20/5/21

2.058. PRAISE SONG FOR THE DAY

 

Elizabeth Alexander sinh ngày 30 Tháng Năm – 1962 ở Harlem, New York, và lớn lên ở Washington, DC; là con gái của cựu Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ - Clifford Alexander Jr. Bà tốt nghiệp Đại học Yale, Boston và lấy bằng Tiến sĩ tại Đại học Pennsylvania. Hiện nay bà là Hiệu trưởng Học viện Thi ca Hoa Kỳ và là Giáo sư Văn chương tại Đại học Yale.

Sự nghiệp của Alexander với tư cách là một nhà thơ cũng rất ấn tượng: năm 2005 bà được Giải thưởng Pulitzer với cuốn sách “American Sublime” (2005) và cũng trong năm này bà nhận Giải “Thơ ca Jackson”. Bà được công nhận là một nhân vật quan trọng trong nền thơ ca của người Mỹ gốc Phi.

Khi Barack Obama nhậm chức Tổng thống vào tháng 2 năm 2009, bà được yêu cầu sáng tác và đọc một bài thơ cho lễ tuyên thệ của ông – đó là bài “Praise Song For The Day” (Tụng ca cho ngày).

Với sự kiện này, bà là nhà thơ thứ tư gia nhập hàng ngũ những “Nhà thơ diễn văn” (Inaugural Poets) của Hoa Kỳ bao gồm các tên tuổi như: Robert Frost, Maya Angelou, Miller Williams, Elizabeth Alexander, sau này có thêm Richard Blanco, Amanda Gorman.

“Praise Song For The Day” đã được hàng tỷ người trên toàn thế giới nghe – xem và trở thành chapbook (1) bán chạy nhất thế giới.

Ca từ bài thơ ca ngợi truyền thống tốt đẹp của châu Phi, gắn với những con người bình thường có tính chất ngụ ngôn chứ không tập trung ca ngợi đích danh Tổng thống Obama.

Alexander hướng về lịch sử của Phong trào Dân quyền và tầm quan trọng của nó để có được sự kiện hôm nay trong hành trình của một quốc gia. Bài thơ đã giúp Alexander trở thành một trong những nhà thơ được công chúng biết đến và kính trọng nhất hiện nay. (Nguồn tại đây)


TỤNG CA CHO NGÀY

Bài thơ trong lễ nhậm chức tổng thống lần I của Barack Obama (2009)

A Poem for Barack Obama’s Presidential Inauguration

Bản dich: Mộc Nhân 

 

Mỗi ngày chúng ta lo công việc kinh doanh của mình,

đi ngang qua nhau, bắt gặp nhau

những con mắt có thể muốn nói hoặc đang nói.

 

Tất cả chúng ta ồn ào.

Tất cả chúng ta náo nhiệt và gan góc, gai nhọn tua tủa

Mỗi người có cội nguồn của mình trên đầu môi chót lưỡi

 

Ai đó đang khâu lại một đường viền,

vá một lỗ rách trên bộ đồng phục, sửa chiếc lốp xe,

phục hồi những thứ cần phụv hồi.

 

Ai đó đang cố gắng tạo ra âm nhạc ở mọi nơi

với một cặp thìa gỗ gõ trên mặt trống bằng cây dầu,

kèm theo tiếng đàn cello, boom box, harmonica, giọng ca

 

Một người phụ nữ và con trai đứng đợi xe buýt.

Một người nông dân xem bầu trời đang chuyển đổi.

Một giáo viên bảo: “Hãy lấy bút chì ra. Bắt đầu.”

 

Chúng ta bắt gặp nhau trong ngôn từ

Những ngôn từ khi thì găm chắc, khi thì mềm mại

Cũng có khi thì thầm, khi thì lớn giọng

Có khi cẩn trọng, có khi ngẫu hứng

 

Chúng ta đi qua những con đường đất và cao tốc

Chúng được thiết kế bởi những con người kế tục nhau

Họ bảo tôi cần nhìn thấy những gì ở phía bên kia.

 

Tôi biết có điều gì đó tốt hơn khi đi trên đường.

Chúng ta cần tìm một nơi mà chúng ta được an toàn.

Chúng ta không thể bước vào nơi mà mình chưa nhìn thấy.

 

Nhiều người đã chết cho hôm nay.

Hãy vinh danh người đã hy sinh để đưa chúng ta đến đây,

Họ đã lắp đặt đường ray, đã dựng lên những cây cầu,

Họ đã trồng bông vải và rau diếp

Đã xây từng viên gạch cho những tòa nhà lộng lẫy

Sau đó họ giữ gìn cho chúng khang trang để chúng ta làm việc.

 

Hãy tụng ca những cuộc đấu tranh

Hãy tụng ca ngày

Hãy tụng ca mỗi ký tự được tạo lập

Hãy tụng ca vẻ đẹp ngay tại bàn bếp.

 

Một số người sống bằng tình thương đồng loại

Nhiều người không làm hại ai và cũng không mang lại thêm điều bạn cần (2)

Phải chăng ngôn từ khả dĩ nhất là tình yêu?

 

Tình yêu ngoài hôn nhân, lòng hiếu thảo, yêu nước

Tình yêu tỏa ra một vùng ánh sáng rộng lớn,

Tình yêu vượt qua những bất công.

 

Hôm nay, trong ánh sáng lấp lánh, sắc nhọn của khí trời mùa đông này,

Mọi điều đều có thể được thực hiện

Mọi câu nói đều được bắt đầu

Trên bờ vực, trên vành môi, trên đỉnh núi

Hãy tụng ca vì chúng ta đang bước về phía trước trong ánh sáng của ngày.

 ---------------------

(1) Chapbook: sách thơ ca, hò, vè dân gian thường phát hành dưới hình thức bán rong

(2) Hai câu này nói về người khuyết tật, người không có khả năng lao động

-----------------------------

Nguồn nguyên tác tại đây

Bản dịch: Mộc Nhân




Không có nhận xét nào: