20/6/19

1.466. NHẦM LẪN HAY THIẾU HIỂU BIẾT

Cây, lá , hoa vàng tâm


Ca dao có câu:
“Vào rừng chẳng biết lối ra
Thấy cây núc nác tưởng là vàng tâm”.

Đây là hai câu ca dao nằm trong một bài ca dao:
“Vào rừng chẳng biết lối ra
Thấy cây núc nác ngỡ là vàng tâm
Đi đâu mà vội mà lầm
Núc nác thì nổi, vàng tâm thì chìm”.

Câu (bài) ca dao trên có hai cách hiểu:
Cách hiểu (1): vàng tâm là cây quý, còn núc nác (núc nắc) là cây tầm thường - ý muốn nói lên sự thất vọng về một thứ điều gì đó do nhầm lẫn. Tưởng là thứ tốt nhưng hóa ra đó là thứ rất tầm thường do trong rừng có biết bao là cây mọc chằng chịt với nhau, thật khó lòng phân biệt được cây nào với cây nào. Vì vậy, núc nác mà tưởng là vàng tâm là do bị nhầm lẫn.

Cách hiểu (2):
Vàng tâm là loài thực vật quý hiếm, gỗ vàng tâm nhẹ, mềm mà không mối mọt, không cong vênh. Khi chôn sâu dưới lòng đất, thì gỗ vàng tâm không bị mục nên nó đứng đầu trong các loại gỗ quý làm áo quan. Dân gian có câu: “Sống trên đời ăn miếng dồi chó/ Chết xuống âm phủ được bó vàng tâm” là vậy. Núc nác (núc nắc) mọc hoang, dễ trồng và có giá trị dược liệu.
Vàng tâm và núc nác hoàn toàn khác nhau về đặc điểm nhận dạng cũng như giá trị sử dụng. Mỗi cây có giá trị riêng theo từng mục đích cụ thể, thì không thể bàn chuyện cây nào quý hơn cây nào; với người đang cần tìm vị thuốc “núc nác” mà thấy vàng tâm thì vô dụng; ngược lại, với người đi tìm vàng tâm mà thấy núc nác cũng là bỏ đi.
Tuy nhiên, về giá trị trao đổi và sự quý hiếm thì vàng tâm so với núc nác chẳng khác nào vàng so với thau. Khi tìm kiếm, khai thác vàng tâm, người ta phải đi vào rừng sâu; còn với núc nác có thể thu hái ngay trong thôn làng.
Như vậy sự nhầm lẫn giữa vàng tâm và núc nác hoàn toàn do thiếu hiểu biết thực tế về cả hai loại cây này chứ không phải do hai loài cây này quá giống nhau.
Từ đây có thể hiểu nghĩa thứ (2) của câu này là: ý chế giễu, chê bai người thiếu kiến thức, thiếu hiểu biết thực tế dẫn đến nhận thức sai lầm về sự vật, hiện tượng (gần nghĩa với câu “Trông gà hoá cuốc”).
Nghĩa (1) chê bai do nhầm lẫn; nghĩa (2) đúng hơn: chê bai do thiếu hiểu biết.
Sự vật hiện tượng và con người cái gì ra cái đó, không thể nhầm lẫn nhau được; phải chăng những kẻ thiếu hiểu biết mới nhầm lẫn ???
Âu đây cũng là bài học cho mỗi cá nhân.
***
   Bài viết sử dụng tư liệu từ trang của nhà nghiên cứu Hoàng Tuấn Công


Không có nhận xét nào: