Trịnh Công Sơn được coi là một trong những tác giả lớn của dòng âm nhạc đại chúng cũng như nền Tân nhạc Việt Nam. Những bản nhạc Trịnh là trái ngọt từ cuộc hẹn hò của âm hưởng phương Tây và tâm hồn phương Đông. Cấu trúc và tứ nhạc trong những tác phẩm của anh đều khá giản dị, phần lớn ở thể hai đoạn. Lối chuyển đoạn từ phần đầu sang cao trào của ca khúc nhỏ nhẹ như cô gái Huế vậy, chỉ là vệt màu loang từ từ, không quá nhiều tương phản.
Trịnh Công Sơn sinh ra và lớn lên trên vùng đất cố đô xưa Thuận Hóa, con
người và âm nhạc của anh không nằm ngoài nhịp thở của Hương Giang. Đó là thứ âm
nhạc trầm mặc, lắng đọng dễ đi vào lòng người như cảnh sắc đất kinh kỳ. Chính
anh đã từng nói : “Tâm hồn của mình ít nhiều nhờ một vùng đất đặc biệt nào
đó nuôi dưỡng, nó phả vào tâm hồn một điều rất lạ và độc đáo. Ấy nên có những
giọng nói khác nhau ở mỗi vùng, thực sự trong âm nhạc và nghệ thuật cũng vậy”.
Trịnh Công Sơn không hề nhắc đến cõi “Huế” trong ca từ nhưng tất cả các
ca khúc của anh đều là cảnh và hồn xứ Huế: “Em đi về cầu mưa ướt áo. Đường phượng
bay mù không lối vào, hàng cây lá xanh gần với nhau” (Mưa Hồng); “Lùa nắng cho
buồn vào mắt em. Bàn tay xanh xao đón ưu phiền...” (Nắng Thủy Tinh) hay “Mưa
lạnh lùng rơi ướt giữa đêm về, nghe não nề. Mưa kéo dài lê thê những đêm khuya
lạnh ướt mi” (Ướt Mi)… chắc chắn là âm hình xứ Huế.
Thậm chí "Một cõi đi về" cũng là Huế, chứ không thể ở chỗ
khác, cõi khác mà viết được”. Nó quyến rũ, hồn nhiên, đằm thắm, suy ngẫm, trầm
tư như đất và người con gái Huế.
Bao nhiêu năm rồi, anh mãi ra đi, về cõi hư vô để tiếp nối những ngày
tháng hát thơ nơi ấy. Anh, Trịnh Công Sơn, “người tình của cuộc sống”, đã để lại
cho đời vô vàn câu ca, đậm sâu tình yêu nhân loại và chiêm nghiệm về lẽ sống
con người.
Tuy đã về với cát bụi, nhưng có lẽ ở đâu đó, Trịnh Công Sơn vẫn là kẻ
rong chơi, phiêu bồng với những lời ca mà anh đã hát cho cội nguồn, thế gian. Giờ
đây anh đã có một cõi để đi về...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét