11/4/21

2.019. MẸ TÔI CHỬI KẺ TRỘM

Pic của Nguyễn Hoàng Việt trên trang bạn ấy
 

“Mẹ tôi chửi kẻ trộm” của tác giả Tòng Văn Hân (người dân tộc Thái, ở Điện Biên) là bài thơ giành giải B (không có giải A) cuộc thi thơ báo Văn Nghệ 2019-2020 - mới được trao giải vào tháng 4/ 2021. Các giải khác thiên hạ không bàn đến, tuy nhiên bài thơ nhận giải B này đang là đề tài gây tranh cãi rộng khắp – cơ bản là BGK trao giải tùy tiện, gây bức xúc trong dư luận.

Nguyên văn bải thơ:

MẸ TÔI CHỬI KẺ TRỘM

    Tác giả: Tòng Văn Hân

Những lần gà nhà tôi bị mất

Mẹ tôi chửi:

- Cái đứa trộm gà ơi

Ta cầu mong cho ngươi

Nuôi được gà đầy đàn

Lứa này tiếp lứa khác

Có nhiều gà nhất bản

Có nhiều gà nhất mường!

Những lần lợn con nhà tôi bị mất

Mẹ tôi chửi:

- Đứa nào trộm lợn nhà tôi

Thì hãy có nhiều lợn

Đàn tiếp đàn núc ních

Lứa tiếp lứa không ngừng

Bán được nhiều tiền nhé !

Từ thuở bé đến giờ

Hễ nhà mình mất gà mất lợn

Tôi đều nghe thấy mẹ tôi chửi như thế

Cầu mong cho kẻ trộm kia khá giả

Không bao giờ đến nhà tôi ăn trộm nữa

Tôi là đứa con gái dưới mức bình thường

Nhan sắc không bằng đám bạn

Khéo léo không bằng người ta

Thế mà có hẳn bốn nhà

Muốn được tôi làm con dâu của họ.

 

Theo ý kiến của tôi, việc trao giải cho bài thơ này vấp phải sự phản ứng của cộng đồng vì những lí do sau đây:

1. Mục đích của cuộc thi thơ là: “góp phần nâng cao chất lượng thơ, đáp ứng yêu cầu phát triển văn học trong tình hình mới; đồng thời cuộc thi cũng là cơ hội để tìm kiếm, phát hiện những tài năng văn học trẻ”.

Theo mục đích này thì bài thơ không hay (tức là không có chất lượng), và người viết ra bài thơ này không phải là một tài năng văn học trẻ bởi những bài thơ cỡ này nhan nhản trên mạng xã hội, nhiều tác giả dự thi có thể viết hay hơn; nên viết ra nó không phải là người tài năng cần tôn vinh.

2. Trong báo cáo tổng kết, nhà văn Khuất Quang Thụy - Tổng biên tập báo Văn nghệ, trưởng BTC cuộc thi - đã khẳng định: “Về nội dung, tác phẩm đã phản ánh được nhiều góc độ đa chiều trong cuộc sống. Về nghệ thuật, với phương châm khuyến khích mọi sự tìm tòi và cách tân trong hình thức biểu đạt, cuộc thi Thơ của báo Văn nghệ đã xuất hiện nhiều giọng thơ có cá tính; nhiều tác giả mới mẻ mà sáng tác của họ phần nào thể hiện sự tìm tòi tích cực, có trí tuệ, có khao khát. Đó là những dấu hiệu đáng mừng của một cuộc thi”.

Ý kiến của tôi: bài thơ này không có chỗ nào gọi là sự tìm tòi và cách tân trong hình thức biểu đạt (ai thấy nó tìm tòi cách tân chỗ nào xin chỉ ra giúp cho). Vậy nên cái mà ông KQT nói “Đó là những dấu hiệu đáng mừng của một cuộc thi” theo tôi là ngược lại “đáng buồn cho một cuộc thi".

Tôi không luận bàn về tác giả vì bạn Tòng Văn Hân không có lỗi gì; viết ra bài thơ hay hoặc dở là do năng lực thẩm mỹ, ngôn ngữ, tư duy, diễn đạt của tác giả; thậm chí việc gởi bài thơ dự thi cũng là quyền tự do của mỗi người. Bài thơ này là kiểu thơ tự sự với lời thơ “vụng về, trong sáng và ngây ngô” không có chất nghệ thuật nào - đó cũng là khả năng và quyền của tác giả… Tuy nhiên việc BGK trao giải cho bài thơ đã thể hiện sự vô lối, tùy tiện, đi ngược với tiêu chí cuộc thi do họ đề ra và nhìn ở góc độ nào đó có thể nói là xem thường độc giả và hạ thấp thơ ca.

Đành rằng nội dung bài thơ thể hiện được ý tưởng ca ngợi sự bao dung, độ lượng (tạo phúc) của người mẹ nhưng trao giải cho nó là điều khó chấp nhận.

Nói thẳng ra là: trao giải B cho Mẹ tôi chửi kẻ trộm là lỗi của ban chung khảo. Lỗi này được bao biện bằng các cụm từ khuyến khích tác giả người dân tộc hoặc chưa có đỉnh cao để tôn vinh… Việc trao giải như thế chứng tỏ BTC đã nhầm lẫn giữa giải thơ chuyên nghiệp và giải thơ động viên phong trào…

Và điều này dẫn đến hệ lụy:

1. Trong xu hướng thơ ca bị mỉa mai, châm chích thì nó càng làm cho thơ ca và nhà thơ “rớt giá” bất luận họ thuộc chiếu thơ nào.

2. Bạn đọc không còn tin tưởng vào các giải thơ cũng như ban GK các cuộc thi thơ - nhất là cuộc thi thơ ở cấp cao.

3. Cuộc thi thơ này của Báo Văn nghệ tổ chức - báo này đã thoái trào, nay càng thảm hại.

4. Dù các nhà thơ có dự giải, được giải hay không họ vẫn bền bỉ yêu say với thơ ca, tuy nhiên với giải thơ này họ cảm thấy bị xúc phạm, tổn thương vì thơ ca được trao giải tùy tiện.

5. Phong trào “chửi thơ” lâu nay tạm lắng xuống, nay thiên hạ lại đua nhau trỗi dậy chửi thơ, chửi giải thơ… thậm chí đang bắt đầu “chế tác” ngôn từ, sự diễn đạt từ bài thơ này sang các chủ đề, nội dung khác.

6. Thay cho lời kết: đến bây giờ, tôi đã hiểu thêm câu nói của cố nhà văn Nguyễn Khải: “Cứ khen cho nó chết”.

Vâng, "nó" chết và các ông trong ban chung khảo cuộc thi (Hữu Thỉnh, Trần Đăng Khoa, Nguyễn Bình Phương, Khuất Quang Thụy và Nguyễn Đức Mậu) cũng như giải thơ đang chết theo.





 

Không có nhận xét nào: