15/9/19

1.549. MAI THÌN VỚI HỒN QUÊ CỐT XỨ

           Mộc Nhân
            * Nhân đọc tản văn - bút kí "Lá Rụng Buồn Tênh" của Mai Thìn


Tôi biết Mai Thìn từ lâu qua việc kết bạn, đọc bài, giao lưu trên facebook nhưng gặp nhau thì chưa. Nhân đợt “Hội thảo về Lý luận phê bình VHNT” do HĐ Lý luận phê bình VHNT - Ban Tuyên giáo T.W tổ chức tại Tp HCM tháng 9/ 2019 mà anh và tôi đều có tham gia nên chúng tôi được gặp nhau.
Mai Thìn người gốc An Nhơn, Bình Định, hiện sống tại Tp Qui Nhơn. Anh viết khá nhiều, đủ mọi thể loại: thơ, nghiên cứu văn hóa dân gian, tản văn, bút kí... Tập sách mới đây nhất của anh là tập văn xuôi “Lá rụng buồn tênh” (Nxb Hội Nhà văn, 2015), với 30 bài tản văn, bút ký ngồn ngộn vốn sống làng quê.
Tôi được anh đề tặng tập sách này trong lần gặp mặt.
Văn xuôi của Mai Thìn trong tập này đã thể hiện khá rõ chất đồng quê, dân gian qua những bức tranh quê xứ, tạo vật, con người, văn hóa, phong tục... nơi miền đất anh sinh ra và lớn lên.
Đó là kí ức về mùa hoa cải mang theo vẻ đẹp trầm mặc “khi những cơn gió bấc bắt đầu tràn về… từng bẹ cải thon nõn như những bàn tay thiếu nữ mười sáu đôi mươi”; là bãi soi ven Bến Gỗ “một bến sông xanh trong cho tuổi nhỏ vẫy vùng thỏa thuê những ngày nắng nóng” chất chứa “bao nhiêu kỉ niệm dù gian khổ nhưng thật đẹp của tuổi thiếu thời”; là nhánh sông Côn uốn lượn dưới chân thành Hoàng Đế “mùa lũ nước ngập trắng bãi bờ… mùa hè nước cạn là thú thả diều, nhử chim, tắm sông, đánh trận giả trên cánh đồng đầy rơm rạ vào những đêm trăng thanh gió mát”
Mai Thìn đã khắc họa vẻ đẹp yên ả của làng quê xưa với đủ sắc màu, thanh âm, hình ảnh thân thương đã ăn sâu vào tâm hồn thơ trẻ thành dòng hồi tưởng mà đến nay vẫn còn in đậm trong tâm trí tác giả. Cảnh sắc thiên nhiên nông thôn trong trang văn của anh thường tươi thắm, thơ mộng mà mỗi khi hướng về đó tâm hồn con người luôn có cảm giác yên bình và yêu mến. Chuyện của Mai Thìn trong “Lá rụng buồn tênh” khiến tôi liên tưởng tới biết bao làng quê Việt Nam xưa đã trở thành ký ức để tất cả mọi người càng hiểu hơn, yêu hơn những bóng hình hiền hòa, yêu dấu của quê mình.
Đọc văn xuôi Mai Thìn tôi lại liên tưởng đến Nguyễn Tuân – tất nhiên giữa hai tác giả khác nhau về thi pháp tản văn nhưng tôi bắt gặp điểm giao thoa là hồn quê cốt xứ. Nguyễn Tuân có nhiều trang viết về nghệ thuật ẩm thực, tạo vật, hồn cốt Hà Nội như: Phở mà ông gọi là món quà cổ điển rất tính chất dân tộc, là một món ăn rất nhiều quần chúng tính; rồi ông Nguyễn đi vào "tàn đèn dầu lạc", vào "hát ả đào"; về cái đẹp hư ảo của Chùa Đàn …
Mai Thìn cũng viết về hồn quê xứ Bình Định của ông với những chủ thể thẩm mỹ là ẩm thực dân gian, đền đài di tích, đặc sản vật thể… như: bánh ít lá gai “không chỉ đặc trưng từ hương vị ngọt bùi thơm dẻo kết tinh từ lao động sáng tạo của người nông dân, không chỉ đặc trưng từ hình dáng tựa những ngôi tháp Chàm cổ kính rêu phong mà còn mang đầy chất huyền thoại”; là nón Gò Găng ở An Nhơn đi vào ca dao “Gò Găng bán nón hai quai/ Bộ tra quan mốt bộ quai năm tiền” ban đầu chỉ dành cho những người cao sang quyền quí, chức sắc, quan lại, về sau nón được làm ra để đáp ứng nhu cầu của giới bình dân và rồi “se duyên cho bao mối tình thi vị”; là quả thị quê nhà màu vàng tươi mà “mùi thơm của thị đã thẩm vào ca dao, văn chương, hò vè của vùng đất này”; là đường tán ăn với bánh mè nướng, vừa giòn vừa ngọt lại thơm ngậy hương mè; là trang phục người xưa “ăn lấy chắc, mặc lấy bền”; là những ngôi nhà mái lá độc đáo “mang theo triết lý nhân sinh” và thể hiện tài hoa người thợ…
Tuy nhiên tất cả giờ đây chỉ là quá khứ. Giọng văn Mai Thìn đâu đây trầm mặc một niềm hoài cổ trước những đổi thay của làng quê thời hiện đại khiến ai cũng phải chạnh lòng “Những người muôn năm cũ/ Hồn ở đâu bây giờ” (Vũ Đình Liên).
Liên hệ là quyền của người đọc, là thuộc tính của tư duy nên khi đọc “Lá rụng buồn tênh” của Mai Thìn tôi lại thích thú khi liên tưởng đến lối viết của Nguyễn Huy Thiệp. Trong nhiều truyện ngắn của mình, Nguyễn Huy Thiệp để cho bạn đọc “vấp” những câu ca dao, thơ, đồng dao, hò vè, châm ngôn đắng như bồ hòn, mặn như muối bể qua lời nói, lời hát của nhân vật. Mai Thìn cũng làm được điều ấy một cách tự nhiên, đằm thắm, trữ tình khi anh gợi mở trường liên tưởng của bạn đọc qua ca dao, phương ngữ, tích truyện và cả thơ của chính tác giả để rồi bạn đọc tự thấm tự ngẫm về quê xứ kiểu mình. Cho nên đọc văn Mai Thìn ta lại được tiếp cận với nguồn cội cảm xúc trong những bài thơ của anh: “Rút ruột cuộc chơi/ rút ruột điệu múa/ rút ruột lời ca/ để thành tiếng trống/ rút ruột bóng đêm/ rút ruột nỗi khổ/ rút ruột cuộc đời/ mới thành Đào Tấn/ bây giờ rút ruột/ vầng trăng hững hờ/ lam ba đa nhạc Rốc/ phố phường hoang vu/ ta ngồi rút ruột/ kiếp người tha hương/ vọng lên khúc hát/ nam ai nam bình/ vửng nghe tiếng trống/ quặn lòng thinh không” (Bài thơ Tiếng trống – trong tản văn Quê tôi, mùa hát bội); hoặc “Anh thắp hương trước khi làm lễ/ chúng mình nguyên thề tóc bạc răng long/ tiên tổ về trên mái là đòn đông/ đón nhận nàng dâu hiếu thảo/ Cha đã ra đi một mà đông hết gạo/ cỏ đầy gò, dưa chửa ra hoa/ chiếc lư thờ đầy ắp tàn tro/ hàng cột cái tựa mòn vai áo/ Bậc thềm nhà mình những ngày mưa bão/ giọt nước mái tranh róc rách cá rô nằm…” (Bài thơ Trong ngôi nhà mái lá – trong tản văn Độc đáo nhà lá mái Bình Định). Chắc chắn là còn nhiều nữa mà tôi không thể chọn trích hết.
Quả là một kiểu liên văn bản gần gũi, thú vị khiến cho những điều nằm ngoài tập sách cũng quẫy đạp, vẫy gọi, lục loại, dò tìm trong trí tưởng tượng của người đọc.
Cái hồn quê cốt xứ trong văn Mai Thìn không chỉ đơn thuần là “thú chơi” như Nguyễn Tuân, không phải là “sự đào bới xới lộn, lật tùng phèo để cười để châm” của Nguyễn Huy Thiệp mà nó là những mảng kí ức gắn liền với di tích lịch sử, văn hóa, phong tục, sản vật của một vùng đất Bình Định từ quá khứ đến hiện tại trong dòng tự sự kết hợp với biểu cảm đã mang đến cho bạn đọc cái nhìn cận cảnh, đầy sức thuyết phục về quê hương cố xứ. Nên đôi khi chúng ta bắt gặp những mảng sử bi tráng của hai thời kỳ kháng chiến trong hồi ức của tác giả xen lẫn với bức tranh trầm mặc làng quê xưa dù nằm trong những văn bản độc lập nhưng lại gắn bó nhau một cách tinh tế.
“Lá rụng buồn tênh” của Mai Thìn mang đậm chất thơ – chất thơ ngay từ cái nhan đề buồn tênh; từ cái hình bìa 1 trang nhã mông lung; từ cái hình avatar của tác giả trẻ trung, hiền lành, tươi tắn mà đầy suy tư; từ cái hồn quê trong từng sự kiện; từng câu chữ như cánh diều “thảnh thơi bay lượn trên cánh đồng quê hương”; từng niềm trăn trở mà tác giả chia sẻ kín đáo cùng bạn đọc; từ những miền trầm tích ở vùng đất phát tích của Nhà Tây Sơn, nơi có Thành Đồ Bàn, Chùa Thập Tháp, Tháp Cánh Tiên, Tháp Bánh Ít… nơi có “Bàn thành tứ hữu” lừng danh trên văn đàn Việt Nam (Quách Tấn, Hàn Mặc Tử, Yến Lan, Chế Lan Viên); từ những ngọn lửa sưởi ấm và nung lên đất đai quê nhà thành những viên gạch xây đền đài Champa mà tác giả muốn mọi người cùng gìn giữ…
Tôi không phải là người Bình Định nhưng từng đi qua và dành nhiều thời gian thăm thú xứ này nên khi đọc “Lá rụng buồn tênh” của Mai Thìn tôi đã tìm thấy nhiều thứ gần gũi trong kí ức của mình. Tôi đã lặng cúi xuống những trang văn của anh và từ trong tâm hồn bật lên lời biết ơn đối với những gì mà thế hệ đi trước đã làm cho đất nước này, cho quê anh, quê tôi, cho hương hỏa muôn đời từ mồ hôi, nước mắt, máu huyết mà thành những di sản nhiệm mầu, thiêng liêng, vô giá không sao đánh đổi được.
Xin chúc Mai Thìn sức khỏe và tiếp tục dòng năng lượng trên những trang văn của mình.
                    -------------

* Ghi chú: nhưng cụm từ in nghiêng trong bài không ghi nguồn dẫn đều lấy từ văn bản “Lá rụng buồn tênh” của Mai Thìn

Không có nhận xét nào: