28/5/21

2.069. VÙNG CAO (p.2)

 Trích "Chuyện kể từ thung lũng Zơ Nông" 

         Mộc Nhân

Hình này do Minh Đức chụp năm 1991

(Tiếp theo phần 1)

Đoàn công tác gồm mấy anh cán bộ phòng giáo dục và giáo viên làm nhiệm vụ thanh tra kết hợp tham gia dạy bổ túc cấp ba. Cùng đi có nhóm cán bộ văn hóa thông tin làm nhiệm vụ tuyên truyền bầu cử và đội văn nghệ gồm mấy em giáo viên trẻ hát hay múa dẻo. Riêng tôi ngoài các nhiệm vụ chính là dạy bổ túc còn có thêm nhiệm vụ làm nhạc công guitar cho đội văn nghệ.

Cấp trên đã tính toán với một chuyến đi dài ngày như thế thì chọn người kiêm nhiệm nhiều việc để tinh giảm số lượng người trong đoàn thì tốt hơn kéo theo cả bầu đoàn cồng kềnh. Có lẽ thế.

Riêng về đội văn nghệ tôi nhớ em Alăng Lược là một cô giáo người dân tộc Cơ Tu, dạy tiểu học. Em rất trẻ, xinh đẹp, hát hay. 

Alăng Lược thời còn đi học đã đoạt những giải thưởng văn nghệ cấp huyện, giải “Hoa phượng đỏ” cấp tỉnh và đi dự hội thi văn nghệ đồng bào dân tộc thiểu số toàn quốc có giải.

Ngoài ra tôi cũng nhớ em gái thứ hai tên là Thắm, cũng là một cô giáo tiểu học trẻ, hát hay.

Chuyện khác thì kể sau, riêng chuyện gái gú chỉ nhớ hai em đó là đủ rồi, cần chi nhớ nhiều cho tăng thêm dung lượng não bộ.

***

Qua khỏi Bến Giằng, chúng tôi đi bộ xuyên rừng. Thời buổi lúc bấy giờ làm gì có đường để xe chạy.

Bắt đầu qua khỏi địa phận xã Tabhing toàn là đường mòn cắt rừng núi, băng dốc đèo qua các bản làng dân tộc thiểu số thưa thớt giữa rừng già.

Người Cơ Tu, Ve, Tà Riềng từ bao đời đã sinh sống trên những khoảng rừng này. Họ gieo hạt trên mảnh rẫy được khai phá từ việc đốn chặt rừng, đốt cây cỏ. Cây lúa, cây bắp sống tự nhiên nhờ nước trời. Đến mùa cho thu hoạch dù không ổn định nhưng vẫn đủ ăn để những đứa bé sinh ra, để trẻ con trở thành người lớn, để người già thành ma…

Sau này họ còn biết đến với nghề mà người kinh gọi là "lâm tặc", "vàng tặc"...

Dọc những cánh rừng rậm ấy là đủ loại cây lớn bé mọc lên lẫn lộn chằn chịt vào nhau dưới tán rừng nguyên sinh. Ngày nắng đi mát mặt, ngày mưa không ướt dầm vì đã có tầng lá dày trên cao.

Đôi khi phải dùng rìu mới mở được một lối đi mới do lối cũ vừa bị sạt lở; con đường mòn khúc khuỷu có lúc bị nghẽn vì những tảng đá lớn. Thỉnh thoảng những dòng khe cắt ngang hoặc đi dọc theo lòng khe để đến một chặng khác.

Những cánh rừng bao la. Những con đường lội bộ gian nan. Phần lớn những đoạn đường xuyên rừng đều đi trên những bầy vắt đói.

Ai đã từng đi vùng cao đều biết con vắt ghê gớm thế nào. Vắt ẩn dưới những đám lá mục trên mặt đường hoặc bên đường. Chỉ cần nghe hơi người thoảng qua trong gió là đầu nó nhổm dậy và búng nhuyễn thể vào bất cứ nơi nào trên thân thể người. Dưới bàn chân, trong kẻ ngón, trên bắp chân, chỗ kín…

Dân đi vùng cao chống lại nó bằng cách khi sắp qua đoạn đường có vắt họ bọc kín quần, giày dép bằng bao ni lông; xoa dầu – thường người ta chuẩn bị lọ thuốc Deep là loại thuốc mỡ trị bệnh ghẻ ngứa để chống vắt rất hiệu quả – và đi qua nơi đó thật nhanh.

Nhanh kiểu gì thì chỉ có người đi trước là giảm thiểu vắt bu. Còn người đi sau tất nhiên bầy vắt đã bị đánh động nên trong tư thế sẵn sàng phóng tới.

Tôi thầm cảm phục những giáo viên vùng cao. Họ đã đến công tác ở những nơi như thế này. Mỗi năm họ chỉ về xuôi hai lần: vào dịp tết và nghỉ hè. Ngoài ra, tuổi thanh xuân của họ chôn vùi nơi đây: dưới những cánh rừng, trong những bản làng dân tộc xa xôi, sống gian khổ, cô đơn thiếu thốn tình cảm; đó là chưa kể những áp lực trao đổi khác…

Những lời cảm mến trên đây không dành cho những kẻ xem vùng cao như một cơ hội.

***

Thành thực mà nói, trong chuyến đi này tôi được hai em gái Alăng Lược và Thắm chăm lo đúng mực.

Có lẽ tôi là một trong số ba ông anh thầy giáo kiêm văn nghệ đằm tính, ít nói, ít âm mưu nhất trong số những đồng chí cán bộ đi cùng. Trong khi những đồng chí cán bộ khác luôn kể chuyện tiếu lâm tục hoặc nói những điều gợi dục. Dù những chuyện ấy tạo tràng cười rôm rả và mũi tên bắn trúng vài đích nào đó nhưng nó cũng tạo cảm giác dè chừng, cảnh giác ở các em.

Em Alăng Lược dáng nhỏ nhắn, thon thả, tóc dài mướt, da ngăm bồ quân, mắt đen huyền, môi mỏng.

Em hay đi trước tôi – vì đường rừng không thể đi sóng đôi – để thuyết minh về cây cỏ, bản làng mà đoàn đi qua. Em cũng nói về gia đình và mơ ước của mình.

Khi đến một bản nào đó, em vô nhà đồng bào xin trái cây ngon cho cả đoàn nhưng em mang đến cho tôi vài quả ngon hơn.

Tối đến, khi ngủ tại bản làng dân tộc, Lược thường chọn cho tôi chỗ ngủ ấm nhất, chiếu mền hẳn hoi và thường rủ rỉ vài câu chuyện vặt hoặc vài câu hát trước khi chui vào chăn gần đó.

Khác với Alăng Lược thường kín đáo, em Thắm quan tâm tới người khác một cách khá công khai.

Thắm tròn múp, da trắng, miệng liếng thoắng, cặp chân ngắn tròn trịa, đôi mông núc ních ưa nhìn. 

He he – ai mà không thích nhìn tui cam đoan tử trận liền.

Thắm thường mang hộ ba lô cho tôi vì lúc này tôi yếu ớt, ốm nhom so với mọi người. Khi Alăng Lược đi đầu hoặc giữa đoàn người, có đoạn tôi theo không kịp rơi lại cuối cùng thì Thắm cố tình đi cuối cùng tôi.

Em cười cợt, pha trò để tôi quên mệt, quên vắt mà có sức đi tiếp. Đôi khi tôi tụt lại rất xa vì đang đi, Thắm bỗng hét lên vừa đủ cho tôi nghe: “Ôi, có một con vắt anh ơi”.

Một con vắt sung sướng và nghiệt ngã vì nó đã chui vào vùng gần đám cỏ của em. Em hé lưng quần ra rồi rên rỉ, nhờ vả - đủ để tôi nhìn thấy và tóm lấy chú vắt có duyên này.

Sau đó Thắm cười e thẹn và trả công cho tui bằng vài câu pha trò gợi mở kiểu như:

- Nếu con vắt nào bu vào anh, em sẽ bắt cho.

Hoặc:

- Em chỉ thích con vắt lớn nhất của anh bám vô em thôi. Mấy con vắt nho nhỏ này nhờ tay anh gỡ dùm nhé.

He he. Tất nhiên một thằng đực đọc được con cái muốn gì.

Tôi cảnh giác hơn vì sợ có một lúc cao hứng nào đó, em bắt con vắt của tôi thật. Điều đó thì thằng đực nào chả thích và thằng nào chả sợ. Trừ mấy thằng trong câu lạc bộ cọp vùng cao – tiger club – mà Tuấn con đã điểm danh.

Lần hồi, anh em trong đoàn cũng nhận ra trong chuyến đi tôi có “lộc gái”.

He he. Giống Trần Hoàng chăng?

Chắc chắn là không vì tình huống của tôi giống như hên xui, chợt đến chợt đi chứ không âm i, đeo bám, phúc dày như anh Hoàng nhà mình.

Anh em đùa vui bằng những cảnh báo:

- Nè, ông Mộc liệu lấy mà có sức leo núi nhé. Cặp giò ông mà lỏng thì không ai cõng đâu…

Hoặc:

- Ban ngày có người đèo ba lô giúp, ban đêm có người ru ngủ, trái cây mọng căng vô tới miệng, ông Mộc coi chừng không về xuôi được đấy…

***

Tôi cười không nói gì.

Đôi lúc thoáng có ý nghĩ dấn thân, hy sinh đời trai - nhưng sợ không còn sức đi bộ về xuôi. He he.

Buổi chiều nọ, đang nằm dài bên tảng đá khuất ven khe, dưới ánh nắng nhạt, ngắm đỉnh núi xanh xa xa và nghĩ tới chuyến trở về được xuống đồng bằng ăn đĩa cơm sườn hay tô mì Quảng ở chợ Hà Nha là đủ để hạnh phúc.

Đúng lúc đó, thoáng bên bờ, một bóng sơn nữ mặc váy thổ cẩm lò dò xuống suối. Tôi nấp mình như bản năng.

Sau đó tôi nhận ra ngay người ấy là Alăng Lược.

Những vệt màu sọc trên váy thổ cẩm đã đột nhiên làm ngắt quãng những suy nghĩ của tôi.

Tôi nhìn em trầm mình dưới khe như bản năng của con mắt là nhìn chỗ cần nhìn dù lúc này tôi sợ em phát hiện ra cái nhìn đó. Làn da ngăm đỏ của sơn nữ Cơ Tu nổi bật dưới dòng nước ánh lên trong ráng chiều tạo nên một mảng màu đẹp, có sức gợi.

Chặp sau, dường như linh tính mách bảo nên em đoán có người nhìn mình.

Phản xạ của người dân tộc trong tình huống này là lấy váy áo che khuôn mặt, còn mọi thứ để hiển lộ tự nhiên.

Nhờ phản xạ đó mà tôi nhìn rõ những gì rực rỡ, đáng nhớ nhất giữa cảnh núi đồi và thảo nguyên. Và tôi cũng vờ vịt như chưa nhìn thấy gì.

Lát sau, khi đã định thần, em nhận ra tôi và hỏi:

- Anh ở đây làm gì, chắc anh đã nhìn thấy em…

- Ai mà biết được! Nhưng người đang ngắm cảnh núi rừng bên kia thì có thấy được cảnh đồi và khe suối bên này không?

Một câu trả lời vừa hóm vừa thông minh khiến em thích thú.

Và cuối cùng, tôi và em tắm cùng nhau nhưng tôi cũng đủ kiềm chế để ướt nước suối toàn thân chứ không ướt nước tình vài chỗ. Mặc dù tôi tin điều ấy xảy ra chắc chắn như một lá thư bỏ lọt thỏm vào thùng bưu điện. He he.

***

Những đêm đi tuyên truyền bầu cử bằng văn nghệ, tôi thấy em kiêu hãnh như một con chim rừng với đôi cánh nhiều màu sắc múa may dưới ánh lửa.

Những đêm mưa, đội văn nghệ vẫn ca hát phục vụ đồng bào dân tộc. Chúng tôi biết có người dân đã đi đến đây từ chiều, bản làng của họ cách nơi này hai ba giờ đồng hồ lội rừng. Xem xong các tiết mục văn nghệ, họ lại trở về trong ánh đuốc xuyên đêm.

Xen lẫn các tiết mục văn nghệ là những lời tuyên truyền bầu cử quen thuộc. Chúng tôi nhận ra đây là lần đầu tiên người dân vùng cao biết văn nghệ của người kinh là thế nào.

Chúng tôi tôn trọng điều đó nên chơi đàng hoàng để khỏi làm họ thất vọng dù nhạc cụ chỉ là hai cây đàn guitar do hai nhạc công dìu nhau chơi và ba cô giáo thay nhau hát, múa.

Cứ thế, hết điểm thôn này đến điểm xã khác, chúng tôi di chuyển liên tục.

Ngày di chuyển, tối diễn văn nghệ. Cơm nước, rượu thịt, trái cây không thiếu…

Có đêm mưa - mưa không to lắm nên chưa đủ sức dập tắt đám lửa bùng lên từ đống củi rừng. Cả đoàn định hoãn cuộc chơi nhưng thấy đám đông bà con từ những bản xa đội mưa đã đến đây đợi sẵn ở khoảng sân rộng trước nhà gươl nên anh em không nỡ làm họ thất vọng ra về.

Họ không chỉ đến để xem văn nghệ mà còn mang theo gà, heo và các thứ thực phẩm của núi rừng để chiêu đãi khách quí.

Vậy là cứ nhóm lửa to hơn và tiếp tục cuộc chơi.

Dưới ánh lửa mờ ảo có những tiếng nổ bôm bốp do lửa hứng mưa, các em hát hò, nhảy múa ướt sũng cả thân hình. Người xem cũng ướt như rừng tà vạt sũng mưa.

Xúc động nhất là vài bà mế lấy tàu lá chuối to che cho nhạc công và cây đàn.

Nhạc công mà run tay, đàn mà hỏng thì xem như cuộc chơi kém sắc màu.

Gương mặt chúng tôi phản ảnh rõ rệt sự tôn trọng cảm xúc để đáp lại lòng hiếu khách của người miền cao.

Những đêm như thế, tôi có dịp nhìn rõ lồng ngực của em Alăng Lược nhô lên cao; phập phồng, rung lắc... Tôi tưởng em gần như nghẹt thở khi nhảy và hát quanh đống lửa.

Trong khi đó chiếc váy thổ cẩm của em vẫn đung đưa, quay tròn và đôi lần lại chạm vào cánh tay đánh đàn của tôi.

Còn em Thắm, những ngày sau đó, nhiều anh trong tiger club nhăm nhe nên em có phần chịu làm con nai vàng qui phục.

Tôi biết mình không đủ sức gánh vác sức nặng của em nên cũng an phận với tấm thân gầy. He he.

----------------------------

(Xem tiếp: Vùng cao phần 3)

Không có nhận xét nào: