28/5/21

2.068. VÙNG CAO (p.1)

    Trích "Chuyện kể từ thung lũng Zơ Nông" 

         Mộc Nhân


Rời thị trấn Thạnh Mỹ, theo hướng tây trên quốc lộ 14, con đường bắt đầu nhô lên nhiều dốc đèo và những khúc cua gấp. Chiếc xe Dodge cũ kỹ nhưng mạnh mẽ không biết chở bao nhiêu người. Chỉ biết người ta bu bám quanh xe đông kín. Mọi chỗ có thể đặt chân, níu tay, đặt mông cho khỏi rơi đều được tận dụng để ngồi trên xe. Hai cánh cửa sau, trên nóc xe, trước nắp ca-bô chỉ thấy lèn chặt người và hàng. Tài xế chỉ cần một khoảng trống chỗ kính chắn gió phía trước mà khách bu bám chừa ra là có thể nhìn mặt đường lái xe băng dốc đèo.

Thời bấy giờ hình như không có khái niệm an toàn giao thông. Số lượng xe ít, khách đông nên phục vụ không bỏ lại ai là ưu tiên số một. Đa số khách đi tuyến này là dân tìm trầm, đãi vàng, người buôn chuyến, thợ rừng… nên cái khó khăn chật chội trong vài tiếng đồng hồ hành trình bu xe cũng không là gì so với cả tuần hoặc nhiều tháng đi bộ trong rừng, dầm mưa dãi nắng, tối ngủ lán trại…

Thỉnh thoảng xe bị xóc mạnh khi vượt qua một ổ voi hoặc chao nghiêng về phía vách núi khi ôm cua. Những lúc như thế con người chao đảo nhưng họ biết cụm lại, níu giữ với nhau để khỏi bị rơi xuống đường.

Đến Bến Giằng, xe dừng lại để nhiều khách xuống, Họ qua Sông Thanh rồi tiếp tục chặng hành trình cuốc bộ trên những lối mòn xuyên rừng cho chuyến đi lên vùng cao của mình. Số còn lại sẽ tiếp tục theo xe lên đến điểm cuối là thị trấn Khâm Đức.

Bên kia Bến Giằng là làng bản của người Cơ Tu. Qua sông có thể đi phà hoặc thuyền độc mộc.

Tôi và vài người chọn đi thuyền độc mộc để trải nghiệm cảm giác chênh vênh giữa xoáy dòng, giao phó mạng mình cho tay chèo thổ dân.

***

Với giáo viên miền núi thì chuyện đi vùng cao là bình thường vì trong suốt thời gian công tác nơi này, họ phải có ít nhất một thời gian được phân công lên dạy vùng cao. Không sớm thì muộn; không đi trước thì đi sau; không lên vùng cao chót vót biên cương thì cũng vùng cao lưng chừng; lâu thì năm sáu năm, mau thì cũng vài ba năm…

Có kẻ thích lên đó công tác vì nơi đó là môi trường kiếm sống tăng thêm thu nhập để có của ăn của để về sau. Ngoài việc cắm bản dạy dỗ con em đồng bào dân tộc, họ còn có các hoạt động đãi vàng, tìm trầm, trao đổi đồ dùng hoặc thuốc men với dân bản địa. Tất nhiên mọi thứ đều có giá của nó và mang về những tích lũy đáng kể.

Có người sợ lên vùng cao vì sức khỏe yếu, bệnh tật – nhất là sốt rét rừng. Ngoài ra còn đủ thứ để sợ khác như xa nhà, xa người yêu, điều kiện sống thiếu thốn, kham khổ. Mà sợ nhất là cô đơn, bất trắc.

Vậy là tự nhiên như một qui luật, có kẻ thích nên mong muốn – người sợ nên tránh né; từ đó hình thành một cơ chế xin cho hoặc trao đổi.

Thời buổi bấy giờ phần lớn giáo viên là nghèo. Bản thân họ chả có tiền nong bao lăm, gia đình họ cũng chả lấy đâu ra để chu cấp thêm cho con em nên cái hoạt động “đút lót, tham ô” chưa vận hành tốt.

Thay vào đó, có một kiểu “tham nhũng chính sách” bằng quyền và lợi dụng. Vậy là hình thành cơ chế trao đổi.

Giữa miền cao, một nữ giáo viên cắm bản cô độc không ai tâm sự, không điện thoại liên lạc thì tiếp đón chung chạ với một xếp lên đây công tác thanh kiểm tra hoặc một hiệu trưởng ghé thăm trường bản ở lại qua đêm và ngỏ ý hay đòi hỏi là chuyện bình thường.

Cái bình thường đó đôi khi là nhu cầu, đôi khi là lợi dụng, hăm dọa, đôi khi là vì muốn chìu lòng để thuận lợi về sau. Không phải tất cả đều thế nhưng không phải là số ít.

Vậy là hình thành một nhóm đàn ông đam mê sắc dục, lợi dụng các cô giáo trẻ cô đơn, sợ sệt để thỏa mãn. Anh chàng khuynh loát Tuấn con gọi đây là Tigers Club - câu lạc bộ cọp -  những con cọp luôn rình rập, âm mưu và sẵn sàng vồ lấy các em.

***

Tôi và một số anh em không có cái duyên sống và công tác ở vùng cao do lúc bấy giờ trên vùng cao chưa có trường cấp hai, chỉ có cấp một và mẫu giáo nên chỉ quanh quẩn dạy mấy trường ở thung lũng Zơ Nông.

Cái danh “giáo viên cấp hai” ở miền xuôi thì xoàng nhưng trên miền núi cũng có gì đó cao hơn hẳn, được nể nang và trọng dụng. Cũng cần nói thêm là thời bấy giờ các em giáo viên cấp một đa số là học xong hệ mười hai cộng một năm trung cấp sư phạm; hoặc xong lớp chín cộng ba tháng nghiệp vụ - thành giáo viên cấp tốc… Nói chung là thời buổi thiếu giáo viên nên có nhiều hệ đào tạo khác nhau để có nhiều lựa chọn tùy hoàn cảnh.

Chúng tôi tôn trọng quyết định và con đường nghề của họ. Chúng tôi chỉ không tôn trọng nhân cách, tính cách do nó thể hiện trong tình huống nào đó.

Trong số “giáo viên cấp hai” đó, một số khá đông sẽ được cấp trên trưng dụng vào nhiều mục đích khác nhau vào từng thời điểm khác nhau – do địa phương không đủ nhân lực đảm nhận công việc.

Chẳng hạn đến mùa bầu cử, nhiều anh em được trưng dụng vào những chuyến công tác tuyên truyền bầu cử. Đến đợt điều tra dân số, lại được mời làm tổ trưởng điều tra cấp thôn, xã. Khi có phong trào văn nghệ cấp huyện, lại được mời làm nhạc công, biên đạo múa, phụ trách chương trình, tiết mục, dẫn đoàn…

Riêng nhóm anh em “giáo viên cấp hai” gồm ba người Trần Hoàng, Mộc Lê, Lê Cứ ngoài những thứ linh tinh kể trên còn được mời làm giáo viên dạy ôn thi cho các em giáo viên cấp tốc chưa tốt nghiệp cấp ba, hoặc còn nợ bằng tốt nghiệp.

Trần Hoàng dạy môn toán, Mộc Lê dạy môn văn, Lê Cứ dạy môn hóa. Các môn khác đồng chí tự học.

Phòng giáo dục thì đã biết tình hình đội ngũ giáo viên của mình, ai chưa có bằng, ai thi hỏng năm trước năm này thi lại, nên họ cũng lo cho anh em.

Mỗi năm vài lần, lãnh đạo phòng lên kế hoạch tập trung giáo viên để ôn tập cho kỳ thi. Có khi là trên vùng cao – ôn theo cụm trong một thời gian ngắn. Giáo viên thuộc diện này đang công tác ở vài ba xã nào đó lân cận tạm thời được gởi lớp cho đồng nghiệp để tập trung về một nơi nào đó học văn hóa ôn thi. Rồi đến cuối năm học họ lại được về vùng thấp trước anh em khác vài ba tuần hoặc một tháng để tham gia lớp học ôn.

Công bằng mà nói, đây là một việc làm đáng ghi nhận của cấp phòng giáo dục vừa để tạo điều kiện cho giáo viên cấp tốc hoặc chưa đủ chuẩn có cơ hội tiếp tục nâng cao trình độ văn hóa và chuyên môn của mình. Đồng thời, đây là quyền lợi của chính họ nên họ cũng tham gia tích cực, nhiệt tình, tự giác. 

Về sau, nhiều người khởi nghiệp chỉ là cấp tốc, chắp vá nhưng đã đạt chuẩn và trụ với những yêu cầu mới về bằng cấp.

Vậy là nhóm mấy anh em chúng tôi gởi lớp lại cho đồng nghiệp để thực hiện khẩu dụ.

Nói “khẩu dụ” bởi vì không hiểu sao thời buổi bấy giờ cấp trên điều hành nhiều công việc bằng truyền tin miệng – nhất là các công việc không thuộc hệ chính thống như đã nói trên. Không như bây giờ, phải có quyết định, công văn thì đương sự mới thực thi.

Chẳng hạn như anh hiệu trưởng bỗng dưng về bảo: bắt đầu mai thầy A lên phòng giáo dục tập văn nghệ một tuần, để lớp dạy có người lo; hoặc anh hiệu phó một hôm về truyền lệnh: tuần sau anh Hoàng, anh Mộc, anh Cứ đi dạy bổ túc cấp ba một tháng trên vùng cao; hoặc anh cán bộ phòng một ngày đẹp trời chạy tới bảo: tôi đưa tên ông vô danh sách cán bộ điều tra dân số ở xã X nhé…

Cứ thế mà làm…

Thời đó anh em cũng ngơ ngáo, nghe cái công việc chi mà thích thú vì lạ chỗ lạ người có ham trải nghiệm chút ít thì ừ. Nếu không thích chối đây đẩy thì cũng không ai làm chi.

Sau này khi mình sành sõi hơn thì biết thêm: mọi việc đều có công tác phí và khoản chi bồi dưỡng, phụ cấp. Nhưng khi anh làm theo “khẩu dụ” thì chỉ là cho vui thôi – nói theo dân gian là “bồng em khỏi xay lúa” hoặc là tui biết anh ham vui nên tui cho anh cuộc vui… tức là không có xu nào tăng thêm; anh được cấp trên ưu ái để mắt đến còn đòi gì nữa. 

Suy cho cùng, trạng thái tâm lý lúc đó của mình cũng tương tự như mấy anh em giáo viên cấp một dạy vùng cao như đã nói trên.

Sau này, mình biết rõ những xu thù lao hay công tác phí ấy vào túi ai; tuy rõ vậy nhưng mấy thằng lan man xứ núi năm, sáu năm rồi về miền xuôi thì vui là chính, chẳng ai đòi hỏi khiếu nại chi cho rắc rối về sau.

***

Chuyến đi vùng cao này đoàn chúng tôi có mấy nhiệm vụ: tuyên truyền bầu cử bằng hình thức văn nghệ kết hợp với dạy bổ túc cấp ba cho các giáo viên chưa có bằng, chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp…

-------------------------

Xem tiếp "Vùng cao - phần 2"

Không có nhận xét nào: