26/9/19

1.560. THUYẾT VỊ LỢI - ĐÔI ĐIỀU NGẪM NGHĨ

              Mộc Nhân

          Chủ nghĩa vị lợi, hay còn gọi là thuyết duy lợi (Utilitarianism) là một trường phái triết học kinh tế - xã hội cho rằng hành động tốt nhất là hành động đạt được một cách cao nhất những gì được cho là hữu ích, lợi ích, tập trung vào kết quả mang lại. Mầm mống tư tưởng của học thuyết này đã xuất phát từ những triết gia như Aristippus và Epicurus, những người xem hạnh phúc là điều cần quan tâm nhất.

“Lợi ích” được định nghĩa theo nhiều cách khác nhau và hướng tới đối tượng là “hạnh phúc của các sinh vật sống” mà cốt lõi là con người (đôi khi có tính đến cả động vật). “Điều tốt” là bất cứ điều gì làm tăng khoái lạc và giảm khổ đau, một hành động giúp tăng khoái lạc và giảm khổ đau thì hành động đó được coi là tốt.
 Jeremy Bentham, người đặt nền móng cho chủ nghĩa vị lợi, mô tả “lợi ích” là tất cả những gì làm hài lòng chúng ta không gây ra đau đớn cho bất kì ai liên quan.
Chủ nghĩa vị lợi cho rằng lợi ích của tất cả mọi người là công bằng. dù những người ủng hộ chủ nghĩa vị lợi đã không hoàn toàn đồng ý với nhau trong một số điểm.
Chủ nghĩa vị lợi được phân thành:
- Chủ nghĩa vị lợi hành động: mỗi cá nhân nên hành động theo lợi ích
- Chủ nghĩa vị lợi quy tắc: mỗi người nên tuân theo những quy tắc đạo đức
- Chủ nghĩa vị lợi tổng cộng: lợi ích được tính bằng cách tổng cộng các hành động có ích
- Chủ nghĩa vị lợi trung bình: lợi ích được tính bằng cách trung bình cộng các hành động có ích
Học thuyết này được ứng dụng trong việc giải quyết phúc lợi xã hội, nạn đói trên thế giới, đạo đức trong việc chăm sóc động vật và sự cần thiết để tránh những thảm họa toàn cầu trong nhân loại. Nếu lợi ích đạt được nhiều hơn cái giá phải trả, thì sẽ được coi là một động thái hợp với luân thường đạo lý, còn không thì sẽ đi ngược lại với đạo lý.
Trong thực tế, một hành động dù là đúng bởi cho kết quả “vị lợi” nhưng chưa hẳn là đúng vì nó chưa chắc là tốt vì nó có tính chủ quan: “vị lợi” với người này nhưng lại không phải là “vị lợi” với người kia. Khái niệm về sự tốt lành là một khái niệm khách quan, không thay đổi theo xu hướng khát vọng của con người hay sự biến động của thời gian; đồng thời không phải mọi khổ đau đều là xấu.
Không ai cổ xúy chúng ta phải đi tìm kiếm khổ đau, nhưng nếu nói rằng mọi nỗi đau đều không tốt và phải tránh thì thiếu sâu sắc. Đức Chúa Trời quan tâm đến sự thánh khiết của chúng ta hơn là niềm hạnh phúc, ngài khuyên “chúng ta phải xem mọi thử thách là niềm vui không phải vì thử thách là vui, nhưng bởi thử thách đau khổ sẽ dẫn dắt ta đến sự kiên nhẫn và trung tín (Gia-cơ 1:2-4).
Xét trên bề mặt thì “vị lợi” có vẻ như đáng khuyến khích bởi ai lại không muốn bớt đi khổ đau của nhân loại nhưng “vị lợi” đi kèm với tâm ý xấu sẽ không làm đẹp đời sống tâm hồn.
Bất chợt, tôi nhớ chuyện anh bạn lợi dụng thuyết “vị lợi” để đặt vấn đề: con người ngoại tình có được xem là hành động đúng không ?
Phải nhìn nhận rằng bản tính con người luôn vị lợi, luôn muốn được sở hữu để tối đa hóa hạnh phúc của mình. Và ngoại tình cũng thế dù người ta không chấp nhận hành động ngoại tình nhưng nếu xét trên thuyết vị lợi thì ngoại tình là chuyện 3 người trong đó 2 người ngoại tình hạnh phúc và 1 người còn lại đau khổ hoặc không biết có đau khổ hay không. Vậy trong trường hợp này số đông hưởng lợi nhiều hơn nên ở một góc độ nào đó của triết học, ngoại tình không sai. Mà có lẽ sai là chính bản thân mình, vì đã cho phép chính mình đau lòng vì những điều không xứng đáng.
Lại một chuyện khác: hai người kia từng là tình nhân của nhau cho đến khi anh chàng phát hiện ra nàng không còn xứng đáng với tình yêu của mình nữa vì nhiều nguyên nhân, bằng chứng rõ ràng… đồng thời nàng cũng biết mình sắp bại lộ chân tướng nên cũng chủ động dừng lại. Như vậy là mối quan hệ chấm dứt nhưng câu chuyện không dừng ở đó. Chàng biết nàng ta là kẻ vô cùng xấu xa trong một tập thể với những cách hành xử tệ hại như: mưu cầu chức vụ, quyền hành, lợi ích bằng mọi giá kể cả dâng hiến tình dục cho nhiều người cấp trên, đe nạt cấp dưới, vu khống đồng nghiệp, thách đố tập thể, gây họa cho bao người… dầu họ biết nhưng không làm gì được. Giờ đây, chàng kín đáo giúp mọi người trong cái tập thể đó nhìn rõ chân tướng, mưu mô, tội ác, xấu xa của nàng kia để vạch ra bản chất của nàng ta, kịp thời phế truất đúng qui trình để trong sạch môi trường sinh hoạt và làm việc của tập thể đó đồng thời cũng khỏi gây họa về sau. Nhìn ở góc độ cá nhân thì anh kia có thể là kẻ “chơi xấu” nhưng nhìn ở thuyết “vị lợi” thì điều này là có ích cho tập thể, một số đông người được hạnh phúc và an bình khi cái xấu cái ác đã bị trừ khử…
Cuộc sống và những diễn biến của nó có thể đúng hoặc có thể sai.
Ai đó nói: “Khi ghét ai, tức ta đang yêu bản thân mình, nhưng qua một lăng kính là tinh thần “vị lợi”.
Ai biết đâu được. Nhân nào quả nấy thôi.

Không có nhận xét nào: