14/4/21

2.021. TẠI NƠI NÀY: LỜI CA NƯỚC MỸ


   
Bài thơ “In this place: An American Lyric” (Tại nơi này: Lời ca Nước Mỹ) của nhà thơ nữ trẻ tuổi người Mỹ gốc da đen, Amanda Gorman, viết năm 2018 gửi đến Thư viện Quốc hội Hoa Kỳ. Bài thơ đã được Jill Biden (phu nhân Tổng thống Joe Biden) chú ý. Sau đó, bà đã liên hệ với tác giả đề nghị viết một bài thơ cho buổi lễ tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Hoa Kỳ của ông Joe Biden – đó là bài “The Hill We Climb”. (cả 2 bài này đều có đăng trên trang Mộc Nhân).

   TẠI NƠI NÀY: LỜI CA NƯỚC MỸ

    Nguyên tác:

   IN THIS PLACE: AN AMERICAN LYRIC

           Amanda Gorman (1)

 

Có một bài thơ tại nơi này

đặt chân vào đại sảnh

trong điệu trầm tư của những dãy ghế.

Nó ở đây, ngay tại bức màn của ngày,

nơi nước Mỹ viết nên lời ca

bạn phải thì thầm đọc.

 

Có một bài thơ tại nơi này

mang nặng ân sủng

diện mạo của tòa lâu đài nguy nga,

những bộ sưu tập đã bị thiêu cháy rồi lại khởi phục.

 

Có một bài thơ ở Quảng trường Copley thành phố Boston

nơi đồng thanh phản kháng

nước mắt rơi trong đất trời

như những cơn mưa,

nơi tình yêu của đa số

nuốt chửng căm hờn thiểu số.

 

Có một bài thơ ở Charlottesville (2)

nơi ngọn đuốc Tiki (3) nối thành một vòng lửa

siết chặt cổ tay của đêm

nơi những người có màu da quá trắng, họ yếu ớt xanh xao

tựa như những bức tượng

nơi đàn ông chồng chất như sáp nóng

có khi dài, có khi cao hơn

nơi Heather Heyer (4)

nở rộ vĩnh hằng trong đồng cỏ đấu tranh.

 

Có một bài thơ trong sự kỳ vĩ của gã khổng lồ đang ngủ

Hồ Michigan, nước dâng cao bướng bỉnh

đầu nguồn xanh trong mênh mông của nó

trải đến Milwaukee và Chicago

một bài thơ đã khởi nguồn từ lâu

chói lọi trên nền đất đóng băng,

bước đi hiên ngang và nhanh nhẹn.

 

Có một bài thơ ở Florida, miền Đông Texas

nơi đường phố kết nối những dòng sông,

những chú bò nổi bật lên như những chiếc phao đốm nâu,

nơi mà lòng can đảm giờ đây rất phổ biến

Jesus Contreras cậu bé 23 tuổi

cứu người khỏi dòng nước lũ.

 

Có một bài thơ ở Los Angeles

ngáp trước thủy triều Thái Bình Dương

nơi một bà mẹ đơn thân ngột ngạt

trong một lớp học không cửa sổ,

đang dạy những học viên da màu ở Watts

đánh vần những suy nghĩ của họ

vì con gái của cô ấy có thể viết

bài thơ này cho bạn.

 

Có một lời ca ở California

nơi hàng nghìn học sinh diễu hành trên phố

không biểu ngữ và không sợ hãi;

nơi Rosa bạn tôi tìm thấy sức mạnh để tỏa sáng

trong bế tắc, tinh thần của cô là điểm tựa cho cộng đồng.

Cô ấy biết rằng hy vọng giống như sự hiên ngang

của con tàu đang cập bến,

một sự thật: rằng bạn không thể ngăn cản kẻ ước mơ

hoặc đánh gục giấc mơ.

 

Đây không phải là thành phố của bạn à

đất nước của bạn

đất nước của chúng ta

nước Mỹ của chúng ta,

Lời ca nước Mỹ của chúng ta

viết nên bài thơ cho nhân loại, cho người nghèo,

người Tin lành, người Hồi giáo, người Do Thái,

người bản xứ, người nhập cư,

người da đen, người da nâu, người mù, người dũng cảm,

người không có giấy tờ và không nản lòng,

đàn bà, đàn ông, không phân biệt,

người da trắng, người chuyển giới

đồng minh của tất cả những người trên

và nhiều hơn nữa?

 

Bạo chúa sợ nhà thơ.

Bây giờ chúng ta biết

chúng ta không thể xóa sổ nó.

Chúng ta nhờ vả nó, để phô diễn nó

không chậm trễ

mặc dù đau đớn khi khâu vá nó

khi thế giới, bị vây bọc bên dưới nó.

 

Hy vọng rằng

chúng ta phải khơi nó dậy

như ngọn bấc trong nhà thơ

để nó có thể trỗi dậy, thắp sáng,

mang theo

những câu chuyện cần viết lại

chuyện về thành phố Texas kiệt quệ nhưng không suy sụp

một lịch sử được viết ra không cần lặp lại

một dân tộc điềm tĩnh dù chưa hoàn thiện.

 

Có một bài thơ ở nơi này

một bài thơ ở nước Mỹ

một nhà thơ ở mọi người Mỹ

ai tạo lập đất nước này, ai kể

câu chuyện đáng được kể trên trái đất này

để thổi hy vọng vào thời điểm nghiệt ngã

một nhà thơ trong mỗi người Mỹ

họ nhận ra bài thơ của chúng ta được viết ra

không có nghĩa là bài thơ đã kết thúc.

 

Có một nơi mà bài thơ này trú ngụ

nó ở đây, lúc này,

trong ngân khúc của tiếng chuông bình minh màu vàng

nơi chúng ta viết lời ca nước Mỹ

chúng ta chỉ mới bắt đầu kể.


 * Nguyên tác: Tại đây


Chú thích:

(1) Amanda Gorman bắt đầu viết thơ từ khi còn tuổi nhi đồng. Cô đã trình diễn nhiều bài thơ cũng như diễn thuyết tại các sự kiện khắp nước Mỹ, bao gồm cả Thư viện Quốc hội và Trung tâm Lincoln. Nữ nhà thơ đã nhận được Tài trợ thiên tài từ OZY Media (Công ty giải trí và tuyền thanh quốc tế - Trụ sở tại Hoa Kỳ), cũng như sự công nhận từ Scholastic Inc., YoungArts, giải thưởng College Women of the Year của tạp chí Glamour và giải thưởng Webby. Cô từng tham gia biên tập cho bản tin The Edit của New York Times, viết bản tuyên ngôn cho chiến dịch “Superfly Black History” của Nike năm 2020. Bên cạnh đó, cô còn là thành viên trẻ nhất thuộc Hội đồng quản trị của 826 National – mạng lưới viết về thanh thiếu niên lớn nhất tại Mỹ. Vào năm 2017, UrbanWord và Thư viện Quốc hội Mỹ đã vinh danh cô là Nhà thơ Thanh niên Quốc gia đầu tiên ở Mỹ.

Amanda tốt nghiệp khoa Xã hội học tại Đại học Havard, cô có trong tay một tuyển tập thơ ca đồ sộ. Tác phẩm của cô tập trung vào các vấn đề về áp bức, nữ quyền, chủng tộc và nhóm yếu thế của xã hội, cộng đồng người châu Phi cùng với tuyên ngôn “Thơ là một vũ khí, là một công cụ của sự thay đổi xã hội”.

Ngoài ra, cô có kế hoạch dài hạn tranh cử Tổng thống vào năm 2036.

 

(2) Charlottesville là một thành phố độc lập nằm ở tiểu bang Virginia, Hoa Kỳ. Thành phố là quận lỵ quận Albemarle, quận bao quanh thành phố này, dù hai thực thể là hai đơn vị riêng. Nơi đây là quê hương hai vị tổng thống Thomas Jefferson và James Monroe.

(3) Tiki Torch (ngọn đuốc Tiki) là tên ngọn đuốc của bộ tộc thiểu số Polynesia sinh sống trên các đảo Hawaii và New Zealand. Biểu tượng của họ chính là ngọn đuốc Tiki, dùng để thắp sáng trong các hang động hoặc những nơi họ cư trú dọc bờ biển. Tiki trong tiếng Polynesian có nghĩa là quyền lực siêu nhiên. Ý nghĩa của Tiki Torch chính là ngọn đuốc linh thiêng xua đuổi những thứ xấu xa.

(4) Heather Heyer là một phụ nữ trẻ 32 tuổi bị thiệt mạng trong cuộc họp của nhóm cực hữu ở Charlottesville vào năm 2017. Cô trở thành biểu tượng của đấu tranh chống phân biệt chủng tộc và tư tưởng cực hữu tại Hoa Kỳ.

------------

Bản dịch thơ và chú thích: Mộc Nhân



Không có nhận xét nào: