21/5/21

2.059. LSB – CHUYỆN TỪ PHÍA NÚI

 Trích "Chuyện kể từ thung lũng Zơ Nông" (Nhiều tác giả)

    Mộc Nhân

 


Năm 1985 tôi ra trường lên công tác tại Giằng. 

Lần đầu tiên trong đời tôi trải qua hành trình ba giờ đồng hồ bám vào cánh cửa sau của chiếc xe khách cũ kỹ hiệu Dodge - cưỡi lên những mặt đường địa hình – lúc thì bùn lầy ngập bánh, lúc thì lởm chởm đá, lúc thì băng qua ổ voi… Những đoạn ngon lành nhất là đường nhựa bong tróc thành ổ gà, ổ chó…

Từ Ái Nghĩa đi Thạnh Mỹ, Giằng khoảng 45 km. Ngày nay chỉ mất một giờ đi xe máy nhưng những năm thuộc thế kỷ trước phải mất ba giờ xe ô tô hoặc sáu giờ đi phà ngược mới đến nơi. Mà đôi khi chưa chắc đã đến được vì có hôm xe quá đông, không còn chỗ bu bám hoặc hôm đó xe không chạy do trục trặc nào đó.

Thậm chí, nhiều người không có tiền đi xe khách hoặc muốn dành tiền cho khoản chi khác nên chạy xe đạp - sáng khởi hành, chiều tới - có những chặng phải dắt bộ đi trên đá cuội…

Tôi đến Thạnh Mỹ lúc mười giờ sáng hôm đó. Bến xe miền núi nằm ven đường độc đạo chạy ngang thung lũng Zơ Nông trông lạ lẫm, tạm bợ.

Tôi không nhận ra người quen nào, không quen ai và tất nhiên cũng không ai đón. Tự tôi biết phải làm gì.   

Dù hồi còn đi học, tôi đã rong chơi khá nhiều nơi nhưng lần đầu tiên tôi nhận ra đây không phải là chuyến đi chơi mà là cuộc chơi của đời người; trong đó tôi thuộc về nơi này - cũng có thể nơi này thuộc về tôi.

Những trận mưa núi, có lẽ từ chiều hôm, trước còn lưu lại trên các vũng lầy khiến không khí lạnh lẽo, mọi vật ảm đạm như trong một bức tranh màu tối.

Tôi cố gắng cóp nhặt lại những gì có thể gọi là gần gũi với trải nghiệm nào đó để vơi đi cái khung cảnh lạ lẫm ban đầu này.

Con dốc thoải chạy qua thị trấn làm tôi liên tưởng đến những con dốc đèo từ Đại La về Túy Loan mà tôi có dịp băng rừng với thằng bạn Nguyễn Văn Phán năm nào. Tội nghiệp, nó đã chết trong một vụ án mạng giết người cướp của xảy ra vào năm 1988. Xác nằm lại ven núi Bồ Bồ trên đường Phán về quê. Vụ án bế tắc trong suốt bao nhiêu năm, và giờ xem như đã khép án, để nó mang theo oan khuất xuống cõi bên kia. Dù gì, Phán và tôi cũng là cặp đôi thân thiết từ trường sư phạm và dắt díu cặp kè nhau lên miền núi.

Những giai điệu không lời, quen thuộc vang lên từ quán lá nằm ven đường, dưới cội cây già to khoảng ba bốn vòng ôm, tôi không biết là cây gì - khiến tôi run rẩy như gặp lại cô nhân - dường như tôi thoáng nghĩ: nơi khỉ ho cò gáy này mà cũng có người nghe nhạc, mà lại là nhạc hay. Lần này nó làm tôi thấm thía cùng nỗi buồn cô quạnh hơn bao giờ hết.

Tôi nhìn qua bên kia thung lũng, những đám mây trắng – mà sau này tôi còn nghe người ta hay gọi là "khí đá" – đang lượn lờ lơ lửng trên lưng chừng núi, vài ngôi nhà lá chơ vơ trên đồi khiến tôi cảm nhận những khoảng trống trong lòng mình.

***

Ngay hôm sau, tôi nhận phân công về Trường Thạnh Mỹ. Một ngôi trường nhỏ nằm sâu trong thung lũng Zơ Nông, trên một ngọn đồi cao. Nơi mà tôi đã mô tả là trường học gần với trại giam; người sống với ma; những giá trị lẩn khuất giữa ô hợp…

Tôi liên tưởng đến ngôi trường có lớp học che chắn từ cái chuồng ngựa bỏ hoang của thầy Đuy-sen trong truyện "Người thầy đầu tiên" do nhà văn Aitmatov của đất nước Kyrgyzstan mênh mang núi đồi và thảo nguyên viết nên - mà hồi trước, tôi rất mê đọc.

Trường có bốn lớp cấp hai và ba lớp cấp một.

Ban đầu, các lớp cấp hai có học sinh thưa thớt. Lớp ít nhất chỉ sáu em và nhiều nhất là mười em học trò. Những năm sau sĩ số có tăng dần nhưng cũng thưa vắng như mấy cây rừng rải rác bên rẫy.

Trò ít nhưng giáo viên không đến nỗi thiếu nên chuyện chuyên môn không là áp lực. Áp lực lúc này là đói ăn, thiếu rượu, cạn tiền, thiếu sách vở, thiếu âm nhạc, bị ma ám sau đồi, trong khi những tâm hồn cần phiêu, những tình yêu cần nỗi nhớ…

***

 Thời gian đã qua, giờ đây nó không bao giờ trở lại. Vài đứa bạn đã chết hoặc biệt vô âm tín nơi xứ xa nào đó; những cảm xúc yêu đương trôi đi như nước Sông Bung chảy từ cội rễ rừng già về phía biển. Nhưng tôi vẫn giữ lấy tình yêu em trao như giữ mùi cỏ trên tay em.

Tôi gặp em và ánh nhìn mình nhận ra nhau như một định mệnh. Dường như em cũng nhận ra tôi quan tâm đến em như là một người bạn thân, một đồng nghiệp gần gũi, một em gái khi chúng tôi đón nhận nhau trang trọng như nghi lễ, bỡn cợt như trẻ thơ.

Tôi cũng biết ơn em đã chọn ngã vào tay tôi dù quanh em có nhiều vẫy gọi hay lựa chọn. Có lẽ đôi mắt mở to mà có ánh buồn, buồn như biệt ly, buồn như mưa mùa xứ núi, buồn như những con dốc vắng trên đường vào trường bản đã cuốn lấy tôi. Tôi có cơ hội đứng gần hơn để nhận ra em trông rất rực rỡ và buồn bã; gần gũi nhưng lại xa xôi; đáng yêu và cũng kiêu kì đến lạ.

Những chiều qua dốc Đồng Râm, tôi cảm nhận gió mơn man trên tóc em. Lúc trời chuyển ráng sang màu rực đỏ, tôi thấy rõ tóc em ánh lên màu nâu như nhuộm; nhưng thời buổi lúc này làm gì có chuyện nhuộm tóc, nên màu đỏ nâu ấy vẫn luôn là màu ám ảnh mãi về sau.

Lúc này, tôi muốn em dừng lại giữa con dốc đứng để cùng ngắm nghía không rời mắt những đàn chim nối hàng bay về bên kia hẻm núi.

Tôi không cần phải giấu diếm tình yêu bình dị như đất đai, như cỏ lá của mình dành cho em. Em cũng không giấu diếm điều trao gởi thầm kín trong bàn tay nắm chặt cùng tôi.

Tôi ngồi bên em, nói về những chuyện núi đồi, miền cao, về xã Zhuôi, Đắkpre, Đắkpring... nơi em đã từng đi qua trước khi về nơi này.

Em cũng kể về ngôi làng của em bên sông Thu Bồn nằm giữa một bãi bồi, muốn vô làng phải đi qua con đường cát trắng xuyên bãi dâu cùng vài ngả rẽ.

Nơi đó tôi chưa đến nhưng sau này tôi đã đến. Nó lại thành ký ức với những đêm cùng em lang thang dọc bãi cát sông hoặc nấp trong biền dâu ngút ngàn mà nghe dế giun tình tự.  

Và ba năm tiếp theo sau đó, có một khoảng lặng khá lâu, khi trở lại sau một thời gian dài cách trở, tôi đã sửng sốt không thể tin vào mắt mình khi ngôi làng đã bị xóa sổ hoàn toàn trong một trận lụt lớn. Chỗ trước kia là xóm làng và bãi dâu giờ là lòng sông Thu Bồn mênh mông với vài ngọn tre lất phất gắng gượng ven bờ.

***

Còn lúc ấy, ban khuya nơi xứ núi, chúng tôi thường ra suối ngồi dưới tán cây rừng trên phía đầu nguồn Khe Điêng. Nơi này cách nhà chị Thập, một đồng nghiệp – chỗ mà em ở trọ - khoảng vài trăm mét. Tôi vẫn luôn biết ơn và kính trọng chị Thập không chỉ vì chị đã cưu mang cho những đồng nghiệp dù chị chẳng khấm khá gì mà chị còn xem chúng tôi như hai đứa em: khuyên bảo, nhắc nhở, lo lắng, chăm chút, vun đắp… Kể cả việc chị hay nhắc rằng: “Sắp bay ra đó ban khuya coi chừng gặp ma đấy nhé”.

Giờ chị đã khuất xa, và tôi cũng đã lâu rồi chưa đến viếng lại chị.

Trong tiếng thì thầm tình nhân bên suối có tiếng chim rừng ăn đêm trên cội cây đánh rơi từng quả chín khiến chúng tôi giật mình nhích lại gần nhau hơn. Trong bóng cây lất phất lúc đậm lúc nhạt và mờ ảo dưới trăng khuya, dường như thấp thoáng vài bóng trắng ma mị.

Em nói khẽ: "Hình như có ma núi đâu đây". 

Trong bóng tối ảo huyền có bóng trắng loạng choạng, trong gió thoảng có tiếng đớn đau thê thiết rền rỉ cõi âm.

Tôi có nhận ra tín hiệu ấy sau khi em cấu nhẹ vào tôi.

Tôi không tin ma và cũng không sợ ma nên vẫn bình thản. Thậm chí tôi muốn con ma đó tiến lại gần hơn để em sợ hãi mà ôm chặt lấy tôi. Tôi và em đều im lặng bên nhau. Tôi khẽ nắm ngón tay em và nhận ra đầu ngón tay em lạnh. Lúc đó em nắm bàn tay tôi trọn vẹn và chặt hơn.

Rồi tôi không biết làm gì khác hơn là cắn vào đôi môi em để âm thanh rên rỉ của niềm sung sướng lấn át nỗi sợ. Tôi ôm chặt lấy em trong đôi tay mình để em có cảm giác được bảo vệ. Tôi muốn em sợ ma nhiều hơn để không còn sợ khi chúng ta cán vào lằn ranh thiêng liêng của cuộc tình mênh mang xứ núi. Tôi muốn em ngất đi khi chúng ta mãn nguyện cùng trăng mờ bên suối hơn là em chết ngất vì một bóng ma.

Trong tâm trí tôi thoáng qua ý nghĩ: "Nếu con ma đó bắt mình đi hoặc làm mình điên khùng, mất trí thì mình đã yêu em kịp thời và đón nhận sự dâng hiến từ em trước khi quá muộn..."

Nhiều năm đã qua nhưng tôi vẫn có thể nhớ lại từng chi tiết của ngày đầu tiên chung ta giao nhau trong vũng giao thoa tâm hồn.

Giờ nó là trầm tích trong chỗ sâu nào đó thật khó di dời hay khai quật.

Trong hạnh phúc có ân hận và đớn đau, tiếc nuối và khổ lụy, bí ẩn và hiển lộ, dụ ngôn và tường minh...

Hãy để nó nằm an ổn nơi nào đó như là một ký ức mà chúng ta mang theo hay không thể mang theo trọn.

Sau này tôi mê bản nhạc “Open The Door” của Bob Dylan không chỉ vì bài hát có giai điệu đẹp mà có một câu ca từ rất hay: Hãy giữ lấy mọi kỷ niệm của mình, vì bạn không thể tái sinh nó” (Take care of all your memories, for you cannot relive them).

Đâu đó, trong sâu thẳm, tôi cũng thầm cảm ơn em vì em đã giúp tôi khắc ghi ký ức mà trở thành kẻ đam mê viết lách về sau.

***

Rồi chúng tôi xa nhau vì nhiều lí do.

Dù có điều nào đó là chân thật nhưng vẫn thuộc mật ngữ - lí do. 

Và con người hay nguyền rủa lí do nhưng nâng niu mật ngữ.

Gió núi Tháng Mười đung đưa những ngọn lau bên Khe Điêng. Dải mây đục vắt ngang vòm trời im phăng phắc. Bẳng đi mấy tháng xa núi đồi do tôi chuyển về trước, khi tôi trở lại nơi này, chỉ nhìn bầu trời thăm thăm ấy thôi cũng đã thấy nao lòng.

Âm nhạc vọng đến tai tôi từ ngôi nhà hay quán xá nào đó trong thung lũng. Tuyệt diệu và êm ái như gần đây, lần đầu tiên sau nhiều năm, tôi nghe chuông điện thoại reo và giọng em vang lên trong máy. Nhưng đó là cảm giác của hôm nay.

Còn lúc đó, những ký ức về em thật lộn xộn dù trong tâm tưởng em vẫn tha thướt, trìu mến, có đôi mắt buồn, nụ cười tươi cùng vài chiếc răng khểnh…

Ký ức thật lạ. Khi còn ở trong hiện thực thì chúng chẳng khắc ghi gì nhiều nhưng giờ khắc bắt gặp sau thời gian dài chia xa, mọi thứ hiện ra từng chi tiết. 

Vậy nên khi nó dịch chuyển hay biến dạng, mình cảm thấy thảng thốt.

Dòng suối ma mị xinh đẹp mà chúng tôi hay ngồi, giờ chỉ còn là một bãi đá tảng màu trắng lởm chởm. Tôi không thể thả bước dìu em đến đó. Cái cây cổ thụ bên suối cũng bị lũ cuốn trôi mất.

Tôi thảng thốt. Cảm giác hụt hẫng giống như khi tôi đứng trên một mỏm cao nhìn về phía ngôi làng của em đã trôi ra giữa lòng sông Thu Bồn. Nơi cách đây vài tháng là con đường, bãi dâu, rặng tre, giếng nước... nay chìm khuất để lại một khoảng trống nao lòng.

Sau ngôi làng bên sông Thu bị chìm cuốn, giờ đến một ký ức sơn khê cũng bị xóa mất cùng nỗi khiếp sợ bản thể.

Tôi nhận ra cái lạnh từ những ngọn gió lay khẽ vài sợi tóc xòa trên trán em. Tôi để bàn tay vuốt nhẹ vào lần vải mịn êm ái trên vai áo em. Đó là những thứ hiện ra thật rõ ràng như  đang diễn ra.

Còn mọi thứ đều là ký ức mờ mịt, mù tăm.

Tôi muốn kết nối các chi tiết: khuôn mặt với đôi mắt sáng, bàn tay lạnh nhỏ nhắn, mái tóc ngang vai thẳng mịn, bầu ngực tròn căng đầy đặn và núi đồi, đêm khuya, ánh trắng, dòng suối… nhưng sự bất lực khiến tôi có thoáng lúng túng không biết bắt đầu từ đâu.

Tôi nhận ra em siết ngón tay lên bờ vai tôi như đêm nào đó em khều vào tôi để nhắc nhở về bóng ma.

Tiếng thở của em nhẹ đều lúc chúng tôi ngồi bên một tảng đá to và khuất mới lăn ra từ hốc núi sau trận lũ ống vừa rồi.

- Chúng ta không đánh cắp của nhau, em nhé. Nhiều lần anh đã nói với em là anh thích nhất bài hát của ban nhạc The Beatles nhan đề “Let it be” – vậy mình cứ để xảy ra thôi em.

- Nhưng mà... nếu dâng hiến thì sẽ ích kỉ, chiếm hữu và đớn đau… Chiều nay khi nhìn bóng mưa, anh biết em nghĩ như thế nào không? Hình như tình yêu đẹp như bóng mưa, nhảy nhót, ẩn hiện, nổi nênh, nhiều sắc màu phản ảnh cầu vồng... nhưng rồi sẽ tan vỡ nhanh... Nó chỉ để nhìn thôi... nếu chạm tay sẽ mất... bắt lấy không được... 

Em nói đúng. Đúng như hơi ấm từ em sưởi ngực tôi lúc ban khuya xứ núi. Đúng như nhịp tim em đập trong lồng ngực...

Năm tháng qua đi, ký ức giãy nảy với hiện tại. 

Tôi viết lại những điều này để cảm thấy rằng mình thực thấu hiểu chúng trong trạng thái đầy mâu thuẫn: có khi muốn lưu giữ nhưng cũng có khi muốn xóa đi; có khi yêu thương nhưng có khi đầy căm ghét; có khi muốn giấu kín nhưng cũng có khi muốn sẻ chia...

Ký ức ấy có cả âm nhạc văng vẳng từ thung lũng Zơ Nông; từ hình ảnh núi đồi khe suối và giọng nói của em vang vọng từ quá khứ.

Và chắc chắn nó có cả trong niềm hoan lạc, rong chơi, thăng hoa, dấn thân và yêu thương của những hình nhân xứ núi.

***

Đó là những phức cảm mà sau này tôi cũng ghi lại trong bài thơ trong "Khúc Ký Ức":

"cùng em cuối bãi đầu ghềnh

         đã bên nhau trọn bồng bềnh nắng mưa

         núi đồi quên được hay chưa

         sơn khê cùng với đêm vừa tàn canh


         chao ơi đời biết tập tành

         dập dồn từ dạo dỗ dành nữ nhi

         gặp nhau ngày chẳng biết gì

         một lần mê đắm qua thì trinh nguyên


        khắc trầm phù đã ngã nghiêng

        xin em thứ lỗi giữa miền chiêm bao

        lim dim đôi mắt mù màu

        thể thân trót lỡ hư hao vài phần


        nỉ nôi thêm chút phù vân

        để anh thấm thía căn phần từ đây

        em sang sông bóng đã gầy

        anh ngồi ủ dột ngắm mây hoang đàng


         chiều chao động chuyến đò ngang

         khói ùn hư huyễn muôn vàn hoang liêu

         dường như thê thiết đã nhiều

         lại xin em chỉ một điều lãng quên


        đoạn đành một cuộc không tên

        mang hồn sơn cước chênh vênh cõi người 

        kiếp này hẹn với nụ cười

        kiếp sau xin trả gấp mười tơ duyên


        suối khe đã cạn trược phiền

        dòng trơ sỏi đá rêu miền phù sinh


        tạ từ cuốc rượu phong tình

        bước qua hạnh ngộ phiêu linh tràn trề

        từ mãn nguyện đến não nề

        nghe chừng đời đã cận kề hư vô


       bàn chân lở dở giang hồ

       ái ân lồng lộn cuồng xô lặng thầm

       chuông nhà thờ gõ phúc âm

       vọng vang lời đã thì thầm xa xưa."

 


Không có nhận xét nào: