14/5/21

2.046. LƯƠNG SƠN BẠC: Tuấn con - Đức - Sự

 Trích tác phẩm "Chuyện kể từ thung lũng Zơ Nông" (Nhiều tác giả)

 Phần này do Mộc Nhân kể 


   Ai mà chẳng có bạn.

  Người ta có thể không có tiền, không có phẩm chức, không có ái tình nhưng không thể không có bạn.

   Và bạn cũng có nhiều loại, xếp theo nhiều mối quan hệ. Thời cắp sách đến trường có bạn học; đi làm ai cũng có bạn đồng nghiệp; rong chơi gặp bạn đường; với người khác giới có bạn nam, bạn nữ, bạn tình; theo mức độ quan hệ có bạn thân, bạn tri kỉ hay bạn xã giao; theo tuổi tác có bạn già, bạn vong niên; trong gia đình thì yêu quí người bạn đời…

    Bạn để thành bằng hữu thì tất nhiên là khó. Bạn để thành thân hữu, tri kỉ thì đương nhiên vừa khó lại vừa hiếm hoi.

   Với chúng tôi có một nhóm bạn có thể gọi là tổng hòa các thứ bạn trên – tạm gọi vui là bạn Lương Sơn Bạc.

   Lương Sơn Bạc là tên một vùng sơn thủy hiểm trở được kể đến trong tác phẩm anh hùng hảo hán “Thủy Hử” của Thi Nại Am – nơi ấy có nhiều người bạn ở đủ mọi tuổi, mọi giới, mọi văn hoá, mọi đẳng cấp xã hội kết giao với nhau trên tinh thần bằng hữu.

  Lấy tên Lương Sơn Bạc để gọi nhóm bạn là gói gắm tinh thần ấy với các đặc trưng chủ yếu: thân tình, bỗ bã, bụi bặm, nghệ sĩ, giang hồ…

***

   1. Tuấn Con - Đức - Sự:

   Tất cả cái đám bạn Lương Sơn Bạc mỗi người một tính cách chẳng ai giống ai ấy gặp nhau ở xứ núi Thạnh Mỹ trong một cái thung lũng hẹp có một ngôi trường nhỏ bốn lớp, một cái máy xát gạo, một cái chợ nhỏ như trong thơ Bà Huyện Thanh Quan “lác đác bên sông chợ mấy nhà” nằm ven phố núi hẹp đủ cho “anh khách lạ đi lên đi xuống”… Và cũng thật may mắn có bạn Lương Sơn Bạc nên giữa những ngày ốm đói, cô đơn, phung phí, tha hương … thấy “đời còn dễ thương”.

Bạn Lương Sơn Bạc có Tuấn Con dám tuyên bố: “Bắt đầu qua khỏi cua Xã Tỵ vào thung lũng Thạnh Mỹ là không dám đánh trẻ con vì biết đâu lại đánh nhầm con mình!”. Mỗi sáng anh dậy sớm tập chạy thi với xe gắn máy Gobel để phòng khi có quý ông nào đuổi theo thì nhanh chân tẩu thoát.

Tuấn có biệt danh Tuấn Con vì tướng tá loắt choắt mà nhanh nhẹn. Từ nhanh chân đến nhanh miệng. Ổng nhanh chân tẩu thoát khi có đám đánh nhau, chạy nhanh ra khỏi quán khi ăn uống thiếu tiền; băng nhanh qua suối khi gặp ma kẹ; khi có tín hiệu báo nguy ổng cũng nhanh tay đưa bàn tay lên che ngang trán - kiểu như Tôn Ngộ Không ngánh yêu ma - để dễ bề tấn tới tiên phuông hoặc tháo lui thượng sách.

Ăn tiệc ảnh chọn vị trí ngồi giữa hai bàn để dễ bề dương đông kích tây, phải trái đều tiện tiếp thực phẩm vô chén. Đôi khi tô bát đã đầy thịt cá tôm mà anh em nhìn ngắm có ý tranh phần ổng bèn phen nước bọt phì phì vô tô của mình để cắt đứt đường ăn chặn của chiến hữu. Chiêu này cũng áp dụng với bún mỳ phở ngay cả khi không ai có ý xâm phạm vì mỗi người một tô, của ai nấy xơi. Nhưng làm vậy cho an toàn.

Chọc ghẹo cho vui vậy chứ thật ra Tuấn Con dễ gần, thân thiện, cười vui trong mọi hoàn cảnh đáng khóc. Đặc biệt ổng dạy Toán rất hay, học trò mê, nhiều năm sau gặp lại học trò vẫn nhớ mấy bài toán khó thầy giảng dễ hiểu.

Khoái nhất là sự thông minh và hoạt ngôn của Tuấn Con trong lĩnh vực liên tưởng, gọi tên. Nhìn Lê Cứ ổng liền liên tưởng tới gấu và gọi ngay cái tên Lê Gấu; Chơi với Đình Hòa ổng gọi ngay Hòa Đinh; nhìn Viết Lịnh ổng gọi ngay Lịnh Kutudov (không biết vì sao ổng lại lấy tên vị tướng giỏi của Nga Sa Hoàng để đặt cho Lịnh, sau này mới biết Kutudov chinh chiến bị thương và đi cà thọt); gần gũi với Quý Sáu ổng gọi Sáu đói (do bạn Sáu nhà ta hay nói tới chuyện ăn và ăn nhiều)…

Cũng như nhiều anh em khác, Tuấn con có biệt tài nói lái. Dường như nói lái dạng tục của dân Quảng Nam đều dồn hết vô ổng. Lái dồn, lái dập. Làm nhà thì ổng nói oang oang mấy cô giáo đỏ mặt: “Còn lạc không bây ?”; “Còn lạc thì nhớ cột chặt kẻo gió bay”… "Sắp bay còn làm à - làm nhanh đi coi vở tuồng kiệt thanh năng chôn lầm cô thiếu nữ"... đại loại thế. Cười hả hê.

Có thời gian Tuấn Con ngồi đồng quán cà phê chị Thúy ngay chợ thị trấn. Hồi đó làm gì có gái đẹp nơi xứ núi để mà ngắm nghía nên Tuấn hay ngắm trộm chị Thúy. Trông cũng được, da dẻ người đàn bà ba con hãy còn mướt trắng, hình hài thon chắc, khuôn mặt đẹp. Thúy có ông chồng bặm trợn tên Phục, chạy chiếc xe Gobel cũ mèm lên xuống các vùng mua vàng bột nên hay vắng nhà - thời điểm này ở xứ núi mà có một chiếc xe máy như thế cũng là hơn người. Dăm khi mười họa Phục về nhà nhưng hay say lướt khướt…

 Tia nhìn của Tuấn Con sao thoát được sự tinh ranh của anh em chung bàn. Mọi người biết hết và rỉ tai: “Ông Tuấn “mai-a” bà Thúy dữ dội bây biết không !”

Mai-a là cách nói tắt từ tên nhà thơ Nga nổi tiếng Maiacovsky. Trong hầu hết các bức hình, ông này đều thể hiện cái nhìn chằm chằm vào một điểm nào đó. Vậy là anh em dùng từ “mai-a” để dụ ngôn về một tia nhìn có chủ đích. Mai-a tức là ngánh, nghía, nhìn chằm băm…

Không biết do hồi xuân hồi thì thế nào mà dạo đó, từ một ông mê ngủ nướng, Tuấn lại siêng dậy tập thể dục, chạy bộ buổi sáng.

Anh em vin cớ trêu đùa:

- Dạo này ổng lo chạy bộ kẻo mai mốt anh Phục có đuổi bắt thì ổng có sức chạy nhanh hơn chiếc xe Gobel đấy.

Chuyện để cười vui nhiều hơn là nói xấu. Mong ông anh thông cảm.

***

Ai đọc Thủy Hử đều biết đến thủ lĩnh Tiều Cái của Lương Sơn Bạc. Bọn tôi gọi Đức là Tiều Cái do tính điềm đạm, ít nói nhưng khi nói thì chắc như đinh và có tình có lý chứ không cặc lõ bổ bã. Đức dễ gần, có chi xảy ra thì cười hiền như Đức Mẹ, cương nghị như Đức Cha mà nói: “Chi đâu, có chi từ từ tính sau”.

Tôi biết Đức từ hồi còn học trường sư phạm. Hồi đó Đức là thanh niên bên ngoài, nhưng không như đám thanh niên hay kéo nhau đi đánh lộn, tán gái, giành gái ở Hòa Khánh. Đức chỉ tha thẩn vài quán cà phê quen nơi đám sinh viên chán học, bỏ giờ, ra ngoài kiếm ăn hay đi chơi cho hết giờ qua ngày.

Tôi lúc nào cũng gặp Đức và vài ba người quen mặt khác như Hồ Kiến Sự, Đức Long… nên lâu dần xem nhau như bạn. Ban đầu, bạn chỉ là gặp nhau chào và cười; về sau tiến đến xin thuốc lá hút chung; tiến xa chút nữa là ngồi chung nói chuyện nhạc nhẽo, nghe thằng kia đàn thằng nọ hát – chứ đãi đằng thì không vì thằng nào cũng đói meo râu.

Riêng về khoản đàn địch thì lúc này tôi chỉ mới “sạch nước” – tức là bấm và chuyển hợp âm chắc; biết đệm những điệu cơ bản, những bản nhạc biết trước; sô-lô vài bài dễ; biết lấy tone khi ca sĩ hát sai… Khi có dịp ngồi với nhau, tôi sửng sốt về ngón đàn của Đức, Sự. Đức thì đàn chắc và mượt, còn lão Sự thì ngón đàn như có ma đưa quỷ dắt.

Sự gầy nhom, ốm đói, lang bạt từ quê nhà Duy Xuyên xuống Hội An, ra Hòa Khánh làm đủ việc vừa để kiếm sống vừa rong chơi. Đi tới đâu có bạn ở đó. Ngón đàn hắn lạ kì, cuốn hút người nghe ngay từ lần đầu gặp mặt.

Cứ mỗi chiều, hai thằng Đức, Sự ôm đàn ra bồn hoa trước cổng trường sư phạm mà chơi; khi trời có mưa thì vào phòng bảo vệ mà đàn đúm. Tay bảo vệ cũng là thanh niên vui tính nên chấp chứa mấy gã giang hồ này cũng là điều dễ hiểu. Bọn con trai con gái bu quanh há mồm chữ O ra mà nghe; tay chỉ chỏ; mắt chữ A nhìn thán phục, miệng lẩm nhẩm hát theo; vai và chân đụng chạm…

Tuy nhiên hình như hai thằng chẳng buồn tia em nào.

Thời đói con người mất tự tin thì phải. Cũng có khi dây thần kinh chim chóc bị chùng xuống cũng nên. Ha ha.

Chuyện với Đức, Sự tưởng chỉ tới đó là dừng. Ra trường mỗi thằng mỗi ngã. Tôi lên miền núi Giằng dạy học theo phân công. Đức, Sự đi đâu chả rõ; mà cũng không nhớ hai thằng biến mất khỏi Hòa Khánh từ lúc nào vì chúng tôi chưa đủ thân thiết để đến gặp nhau chào tạm biệt.

Điều lạ lùng là khi tôi vác ba lô lên Thạnh Mỹ công tác, mấy ngày sau khi ổn định nơi ăn chốn làm; hai gã thanh niên thị trấn mà tôi gặp và chào đầu tiên trong quán cà phê phố núi là Đức và Sự…

Đọc tiếp: Bấm vào đây




Không có nhận xét nào: