1/6/21

2.073. VÙNG CAO (P.5)

 Trích "Chuyện kể từ thung lũng Zơ Nông" 

Mộc Nhân


  (Xem lại: Vùng Cao – p.4)

Đối với dân miền núi, đi tìm vàng là chuyện bình thường vì ai cũng ít nhất vài ba lần trải qua. Với giáo viên vùng cao thì hầu như tất cả đều có tích lũy mang về miền xuôi nhờ tìm vàng hoặc liên quan đến chuyện tìm vàng.

Giáo viên nam có sức khỏe thì trực tiếp ra sông, suối, khe đãi cát tìm vàng bất cứ lúc nào có thể. Những người không muốn lao động trực tiếp thì chọn cách đãi vàng gián tiếp bằng trao đổi hàng hóa lấy vàng – những hàng hóa này thường được giáo viên chuẩn bị trước cho mỗi chuyến “đăng cao” mà hai thứ chính yếu là áo quần và thuốc chữa bệnh. 

Nhiều giáo viên còn sáng tạo khi nghĩ ra “kế hoạch nhỏ” bằng một ngày lao động gây quỹ xây dựng trường – tất cả học sinh đều ra sông suối đãi vàng một ngày, số vàng thu được sẽ do thầy cô giáo cất giữ. Khi nào thầy cô về xuôi sẽ bán vàng do học sinh đãi được rồi mua hàng hóa, đồ dùng học tập lên cho các em… 

Có thể nói sự sáng tạo, vận dụng linh hoạt của chúng ta thật bất tận. He he…

Chúng tôi là giáo viên thuộc biên chế vùng thấp nên lâu lâu có dịp đi vùng cao là một trải nghiệm… 

Thói đời, đứa ở vùng cao thì ngán ngẩm mong về - trừ những đứa cơ hội hoặc ăn nên làm ra – nhưng đứa ở vùng thấp lại muốn đi vùng cao.

***

Kể từ chuyến đi vùng cao đáng nhớ năm trước, thời gian sau này, tôi lại có một chuyến đi vùng cao nữa cùng với Tiều Minh Đức.

Lần này là chuyến đi tìm vàng.

Cũng cần nhắc lại, những năm 1980-90, ở miền núi là xứ sở của dân vàng – trầm – gỗ. Trừ cán bộ, còn dân di cư lên sinh sống xứ này đều sống hoặc làm giàu bằng ba nghề trên hoặc liên quan với nó như cung cấp hàng hóa, dịch vụ - kể cả dịch vụ đĩ điếm.

Hàng quán, xe cộ, gái gú, những con đường, chỗ ngồi, dao búa, ồn ào, chết chóc, đấm đá… nơi xứ này đều dành cho dân trầm – vàng – gỗ và kẻ có tiền.

Sau một chuyến lội rừng ngủ núi một vài tháng, họ xuống núi vung tiền đập phá thỏa thích cũng là dễ hiểu - sau cõi chết trở về thu được một số của cải đánh đổi bằng mồ hôi, công sức và mạng sống.

Nghe kể lại, nhiều người trong bọn họ đã tìm được nhiều vàng ở những ngọn đồi xã Zuôih, La-ê, Sông Bung, Sông Thanh… nhưng nhiều người đã bỏ mạng, nhiều người tật nguyền do tai nạn hoặc vắt hết sức đề chống lại bệnh tật…

Dẫu sao, họ cũng đã gián tiếp tạo dựng ở đây một phố núi trong lòng thung lũng với đường sá, cửa hàng, nhiều ngôi nhà nhỏ xiêu vẹo, tạm bợ cho gia đình.

Số vàng tìm được đôi khi cũng đội nón ra đi bằng nhiều con đường – kể cả con đường đập phá thỏa thích. Rồi vận may kéo dài không lâu, nguồn vàng dần cạn. Họ kéo nhau đi tìm mỏ vàng mới, để lại những vỉa quặng ít vàng hơn hoặc đã khai thác cạn kiệt cho người đến sau.

Chúng tôi thì không có ước mơ giàu sang vì biết sức mình, biết phận mình. Đơn giản vậy thôi chứ giàu thì ai không muốn.

Chúng tôi cũng đập phá nhưng đập phá cái khác, kiểu khác. Đập những cái đã trói mình vào đói nghèo; đập những thứ trong đầu mình nghĩ ra nhưng không làm gì được; đập để chứng tỏ mình cũng có cái để đập phá và biết đập phá chứ không phải chỉ ngồi nhìn thiên hạ đập phá…

Phải chăng đó là niềm kiêu hãnh, là thú chơi, là cá tính, là hoan lạc, là sự khẳng định của những thằng người nửa vời giữa lô nhô loài người…

***

Thực lòng mà nói, trong lần đi vùng cao tìm vàng này, tôi nể Tiều Minh Đức vì độ liều lĩnh của Đức nhà ta.

Cái nể thứ nhất là đi làm ăn kiếm sống mà Tiều ca dẫn theo tôi - một thằng không biết chi về đãi vàng trong khi quanh thung lũng Zơ Nông này có biết bao thằng võ nghệ đầy mình, dư sức lập nhóm hoặc nhập nhóm để tìm vàng.

Cái nể thứ hai là Tiều ca dám lập nhóm nhỏ chỉ có hai thằng, trong đó một thằng trói gà không chặt. Thậm chí thằng này vừa trải qua một trận ốm suýt chết; giờ chưa biết đi có nổi hay không chứ chưa nói chi chuyện lặn ngụp suối khe tìm vàng. He he.

Thời buổi nhiễu nhương, ai dám chơi cứ chơi, thân ai nấy lo, liệu sức khả kham – đó là tiêu chí số một.

Vậy nên chỉ cần một tiếng “ừ” sau khi dám “bấm nút thích” thì tiến hành. Cần chi nói nhiều, nghĩ nhiều.

Đối với chúng tôi, những ngày tháng bấy giờ là đáy của đói nghèo khốn khó nên khi nghĩ đến chút tiền có thể kiếm được thì dấn thân ngay – bất chấp việc ấy rủi ro hay không - tất nhiên không vi phạm đạo đức và pháp luật.

Let It Be. Vậy là đi.

***

Để chuẩn bị cho chuyến đi thì việc đầu tiên, quan trọng là đóng đủ hàng hóa. Ba lô no căng  hàng theo tư vấn của mấy bà chủ của hàng: lương thực, cá khô, đồ hộp, mắm muối, gia vị… nói chung là gọn nhẹ đủ cho một chuyến đi mười ngày nhưng không hề rẻ.

Còn tư trang và đồ lao động tự lo. Quan trọng nhất là mấy thứ: xô chậu để mang vác, xẻng để xúc và bồn để lắc đãi vàng. 

“Thân em giờ phải lắc bồn/ Cõi người lồn bắt - bãi cồn xới tung”.

Tôi lên Thạnh Mỹ trước, nằm ở khu tập thể nhà trường vài ngày chờ Tiều ca dưới phố đến rồi thu xếp hoặc có hứng mới khởi hành chứ đâu phải đi ngay. He he.

Những ngày này, anh em giáo viên về xuôi hết. Ai có việc riêng mới lên đây.

Nằm một mình, ăn một mình, chơi một mình, ngủ một mình trong khu tập thể vắng tanh mới ngẫm ngợi đủ sự đời.

Giá chi có thể gọi Alăng Lược đến đây để tâm sự hay bắt rệp.

Giá chi có ai đó hát cho mình đệm – còn vài cây đàn hở ván để lại trong phòng tập thể.

Giá chi có thằng nào quen thân mang chai rượu Nàng Hương đến để nhâm nhi, tán phét – uống một mình chán bỏ xừ.

Giá chi đừng có chuyện ma xảy ra trước đây để đầu óc mình khỏi ám ảnh về nó – đêm ngủ một mình nghe tiếng mèo sột soạt trên mái tưởng con ma ấy giở trò; nghe tiếng cú kêu trên cội mùn già tưởng chim cú trêu hồn ma ấy…

Giá chi có máy nghe nhạc hay radio để nghe âm vọng cõi nào…

Giá chi có thể ra thị trấn – nơi ấy ban đêm là đập phá, hú hí, đánh nhau… mình không có ai song hành bảo vệ dễ gặp rủi ro…

Vậy nên nằm nhà cho lành.

Cuối cùng Tiều ca cũng đến theo ngày hẹn.

Hai thằng khởi hành.

***

Từ thung lũng Zơ Nông lên Bến Giằng là chặng đi bằng xe khách như đã kể lần trước. Không có gì thú vị nữa vì đã trải qua một lần – lèn chặt người trên nóc xe, chao đảo và mong xe không bị rơi xuống hố hoặc lật nghiêng qua vách núi.

Qua Sông Thanh tại bến Giằng lại tiếp tục đi bộ.

Con đường này tôi đã đi qua lần trước trong chuyến “cán bộ cách mạng đi công tác giúp đỡ đồng bào vùng cao”. Còn lần này là đi đãi vàng. Vậy nên khi bắt đầu vô đường rừng phải chọn các lối mòn xuyên núi, băng đèo, lội suối, trèo vách đá… để có thể đi qua các ngọn núi có vàng.

Lại tiếp tục trải nghiệm với vắt bu – chẳng ai bắt vắt cho mình hoặc nhờ mình gỡ dùm con vắt bên trong lưng quần. 

Cỏ gai bín kín vài ngả đường, có đoạn cây cổ thụ ngã chắn ngang, có đoạn đi dọc triền khe mà buổi chiều nghe mưa chuyển chỉ sợ lũ ống xộc ra cuốn mất xác…

Không gian lặng ngắt, hoang dã, hiểm nguy… nhưng không phải chỉ có mình chúng tôi đang lên đây.

Thỉnh thoảng có vài nhóm bặm trợn đồng hành một chặng, thốt ra vài câu xã giao hù dọa:

- Mấy ông đừng vô hẻm “Xác Thối” tụi chủ hầm nó bắn bỏ mẹ đấy.

Vài nhóm đi ngược chiều chào hỏi và gợi ý khơi khơi:

- Lên chỗ núi Kông-dônl có hầm vàng khai thác được đó. Nhưng coi chừng kẻo sập hầm mất xác đó mấy cha.

Gặp một nhóm ba thằng đầu trọc, lưng xăm trổ đầu lâu xương chéo đang đãi vàng bên khe Gấu Đen, tụi mình đứng lại nghỉ chân và xem một chút nhưng bị quắc mắt:

- Đ.m. Tụi bay đi đãi vàng hay đi xem đãi vàng…

Tiều ca cũng khiếp vía và lảng đi.

He he.

Sau này tôi mới nhận ra một điều đơn giản: đi làm ăn giữa thế giới người hổ báo, bặm trợn, anh chị, coi trời bằng vung, coi mạng người như cỏ rác… mà dắt theo một thằng bạch diện trói gà không chặt thì ai mà nể sợ.

He he.

***

Rồi cuối cùng, sau mấy ngày định vị, lội núi cắt rừng, chúng tôi cũng tìm được sườn núi ven khe "Bà Chằn" để bắt tay vào việc.

Tôi đã đặt chân vào một ngọn núi, nơi có thể có nhiều vàng sa khoáng. Cảm thấy như không thể tin vào mắt mình nữa – giữa vùng núi đồi mênh mang, bên dưới có một dòng khe, lại là nơi tập trung của một đoàn người. Có khi đến ngàn nhân công.

Ai đến trước tự chiếm giữ cho mình một khoảng đồi nhỏ đủ để dựng lán trại và một khoảng suối vừa đủ để lặn, đào, vét, vác và một tảng đá để ngồi đãi… đãi vàng.

Khu núi có hàng ngàn người. Trên đồi có hàng trăm lán trại. Ven suối có hàng trăm hầm hố. Một vùng rừng núi thành khu dân cư đông đúc.

Tôi và Tiều ca đã từng trải qua nhiều ngày ở các khu trại khai thác vàng này; đã tiếp xúc thô với đủ loại người: nông dân tranh thủ lúc nông nhàn hay mất mùa lên đây kiếm cháo, dân chuyên sống bằng các nghề rừng thì đây là chỗ làm giàu, giang hồ đâm chém lãnh án lên đây lánh nạn, người buôn bán cung cấp hàng hóa tại chỗ, người lao động mong kiếm ít tiền về trang trải - như hai thằng tôi đây…

Chúng tôi cùng ngủ trên sạp gác bằng cây rừng cứng ngắt đến đau lưng; đã ăn những món khô mang theo và rau rừng bức vội lúc ban trưa; đã uống nước suối đục ngầu trong chiếc ca kim loại lạnh ngắt lúc sáng sớm; đã nằm im không dám rục rịch trong giấc ngủ ban khuya khi phản xạ nhạy bén cảnh báo rằng có con rắn đang bò qua bụng người; đã ngủ không ngon giấc vì ban đêm có vài băng du thủ du thực đi lục tìm nhận dạng và truy sát đối thủ; đã phập phồng vì vài đại ca giang hồ đến từng căn lán trại đòi tiền hoặc vàng bảo kê; đã dự phòng một cuộc tháo chạy nếu bị công an rượt đuổi; đã dự định đi theo ánh mắt rủ rê của ả gái điếm mông to nhưng lại tiếc của; đã nghe những bài hát đãi vàng chế lại từ những ca khúc boléro lừng danh, hát bằng giọng rượu gạo nhừa nhựa cùng nhịp gõ thùng xô, nồi niêu, bát đũa: "Đời tôi cô đơn nên yêu ai cũng cô đơn, đời tôi cô đơn nên yêu ai cũng cô hồn..."

Chúng tôi đã trải qua những tháng ngày gian nan, cực khổ tìm vàng. Tôi được phân công công việc dầm mình xuống suối để xúc đất cát, vác lên bờ cho Tiều Ca đãi cát tìm vàng. Hầm vàng của ai nấy đào xới, xâm phạm của người khác nó phang cho một xẻng thì đi đứt - ai dám.

Một ngày ngâm mình dưới nước ít nhất tám tiếng. Sáng sớm thấm cái lạnh núi rừng cắt da, trưa hừng hực cái nóng của đá núi.

Hai thằng đen như thổ dân. Tay chân ngâm nước lâu ngày nứt nẻ. Ban đầu còn thoa thuốc thoa kem chống lở loét. Về sau cứ kệ mẹ. Quen dần.

Khi đã tạm thích nghi cũng là lúc chúng tôi trở về vì biết đã đủ. Đủ để đánh đổi những ngày khoét núi ngủ hầm có thêm tí rủng rỉnh mang về. Chắc chắn là mình sẽ không giàu thêm nhưng đó là một con số kha khá mà mình chưa sở hữu bao giờ. Đủ để có một lúc tự tin. 

He he.

Và quan trọng hơn: đủ để có những trải nghiệm mới nhằm thử thách bản thân mình trên những cánh rừng thiêng nước độc bị tán phá bởi con người.

***

Nhưng để có được những những điều ấy chúng tôi phải trải qua thử thách cuối cùng là cất giấu số vàng kiếm được ở một chỗ thật kín đáo; đó là trong quần đùi, khâu cho nó nằm dưới chỗ kín mà không sợ rơi rớt - cứ cho đó là chỗ an toàn.

Lại phải “chọn mặt gởi vàng” - tức là cái mặt tôi lúc đó trông thểu não, da tái xám, nhợt nhạt, dáng vóc xương xẩu, thiếu sinh khí… chắc ai nhìn vào cũng không tin là một thằng hình dong như thế có thể mang vàng trong người…

Vậy là tôi giữ số vàng tìm được sau mười ngày đổ mồ hôi thì sẽ có nhiều cơ hội thoát khỏi con mắt đám thổ dân muốn sinh sự truy thu theo luật rừng hoặc cái nhìn săm soi của bọn cướp đường có hàng nóng.

***

Qua khỏi Bến Giằng mới xem như là bình yên. Cái gì của mình giờ đây mới thuộc về mình. Chắc chắn như thế.

Giờ tôi mới hiểu cái cảm giác muốn được đập phá thỏa thích, nổi loạn tới bến của bọn phu trầm vàng xứ núi khi lúc này hai thằng ngồi đây - trong quán ăn, miệng cười tươi, giọng gọi món sang sảng…

Đêm đã xuống, trời sáng trăng, và ánh trăng màu sữa long lanh tia bạc tràn ngập thung lũng Zơ Nông làm cho nó hẹp hơn nhưng đẹp và vắng hơn. Tôi thấy rõ vách đá vôi hoà lẫn với vòm trời trên ngọn núi phía sau trường học.

Rồi những đám khí đá ùn lên và toả dần khắp thung lũng. Có khi nó lửng lơ dán chặt vào sườn đồi, sau đó chậm rải trườn đi rồi bỗng mất hút như thể đã chui xuống lòng đất qua những khe nứt nào đó.

Tôi bỗng nhận ra đêm nay thị trấn miền núi vắng lặng hơn mọi khi.

Quán xá thưa người, ít ai to tiếng, ồn ả.

Tôi và Tiều Minh Đức ngồi đối mặt nhau, phả khói thuốc ra khoảng giữa bàn thành những vong tròn. Chẳng thằng nào nói gì.

Chặp sau, Tiều Minh Đức hỏi:

- Bạn biết tin gì không ? 

Có một khoảng lặng, rồi Đức nói luôn:

- Hồi chiều, có một chuyến xe chở người đi tìm trầm vàng trở về bị lật, rơi xuống vực sâu ở Thác Nước Khâm Đức. Nghe đâu cả xe đều thương vong. Còn bên Sông Bung có toán tìm vàng năm người bị lũ ống cuốn mất xác…

Hèn chi thị trấn tối nay vắng hoe. Đa số cư dân đã chạy lên tìm người thân ở những địa điểm đó.

Tôi không nói gì. Thực ra tôi đã biết tin này lúc nãy khi ngồi nghỉ chân tại một chỗ quen. Giờ đây tôi không muốn nhắc đến nó.

Bỗng dưng, chúng tôi cảm thấy sự sống của mình có ý nghĩa. Đôi khi nó cũng thuộc về hên xui hay số phận.

- Thôi mình uống với nhau một ly rồi về ngủ. Mai về xuôi thôi, nhớ nhà quá.

- Ừ, vậy đi...

Tối nay, tôi lại có cảm giác muốn gặp Alăng Lược để nhờ em bắt rệp nhưng thời bấy giờ không có điện thoại di động...

Còn bây giờ trong góc quán nhỏ này, chúng tôi dường như có cảm giác hồi sinh. 




Không có nhận xét nào: