12/5/21

2.043. TỨ KHOÁI

 Trích tác phẩm "Chuyện kể từ thung lũng Zơ Nông" (Nhiều tác giả)

 Phần này do Nguyễn Đình Phương kể 

Tiếp theo phần "Trường Và Trại"

 

            Chúng tôi, những giáo viên tứ chiếng tụ hội về làm công tác dạy học tại ngôi trường trên đồi Thạnh Mỹ. Nó là xuất phát điểm của mọi câu chuyện vui buồn, kỳ bí, kỳ cục, trêu ngươi nên chắc chắn bạn sẽ nghe nhắc đến tên nó trong nhiều lần nữa.

Vài người cho rằng ngọn đồi này là một cứ điểm để khồng chế thung lũng vì có hầm hố, hào rãnh và nhiều vỏ đạn. Người khác cho rằng đây là trạm y tế thời chiến tranh của bộ đội vì xung quanh có nhiều nấm mồ, nhiều hố sâu mà chúng tôi cho là huyệt mộ đào sẵn.

Đấy là những suy diễn, suy đoán. Nhưng chắc chắn ngọn đồi này là một chốt đa năng của giải phóng quân: y tế, quân sự, dân sinh.

Bao nhiêu người lính từng chết ở trạm này chúng tôi không thể biết, bao nhiêu nấm mồ chưa được nhận dạng, khai quật chúng tôi không thể biết. Cuộc chiến đi qua, huyệt mộ để lại để nhắc nhở rằng chiến tranh không phải trò đùa như lời một bài hát.

Những thằng trai trẻ sống nơi này lâu dần cũng tự thích nghi bằng một cách nào đó chứ không lẽ ám ảnh với âm ma chướng khí mà ủ dột trầm kha. Nghe nói có vài người là đồng nghiệp lớp trước lên sống và công tác nơi này đã không chịu nổi âm linh nơi đây mà từ bỏ quay về bổn xứ. Có ông anh giáo viên dạy cả chục năm nơi này mà vẫn đói nghèo rách rưới. Một hôm trầm uất nằm nhìn xà nhà làm bằng mấy cây rừng gác tạm; anh đã không kìm được nỗi u uẩn của mình mà treo cổ tự tận.

Còn chúng tôi, mấy thằng trẻ. Máu nghịch còn chảy rần rật, và sức chịu đựng còn dẻo nên đôi khi chuyện buồn lại hóa vui; phiền nhiễu lại là ký ức; ma mị lại thành ma sống để mà bỡn cợt…

***

            Có bốn thứ khoái chí mà ông bà gọi là “tứ khoái” – ăn, ngủ, đụ, ỉa – thì chúng tôi cũng khai phá theo cách của mình. Tuy nhiên khoan nói về sự ăn và ngủ bởi nó là câu chuyện dài nhiều tập. Còn hai món kia thì có đâu đây…

            Chỉ cần bước qua Khe Điêng là được mãn nhãn với gái B2 tắm truồng và mời gọi. Đôi khi chộ mặt vài sơn nữ dưới khe khỏa mình. Các em ấy chỉ lấy tay che mặt để các anh khỏi biết mình là ai, còn phần dưới cho hiển lộ hiện tiền vô tư trong sáng.

            Còn cái sự ị thì cũng phong phú. Chả nhẽ cứ ra suối mà quăng xuống, không gặp người quen thì cũng gặp người lạ. Quanh quẩn nơi này chỉ có mấy mươi khuôn mặt, biết nhau hết, cũng kỳ cục. Lại còn học trò nữa, cũng phải giữ thể diện cho nhau.

Mấy người sợ ma thì ị quanh hè, trong lùm cây bụi cỏ, sau tường, trên đồi… Lâu dần cũng bốc mùi.

Chúng tôi nghĩ ra cách gác mấy cành cây ngang trên huyệt mộ đào sẵn mà chưa chôn người, biến chúng thành mấy cái toilet dã chiến mà khỏi phải mất công đào hầm hố gì cả. Đồi đất đỏ đá cứng, muốn đào phải có xà beng và cuốc chim, cả buổi chưa chắc xong một hố.

Đôi khi nhớ lại sáng kiến này tôi còn tự nể mình và cảm ơn các anh chị lính tráng trước kia đã tạo điều kiện tốt nhất cho bọn đàn em hưởng lạc. Vài em nữ sợ khi dùng cái toilet đó: có cái xác nào dưới đó không? Tôi bảo: có sợ thì khi mô đi rủ anh đi cùng.

***

            Lúc đó chúng tôi sống rất thiếu thốn, cơm không đủ ăn áo không đủ mặc. Xuất gạo 10kg động mỗi tháng cho mỗi đầu xem ra không đủ năng lượng tối thiểu cho một người trẻ tuổi đang thời sung mãn.

Vài đợt đói cao điểm phải huy động cả lòng thương của lũ học trò. Vậy là mỗi đứa đi học đùm theo một túi ny lông hoặc túi giấy, gói lá nhỏ có vài bơ gạo. Có em mang theo nửa lon gạo bọc trong tờ giấy học trò, có em người dân tộc mang theo nhúm bắp xay, khoai củ… tất cả tự giác bỏ vào cái thùng thiếc nhỏ để ở góc nhà ăn mà không cần kiểm đếm.

Đến khi nghiệm thu thầy trò trào nước mắt. Nấu nồi cơm, nồi củ ra mà nghẹn ngào. Tuy nhiên, ăn vẫn hết sạch.

            Có lúc đói ăn vụng, túng làm càn, ông bà nói đâu có sai.

Đứng trên đồi Thạnh Mỹ nhìn ra xung quanh thấy những rẫy mía, vườn mít, ruộng lúa, đám đậu… của đồng bào dân tộc. Bụng đói đầu gối phải bò, cái chưn phải chạy cái giò phải đi. Mà lại đi…ăn trộm.

Biện hộ cho mình là đi cải thiện đời sống.

Tối hôm đó bên Thông tin văn hóa huyện có tổ chức chiếu phim. Ngày xưa thời bao cấp, xem phim là một tiêu chí để cấp trên đánh giá trình độ văn hóa của dân chúng. Một tài liệu tôi đọc được sau này có đoạn rằng, các đồng chí làm văn hóa thông tin phải cố hết sức, làm sao để đồng bào ta mỗi năm phải được xem phim 1 lần (tất nhiên phim của các nước XHCN anh em).

            Nhớ hồi còn nhỏ, trước 1975, ba tôi hay dẫn đám con nít vô rạp xi nê. Người ta chiếu liên tục suốt ngày, gọi là permanent - ai ưa coi đoạn mô thì coi, nếu mình vô coi lở dở thì cứ việc coi cho đến the end, rồi khi nó chiếu trở lại từ đầu alê rờ-tua (aller retour) thì mình coi cho tới đoạn mình mới bước vô rạp, giáp mí một vòng. Có mấy thằng cu rảnh, ngồi cả ngày trong rạp.

            Người dân tộc anh em gọi lóng là chú ba í ới kéo nhau đi coi phim trên huyện. Đợi cho đoàn chú ba Làng Hoa soi đuốc đi khuất, chúng tôi lên đường tiến vè hướng rẫy.

Trời tối, không dám chiếu đèn pin sợ lộ, cả bọn âm thầm đi trong đêm đen. Tới vườn mít của đồng bào, mọi người dừng lại chờ Lê Cứ đến.

Lê Cứ to con, đi bệ vệ như gấu, làm mạnh mẽ như gấu, ăn nhiều gấu,  hai vai có hai cục thịt u như vai gấu nên anh em gọi là Lê Gấu.

Lê Gấu vác một cây sào dài cỡ ba bốn mét, trong đêm tối mò không biết anh ta kiếm đâu ra cái cây như thế. Đây là kỹ năng đi đêm lâu năm của y, dùng cây đập xung quanh gốc cây để xem chú ba có gài chông thò bẫy thú rừng hay không. Mấy chú ba không đời nào tưởng tượng được mấy thầy Thạnh Mỹ là loại thú rừng đã tiến hóa bậc cao.

Sau hiệu lện an toàn của Lê Cứ, cả bọn a vào. Mỗi tên hái môt quả mít to. Có một trái mít trên cao, Lê Gấu bắt Hoàng Ròm ngồi xuống để hắn đứng lên vai hái cho tới. Chỉ có Hoàng cao nhứt trong bọn. Tội nghiệp, cao nhứt mà ròm nhứt, ốm nhách. Gấu thì to, Hoàng thì “ròm”. Gãy xương đau lưng thấy mẹ mà không dám rên, vẫn đảm bảo tính an toàn bí mật cho đồng đội. Đến lúc rút quân, mít ai nấy ôm, mỗi nhơn mỗi quả.

Đang ngon lành lui binh thì nghe tiếng chú ba xì xồ từ hướng ngược chiều.

Chết rồi, phải “lặn” thật nhanh. Tất cả vội vã vùi mình vào mọi bụi rậm ven đường. Lúc này còn kể chi hầm hố chông bẫy.

Tuy nhiên, nấp thì nấp mà người đâu của đó. Mỗi thằng vẫn khư khư ông lấy trái mít của mình. Nín thở lắng nghe.

Té ra bộ phim tối hôm đó dở quá, một số chú ba không thèm coi, bỏ về sớm.

Chờ chú ba cuối cùng đi khuất sau khúc quanh, có lệnh “vạch”, anh em trồi dậy ôm mít chạy. Lúc đó lại có sự cố buồn cười. Vài anh em sợ chú ba bắt được quả tang  nên khi nấp lùm đã thả mít, không dám ôm trên tay, không ngờ dốc nghiêng lăn đi đâu mất.

Về gần tới nhà vẫn chưa hết nạn. Khi băng qua vườn chuối nhà anh Lê Vững, giáo viên tiểu học, gặp một hố rộng và sâu mà mấy hôm trước Lê Vững mới đào gốc cây trong vườn chuối tạo thành.

Dù tôi đã cảnh báo trước – do hay men xuống nhà anh Vững kiếm cái ăn nên biết hố này - nhưng Bình Hà là hiệu phó, đã lọt phủm xuống hố.

Bình Hà trèo lên khỏi hố, người lấm lem, miệng lẩm bẩm bằng giọng Huế:

- Đù mạ! Biệt cọ hộ mà không nọi sợm bây!

Số mít còn lại hoàn toàn xứng đáng công sức đi đêm. Vài ngày sau mít chín. Chín đồng loạt nên phải ăn lấy ăn để, ăn trừ bữa, ăn ngày nhiều lần vẫn không hết. Đem cho người quen thì sợ bị lộ. Bỏ đi thì tiếc.

Thịt da thằng nào cũng thơm mùi mít. Cả ngọn đồi đều thơm mùi mít. Cái hố toilet cũng thơm mùi mít…

Có thằng thừa mứa lấy dao mổ banh quả mít ra mà úp mặt vào giữa để húp thứ nước tinh túy đó; rồi tắm gội lặn hụp trong đó cho đã nư và trong cơn say mít mới hỏi đất trời rằng:

- Hỏi thế gian tình là cái chi chi. Hay là nước mít những khi nhịn thèm!

Về sau, gã Mộc có thơ:

Chúng ta ngồi dưới bóng cây
thời gian trôi giữa bàn tay gầy gò
vệt chai đùn những âu lo
gót chân nứt nẻ ngón co quắp bùn

Những thằng hát giữa đời cùn
tiếng đàn rơi xuống ao bùn nở sen
lửa rừng thay môt vầng trăng
hốt nhiên hạnh ngộ mà rằng cuồng điên

Đi qua ô trọc não phiền
phù vân một khắc hiện tiền chiêm bao
"chúng ta từ cõi lao đao
quen nhau tự những kiếp nào xa xăm" (*)

 -----------------------

Đọc tiếp: "Ma Khôi"

 

Không có nhận xét nào: