Trích tác phẩm "Chuyện kể từ thung lũng Zơ Nông"
Trường Thạnh Mỹ, huyện Giằng, vào những năm 1980 nằm trên một ngọn đồi gần làng Hoa - một làng dân tộc Cơ tu sâu trong thung lũng Zơ Nông. Chúng tôi không ai biết chính xác trường được xây từ năm nào; có phải nó sinh ra là một ngôi trường hay tiền thân là cái gì đó: một bệnh viện, một nhà kho, một nhà tù hay một trại bộ đội… chẳng hạn như vậy.
Xét về mặt địa lợi quân sự thì vị trí
này có nhiều ưu thế: nằm trên một quả đồi cao có thể khống chế cửa ngõ đi ngang thị trấn. Từ đây bao quát toàn thung lũng; kiểm soát con
đường huyết mạch từ Đại Lộc đi Bến Giằng; đứng trên đầu thiên hạ tức là nhìn thấy từng
nóc nhà dân; tiến thủ đều thuận tiện…
Nhưng xét về mặt giáo dục thì đặt ngôi trường tại nơi này quả là một chọn lựa sai. Con em đi học phải vô sâu trong
thung lũng, lên dốc đồi, con đường gập ghềnh mưa lầy nắng bụi… Muốn vô trường
phải đi ngang qua khu nhà của công ty xuất nhập khẩu. Đây là nơi giàu sang ăn
chơi bậc nhất phố núi bấy giờ. Mỗi ngày thầy và trò đi qua đây đều nhận lấy
cái nhìn thương hại của bọn ăn nhậu thâu đêm suốt sáng, ngày nhởn nhơ phơi bụng
chỉ chỏ, cười đùa. Thời buổi giáo viên ốm đói, điều ấy thật xót xa và phản cảm.
Đỉnh đồi là dãy nhà gồm ba phòng học
xây cấp bốn bằng gạch và vôi. Sân chơi hẹp vì sân trường là triền đồi dốc thoải
cả ba bên. Trong đó có một phía ngã xuống Khe Điêng – là một dòng suối khá lớn
chảy từ hẻm núi băng qua thung lũng và trải ven chân đồi. Ai cũng gọi là suối,
nhưng bảng tên của nó là khe - Khe Điêng. Con suối này là nguồn nước sinh sống
và sinh hoạt chính cho cư dân thị trấn: ăn uống, tắm giặt, tưới cây… và kiêm
luôn cả việc chở rác rưởi và chất thải ra sông sâu biển lớn. Trôi về đâu - mặc.
Lại nữa, trường nằm sau lưng Trại cải
tạo B2. Nghe đâu trại này dành cho các đối tượng cần phải được cải tạo, chữ “cải tạo” một thời là nỗi kinh hoàng cho bất kỳ ai đó trong quá khứ
đã đi theo đối phương hoặc sau 1975 không đi theo đúng con đường mà chánh quyền
cách mạng đã quy định là lấy liên minh công-nông làm nền tảng gốc rễ. Đám cải tạo
này là dân bài bạc, gái đĩ, ma cô, dân xì ke ma túy, vượt biên không thành, đám
để tóc dài, mặc quần ống loe, thanh niên chậm tiến, trộm cắp… và tất nhiên có cả
dân trí thức tiểu tư sản không quy thuận những giáo điều của chủ nghĩa Mác-Lê.
Cải tạo tất tần tật, không tha đứa nào. Thì phép nước phải vậy.
Ban đêm, khi có việc đi ngang qua trại
B2, thỉnh thoảng người ta có thể nghe tiếng kêu khóc, la hét, lạy lục van xin của cư
dân B2 khi bị đánh đập. Hình như có ai đó từng phát biểu rằng mất tự do là mất
tất cả. Những lúc đó tôi ứa nước mắt, cố chạy thật nhanh, trốn khỏi âm thanh
kinh hoàng. Ồ, nếu là tôi trong hoàn cảnh đó, tôi sẽ “khai hai đồng chí của tôi
đang núp trong đống rơm” !!!
Cư dân B2 ban ngày bị bắt đi lao động
vất vả. Quản lý trại làm đúng chỉ đạo của cấp trên, tức là của nhiều cấp trên nữa,
đó là phương châm: chỉ có lao động chân
tay đến mức kiệt sức mới có tác dụng cải tạo đầu óc nhanh nhất. Vật chất quyết
định ý thức. Tuyệt vời.
Chiều xuống cư dân B2 từ rừng núi thất
thểu lê lết về trại. Họ xuống Khe Điêng tắm rửa thỏa thích. Thời điểm này là lúc mấy
anh giáo trẻ đi mò ốc hái rau dưới khe về cải thiện đời sống. Ốc khe vỏ của nó
rất cứng, và hầu như không lể thịt ra được, chỉ nấu lấy cái nước của nó làm ngọt
nồi canh rau lốt, hoặc cu thù đảnh (canh thù đủ - tên do Thịnh), tự lừa cái lưỡi
của mình rằng “có chất, có chất”. Chao ơi, tô nước rau muống luộc vắt tí chanh
vào mà Thế Lanh dân Nghệ An, húp lấy húp để, vì theo y, đó là một tô “chất tràn
trề, chất tràn trề”. Phải nhắc lại hai lần cho đúng nguyên văn của anh ta.
Một lần, tôi và Minh - sau này bỏ việc
về mở tiệm vàng ở Nam Ô - chỉ mặc quần đùi, ở trần, đang mò ốc say sưa, cứ
đi ngược con suối, mắt nhìn chăm chăm những kẽ hở dưới mấy tảng đá, tay rà rà lần
lượt, cố gắng không bỏ sót con ốc nào. Bỗng nghe tiếng la hét của đám nữ phạm
B2:
- Đù má, mấy thằng này rình mình tắm
bây ơi.
Lúc đó bọn tôi giật mình ngước lên,
biết rằng mình đã lỡ đi ngược dòng đến thủy phận của trại B2. Nữ phạm B2 tắm truồng
tập thể như bầy tiên nữ. Không cần liếc trộm cũng kịp nhìn thấy mông tròn trịa, vú nhấp
nhô đầy đủ. Liền lúc đó có tiếng hét của một đàn chị nào đó, giọng rất khàn (mãi
sau này lớn thêm chút nữa tôi mới biết khi thèm muốn chuyện xác thịt, giọng người
ta bị khàn đi):
- Ê bây, bắt mấy thằng đó chơi tụi
mình, cho dính bầu để ra trại sớm.
Anh em vứt hết ốc, lội suối chạy trối
chết, té xiểng liểng vẫn chạy. Nghe nói làm đàn bà có bầu sao lại sợ nhỉ…
Thế mà sau này khối đứa như Lịnh Cicarque,
Lộc Tiger… thấy phụ nữ là a vào, a vào!
Sau vụ đó, bọn tôi cạch tới già không dám bén mảng tới khu vực suối của trại B2.
Tuy nhiên các em nhỏ khi đi học về lội
băng qua suối thỉnh thoảng vẫn thấy các cô, các chị vừa tắm truồng vừa ngắm nghía chọc ghẹo cái sự đời của nhau.
Tôi chắc rằng cái hình ảnh lạ lẫm mà
tục tằn ấy đã in vào đầu óc vài em nam sinh lớn tuổi, dậy thì sớm…
Và thật buồn, một trong số các em đó
sau này lớn lên, đi học sư phạm về công tác tại trường này đã bị ám ảnh bởi cái
hình ảnh sắc dục đó mà méo mó về nhân cách để rồi thành tội phạm: dâm ô với học
trò nữ của mình.
Phải chăng bi kịch của ngôi trường đã nằm ngay đây - trường nằm gần với "trại".
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét