29/5/21

2.071. VÙNG CAO (p.4)

 Trích "Chuyện kể từ thung lũng Zơ Nông" 

         Mộc Nhân



(Xem lại :Vùng cao – phần 3)

Sáng hôm sau chúng tôi rời làng trở về miền xuôi.

Đoàn trở về thưa người và rời rạc chứ không đông đúc và khí thế như chuyến đi lên. Bước qua khỏi hàng rào dựng bằng hàng cọc gỗ ở rìa suối, xem như ra khỏi ranh giới làng để vào rừng. Tôi nhìn sang bờ bên kia đồi tràn ngập ánh nắng sớm và lác đác vài cánh rừng với mấy tàng cây đại thụ thưa nhô lên cao gợi cảm giác trống trải và tẻ ngắt.

Con đường mòn dẫn lối đi sâu vào rừng rậm, quanh co, trơn trượt sau cơn mưa đêm qua. Trông như có một cái gì đó thật tàn nhẫn, gieo nỗi ngán ngẩm vào lòng người.

Tôi cố tình đi cuối hàng để tránh nghe vài câu bông đùa. Em Alăng Lược ban đầu đi trước nhưng một lúc sau em cố rớt lại phía cuối cùng với tôi.

Có một khoảng thời gian rất lâu – đâu như đi hết một quả đồi – tôi và em không nói gì. Rồi khi em dừng lại nghỉ chân, tôi nhìn thấy đôi mắt sưng húp và hốc hác cùng với khuôn mặt đờ đẫn, biểu hiện một nỗi phiền muộn da diết.

Ngoài tiếng sụt sùi rất khẽ của em và tiếng rì rào của đám lá rừng, không còn  âm thanh nào nữa.

Con đường rừng lúc này chạy dọc theo một con sông rộng mênh mông với một màu hung đỏ vì nước đục do đãi vàng bên trên nguồn và cũng bởi cơn mưa rừng tối qua.

Mãi tít phía hẻm núi xa kia là đường về miền xuôi.

Những con đường tôi đã đi lên vùng cao, giờ đây đi xuống lại nhưng vẫn cảm thấy lạ hoắc. Đôi khi đi qua một rẫy lúa đang chín rộ vàng óng, lộng lẫy gợn sóng nhấp nhô. Đôi khi bên kia hẻm núi là vòm trời xanh sáng chói đâm thẳng xuống đường đèo rồi đột nhiên tất cả đều khuất đi sau một đám mây bốc lên từ khí đá miền cao.

Làn hơi ấy di động từng luồng, sáng ngời và hư ảo, trong trẻo và thanh bình.

Tôi có thói quen đi qua bản làng nào cũng đều hỏi Alăng Lược: “Đây là thôn gì, xã gì. Dòng sông kia tên là gì. Con suối này có tên không…”

Em nhiệt tình trả lời và giảng giải cho tôi tất cả những điều mà em biết. Ngay lúc đó tôi nhớ rất rõ những gì em nói để về kể lại vanh vách cho bạn bè nghe chơi.

Nào là đi qua con dốc “Đạp Đầu” người trước dường như đứng trên đầu người sau để leo lên; đi qua cánh rừng “Vắt Bu” thế nào cũng nếm mùi vắt cắn dù anh có bảo hộ cách nào vắt vẫn chui lọt vào tận bẹn. 

Nào là đi qua khe “Bốn Xác” lúc canh trưa có cảm giác lạnh gáy, dường như bốn âm hồn của dân tìm trầm bỏ mạng nơi đây khi gặp một trận lũ quét vẫn còn lảng vảng, hù dọa người đi rừng.

Nào là hẻm "Đá Dựng" thì phải vừa đi vừa bò. Dạ thưa em chào thua - đá dựng nói lái là "đứng dạ"...

Đại khái nhiều cái tên do dân đãi vàng, tìm trầm đặt ra theo thực địa...

Có điều kì lạ là giờ đây, khi ngồi viết lại những dòng này, tôi không có ký ức nào về địa danh dù ký ức hình ảnh thì ăm ắp. Những cái tên La-ê, La-dê, Chaval, Zuôih, Đắkpre, Đắkpring… trôi trượt đi như lũ ống sau cơn mưa. Tôi không hình dung nó nằm ở cánh rừng nào, đi lối nào, đã ngang qua đó hay chưa…

Con đường về xuôi chỉ có một đích đến là chốn cũ của mình nên ai cũng hướng đến đích đó, mong nó sớm cán mốc.

***

Sau một ngày đi rừng lạnh nhạt, tránh gợi lại cho nhau chuyện cũ, đến ngày thứ hai tôi và Alăng Lược đã lấy lại sự tự nhiên như trước.

Một lần nọ, em xóa nhòa sự ngượng ngùng bằng việc nhìn chằm vào chân tôi rồi cúi xuống gỡ con vắt no căng bụng máu đang bám ở kẽ ngón chân.

Tôi để cho em làm việc đó một cách bình thản. Sau đó tôi cầm lấy tay em chùi vệt máu của con vắt còn dính lại trên đầu ngón. Tôi cố tình cầm tay em lâu hơn để dò xét xem sao.

Em để nguyên, có vẻ thích thú và chờ đợi nhưng tôi không muốn điều đó xảy ra lúc này.

Tôi tự nhủ sau chuyến đi này, nếu trong lòng tôi có cái gì thắt lại, tê tái thì tôi sẽ quay lên tìm em ngay tức khắc…

Một lần, chúng tôi nghỉ bên một dòng sông. Tôi tắm dưới dòng còn Briu Lược ngồi trên bờ nghịch ngợm ném đá.

Tôi đăm đăm nhìn dòng sông và nói vu vơ:

- Sông chảy xiết ghê quá! Ở quê anh chẳng có con sông nào như thế này. Sao nó cứ cuồn cuộn lên thế em nhỉ? Nó trôi nhanh như thể sợ chậm trễ việc gì…

Tôi nói không có ẩn ý gì nhưng có lẽ em diễn dịch khá sâu nên mọi thứ tự nhiên khựng lại.

***

Chiều hôm ấy, chúng tôi về đến xã Tabhing.

Đây là điểm nghỉ đêm cuối cùng của hành trình. Ngày mai chúng tôi sẽ về tới nhà.

Thường thì các đoàn công tác chọn điểm trường làm nơi dừng chân, ngủ nghỉ. Chúng tôi cũng thế. Khi vào trường xã Tabhing, các thầy cô giáo nơi này nhận ra đồng nghiệp đi công tác vùng cao về nên sẵn sàng tiếp đón. Trong số họ có vài học trò bổ túc của tôi và Lê Cứ nên việc thu xếp bữa cơm, chỗ ngủ khá thuận lợi và nhanh chóng.

Sau mấy ngày đi bộ, lúc này mọi người chỉ có một nhu cầu thiết yếu là ăn một bữa ngon, ngủ một giấc say để ngày mai đi bộ chặng cuối về tới nhà.

Nhà của ba mẹ Alăng Lược nằm gần trường xã này.

Tuy nhiên em vẫn nán lại cùng ăn tối với chúng tôi vì đây là bữa cơm chia tay. Chốc nữa em sẽ từ biệt mọi người về nhà của mình.

Đúng lúc chạng vạng, đèn dầu vừa thắp lên, mọi người thu xếp chỗ ngủ nghỉ thì em ghé tai tôi nói nhỏ:

- Đêm nay, mời anh về ngủ tại nhà em rồi mai anh em mình chia tay. Nhà em có bố và mế, anh khỏi lo. Chỗ ngủ ấm…

Em nói một thôi dài đủ để tôi đồng ý mà không kịp suy nghĩ.

Tôi cười và gật đầu. Sau đó mang ba lô đi theo em, đi cách xa một quãng và cố tình không chào ai. Tuy nhiên trước khi rời đi tôi có ghé tai Lê Cứ nói nhỏ, hài hước: “Tối nay tao đến nhà em Lược ngủ đây, nếu mai tao không về cùng thì mi qua nhà em ấy gọi tao nhé.”

Lê Cứ là con gấu rừng dày dạn, nghe hơi là biết chuyện nhưng hắn không nói gì. Lão cười cười:

- Đậu phộng, đậu phộng. Mi bảo trọng nhé. Nhớ mang xác về hỉ. À mà khoan, chờ tao một chút…

Rồi Lê Cứ lẳng lặng đi ra phía sau bếp. Lát sau hắn tới chỗ tôi đứng đợi và bảo:

- Xòe tay ra, mi bỏ cái này vô túi quần, ngủ cũng không rời ra nhé.

Tôi không biết đó là thứ gì và cũng không tiện mở ra xem vì có vài ánh mắt khá gần. 

Lát sau, trên đường đi, tôi móc ra coi thử và biết đó là năm tép tỏi.

Ngay lúc đó tôi chưa biết bỏ tỏi vào túi quần để làm gì; nhưng về sau tôi hiểu ra.

***

Đêm ngủ ở nhà Alăng Lược bình an và ngon giấc.

Em dắt tôi đến chào ông bố bà mế. Trò chuyện một lúc tôi muốn đi ngủ. Hai người già cũng không muốn nói và nghe những chuyện tầm phào giữa những tràng ngáp vặt nên họ cũng nghỉ ngơi.

Tôi về chỗ giường ngủ mà em bố trí cho tôi và nói vài câu chuyện vui vẻ, không đầu không cuối về bất kỳ cái gì hiện đến, những mảnh vụn nhỏ chẳng đi đến đâu. Tôi có cảm giác em ngồi bên tôi như thể đó là một lựa chọn tự nhiên. Có lẽ đó là lúc thư giãn ngắn ngủi nhưng rất thanh thản trong suốt chuyến đi.

Alăng Lược ngủ ở gian nhà khuất phía trong. Tôi nằm gian ngoài.

Có lẽ do đi đường mệt nên tôi ngủ thiếp đi lúc nào không hay.

Trước khi chìm vào giấc sâu tôi nhớ mình đã làm hai điều: đôi mắt liếc nhìn về phía ngọn đèn dầu có ánh sáng bập bùng soi loáng thoáng chỗ em nằm và đôi tay tôi sờ vào túi quần – năm tép tỏi vẫn còn nguyên nơi ấy.

***

Nửa đêm, tôi tỉnh giấc vì có tiếng va chạm khẽ. 

Do đã có tín hiệu tình cảm từ nhiều ngày qua và linh cảm mách bảo nên dù giật mình thức dậy nhưng tôi không quá bất ngờ.

Trong bóng đêm, tôi cảm nhận bàn tay êm ái của em vuốt ve khắp đôi vai xương xẩu của tôi rồi mèn vào lồng ngực lép kẹp.

Tôi bảo: “Sao em không ngủ, lại đây làm gì?”

Em nói: “Em muốn bắt rệp cho anh, chiếc giường này có rệp”.

Ôi, bắt rệp trong bóng tối. Một kỹ năng siêu việt. Tôi nói nhỏ: “Em hết bắt vắt cho anh giờ lại bắt rệp cho anh ngủ nữa à. Anh chẳng cảm nhận có con rệp nào cắn anh nhưng bây giờ có một con rệp thật to đang bò tới đây". He he

Trong bóng tối, tôi nghe tiếng em cười phát ra từ lồng ngực rung rung rất khẽ.

Mọi thứ đều rất khẽ vì tôi biết theo phong tục Cơ Tu, khi người con gái bị con trai chạm vào trong trạng thái ân ái “già nhân nghĩa” mà gia đình bắt quả tang thì nhà trai phải đền bù bằng heo, gà, rượu, ché, tiền, vàng… hoặc phải cưới cô gái ấy…

Tôi không có heo, gà, rượu, ché, tiền, vàng để đền bù chuyện này. Còn thỉnh em về thì tôi chưa nghĩ đến. Trong khi bên kia góc nhà là nơi bố và mế của em đang ngủ say. 

Nhưng không chắc là điều gì đó có thể xảy ra hay không.

Chính điều đó làm tôi chùn tay dù lúc này, một thứ bản năng có kiểm soát trỗi dậy. Trong suy nghĩ của tôi, đây là đêm cuối, mai sẽ chia tay nhau nên tôi cho phép lỗ mũi của mình hít lấy mùi thơm tho da thịt của sơn nữ trong khi em cứ mơn man và cọ tấm thân mềm nhũn mát rượi vào tôi như chú mèo cưng cọ bộ lông vào chủ.

Một phần nữa là tôi cũng không muốn kháng cự quá mạnh có thể gây ra tiếng động khiến bị bắt quả tang. Nên cứ để mọi thứ xảy ra nhẹ nhàng vừa phải.

Rồi em nằm bên tôi. Dường như em chờ đợi nhưng tôi không dám làm gì phiêu lưu. Trong bóng tối, tôi bị dẫn lối bởi trí tưởng tượng và sự cảnh giác nhiều hơn.

Một lúc sau tôi cảm thấy bối rối không biết phải làm gì, nói gì.

Tôi cảm thấy nực cười trong tình huống của mình khi tay em chạm vào con vắt của tôi, tay còn lại thì em nắm ngón tay tôi rồi đặt nó trên lỗ rốn của mình.

Tôi nhũn ra thư giãn để mình bình tĩnh hơn. Tôi nghe tiếng em thở dài trên ngực tôi.

Đó là âm thanh buồn bã nhất mà tôi từng nghe trong đêm.

Khi em trở về giường ngủ của mình, tôi sờ vào túi quần. Năm tép tỏi vẫn còn đấy.

Lúc này tôi không còn ngủ tiếp được nữa mà nằm chờ bình minh.

***

Trời vừa sáng, Lê Cứ đã mang ba lô lên đường và ghé qua nhà em để xem tôi đêm qua thế nào.

Hắn tỏ ra vui mừng vì tôi vẫn còn sống với khuôn mặt tươi rói. He he.

Tôi chào từ biệt cả gia đình em và mang ba lô ra ngõ.

Em tiễn tôi đến dòng suối nhỏ chảy ra sông Thanh rồi quay về.

Trước khi chia tay, Lược nói với tôi một câu:

- Em nuôi một giấc mơ. Tối qua giấc mơ ấy đến nhưng nửa chừng giấc mơ lại tan. Em sẽ mơ còn mơ về nó. Mong gặp lại anh.

Tôi không muốn kéo dài phút chia tay nên vội vã quay đi và tiếp bước trên con đường dốc sỏi.

***

Khi chỉ còn hai thằng đi với nhau, Lê Cứ hỏi tôi:

- Đậu phộng… năm tép tỏi vẫn còn nguyên trong túi mi đó chứ.

Tôi sờ vào túi quần và cười:

- Nó vẫn còn nằm đây, đủ y năm anh em trên chuyến xe tăng.

Lê Cứ cười khoái chí:

- Tốt rồi, nếu không có năm anh em nhà tỏi đó thì có khi đêm qua giấc mơ của Alăng Lược đã trở thành sự thật. He he.

Giờ thì tôi đã hiểu Lê Cứ bảo tôi cất tỏi trong túi quần để làm gì.

Trưa hôm đó, chúng tôi về đến chỗ của mình trong khu tập thể nhà trường.

Trần Hoàng vẫn còn đi công tác đâu đó trên vùng cao chưa xuống.

Những ngày sau, tôi kể lại những câu chuyện vui trong chuyến đi vùng cao của mình cho anh em nghe.

Lê Cứ cũng kể những chuyện vui của hắn. Tất nhiên hắn kể luôn câu chuyện “năm tép tỏi” có thêm thắt chút ít. He he.

Lúc này, mấy anh em xúm vào hù dọa tôi – mọi lúc, mọi nơi:

- Năm miếng tỏi của Lê Cứ làm chi chặn được bùa yêu vùng cao. Phải một tháng sau mới biết thằng Mộc có bị dính chưởng không.

- Nếu trong vòng một tháng mà lão Mộc không nhớ em, không đi tìm em, không thao thức vì em… thì lúc đó mới gọi là bùa không linh…

Câu chuyện đã qua, nay bị anh em thêu dệt, hù dọa nó thành ra ám ảnh…

Có lẽ vì vậy trong đầu óc tôi, Alăng Lược xuất hiện nhiều hơn khiến tôi ngờ ngợ hình như mình bị bùa yêu ám vào. Hic.

Những lúc như thế tôi nghĩ vẩn vơ: “Không biết có phải mình là gã trai biết mùi sơn nữ hay là sơn nữ được biết mùi trai đồng bằng…”

Rồi tôi lại nghĩ: “Không biết dạo này em còn mơ gì nữa không…”

Dầu gì đi nữa, những câu chuyện vùng cao mãi là những ký ức đẹp mà tôi luôn lưu giữ. Đôi khi nó rơi rớt lúc nhớ lúc quên, chỗ này chỗ kia nhưng chỉ cần vài từ khóa, nó sẽ hiện ra ngay.

Kể cả vẻ đẹp rừng núi và tình cảm chân thật mạnh mẽ của Alăng Lược, tôi vẫn trân trọng lưu giữ.

Mãi yêu quí và nhớ em như nhớ miền cao mà chúng tôi đã đi qua.

***

Sau này tôi còn một lần đi vùng cao tìm vàng với Minh Đức. 

Chuyện này cũng thú vị tôi sẽ kể sau.

Còn bây giờ, tôi lưu giữ ký ức bằng bài thơ “Thênh Thang Miền Cao” viết đã lâu:

Níu mây kéo trời chiều Thạnh Mỹ

Thung lũng trần gian mỏi bước giang hồ

Giấc mơ đẹp mòn trong chăn rách

Yêu em đành gởi gió ngàn bay


Phung phí ngày thênh thang hoang dại

Tháng năm lạc trên những cánh rừng

Đói no đong đầy bỡn cợt

Nhớ lúc hả hê bữa thực cuồng


Chia nhau cung đàn mềm ánh lửa

Thức với ma trơi đêm cạn tình đầy

Réo rắt lũng hoang tiếng khoan nhặt

Tri âm – hồ tửu với nguyệt cầm


Tà vac men rừng cay hoan lạc

Kì vĩ thập thành, vui hóa điên

Phù du chập chờn cơn say tỉnh

Thương mẹ cha nên nặng kiếp người


Đường vùng cao đạp vai leo dốc

Tiếng sói tru đêm vọng âm hồn

Cọp gầm giữa cơn mê thảng thốt

Bên em Ca Tu ấm men nồng


Nắng chang chang đường lên bến dốc

Qua sông Thanh nghiêng ngả thuyền cây

Ngẩng đầu mây và núi đá

Chân trần nát kiếp cỏ hoa


Tay mỏi ôm tình chẳng chặt

Gươm cùn đâu chém được trần ai

Phấn trắng rơi lũ vi trùng đục khoét

Chí mòn sầu mênh mang phiêu linh


Mưa tháng sáu chợt về ngàn phố

Tắm trần gian bớt hầm hập cõi đời

Vơi nỗi nhớ em miền xa lắc

Bỗng thấy mình trăm năm đơn côi


Bạn hát khúc “Bên cầu biên giới”

Ta nghe dòng đời từ từ trôi

Thương em cánh hoa duyên kiếp

Chén trần gian vỡ vụn tình rơi


Chiều nay ta lại về Thạnh Mỹ

Nhang khói vật vờ nhớ bạn gãy thuyền trăng

Vọng tiếng đàn vất vưởng hồn ai bên suối

Chén vui vầy nghẹn nửa cuộc chơi.

                 ***

(Xem phần tiếp theo: Vùng Cao – p.5: Đãi Vàng)

Không có nhận xét nào: