Trích "Chuyện kể từ thung lũng Zơ Nông"
Mộc Nhân
Cứ thế, chúng tôi di chuyển quanh nhiều thôn xã vùng cao trong thời gian khoảng hơn nửa tháng. Dần dần, những cán bộ văn hóa thông tin đã xong nhiệm vụ tuyên truyền bầu cử họ tách đoàn và tự trở về. Đội văn nghệ cũng giải tán. Mấy anh cán bộ phòng giáo dục trên đường đi lại phải ghé qua một điểm trường nào đó để làm công tác thanh kiểm tra.
Tôi và mấy anh em làm
công tác dạy bổ túc thì quay lại địa điểm tập trung để dạy ôn thi cho mấy thầy
cô giáo chưa đủ chuẩn.
Alăng Lược là giáo
viên vùng thấp nên cũng quay về, nhưng em nấn ná ở lại để chờ chúng tôi
cùng xuôi sau lớp dạy bổ túc này.
Chuyện dạy học thì tẻ
nhạt vì chẳng hứng thú gì mấy.
Người học đủ mọi
trình độ và lứa tuổi. Có người tôi xưng em nhưng cũng có người tôi xưng anh,
chị. Có người gọi mình bằng thầy cho phải đạo nhưng cũng có người ngạo mạn xưng
anh, ông. Có người chịu học hỏi nhưng có người tham gia lớp học để khỏi bị kiểm
điểm; họ chờ tới kì thi sẽ có ai đó ném tài liệu, chung tiền cho giám thị để
làm ngơ chuyện quay cóp hoặc chính sách dân tộc – cho học viên người thiểu số đỗ 100%.
Nói chung là nhiều đối tượng, nhiều tâm trạng, nhiều suy nghĩ khác nhau…nhưng tất cả có một điểm giống nhau là: họ chưa
tốt nghiệp cấp ba – bằng bổ túc văn hóa.
Anh em dạy học cũng
nản lòng.
Trần Hoàng dạy môn
toán than thở: “Không có bài nào chúng nó giải ra cả, kể cả bài dễ nhất hoặc
mới giải xong, ra tương tự, nó cũng bí”.
Lê Cứ dạy môn hóa
cười vui: “Đậu phộng, đậu phộng. Chú ba biết chi đâu mà a-xít với ba-dờ”.
Lão Mộc dạy môn văn thì thao thao bất tuyệt, nhân sanh chẳng thèm ghi chép, mắt mũi vô hồn, nơ-ron thần kinh ngưng hoạt động. Giáo án chuẩn bị dạy một tuần thì cho xổng chuồng trong hai ngày.
Xem như xong việc. Hoàn thành nhiệm vụ trở về.
Trần Hoàng vì có tham gia công tác kiểm tra nên cũng rời đi. Tôi, Alăng Lược, Lê Gấu và một số em khác nghỉ thêm một ngày trước khi hạ sơn.
***
Ngày mai chúng tôi về xuôi.
Đêm đó già làng tổ
chức tiệc chiêu đãi để tiễn các “đồng chí cán bộ cách mạng đi công tác giúp đỡ vùng cao" trở về.
Một bữa tiệc long
trọng. Long trọng như dân làng vùng cao đón xem văn nghệ. Long trọng như ngày bầu cử và hòm phiếu... Bởi tính chất long
trọng nên các lão làng được mời đến dự tiệc cùng với các cán bộ thôn, xã cùng nhiều
trai tráng thân tín.
Thức ăn rải đầy trên
lá chuối sắp kín sàn nhà. Rượu hủ để chung quanh, rượu chai các loại để rải
rác. Chính giữa là vò rượu cần to đùng với các ống trúc cắm vào chính giữa, cần
vươn ra bốn phía như những nan hoa. Rải rác là các canh rượu tà vạc, rượu
tà-đin…
Mâm cỗ nhiều sắc
màu, đẹp một cách man dại rừng rú và hừng hực khí thế như sắp thiêu cháy thực
khách.
Có cảm giác người
vùng cao cho rằng mình không uống say là không được rời khỏi xứ này. Theo tập
quán, tiễn nhau bằng tiệc rượu do già làng cùng chức sắc địa phương chủ xị là nghi lễ trang trọng nhất.
Vậy là nhập cuộc thôi.
Nâng bát chúc mừng.
Nâng bát đưa tiễn. Nâng bát khen ngợi. Nâng bát hứa hẹn…
Thời trẻ, tôi còn chơi
được nên theo kịp mấy lưu linh bản địa, cũng nâng rót ào ào bằng bát sứ to đùng
hoặc ca nhôm sâu hoắm.
Kèm theo nâng bát là
những bài hát lý. Ai không biết những điệu hát lý của người Ca Tu thì hát nhạc
đỏ “Năm anh em trên một chuyến xe tăng”… đều được.
Cũng cần nói thêm “hát lý” hay
còn gọi là “nói lý” là một loại hình nghệ thuật ứng khẩu, truyền khẩu rất độc
đáo của người Cơ-tu dành cho những người lợi khẩu, thông minh trong các sinh hoạt
đám cưới, mừng lúa mới, ăn thề kết nghĩa,
khóc ma, tiễn bạn… Nó không theo một tiêu chuẩn,
bài bản nào cả mà tuỳ theo ứng khẩu của mỗi người để có dòng ca từ hợp cảnh.
Một già làng cất giọng hát với những âm đệm khởi
đầu: “Ô… ố… a dô a choong…” tiếp đó là một tràng tiếng Ca Tu mà tôi không hiểu
gì. Nghe như vịt nghe sấm.
Một thanh niên đứng gần bên nhìn thấy người kinh
ngơ ngác nên anh ta giải thích:
- Già làng chúc mừng cán bộ, cán bộ về xuôi nhớ
lắm, khi mô có dịp lên lại nhớ ghé thăm bản làng…
Lúc bấy giờ tôi đã ngà ngà, máu nghịch ngợm nổi
lên. Tôi bèn thay mặt “cán bộ người kinh” cương một bài hát lý theo âm điệu “à... ô... ố... ợ… a doong…” – mấy âm điệu này tôi tiếp thu nhanh chóng - phần lời tiếng
Việt là một bài thơ mà tôi viết và thuộc trước đó, vừa hát vừa đổi lời cho phù
hợp:
- Ô… ố… a
dô a choong… Suốt đêm nay mình nghe tiếng củi tí
tách như .. a.. ố… hê … mấy đứa trẻ đùa giỡn, chạy chơi ngoài sân… alua… a..
choong…. Còn mấy em gái .. a… ố.. ợ… đôi mắt tròn to mở to,
váy xòe như cánh chim đón bạn tình đêm động dục… à.. a.. ố… ngày mai mặt trời
lên, những cánh chim thức dậy… a.. ố… i hi…cán bộ đã về xuôi… a.. choong…cây
rừng cũng nhớ mình, bà con có nhớ mình không… Ha re dớ liêm… Achim pănrr ây tu loong…
Cứ hát qua hát lại,
chặp sau mình cũng không biết hát gì. Bí quá thì lấy thơ Bùi Giáng ra mà hát lý
có chế lời ứng khẩu:
- Ô… ố… a dô a choong… Khi
vui vô lượng mặt trời… a.. ố... Khi buồn vô tận muôn đời mặt trăng… a... ố... Xin về thưa
với chị Hằng… a... ố… Kính thưa trưởng bản em rằng rất vui… a choong… a choong...
Đại khái thế. Người miền cao nghe thủng ra mấy từ
tiếng kinh nào là nhớ… vui… thưa… là họ khoái chí.
Tôi vừa uống vừa trò
chuyện, đùa giỡn, cảm ơn, khen ngợi ra chiều khâm phục nào là: miền cao tiếp
đón cán bộ chu đáo; nào là gái miền núi đẹp hơn gái người kinh; rượu miền cao
bổ khỏe hơn rượu Nàng Hương, Lúa Mới, Rhum Hiệp Hòa mua ở cửa hàng thực phẩm;
nào là cán bộ miền cao không tham nhũng như cán bộ đồng bằng; nào là ở miền cao đãi đằng cao lương mỹ vị mà
người tham dự không cần chung góp tiền bạc – tiệc này mà dưới xuôi chắc tốn
khoảng mấy trăm ngàn đồng, mỗi người góp vô cả chục ngàn chắc có; nào là ăn
tiệc miền cao không có gái gú sờ sẫm, không như bọn miền xuôi hư hỏng có tí men
là gọi gái về kè kè một bên…
Thối nát, thối nát
quá… He he.
Mấy chú ba nghe xong
mát rượi gan ruột như bộ lòng lợn được lột ra gột rửa giữa con suối. He he.
Vậy là uống và mời uống
tiếp.
Tay nâng ly, tay bốc
đồ ăn. Thịt lợn rừng, thịt mang, cá khe… các món ê hề…
Nhưng thật tình mà
nói, tôi chỉ làm màu đưa đẩy chứ ăn uống được bao.
***
Cao trào đáng nhớ
nhất là một già làng nhìn tôi có vẻ ái mộ. Ông ta tiến đến chỗ tôi ngồi. Tay ôm
theo một cái vò. Ban đầu tôi tưởng đó là vò rượu nên thản nhiên vì đằng nào mà
chả uống.
Nhưng rồi già làng mở
nắp vò bằng miếng ni lon cột quanh miệng vò bằng sợi dây rừng. Tôi nghe một mùi
thum thủm xộc vào mũi.
Tiếp đến ông ta thọc
tay vào vò và lôi ra một tảng thịt to bằng cái ly cối.
Đó là thịt lợn muối
vùng cao. Do thiếu muối nên thị có mùi thủm như thịt thối. Tuy nhiên đó là đặc
sản dành cho khách quí.
Tôi tởm lợm ngay tức
thì và tỉnh rượu. Cổ họng muốn ói ra vì cái mùi thịt thối nồng nặc. Tôi và Lê Gấu mỗi người được trao tặng một cục thịt với lời mời trang trọng.
Lê Gấu dù sao cũng
trải nghiệm hơn tôi nên biết điều gì đang xảy ra. Hắn ngồi bên nhận ra ngay
tình thế của tôi nên bấm nhỏ, rỉ tai:
- Mi cứ làm thinh cầm
lấy cục thịt và ăn một miếng rồi đưa cho tao tính. Nếu mi từ chối, chê bai hoặc
nôn ói trước mặt họ, ngày mai mi không bước qua khỏi con suối để về xuôi được đâu.
Tôi làm theo lời Lê Cứ, kính cẩn đón nhận đặc sản của già làng và nín thở cắn một miếng vừa phải. Tôi vờ nhai nhưng thật ra đang ngậm miếng thịt thối trong miệng, ú ớ khen ngon.
Rồi tay tôi đưa ra sau lưng; tay Lê Cứ đã chờ sẵn đề nhận tảng thịt thối. Sau đó
hắn làm gì, bằng cách nào để phi tang tôi không rõ. Nhưng tôi biết dưới nhà sàn
luôn có bầy chó lảng vảng mỗi khi dân làng tổ chức ăn nhậu đình đám.
Chặp sau, tôi không
còn chịu đựng nổi với miếng thịt thối nữa nên lấy cớ ra ngoài. Ánh sáng bập
bùng, dân bản đang ăn uống, hò hát nên cũng không ai để mắt đến khách quý.
Tôi bước xuống mấy bậc cấp đẽo bằng thân gỗ gác nghiêng từ nhà sàn xuống nền đất.
Thật bất ngờ em Alăng Lược đã đón tôi ở một chỗ khuất gần đó.
Có lẽ em đã đoán đúng
những gì xảy ra trong đêm nay và kiên nhẫn chờ tôi ngay góc tối cuối sân.
Em dìu tôi đi về phía con
khe, nơi mà âm thanh của tiếng nôn ọe thoát ra từ cuống họng không vọng tới đôi
tai thính của những đứa con rừng núi.
Bàn tay của em hứng dòng nước chảy qua một hòn đá để rửa bộ mặt nhễ nhại của tôi.
Lúc này tôi mới thực
sự say và tôi phó mặc cho những gì diễn ra một cách ngoan ngoãn như đứa trẻ. Em cởi áo tôi lau mồ hôi trên ngực,
rửa đôi tay dính đầy mỡ và mùi thức ăn. Em lau miệng tôi bằng tấm khăn thơm của
em…
Tất cả làm tôi tỉnh
táo nhưng bất lực vì không thể làm được gì mà trí não đang mách bảo.
Em dìu tôi nằm trên tảng đá ven khe với đôi chân thõng xuống dòng nước chảy xiết. Tôi gối lên đùi em và chặp sau tôi cảm nhận rất rõ bầu ngực em áp xuống má tôi. Qua lần vải mỏng, tôi cảm nhận rất rõ núm vú săn cứng, tròn nhỏ ép vào môi. Tôi như em bé làm nũng không màng ngậm vú mẹ.
Nhưng cái mùi
da thịt thơm tho, lạ lẫm, phồn thực của em thì tôi không thể nào quên.
Tôi nhận thức rất rõ
nhưng không làm gì được như một người bị gây mê đưa lên bàn mổ; anh ta hiểu
những gì đang đang diễn ra xung quanh nhưng không chống cự được.
Tôi nghĩ đến những
hình ảnh của em mà tôi nhìn thấy thật rõ vào buổi chiều hôm trước. Bầu ngực màu sẫm, da ngăm mịn…
Những thứ trước đây
nhìn từ xa trông rất hấp dẫn, còn giờ đây cận kề ngay trước mắt mình lại nhìn
không rõ.
Bỗng một tia chớp lóe
sáng soi rõ bầu trời đầy mây đen báo hiệu sắp có một trận mưa rừng. Ánh chớp
cũng soi rõ trong phút chốc khuôn mặt rạng ngời của em và bầu ngực trần tròn căng
với núm vú thắm màu nhô ra khỏi hàng khuy áo không gài.
Ánh chớp cũng khiến
tôi tỉnh cơn say.
Nó như một nhát dao
cắt đứt mọi thứ sắp tiếp diễn.
Mưa nặng hạt đang bắt đầu. Chúng tôi không thể nấn ná thêm.
Tôi và Alăng Lược trở về nhà sàn.
Lúc này tiệc rượu đã vãn, người đã thưa, không còn ai chèo kéo nữa.
Tôi co ro trong chỗ
ngủ ở góc nhà sàn như một nhánh cây cong queo gãy lìa ra khỏi thân lá sum
xuê và bị dòng nước cuốn đi, tấp vào một xó xỉnh nào đó giữa núi đồi. Bên kia
là Lê Cứ nằm cong hình con tôm với đôi tay giơ lên đầu như chiếc càng.
Đêm ấy tôi không
có một giấc mơ nào...
***
Sáng hôm sau chúng
tôi rời làng trở về miền xuôi...
(xem tiếp : Vùng cao –phần 4)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét