2/9/19

1.538. NHẬT KÝ QUI NHƠN - BÌNH ĐỊNH



Ca dao có câu: “Bình Định có núi Vọng Phu/ Có đầm Thị Nại, có Cù Lao Xanh/ Em về Bình Định cùng anh…”
Search trên bản đồ du lịch Qui Nhơn – Bình Định ta sẽ tìm thấy biết bao điểm đến hấp dẫn như: Eo Gió, Kỳ Co, đồi cát Phương Mai, những bãi tắm nổi tiếng Ghềnh Ráng, Bãi Xếp, Đầm Thị Nại, Chùa Linh Phong, Tháp Bánh Ít… 
Tuy nhiên hành trình hôm nay không đủ thời gian nên chỉ lướt qua một số nơi:

            1. Cung đường Sông Cầu – Qui Nhơn:
Sắp hết hành trình Phú Yên; đến cuối thị xã Sông Cầu ta rẽ phải xuống quốc lộ 1 D - con đường nối Tp Quy Nhơn - Bình Định với Thị xã Sông Cầu - Phú Yên. Một con đường tuyệt đẹp quyến rũ bởi sự hoang sơ, tự nhiên.

Cung đường dài hơn 33 km tránh qua đèo Cù Mông trên quốc lộ 1 và rút ngắn quãng đường vào Tp Quy Nhơn.
Đi vào buổi chiều tối mới cảm nhận được vẻ đẹp của nó. Con đường trải nhựa phẳng lỳ một bên biển với những bãi cát trắng phau, một bên núi với màu xanh ngút ngàn của cây cỏ, những cây cầu nhỏ tiếp nhau gác qua một thác nước hay một dòng suối nhỏ chảy ra từ hẻm núi đẹp như tranh.
Lúc chạng vạng tối nhìn những làng đèn thấp thoáng, lấp lóa trên biển mới thấy vẻ đẹp mê hồn của con đường quanh co đèo dốc, suối khe, núi biển, bờ bãi mênh mang này. Xa xa đã nhận thấy ánh sáng và sắc màu của Qui Nhơn hiện ra sau hẻm núi, đỉnh đèo.
Dọc con đường là nhiều khu du lịch: Bãi Bàng, Bãi Xép, Bãi Rạng, Bãi Dài, Bãi Bàu, Bãi Nồm…
Cuối cung đường là Gềnh Ráng – đã đến Thành phố Qui Nhơn. Đêm xuống, phố lộng lẫy nằm lọt giữa một bên là núi và bên kia là biển.
2. Thành phố Qui Nhơn:
            Chỉ với một buổi sáng quanh quẩn thì chưa thể nhận thấy hết vẻ đẹp của phố biển Quy Nhơn. Dường như Quy Nhơn là điểm du lịch không quá đông đúc nên có cảm giác an toàn, thân thiện, gần gũi. Không như Đà Nẵng người xe nhộn nhịp bất an, Tp Hồ Chí Minh chen chúc và đề phòng…

Buổi sáng rời khách sạn rong ruổi tìm món bánh cuốn nóng để ăn sáng trên đường Ngô Mây. Lông rông một lúc gặp quán bánh canh tôm Ba Biên trên đường Phan Đình Phùng. Ẩm thực phong phú, ngon miệng mà giá cả đều rẻ.
Có cảm giác con người ở đây rất dễ mến dễ gần vì hỏi han điều gì họ cũng chỉ bảo hướng dẫn tường tận; vào quán xá người ta nhìn là biết ngay mình từ nơi khác đến nên nhắc nhở về việc đổ xe để khỏi bị phiền; lại có vài tư vấn về mua sắm ăn uống… và nhất là không hề chặt chém.

Chạy xe đến đầm Thị Nại cho biết. Cái tên “Thị Nại” có gốc từ tiếng Chàm phiên âm qua tiếng Hán là Thị-lị-bì-nại và được gọi tắt thành Thị Nại. Đây là đầm nước lợ lớn chiều ngang chỗ rộng nhất gần 5 km như biển nhỏ giữa lòng thành phố tạo nên bức họa hấp dẫn du khách.
Bắc ngang qua đầm là cầu Thị Nại – cây cầu vượt biển dài thứ nhì Việt Nam sau cầu Tân Vũ ở Lạch Huyện Tp Hải Phòng. Cầu Thị Nại nối thành phố Quy Nhơn với bán đảo Phương Mai…

Trưa ngồi ở nhà hàng ven biển ngắm vịnh Qui Nhơn và thưởng thức hải sản nơi phố biển này.
3. Thăm mộ Hàn Mạc Tử:
            Ghé thăm mộ Hàn Mặc Tử không chỉ có những người yêu thơ, mà rất nhiều khách du lịch cũng tìm về nơi đây với mong muốn thắp nén hương để tưởng nhớ về người thi sĩ tài hoa nhưng bạc phận này.

Mộ thi sĩ Hàn Mặc Tử tọa lạc trên ngọn đồi Thi Nhân thuộc Gành Ráng. Con đường nhỏ lên ngọn đồi này được làm thành những bậc tam cấp bằng đá, với hai bên là những hàng cây được cắt tỉa thành hàng, nằm ẩn mình dưới những tán cây xanh, một con đường vô cùng thơ mộng được gọi tên là dốc Mộng Cầm.

Năm 1940, Hàn Mặc Tử qua đời  và được an táng tại Quy Hòa. Đến năm 1959, bạn bè và người thân của ông đã cải táng và di dời phần mộ của ông về Ghềnh Ráng. Nơi đây dần dần được tôn tạo và trở thành điểm đến của du khách.

Ven dốc Mộng Cầm có một gian hàng lưu niệm chủ yếu là những bức thư pháp được khắc lên gỗ gọi là “mộc thư”. Nghệ nhân Dzũ Kha là người chủ gian hàng này, ông đã có hơn 30 năm thổi hồn thơ của Hàn Mặc Tử lên những tấm gỗ vô tri, vô giác bằng “bút lửa” (mũi bút dùng điện tạo nên độ nóng để khắc chữ trên gỗ).

Ông là người yêu thơ của Hàn Mặc Tử nên ông muốn làm một điều gì đó để lưu giữ điều này. Gian hàng nhỏ của ông treo những câu thơ của Hàn Mặc Tử với nét chữ, vần thơ được khắc mềm mại, uyển chuyển trên gỗ sẽ là những món quà độc đáo và ý nghĩa cho những ai ghé thăm nơi đây.
4. Thăm Thành Hoàng Đế:
Thành Hoàng Đế thuộc địa phận xã Nhơn Hậu, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định. Nằm cách thành phố Quy Nhơn hiện nay khoảng 20 km theo hướng tây bắc trên một vùng gò đồi.
Năm 1778, sau khi đánh bại chúa Nguyễn, Nguyễn Nhạc lên ngôi hoàng đế nhà Tây Sơn và cho xây dựng kinh đô tại vị trí thành Đồ Bàn của vương quốc Chăm Pa, đây là nơi của Hoàng đế Thái Đức Nguyễn Nhạc ở nên gọi là thành Hoàng Đế.

Thành có 3 lớp: vòng ngoài là thành ngoại có chu vi khoảng 7 km, tiếp đó là thành nội có chu vi khoảng 1,6 km và trong cùng là tử cấm thành có chu vi khoảng 700 m, tường thành cao khoảng 3 m.
Năm 1793, Nguyễn Ánh sai tướng Võ Tánh đánh chiếm được thành Hoàng Đế và đã đổi tên là thành Bình Định. Nhưng Võ Tánh và Ngô Tùng Châu trấn giữ thành được 3 năm thì bị nhà Tây Sơn chiếm lại. Liệu không giữ được thành, Ngô Tùng Châu uống thuốc độc tự tử còn Võ Tánh phải tự thiêu tại lầu bát giác trong thành. 



Dưới thời Nhà Nguyễn, vua Gia Long Nguyễn Ánh cho chuyển thủ phủ Bình Định từ thành Hoàng Đế về vị trí mới. Ông đã cho phá phần lớn thành cũ, lấy vật liệu về xây dựng thành mới nên ngày nay thành Hoàng Đế chỉ còn lại một số di tích như: cổng tam quan của tử cấm thành, hồ bán nguyệt, đôi sư tử đá của các vua Chăm Pa, nền đàn Nam Giao, lầu bát giác nơi Võ Tánh tự thiêu cùng lăng mộ ông…
            5. Tháp Cánh Tiên:
Tháp Cánh Tiên còn có tên gọi là tháp Đồng là một ngôi tháp nằm ở chính giữa thành Đồ Bàn xưa, nay nằm bên ngoài thành Hoàng Đế.


Tháp được xây dựng vào thế kỷ 12, có một phần ảnh hưởng từ kiến trúc Angkor Vat của người Khmer do thời kỳ này có sự giao lưu thường xuyên giữa vương quốc Khmer và Chăm Pa.
Tháp Cánh Tiên là một tháp đơn được người Chăm cổ xây dựng trên đỉnh đồi, cao khoảng 20 mét. Kiến trúc tháp còn khá nguyên vẹn, với hình tháp vuông nhiều tầng xây bằng gạch với những khối hình lớn gây ấn tượng từ xa bởi các cột ốp, vòm cửa vút cao vương lên như hình những mũi giáo khổng lồ. Những phiến đá trang trí các góc tường phía trên của các tầng hình lá nhọn nhô mạnh ra như đôi cánh nên dân gian gọi tên là Tháp Cánh Tiên.
6. Chùa Thập Tháp:

Dân gian gọi tên là Chùa Thập Tháp vì chùa này xây bằng gạch nung lấy từ 10 ngọn tháp Chàm đổ nát ở đồi Long Bích gần đó. Theo sử sách thì Chùa hình thành từ năm 1665, khi thiền sư Nguyên Thiều, một nhà tu hành người gốc tỉnh Quảng Đông, Trung Hoa dùng gạch đá của 10 ngôi tháp đổ để dựng chùa. Chùa đã trải qua nhiều lần tu bổ, diện mạo hiện tại được định hình từ đầu thế kỷ 20.

Chùa tọa lạc trong phạm vi thành Đồ Bàn cũ, được chúa Nguyễn Phúc Chu ban cho biển "Thập Tháp Di Đà Tự" nên còn gọi là Chùa Thập Tháp Di Đà. Đến nay Chùa đã có lịch sử 340 năm và là  rất trang nhã. Ngoài các kiến trúc chính, chùa Thập Tháp còn có khu vườn tháp cổ với 24 bảo tháp lớn nhỏ mang hình thái kiến trúc phong phú, tất cả đều xây dựng từ thế kỷ 19 - 20.

Chùa Thập Tháp là một trong những ngôi chùa lớn và cổ xưa nhất ở Bình Định cũng như miền trung được xếp hạng di tích Kiến trúc nghệ thuật văn hóa năm 1990.
Qui Nhơn - Bình Định còn nhiều điều để lưu giữ nhưng hẹn hành trình sau vậy.
 Đầu tháng 9/ 2019

Không có nhận xét nào: