 tỉ đồng ngày phê duyệt đội lên 2.760 tỉ trong quá trình thực hiện " là do cơ chế"(Nguyễn Thị Thanh)...Tâm trạng bất bình với các phát ngôn vô trách nhiệm và kém hiểu biết ấy dần nhường chỗ cho những lo lắng về các đặc khu kinh tế sắp được thông qua. Những tâm trạng ấy có căn nguyên của nó. Xin được nói vài suy nghĩ của một công dân về điều này:
1. Ngày chống Pháp dân ta nhận thức chưa cao như bây giờ nhưng khi Bác Hồ ra lời kêu gọi " chúng ta thà hi sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ" thì dường như toàn thể công dân, không phân biệt tôn giáo, giai cấp, dân tộc đều đứng lên đánh giặc cứu nước. Nhà nước thiếu tiền, nhân dân sẵn sàng hiến vàng, tiền, nhà cửa ủng hộ. Tư tưởng " Tổ quốc trên hết" là mệnh lệnh của mọi trái tim và trên thực tế nó là tình cảm và ý chí đoàn kết mọi người tạo nên sức mạnh toàn dân tộc. Và chúng ta chiến thắng nhờ sức mạnh ấy.
Thời chống Mỹ, hàng triệu gia đình đã hi sinh gia tài quý giá nhất là người thân của mình cho mục tiêu giành độc lập cho đất nước. Nỗi đau của hàng triệu gia đình mất người thân cũng nguôi ngoai khi đất nước thống nhất. Ngày ấy nhân dân dọc đường ra trận sẵn sàng dỡ nhà làm đường, mở đường, giúp đỡ nhà nước với tinh thần "xe chưa qua, nhà không tiếc". Chính Bác Hồ đã tổng kết " dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong". Như vậy dân lo việc nước, ý Đảng lòng dân hoà hợp tạo nên những giá trị vững bền không gì có thể khuất phục. 
2. Thời Đổi Mới chính nhân dân đã mở đường phá vỡ tư tưởng quan liêu, bao cấp. Thực tiễn cuộc sống đã tạo tiền đề để Đảng tiếp tục tư tưởng Đổi Mới đi xa hơn vì Đảng giữ vai trò lãnh đạo. Ba mươi năm qua, Đổi Mới đã đưa đất nước ta phát triển nhưng tỉnh táo nhìn lại thì không thể không thấy rằng lẽ ra ta có thể đi nhanh hơn, đạt nhiều thành tựu lớn hơn nữa, nhân dân còn hạnh phúc hơn nữa, đất nước còn giàu mạnh hơn nữa nếu trước những vấn đề trọng yếu của đất nước, lãnh đạo có những quyết sách chính xác hơn trong các khâu quyết định chọn người đứng đầu, những quyết sách về tổ chức, cán bộ, những chính sách kinh tế xã hội phù hơp. Những bài học thất bại là kinh nghiệm quý để chúng ta tránh lặp lại những sai lầm cũ. Lịch sử cần cho hiện tại là vì thế.
3. Sự suy thoái của xã hội ở nhiều mặt quan trọng thời gian qua đến mức báo động không phải chỉ do tác động của mặt trái cơ chế thị trường như những ghi nhận chính thống. Sự hư hỏng của hệ thống bắt đầu từ những khiếm khuyết của chính hệ thống: không chọn được cán bộ xứng tầm ở mọi cấp, không có cơ chế giám sát quyền lực, giao quyền lực cho những người không xứng đáng ở cả năng lực lẫn tư cách. Vì thế họ ra những quyết sách sai lầm, ảnh hưởng rất lớn đến phát triển đất nước. Việc rất nhiều cán bộ ở đủ các cấp vi phạm pháp luật, bị xử lý thời gian qua là những cái giá quá đắt để chúng ta nhận ra gót chân Ashin trong hệ thống của mình. Việc nhân dân ủng hộ Đảng chống tham nhũng là một tín hiệu mừng vì nhân dân đã biến những bất bình của mình thành những đóng góp đầy tâm huyết và trí tuệ, vẫn coi Tổ quốc trên hết là nghĩa lớn mà gạt những điều riêng tư sang một bên.
4.Nhìn lại những thất bại trong chủ trương phát triển kinh tế mấy chục năm qua có thể thấy: có cái do chủ trương sai, có cái do giao việc sai, có cái do nhận thức sai. Các Tổng công ty với hi vọng là các quả đấm thép đã thất bại, trở thành gánh nặng, không biết bao giờ mới khắc phục xong; Formusa thành thảm hoạ bây giờ vẫn phải giải quyết và còn tiềm ẩn nhiều rủi ro; bauxite Tân Rai thất bại; bao nhiêu dự án của Bộ Công thương, các tỉnh thành đội vốn, thua lỗ đẩy nợ công lên mức cao chưa từng có(bình quân mỗi người hơn 30 triệu)... Tất cả những điều này đã được một số chính khách, nhiều nhà khoa học, trí thức, nhân dân cảnh báo nhưng các cơ quan tham mưu đều chứng minh những góp ý ấy là sai lầm, lãnh đạo vẫn quyết làm và hậu quả thì ai cũng đã thấy. Nhưng đáng tiếc cho đến nay chưa có cơ quan nào nhận sai mà chỉ có những cá nhân sai. Mà chủ yếu sai do tham nhũng. Tôi nghĩ cần xem lại vấn đề này. 
5. Tâm trạng lo lắng về các đặc khu trong xã hội đang phổ biến. Có luật sư đã phân tích về sự chưa chặt chẽ của dự thảo luật Đặc khu. Tôi không phải là chuyên gia luật, kinh tế, không có nhiều thông tin như những người có trách nhiệm để lý giải việc nên hay không nhưng trước tâm trạng xã hội không thể không suy nghĩ. Tại sao có nhiều người lo ngại thời gian quá dài? Có đại biểu Quốc hội lo ngại đặc khu nếu không chặt chẽ sẽ trở thành nơi di dân của nước ngoài. Rất nhiều người lo ngại Trung Quốc sẽ lợi dụng để lách luật làm những điều tổn hại cho đất nước...Về điều này dù ít hiểu biết tôi cũng xin kiến nghị như sau:
- Chưa bao giờ tôi tin vào sự thành thật của giới lãnh đạo Trung Quốc từ xưa đến nay. Lịch sử thì rõ rồi. Họ chỉ muốn biến nước ta thành quận huyện của họ. Mao từ những năm 50 của thế kỷ trước đã lăm le thôn tính nước mình dù ngoài miệng vẫn đồng chí, anh em hữu hảo với nhau( đọc lại bài ông Lê Duẩn nói về điều này). Đặng thì xâm lược thực sự, không che đậy. Suốt dải biên giới với Trung Quốc có bao giờ yên vì Trung Quốc luôn gây hấn, bày trò lấn chiếm. Tập thì sang ta nói ra vẻ hữu hảo, vừa rời ta sang Singapore đã giở giọng khác, vừa vô pháp vô thiên, vừa mất tư cách của một người đứng đầu quốc gia. Vừa mới tuần trước ở Shangri- La tướng Trung Quốc tuyên bố thẳng muốn cướp cả Trường Sa của ta nữa.
-Mọi việc làm của Trung Quốc trong kinh tế chỉ muốn ta suy yếu: bán cho ta các kỹ thuật lạc hậu về xi măng, thép, giao thông...lạc hậu; cho thương lái tìm cách phá hoại như mua rẻ, ép giá, đang giao thương bình thường thì ngừng lại; mua rễ hồi, móng trâu, dược liệu theo kiểu tận diệt... 
-Ở các khu công nghiệp ở Hải Phòng, Ninh Bình, Hà Tĩnh, Đà Nẵng, Tân Rai Trung Quốc đưa dân sang dưới dạng du lịch rồi vào làm việc trái phép, gây ra những hậu quả xã hội đáng lo ngại. Không chỉ là những hành vi vi phạm pháp luật cá lẻ mà mang tính hệ thống, lâu dài. Tất cả những chuyện này Trung Quốc thực hiện công khai, trắng trợn, nghênh ngang, toàn đặt chúng ta vào chuyện đã rồi.
Từ những điều đó, tôi nghĩ những người có trách nhiệm, đặc biệt là Quốc hội, khi quyết những vấn đề lớn liên quan đến chủ quyền quốc gia, an ninh quốc gia cần hết sức thận trọng. Các đại biểu Quốc hội do nhân dân bầu ra, trước những vấn đề lớn như vậy cần lắng nghe những cử tri của mình. Nếu trưng cầu dân ý chưa thích hợp thì nên cử các đoàn đi tiếp xúc với cử tri(đừng chọn đại biểu như những lần tiếp xúc thông thường vì sẽ không nghe được hết ý kiến cần nghe đâu) để lắng nghe tâm tư của dân thế nào. Tôi có quyền nghi ngờ nhiều đại biểu vì nghe họ phát biểu, trả lời phỏng vấn thấy họ hiểu về vấn đề này rất lơ mơ, thậm chí nói sai cả chủ trương của Đảng. Họ mà thay dân quyết định những vấn đề này, tránh sao không sai được?
6. Trước hoạ xâm lăng của nhà Minh, cha con Hồ Quý Ly có hỏi nhau về kế sách giữ nước. Hồ Nguyên Trừng đã trả lời cha" tôi không sợ đánh, chỉ sợ lòng dân không theo". Mối lo ấy có thật, nhà Hồ thất bại vì không được dân theo và đẩy đất nước vào hoạ bị ngoại bang thống trị. Nguyễn Trãi nhận định " chính sự phiền hà" và " lòng dân oán hận" đã là nguyên nhân mất nước vì kẻ thù chỉ mong có thế. 
Xin Quốc hội nghiên cứu thật kĩ, có quyết sách đúng vì trên vai Quốc hội là số phận của một đất nước với hơn 90 triệu dân. Mong rằng trong tim các vị vẫn nóng tư tưởng sáng suốt từ khoá đầu tiên đã xác định Tổ quốc trên hết.
----------------------
3. TỪ TRANH CHẤP BIỂN ĐÔNG NGHĨ VỀ BA ĐẶC KHU
Nhà thơ Vương Trọng
Cả thế giới đều biết rằng, trước năm 1956, lãnh thổ, lãnh hải của Trung Quốc phía nam chỉ đến đảo Hải Nam. Chúng không hề dính dáng gì đến Biển Đông ngàn đời của chúng ta. Từ năm 1956 - 1974, chúng đánh chiếm gọn Hoàng Sa chúng ta, năm 1988 đánh chiếm Gạc Ma và một số đảo khác thuộc quần đảo Trường Sa của chúng ta rồi chúng tuyên bố gần như toàn bộ Biển Đông là của chúng và xây đảo, lập căn cứ quân sự...
Rất lạ là vùng biển này là của chúng ta, mà trên thông tin đại chúng nhiều là ta gọi là " vùng biển tranh chấp" còn bọn chúng lại tuyên bố là của chúng. Như vậy về mặt chủ quyền, ta đã lùi một bước hết sức vô lý, mở đường cho chúng thực hiện tham vọng.
Vấn đề sắp tới Quốc hội sẽ thông qua nghị quyết thành lập ba đặc khu kinh tế với thời hạn 99 năm. Như nhiều người đã phân tích, nấp dưới chiêu bài đầu tư, mục đích của Trung Quốc là mua lãnh thổ để di dân và lập căn cứ quân sự, kết hợp vòng đai trên Biển Đông kìm kẹp, khống chế nước ta để thực hiện mưu đồ thôn tính nước ta. Chẳng cần 99 năm, chỉ cần 30 năm thôi thì ai biết được có bao nhiêu triệu người Hoa trong đó, và họ đã xây dựng những gì...Khi hết thời gian hợp đồng, mình bảo họ trao trả, họ cứ ỳ ra, mọi cuộc thương thảo đều không có kết quả thì làm sao? Ta nói của ta, họ nói của họ, thế là vùng lãnh thổ đặc khu hoá thành VÙNG TRANH CHẤP! Mà đã là tranh chấp thì ai mạnh hơn sẽ thắng, chứ chờ gì được sự phán quyết của Quốc tế, khi họ giàu hơn, họ đủ sức thu xếp mọi thứ.
Bởi vậy, đồng ý lập ba đặc khu cho Trung Quốc đầu tư dài hạn, thực chất là BÁN LÃNH THỔ CHO TRUNG QUỐC và là một bước quan trọng TẠO ĐIỀU KIỆN CHO TRUNG QUỐC THỰC HIỆN ÂM MƯU THÔN TÍNH NƯỚC TA.
----------------------------
4. LUẬT ĐẶC KHU: NHỮNG BẤT ỔN TRỌNG YẾU
Lê Luân – Luật sư
Những vấn đề quan trọng mà nó thể hiện sự bất ổn của Luật Đặc khu là ở mấy điểm chính yếu ngắn gọn sau:
1. Quyền tài phán của Toà án Việt Nam tại đặc khu bị thu hẹp và nhà đầu tư nước ngoài được lựa chọn dùng hoặc không dùng Toà án Việt Nam mà có thể lựa chọn toà án nước ngoài để giải quyết các tranh chấp xảy ra tại đặc khu (không phải chỉ đơn giản là mua bán hàng hoá quốc tế để mà áp dụng Công ước Viên 1980, mà nó vẫn có thể bị từ chối áp dụng) trong nhiều trường hợp; và việc thu hẹp quyền tài phán của toà án là một hạn chế lớn trong việc áp dụng luật và sức mạnh kiểm soát của đặc khu;
2. Việc miễn thị thực cho lao động nước ngoài ra, vào đặc khu lên tới 60 ngày và cộng dồn không quá 180 ngày trong một năm;
3. Việc di chuyển khách nước ngoài bằng máy bay mà chỉ cần một điểm đến hoặc một điểm đi là đặc khu thì bất kỳ hãng hàng không quốc tế nào cũng được cung cấp dịch vụ vận chuyển hàng không - Trung Quốc có thể bay từ đảo Hải Nam vào Vân Đồn hoặc Phú Quốc một cách dễ dàng;
4. Đặc khu Vân Đồn (Quảng Ninh) cho phép người nước láng giềng có chung biên giới được nhập cảnh vào đặc khu mà chỉ cần được bảo lãnh của chủ doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành mà không cần thị thực với thời hạn xác định (Chính phủ quy định điều này) - tức là được đi lại tự do khi chung biên giới (Trung Quốc);
5. Việc cho thuê đất kéo dài tới 99 năm và nhà đầu tư có thể bán, chuyển nhượng dự án cho người khác và có thể thế chấp cho ngân hàng nước ngoài. Đây là một vấn đề rất quan trọng. Chắc hẳn chúng ta còn nhớ vụ án Việt kiều Trịnh Vĩnh Bình (người Hà Lan) kiện chính phủ Việt Nam đòi bồi thường số tiền 1.2 tỷ đô la vì liên quan đến quyền sở hữu/sử dụng bất động sản ngay từ những năm 1990s. Nên nếu đã dính đến nhà đầu tư nước ngoài mà không kiểm soát được luật pháp về quyền tài phán và các giao dịch đối với bất động sản thì nó trở thành vấn đề cực kỳ nghiêm trọng. Cùng với việc một loạt các quy định người nước ngoài được sở hữu nhà ở căn hộ khách sạn, biệt thự nghỉ dưỡng...thì đặc biệt cần phải xem xét lại.
6. Việc thành lập 3 đặc khu vào đúng các vị trí địa chính trị và chiến lược rất quan trọng và hiểm yếu.
-------------------------------------
5. THƯ NGỎ GỬI 496 ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI 
Khóa XIV, nhiệm kỳ 2016-2020

Trần Đức Anh Sơn

       Viện phó Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế - Xã hội Đà Nẵng

Thưa quý vị đại biểu Quốc hội! 
Hôm nay là ngày 5/6/2018, còn đúng 10 ngày nữa, quý vị bấm nút thông qua dự luật có tên Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt (gọi nôm na là “dự luật đặc khu”), để dự luật này trở thành luật và có hiệu lực thực thi ở 3 “đặc khu”: Vân Đồn (Quảng Ninh), Vân Phong (Khánh Hòa) và Phú Quốc (Kiên Giang). 
Theo tôi, đây là một việc rất hệ trọng, có thể gây hậu quả khôn lường và lâu dài cho đất nước, cho dân tộc Việt Nam. 
Vì thế, tôi – Trần Đức Anh Sơn – một công dân Việt Nam xin gửi Thư ngỏ này đến quý vị để bày tỏ ý kiến cá nhân và đề nghị một số vấn đề với quý vị liên quan đến việc bấm nút thông qua dự luật nói trên. 
Thưa quý vị đại biểu Quốc hội! 
Suốt 2 tuần qua, thông qua báo chí, mạng xã hội và các diễn đàn tranh luận công khai trong cả nước, hẳn quý vị đã biết “dự luật đặc khu” nói trên đã tạo ra phản ứng bất bình trong phần lớn người dân Việt Nam ở trong nước và kiều bào người Việt ở nước ngoài.
Những thăm dò không chính thức do nhiều cá nhân tổ chức trên mạng xã hội, cùng ý kiến của nhiều tầng lớp nhân dân, từ tầng lớp trí thức (học giả, nhà khoa học, văn nghệ sĩ, chuyên gia kinh tế…), nhà hoạt động xã hội, sinh viên – học sinh, cho đến tầng lớp cần lao (công nhân, nông dân, người lao động tự do…), cho thấy đa phần người Việt Nam ở trong và ngoài nước phản đối dự luật này, nhất là đối với điều khoản “cho người nước ngoài thuê đất ở các đặc khu đến 99 năm”. 
Chính ông Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ, cũng thừa nhận với báo chí bên hành lang Quốc hội vào sáng 4/6/2018 là “vấn đề cho thuê đất đặc khu đến 99 năm đối với trường hợp đặc biệt đã gây ra ‘làn sóng khủng khiếp’, nhiều ý kiến tâm tư, tin nhắn, cuộc gọi, thư từ gửi đến Thủ tướng” [Thủ tướng: Việc cho thuê đất đặc khu 99 năm gây ra “làn sóng khủng khiếp”]. Điều đó có nghĩa là giới lãnh đạo Việt Nam và quý vị đại biểu Quốc hội đã biết rõ “lòng dân” đối với “dự luật đặc khu” này.
Thưa quý vị đại biểu Quốc hội! 
Nguy cơ và những tác hại khôn lường tiềm ẩn trong “dự luật đặc khu”, sự lỗi thời, không cần thiết của việc thành lập các đặc khu kinh tế ở Việt Nam trong bối cảnh hiện nay, đã được các chuyên gia kinh tế, các nhà trí thức, những người yêu nước Việt Nam có kiến thức và chính kiến… phân tích và mổ xẻ qua nhiều bài nghiên cứu, bài báo, bài trả lời phỏng vấn… đăng tải trên báo chí chính thống do Nhà nước quản lý và trên các diễn đàn, trên mạng xã hội, mà tôi tin chắc là quý vị đã đọc, đã biết, đã nắm thông tin. Vì thế, tôi thấy không cần thiết phải nhắc lại trong Thư ngỏ này. 
Ở đây, tôi chỉ tóm lược những ý chính đã được nhiều người phân tích, mổ xẻ về sự bất cập của dự luật này. Đó là nếu dự luật này được thông qua, trở thành luật và có hiệu lực thực thi, thì nó sẽ tạo ra những hệ lụy sau: 
– Không hiệu quả, gây lãng phí kinh tế (với số tiền dự kiến đầu tư để “lót ổ”, từ dùng của PCT Quốc hội Uông Chu Lưu, lên đến hơn 1,6 triệu tỉ VNĐ) do tính lỗi thời của các đặc khu trong bối cảnh kinh tế – xã hội Việt Nam và trong mối tương quan với nền kinh tế trong khu vực và kinh tế thế giới thời kỳ hậu toàn cầu hóa; 
– Khả năng người Trung Quốc sẽ thuê đất các đặc khu với nhiều điều kiện ưu đãi, rồi biến những nơi này thành các “tiểu China” trong lòng lãnh thổ Việt Nam, nơi chứa chấp một lượng lớn di dân Trung Quốc đến “ăn đời ở kiếp” và có thể tiến hành những hoạt động gây phương hại cho kinh tế, xã hội, an ninh trật tự và chủ quyền quốc gia của Việt Nam; thậm chí có thể làm biến đổi giống nòi của người Việt qua các việc kết hôn (chính thức và phi chính thức) với người Việt; 
– Biến những nơi này thành những cứ điểm kinh tế của ngoại bang, có thể là những cứ điểm quân sự ngầm, tồn tại hợp pháp trên lãnh thổ Việt Nam, để đến khi có chiến tranh giữa Việt Nam với các nước đang nắm quyền kiểm soát các đặc khu này, thì đó là những “bàn đạp” để tấn công chúng ta ngay trong lòng đất nước của chúng ta; 
– Người dân ở những nơi sẽ trở thành đặc khu này sẽ bị mất đất, sẽ trở thành di dân, tha hương ngay trên mảnh đất mà tổ tiên họ đã dày công khai phá và trao truyền cho các thế hệ cha ông và cho chính họ trong hàng trăm năm qua. Họ sẽ trở thành những kẻ làm thuê khốn cùng cho ngoại bang bằng những nghề hạ tiện nhất mà ngoại bang không làm, để kiếm sống một cách tủi nhục trên chính quê hương mình; 
Thưa quý vị đại biểu Quốc hội! 
Vì những hệ lụy trên (và nhiều hơn thế), tôi tha thiết mong quý vị sẽ cân nhắc để KHÔNG bấm nút thông qua “dự luật đặc khu” này. 
Tôi biết, bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch Quốc hội đã huỵch toẹt “Bộ Chính trị đã kết luận rồi, dự thảo luật không trái Hiến pháp, phải bàn để ra luật chứ không không thể không ra luật” [Chủtịch Quốc hội: Phải bàn để ra được luật đặc khu], có nghĩa là quý vị phải làm sao để dự luật phải trở thành luật. 
Tôi cũng biết trong số 496 vị đại biểu Quốc hội khóa XIV, thì có hơn 470 vị là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Điều đó có nghĩa là một khi Đảng đã quyết thì các đảng viên phải tuân thủ. 
Tôi cũng biết nhiều vị trong số quý vị đang đóng rất nhiều vai: vừa là đại biểu Quốc hội (lập pháp), vừa là thành viên của Chính phủ (hành pháp) và các cơ quan thừa hành các cấp; vừa là đảng viên kiên định với đường lối của chủ nghĩa Mác – Lênin, lại vừa là những “mắc xích ngầm” của nhóm lợi ích trong guồng quay của chủ nghĩa tư bản thân hữu và hoang dã… Vì thế, quý vị sẽ khó vùng vẫy để thoát ra khỏi những mối quan hệ này và bấm nút theo chính kiến và lương tri của mình. 
Nhưng tôi nghĩ, tuy là đảng viên, nhưng quý vị lại đang là đại biểu Quốc hội, và theo Điều 69 của Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam năm 2013, thì: “Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Quốc hội thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước”. Vì vậy, khi ra Quốc hội, quý vị phải đại diện cho DÂN, cho NƯỚC, chứ không phải đại diện cho Đảng. Quý vị cứ thực hiện trách nhiệm đảng viên của mình ở trong các tổ chức, các diễn đàn, các chương trình nghị sự của Đảng. Còn ở đây, tôi tha thiết đề nghị quý vị hãy đặt vai trò của đảng viên sau vai trò của đại biểu của DÂN, của NƯỚC, khi tự mình bấm nút THÔNG QUA hoặc KHÔNG THÔNG QUA dự luật này. 
Sau cùng, nếu quý vị, vì lý do bất khả kháng mà phải bấm nút THÔNG QUA dự luật này, thì xin quý vị hãy nhớ rằng: danh sách 496 vị đại biểu Quốc hội khóa XIV này đã được nhân dân BIẾT RÕ (với tên tuổi, quê quán, năm sinh tháng đẻ, nghề nghiệp, chức vụ…) thông qua (một trong những) link như thế này: KẾTQUẢ BẦU CỬ QUỐC HỘI KHÓA XIV
Nhân dân sẽ nhớ rất rõ không chỉ từng vị đại biểu, mà cả thân nhân (mẹ cha, vợ chồng, con cái… của quý vị) thông qua sự hỗ trợ của các công cụ tìm kiếm trên mạng internet, mạng xã hội. Rồi, họ sẽ “dựng bia muôn đời” cho quý vị như người Trung Hoa xưa đã dựng tượng Tần Cối trước mộ Nhạc Phi để cho hậu thế phỉ nhổ. 
Cũng vì thế, tôi có một đề nghị như sau: Chắc chắn Quốc hội sẽ không công bố ai bấm nút THÔNG QUA, ai bấm nút KHÔNG THÔNG QUA dự luật này. Vì thế, tôi kính mong những vị đại biểu đã bấm nút KHÔNG THÔNG QUA hãy tự công khai danh tính của mình với nhân dân, dưới bất kỳ hình thức nào có thể, để người dân biết được ai đã bấm nút vì DÂN, ai đã bấm nút vì Đảng. Vì trong trường hợp này, “ý Đảng” không phải là “lòng DÂN”. 
Tôi là một người học Sử và đã nghiên cứu lịch sử Việt Nam trong suốt 30 năm qua. Nay, tôi bắt đầu học làm người chép Sử. Tôi nguyện sẽ ghi chép trung thành tất cả những gì mà tôi có thể ghi chép được về giai đoạn hiện nay của lịch sử nước nhà để lưu lại cho đời sau. 
Và, một trong những việc đầu tiên mà tôi bắt tay vào việc chép Sử này là tìm mọi cách, mọi phương tiện, mọi kênh thông tin… để biết được vị đại biểu Quốc hội nào bấm nút THÔNG QUA, vị đại biểu nào bấm nút KHÔNG THÔNG QUA “dự luật đặc khu” vào ngày 15/6/2018 để chép lại vào lưu truyền cho các thế hệ sau. 
Vì thế, tôi kính mong những vị đại biểu bấm nút KHÔNG THÔNG QUA hãy vui lòng cung cấp danh tính cho tôi, hoặc thông qua các bạn bè tôi bằng bất kỳ hình thức nào tiện lợi nhất cho quý vị. Chúng tôi sẽ lập một danh sách riêng để cho NHÂN DÂN trân trọng, ghi nhớ và tri ân quý vị vì đã hành xử đúng với vai trò của một NGƯỜI ĐẠI BIỂU CỦA NHÂN DÂN, và để cho đời nay và muôn đời sau BIẾT mà không bêu riếu quý vị, không bêu riếu gia đình, gia tộc và quê hương quý vị. 
Xin kính chúc quý vị đại biểu sức khỏe và tỉnh táo. 
Kính thư.

Không có nhận xét nào: