13/5/21

2.045. MA KHÔI

 Trích tác phẩm "Chuyện kể từ thung lũng Zơ Nông" (Nhiều tác giả)

 Phần này do Nguyễn Đình Phương kể 

Tiếp theo phần "Tứ khoái"



Ở núi mà không kể chuyện ma thì cũng thiếu sót. Huống chi ngôi trường trên ngọn đồi chúng tôi ở liên quan đến bệnh viện thời chiến, xung quanh có vài nấm mồ ùn lên thành tổ mối. Ban đêm không có điện, chỉ hiu hắt đèn dầu, xa khu dân cư… lại nghe dân kể lại vài trận đánh, nhiều cái chết nơi này… thì thoát sao được nỗi ám ảnh ma mị.

Ma là một thực thể dù rất mơ hồ nhưng luôn hiện hữu trong không gian, trong ký ức, trong ngọn gió, bóng cây, ngày cũng như đêm và ám vào nỗi sợ.

***

Có lẽ tất cả những ai trực tiếp chứng kiến hoặc nghe kể về con ma đại úy Khôi trên đồi Thạnh Mỹ đều phải rợn người. Một con ma ghê gớm, đầy sợ hãi, ám ảnh rất lâu trong tâm trí anh em.

Riêng Phương điên tôi, cái thằng  không phải dạng vừa, cũng phải thừa nhận tay đại úy ma này đáng nể.

Chuyện là cô cấp dưỡng tên Phượng, dân Điện Bàn, bỗng nhiên một đêm bị ma nhập. Ngày thường Phượng rất hiền, ít nói nhưng hôm ấy hành xử kỳ dị. Cô nói năng như người cõi trên: “Chúng mày vào đây ông biểu”; sẵn sàng bợp tai bất cứ ai. Ngay cả hiệu trưởng Hồ Ngân cũng bị dính mấy bạt tai hằn năm ngón trên mặt.

Trường Thạnh Mỹ nằm trên ngọn đồi, dân chúng ở bên kia Khe Điêng nghe đồn đại trên đồi có ma, có người bị ma nhập… Kẻ thì thêm thắt cho li kỳ, người thì ái ngại “ma thì mấy thầy ăn lấy cho hết”.

Mà thật, biết kêu ai.

***

Với kinh nghiệm từng đi theo ba mình cầu cơ đánh số đề trước 1975 (viết những dòng này xin ba bỏ qua cho con), tôi bảo anh em cứ để con ma đó tự nhiên.

Hồn ma nhập vào xác cô Phượng lúc chạng vạng xưng là đại úy Khôi. Mặt Phượng ban tối, soi dưới ánh đèn dầu lúc này trông biến dạng, bặm trợn, bổ bã…

Tôi là thằng dạn gan nhất trong đám mở lời lịch sự mời ngài ngồi. Sẵn có gói thuốc lá Hoa Mai bèn mời ngài hút thuốc và uống nước.

Ma Khôi mồi một lần ba điếu thuốc, nhét gọn vào mồm, hút xả khói như đầu máy xe lửa. Tôi tự nhủ gặp thứ thiệt rồi đây. Hắn mồi cả mớ thuốc, vứt ra ngoài sân trường và nói trống không giữa trời:

- Hút đi bây.

Những điếu thuốc cháy dở lăn lóc dưới sân trường nghiêng dốc tạo thành những vệt đóm tung tóe. Trông cũng rợn.

Hồi đó dễ chi có thuốc lá điếu. Mua thuốc gói dù là loại rẻ nhất cũng là xa xỉ.

Nhìn thấy ma Khôi ném vung vãi thuốc lá của mình, tôi xót của nên gằn giọng hỏi thẳng:

- Ngài vứt thuốc tùm lum, ngài nói ai hút bây là ai hút ?

Nó bảo tui nói với mấy thằng gạc-đờ-co (garde corp - bọn bảo vệ sĩ quan).

Tôi nghe lạnh sống lưng, hỏi:

- Lính ông có mấy thằng?

- Mười một thằng với tau nữa là một tiểu đội quân lực Việt Nam cộng hòa.

Ú chu cha, đối phó một mình hắn ớn thấy mẹ rồi, thêm đám âm hồn các đảng ăn theo nữa, trúng độc đắc rồi đây.

Đám lính này không phải bộ đội, nên tôi có ý nghĩ chơi tới luôn.

Nó nói:

- Chừ tới xí nữa tau đốt nhà cho bây tin.

Chúng tôi có dúm người mà cũng không biết trốn đi đâu. Mấy cô khiếp đảm run rẩy, chui vô giường nằm đè lên nhau.

Mà suy cho cùng, nếu chui vào xó xỉnh nào đó thì càng rước vào thân nỗi sợ, nên cứ thế bu quanh với nhau vừa đỡ sợ vừa xem con ma này hành xử thế nào.

Lúc này gần đến kỳ thi tốt nghiệp cấp hai nên ban đêm có bọn học trò lớp chín cả nam lẫn nữ đến trường mấy thầy hướng dẫn học ôn thi. Đôi khi chúng tôi bố trí cho chúng ngủ lại với nhau. Đêm ấy bọn nhỏ cũng chứng kiến.

Thấy tôi mạnh miệng chơi tay đôi với ngài ma nên anh em nam cũng dạn dĩ lên, sẵn sàng hỗ trợ.

Tôi nói anh em đổ một xô nước vào bếp. Hồi đó bếp ở dưới đất, gác hai cây sắt lên hai hòn đá, đơn giản, tiện lợi. Không anh em nào dám làm. Vậy là tôi trực tiếp đổ nước ngập tro bếp.

Tôi nghĩ lửa chỉ có ở bếp (nếu còn tàn tro than) và mấy ngọn đèn dầu; ở miền núi lúc này làm chi có điện. Lại tắt bớt đèn, chỉ để một đèn tọa ngay chỗ tôi ngồi tiếp đãi ngài âm hồn. Mình quản lý được lửa, không để gió bốc lên cháy nhà là ổn.

Nói chuyện với ma đại úy Khôi nó kể lên Thạnh Mỹ tham chiến, cả đơn vị chết ở đây. Bây giờ lang thang vất vưởng quanh thung lũng Zơ-nông này chẳng biết nương đâu.

Chặp sau ma Khôi kêu đói, xin cơm cho tụi nó ăn.

Tội nghiệp, nghe đến đó, bao nhiêu sợ hãi biến mất hết, lòng thương cảm trào lên.

Tụi tôi đã từng nghe một bà mẹ già trên đầu dốc Thạnh Mỹ thắp hương ngày rằm, mồng một hằng tháng, lời khấn của bà vang mãi trong đầu tôi đến tận bây giờ: “Kính lạy các hương hồn liệt sĩ, lính ngụy cũng như cách mạng…”. Theo tôi, câu khấn  của bà mẹ da vàng này nói lên hết tất cả những ước nguyện của con cháu Lạc Hồng đó là hòa hợp hòa giải dân tộc.

Khi tôi viết những dòng này thì cũng mới vừa qua đợt lễ 30/4 & 1/5/2021. Người ta mới vừa nói ra rả trên tivi về hòa hợp hòa giải… mà điều ấy còn xa.

Ôi ! năng thuyết bất năng hành!

Trở lại chuyện ma Khôi - tôi bảo cô Trâm cấp dưỡng nấu cơm cho mười hai người ăn. Thú thật là gạo cho anh em chỉ còn đủ nuôi nhau được vài ba ngày nhưng cũng dành nhường cho ma quỷ xem sao.

Cũng phải thú thiệt trong chuyện ni tôi giống như là thủ lãnh. Tôi dạn dĩ hơn anh em vì tôi có “thớ” hẳn hoi. Tôi là con ba tôi. Ba tôi là đệ tử của một ông đệ tử một vị Thánh (xin miễn nói tên ra đây - con xin lỗi ba). Bây giờ gọi là con ông cháu cha.

Phương điên này không phải dạng vừa.

Chờ chặp lâu, cô Trâm chạy lên báo không nhen lửa được, bếp ướt mem. Tôi nói đổ dầu lửa vô nhen. Trâm gần khóc, bảo em làm rồi, không đỏ nổi. Tôi nói thẳng với đại úy ma Khôi:

- Ngài dọa đốt nhà, tôi đổ ướt bếp không cho ngài đốt, chừ bếp không nấu cơm cho ngài ăn được, ngài tính sao? 

Đại úy ma xin lỗi, hứa không đốt nhà, rồi nói là bếp ướt để ổng lo.

Thật khó tin nhưng là sự thật hiện tiền: ngay lúc ấy có tiếng reo dưới bếp:

- Lửa đỏ rồi anh Phương ơi.

Nổi da chó nữa chớ đừng nói da gà.

Lúc sau cơm chín, bới ra dọn trước sân trường, bới ra nhiều chén cho đám gạc-đờ-co của ma Khôi cùng ăn. Thức ăn chỉ có muối.

Cô Phượng - cái xác của đại úy Khôi - đã ăn hết phần cơm này, ba lon gạo dưới ánh sáng tù mù của ngọn đèn dầu và sự chứng kiến của bọn tôi.

Khiếp thật. Người bình thường có ăn được như thế không. Huống chị Phượng là cô gái ăn uống nhỏ nhẻ.

Ăn xong Phượng xoa bụng nói bằng giọng khàn khàn “Lâu lắm mới được bữa no”.

Bụng cô ta chềnh ềnh.

Hôm đó nó như ông địa, da mặt đỏ tía, bụng ngực như gái chửa.

Tôi nói:

- Ngài ăn no rồi, ngài thăng được chưa, đừng hành xác nữa.

Đại úy kêu tau hiển thị cho bây coi, cái thứ người trần mắt thịt kia. Hắn lừ mắt quét quanh một vòng, ai nấy có mặt đều sợ hãi.

Đám học trò dạn dĩ hơn, bu quanh mâm cơm coi diễn biến như coi phim.

Tay đại úy hộc lên một tiếng, chỉ lên văn phòng quát to:

- Nhìn đi.

Tôi căng mắt lòi tròng mà chẳng thấy chi, trong khi đám kia thê thiết rũ rượi van xin.

Cả đám khiếp sợ co rúm người lại, ôm lấy nhau rên rỉ. Thói đời, càng sợ càng nhìn, mà càng nhìn càng sợ.

Bùi Lý đầu cạo trọc dạy môn Địa, dân Nghệ An, to đen như đô vật, lạy lấy lạy để, cúi đầu nói:

- Thưa ngài, con sinh ra ở ngoài vĩ tuyến mười bảy (ý anh ta là không mê tín) nhưng Ngài ơi, lần đầu tiên con chộ (thấy), con sợ quá, ngài tha cho bọn con, ngài cần chi bọn con xin đáp ứng đầy đủ.

Nghe đâu Trà Quang Độ són trong quần.

Đại úy thấy chỉ cần hiển lộ thần thông chút xíu là hù được cả lũ. Riêng tôi không biết đó là thần thông chi vì tôi không được ma Khôi cho thấy.

Sau này, nghe anh em kể lại đứa thì thấy lửa địa ngục, đứa thấy bãi đầu lâu xương xẩu, đứa thấy máu me chảy ròng trên thân người lỗ chỗ vết đạn… và tất cả đều cùng thấy một hình ảnh là ma Khôi hiện ra dáng cao to đến mái ngói, có cả bầy quỷ xung quanh ổng nhe nanh múa vuốt, le lưỡi dài thòn đỏ kè hù dọa.

Riêng đám học trò được ông ta tiên báo - chỉ tay từng đứa nói rõ đứa nào đậu đứa nào rớt. Đám con nít reo hò, tất nhiên là mấy đứa được báo thi đậu mới reo, đám kia tiu nghỉu. Ma đại úy cũng biết nhân tâm vớt vát một câu:

- Nếu chúng bây biết nghe lời thầy cô sẽ đậu hết.

Lúc này dường như không khí bớt sợ. Nhân dịp y đang vui, tôi hỏi:

- Xin ngài cho biết năm nay thi tốt nghiệp môn gì? (Hồi đó thường đến cuối tháng ba, Ty giáo dục mới cho biết bốn môn thi tốt nghiệp).

Đại úy hô ba môn thi là: văn, toán, lý, sử. Mấy tuần sau đúng nhưn thế.

Một con ma đáng nể.

Ai cũng xác nhận câu chuyện này, kể cả bọn nhỏ. Riêng Lê Cứ và Quang Độ im re không ừ mà cũng chẳng cãi. Có lẽ mấy anh này tri thiên mệnh, thiên cơ bất khả lậu. Cũng có khi tuổi và bổn mạng rất nhạy cảm với cõi âm nên không muốn dính dáng chăng.

***

Ma Khôi về sau cũng nhập vong nhiều lần khiến tôi nửa tin nửa ngờ không biết có phải cô Phượng muốn giả ma để nhát anh em vì lí do nào đó không.

Phượng lúc đó mới học xong tiểu học, xin làm nhân viên cấp dưỡng trường học, nên tôi nghĩ ra cách thử qua mấy câu hỏi:

- Ngài xưng là đại úy, vậy chắc chắn ngài đậu tú tài toàn? (thi đậu lớp mười hai chương trình cũ)

Ma đại úy Khôi:

- Đương nhiên, biết rồi còn hỏi làm chi.

- Vậy ngài cho biết cách giải phương trình bậc hai theo dạng ax2+bx+c=0 ?

Sau một hồi lâu ngần ngừ nhăn trán khỉ, Khôi nói:

- Học lâu quá, bận đánh trận, chừ quên hết rồi.

Đến đây tôi chắc mẩm là giả nên tiếp tục gợi ý mà thiệt ra là để kiểm tra:

- Ngài có nhớ ∆ (delta) bằng cái gì không ?

- À à đenta, đenta là cái chi? Thằng này bất kính, quên hết rồi. Đừng có hỏi nữa. Ta đi đây.

Rồi ngài thăng.

***

Lần khác ma đại úy nhập về yêu cầu cúng cơm ngày ba bữa:

- Bây ăn chi cúng nấy, tau sẽ không phá bây nữa.

Chúng tôi chưa cúng vì chưa tin.

Đêm sau đá ném đá rầm trời, vỡ mái ngói. Mất ăn mất ngủ mấy tuần lễ. Mặt mũi thằng nào cũng xơ xác, hốc hác, bơ phờ.

Tôi phát động anh em, ban ngày lượm đá, chất một đống ngay dưới gầm giường mỗi người. Lại nhất trí với nhau: về đêm, ai đi đâu ngoài thị trấn phải về sớm; tới địa phận trường phải có đèn - đèn dầu hoặc pha đèn pin - miệng la to xưng danh để bên trong biết là người chứ không phải ma. Nếu không vậy anh em ném đá ra vỡ đầu ráng chịu.

Có những đêm nằm trong phòng tập thể, vách đóng tạm bằng ván cốp pha nửa hở nửa kín, mái tranh, nền đất; nghe nó ném đá, anh em liều mạng hô phản công, ném ngược lại… Chả biết ai ném vì xung quanh, cả thị trấn mình đều chơi thân thiện. Vậy chỉ có ma. Ma Khôi, chắc thế… Một thế lực vô hình, không hiện hữu, không hình hài vật chất mà cầm đá ném được. Thật đáng sợ.

Tội nghiệp bọn con gái, đêm không dám đi ra ngoài vệ sinh. Đến lúc hết nín nổi, rủ nhau ngồi ngay trước cửa mà xè. Sáng mai, Trà Quang Độ vểnh râu dê cười cười, chỉ vào dấu vết miệng la to: “Dòng suối mang tên ai?”.

Không hiểu sao Xuân Ngân hiệu trưởng thời gian đó lại bỏ trường về quê chơi. Để anh em tự chống chọi với thế lực âm binh. Có đêm Bùi Lý thương anh em quá, cả tập thể mất ngủ liên tục, nên ôm về mớ rượu: “Uống cho say đi, dễ ngủ”. Mỗi thằng một chai Cô-nhắc Bình Đông đít lồi là thứ rất nặng đo, mắc tiền. Hỏi tiền đâu anh mua? Bùi Lý nói uống đi đừng hỏi. Chắc mua chịu, tội thiệt.

Ai dè uống hết rượu anh em tỉnh queo. Thế có uổng rượu không chứ.

***

Mấy tuần sau, theo yêu cầu của ngài đại úy Delta, tôi lập cái trang thờ sau lưng trường, cho nó kín đáo khuất khỏi con mắt bọn học trò. Thiệt ra tụi nhỏ biết hết, ông mô cao năm mét, ông mô cao ba mét… nó rỉ tai nhau.

Rồi cả huyện đều biết. Đích thân bí thư huyện ủy là ông Tâm xuống trường động viên tinh thần anh em.

Ngày cúng ba bữa cơm – chỉ một tô cơm kèm theo chén muối để lên trang thờ, thắp cây hương khấn mời – mà chẳng ai dám bén mảng đến chỗ trang cúng. Tôi làm luôn. Ngán nhất là cúng cơm chiều, trời âm âm u u, một mình lên sau đồi, sợ teo bu-ri. Không biết đại úy Delta có ăn không, chớ mỗi lần dọn xuống, tôi thấy chim rừng ăn phá đổ vãi dưới đất.

Bọn cán bộ Phòng Tài chính huyện nghe tin dữ ở trường, ban đêm kéo qua xin ngủ lại ngay văn phòng trường, một là để mục sở thị, hai là thể hiện ta đây, ba là cá độ với nhau thằng nào ngon hơn, gan lì hơn.

Bọn tôi cho phép. Dù gì đi nữa, có được một đám tốt thí trên bàn cờ đang chơi với ngài Delta cũng vui. Tối đó không biết có chuyện gì xảy ra mà mấy chàng ngự lâm quân nửa đêm ôm mền chạy mất dép, hỏi chi cũng không trả lời.

Lãnh đạo Phòng giáo dục thấy trường Thạnh Mỹ bất an, bèn cử một đám bộ hạ xuống trấn an bọn tôi. Bọn sai nha này lựa ban đêm mà tới trường, lại đi vòng qua thị trấn, lội suối lên, vòng ra sau trường để nhổ bỏ cái trang thờ “đồng chí Delta”. Chúng đi trong yên lặng, ngựa bịt vó người ngậm tăm, quyết đánh úp bọn tôi.

Anh em đang trong tư thế thủ, bỗng nghe tiếng động trên đồi, lại nghe tiếng quát lớn trong bóng đêm: “Thằng tuổi hợi đâu?”.

Chỉ có Trà Quang Độ tuổi kỷ hợi 1959, nghe gọi tuổi của mình, anh ta khiếp đảm, mặt tái xanh như đít ếch, co rúm lại, nước mắt chảy dàn dụa, khóc hu hu. Chắc anh ta nghĩ diêm vương cho quỷ dạ xoa điểm danh.

Một thằng đàn ông to xác, vai u, râu ria rậm rạp mà khóc hu hu vì khiếp đảm cũng là hình ảnh đáng nhớ.

Nghĩ rằng này cúng, tối vẫn bị phá. Tôi vừa giận vừa thương đồng nghiệp, hô to: “Anh em tấn công, hướng ba giờ” - tức là hướng sau trường.

 Đá ném ào ạt, ném không cần nhắm. Mấy chú cán bộ phòng giáo dục bị đánh phủ đầu, la lớn xưng danh:

- Dương đây, Đỗ Xuân Lộc đây. Đừng đôi đá nữa, đừng đôi đá nữa”.

Mẹ kiếp, tưởng ai, bọn ngu cho chết. Thằng Dương loong toong, tục danh Dương bắt chuột (vì hay bị sếp sai vặt, có lần con chuột chạy vô phòng sếp, ông ấy la to “Dương, bắt chuột”, thế là từ đó chết tên Dương bắt chuột).

Sau khi hưu chiến bọn cán bộ phòng xuất hiện, giải thích lý do nọ kia. Anh em chửi cho một trận. Bây trấn an hay trấn áp bọn tau? Không biết luật thời chiến ở Thạnh Mỹ hả? v.v…

Tụi hắn kể chuyện nhổ bỏ cái trang thờ mà không được, ông mô làm cái trang chắc quá, hai thằng nhổ không lên. Tôi giật mình kinh sợ. Chính tay tôi chôn cái cột gỗ sâu cỡ 3 tấc chớ mấy, lấy tấm ván đóng cây đinh lên đầu cột. Chắc là đại úy Delta hiển lộ thần thông rồi đây, ngài muốn dạy cho tụi mất dạy một bài học.

Sáng hôm sau lên đồi cúng cơm, tôi thấy cái trang bị nghiêng chút ít. Sau khi chỉnh lại ngay ngắn, tôi đặt tô cơm chén muối, thắp hương khấn:

- Thưa ngài, bọn con đã làm đúng yêu cầu của ngài, cúng cơm ngày ba lần mà đêm đêm vẫn bị phá. Quân tử nhứt ngôn, ngài nói mà không giữ lời nên hôm nay con cúng cơm cho ngài lần cuối. Với lại thiên hạ dị nghị, học trò hoang mang, anh em mệt mỏi nên xin phép ngài cho con dẹp cái trang thờ này. Ngài thông cảm.

Miệng nói tay làm, tôi rút hương cắm xuống đất, ném cái nồi hương bằng lon sữa bò vô bụi, một tay bưng tô cơm kẹp chén muối, chỉ còn một tay, tôi giật một phát bay tấm ván, liệng lên đồi, rồi cũng chỉ với một tay, tôi nhổ cây trụ bật gốc, vứt luôn lên đồi.

Hai thằng vai u thịt bắp bu lại nhổ không lên cái trang, tôi chỉ dùng một tay thì xử đẹp.

Hồ Xuân Ngân hiệu trưởng, sau khi về quê hú hí với vợ, khi lên hiến kế:

- Khi mô ổng nhập vô con Phượng, mi bóp vú nó thử, nếu nó phản ứng là ma giả; lấy bó hương đang cháy dí vô húm nó để thử biết liền…

Rồi có đứa học trò, hồi sinh viên đi thực tập ở Thanh Quýt, nó làm bên Công ty Ngoại thương gần trường. Nó là đệ tử Bà Chúa Tiên, nên khi nghe thầy Phương gặp nạn, nó ra tay xua đuổi đại úy Khôi, bắt quy phục bằng cách buộc con Phượng ăn tỏi, găm dao đầu giường yểm bùa…

Đêm đó hai bên đánh nhau to, mỗi bên gọi thêm mấy chục âm binh tiếp viện, thiệt là rùng rợn…

Có khi thầy trò có việc đi qua suối lúc chạng vạng, ma ném lửa đỏ rực từ trên trời xuống đập vào cành cây, than đỏ văng tung tóe. Trần Hoàng bảo cứ đi bình thường xem như không có gì xảy ra. Nhưng bọn học trò ré lên bỏ chạy. Con Minh con Thủy vừa chạy vừa nói với lại phía sau:

- Thầy Phương và thầy Hoàng cứ đi bình thường đi nghe.

Khi tụi nhỏ chạy hết rồi thì hai thầy cũng chạy trối chết bất thường.

***

Chuyện này đáng nhớ mà u ám quá. Về sau cô Phượng xin thôi việc về xuôi. Ma cũng thưa dần – có lẽ những con ma chấp nhận thất bại với mấy anh em cỡ ma vương.

Chép lại một bài thơ của thằng Mộc cho giảm độ căng thời ma quái:

Những thằng tóc bạc đã thưa

tiếng dzô dzô

cũng âm thừa giữa trăng

bao nhiêu chuyện cũ nhì nhằng

cuối sông đầu bãi cuốn phăng nửa đời

 

trên đồi dưới suối ma trơi

thắp nhang khấn vái

cuộc chơi phừng phừng

những thằng người đã rưng rưng

mưa chiều nắng sớm

đã từng ngã nghiêng

 

đôi khi vườn cải rất hiền

cầm tay lén lút bỗng nhiên đứng hình

ánh trăng lưu lạc bóng mình

câu thơ xăm trổ giữa tình phù vân

 

gặp nhau chuyện vẫn lần đân

phố phường quạnh quẽ bàn chân hoang đàng

khuấy vào ly

rất hiên ngang

nâng ly nhắc lại

muôn vàn đớn đau.

Không có nhận xét nào: