Mộc Nhân
Tôi không cho rằng mình đã đọc và hiểu hết thơ Nguyễn Tấn Thái. Tôi cũng không nghĩ rằng với một bài viết ngắn có thể đem đến cho bạn điều gì về thế giới thơ đang “lên da non” trong thơ anh dù anh đã viết nhiều, viết sớm, viết như điên cuồng mộng mị khi hít thở sinh quyển thi ca trong nội giới quê xứ của mình.
Tuy
nhiên, tôi chắc rằng trong thơ anh, bên cạnh trái tim nhân tình, đôi chân rong
ruổi, đôi tay ký tặng bản thơ cho bạn đọc và khuôn mặt nghiêm cẩn say sưa khi
nói về thơ là hình bóng quê nhà đau đáu, ẩn sâu trong từng con chữ.
Tôi
muốn dùng từ “nghiêm cẩn” khi nhiều lần chứng kiến anh đề tặng thơ cho mình và
bạn bè. Thường thì tác giả đề tặng ngắn gọn và kí tên. Còn anh thì làm điều
ấy rất trịnh trọng: ngồi vào bàn, lấy ra hộp bút gồm đủ màu, đủ loại, rồi chọn
lấy những cây ưng ý nhất viết những dòng chữ thân thương, nắn nót, nét chữ đẹp, với các màu mực khác nhau để ghi, tô, nhấn … rồi mới tặng
bạn bè.
Chỉ
cái việc ấy không thôi đã khiến chúng ta phải dõi theo anh, đón nhận anh một
cách trân trọng.
Có lẽ
với anh, thơ là thứ tôn giáo mà anh gọi là “Tôn giáo thi nhân”. Trong bài thơ
cùng tên, anh dùng hàng loạt từ thuộc trường từ vựng cảm xúc như: ngưỡng phục - chạm - dâng - rải phép nhiệm
màu - lưu dấu - rối bời… để bày tỏ niềm yêu say cùng con chữ của mình:
Xin
ngưỡng phục trước đền thơ
Ngọc
cổ điển vẫn hẹn giờ hiển linh
Ngút
thơm biêng biếc bình minh
Thơ
kiều diễm chạm khối tình đài sen
(Tôn giáo thi nhân)
Trong thế giới “Tôn giáo thi
nhân” ấy, anh thao thức với nhiều nỗi niềm: mộng và đời, ngẫu nhiên và bày
biện; hiện thực và kí ức… Nhưng tôi luôn thấy
anh thức cùng hình bóng quê nhà. Có lẽ đó là những xúc cảm trong các tập
thơ anh viết mà tôi được đọc: “Bóng Thức” (2013), “Trăng Và Nguyệt” (2014
-chung với Trần Anh Dũng).
***
Quê
nhà luôn là biểu hiện tồn tại trong khung thời gian gắn với dấu ấn con người,
số phận, trạng huống mà anh mang theo.
Chính
vì trong anh luôn có “bóng thức” quê nhà nên tôi nhận ra các địa danh xuất hiện
khá dày và đậm trong thơ anh.
Những
cái tên thân quen như Tân An – Hiệp Đức hiện lên trong trang thơ anh như những
phối cảnh đẹp mà giản dị; trong không gian làng quê cổ điển có tiếng ve, tiếng
chuông chùa làm nao lòng gã lữ hành:
“Hồng mai nắng dẫn núi về hồn lạ
Biếc mây trời nhả tơ lụa triền cây
Lữ hành phố Tân An chiều rây gió
Ngợp ve ngân như màu rượu chập chờn”
(Hiệp Đức hạ ca)
Với
mấy mươi bài thơ trong hai tập thơ đã nêu, chúng ta có thể nhận ra bao nhiêu
miền quê xứ Quảng, dòng sông, phố thị từ đồng bằng đến trung du, miền núi: Hà Lam, Dốc Sỏi, Trường
Giang, Chợ được, Trà My, Tam Kỳ, Tiên Phước…
Tất cả được anh tái hiện một cách
chân thực, sinh động và ăm ắp cõi lòng khi đi qua những nơi ấy:
“Ngày về Dốc Sỏi chiều đau
lịm thương suối nhỏ, giấu màu hoa tang”
(Tình tự đêm)
Con
sông chảy qua làng quê nơi anh sinh sống hiện lên mơ màng, ấm áp:
“Trường Giang
nước xanh lờ lợ
Vỗ miên man bờ kí ức xa mờ
Nếm rượu nồng lửa hồng chợ Được
Thăng Bình nắng mướt mật ong”
(Mật ngọc Thăng
Bình)
Trong
dòng sông thơ quê xứ ấy, chúng ta có thể nhận ra thực và mộng, đất và người hòa
lẫn vào nhau thật êm đềm, nhẫn nại và mơ màng:
“Vàng thu sông vẫn nồng nàn
Vẫn duyên dáng phả sắc hồng trang thơ
Em và sông lại mộng mơ
Trăng sao tình tứ bên bờ Trường Giang”
(Trường Giang)
Đôi
khi trong bóng dáng quê nhà, có dòng phức cảm khi mà nỗi buồn đau hay niềm vui đều tao ngộ trong những
câu thơ lúc thì chon von xứ núi Trà My:
“Tôi châm nắng núi đồi lên hơi ấm
Em Trà My thắp lửa quế hong hồn
Niềm hãi sợ sót Mùa Xuân ít ỏi
Xua cay đau gieo cấy vụ ngọt lành”
(Trà
My ca)
Lúc
thì mát rượi gió nồm phố thị:
“Tôi trồng tỉa gió nội đồng
Ngọn nồm thổi mát phố - sông Tam Kỳ”
(Tam Kỳ
phố)
Lúc
thì ưu tư chốn cũ:
“Lỡ
một chiều, Chợ Cũ, khách say
Thả
bước nhớ về Thuận An vờn gió
Miền
yêu dấu, người em thương nhỏ
Đêm
liêu trai dậy sóng men tình”
(Miền nhớ Thuận An)
Bạn
đọc sẽ cảm thấy bình yên khi cùng anh thức với hình bóng quê hương bên ruộng đồng, núi đồi, cồn cát,
sóng biển mang nỗi lòng kẻ đi xa luôn hướng về cố xứ:
“Bình minh lên da non
Cát soãi mình sóng sượt…
Một bình yên chốn nhà
Biển tung hồn miên ca”.
(Bóng
thức)
***
Thơ
của Nguyễn Tấn Thái mang theo chiều sâu bản thể của kẻ lữ hành, rong chơi đây
đó trên quê hương mình, dù rất nhọc nhằn, ưu tư vận số nhưng ít có sự xung đột
giữa quá khứ và hiện tại bởi trong anh là nỗ lực yêu thương với đời sống của
mình.
“Người hành hương vượt bụi trần mệt lả
Chợt hồi sinh nồng cháy vũ điệu Chăm”
(Vũ Khúc Chăm)
Anh
tập hợp những kỷ niệm buồn vui của chính mình, lưu giữ tất cả trong những dấu
mốc thời gian, không gian. Nơi lời thơ luôn gắn với độc thoại, đồng thời nó còn
là nét khắc ghi trong tâm thức những giấc mơ tồn tại, ám ảnh, chuyển dịch, rượt
đuổi:
“Điên rồ rượt đuổi giấc mơ
Cằn cỗi nắng, chợt… trống huơ phận mình”
(Chắp vá)
Hoặc
nuôi dưỡng:
“Ôm chạm bóng ngược xuôi miền biển lặng
Dưỡng giấc mơ nuôi hoài vọng con người”
(Chạm
bóng giấc mơ)
Và
luôn mong mỏi quay về:
“Con
sẽ về, con sẽ lại về thăm
Con
sông nhỏ cha đã từng soi cá”
(Lời hẹn mùa xuân -
45)
Tuy
nhiên đôi khi, chúng ta nhận ra những chai sạn đùn lên từ nghịch cảnh nào đó
trong cuộc đời khiến câu thơ của anh nổi nênh giữa ký ức của mình:
“Bao lần đào xới hư không
Cơ duyên tắm gội dòng sông hai lần”
(Ước nguyện dòng
sông)
***
Đọc Nguyễn
Tấn Thái, bạn và tôi nhận ra thơ anh trầm lặng, bình dị, nhưng có tính cô đọng
hàm súc rất cao, bao quát cả hành trình sáng tác.
Dường
như điều này trái ngược với vẻ ngoài hăm hở, say sưa, lợi khẩu khi anh nhập
cuộc chuyện thơ - khiến những lúc như thế, nhiều người nghĩ anh bất thường, dị
biệt, thậm chí là khá "điên"…
Đó là
thuộc tính “điên” của người làm thơ; tất nhiên cách thể hiện "cái điên" mỗi người mỗi
khác. Nói cho cùng, trong mỗi người thơ, thiếu điều ấy - điên, ngông, quay quắt... - khó nhận ra chất thơ
cùng những cựa quậy để cõi hồn giãy nảy trên trang viết.
Giữa
bao xu hướng cách tân, lạ hóa thơ ca đương đại, Nguyễn Tấn Thái vẫn có giọng
điệu thơ riêng mình. Anh dè dặt với những hình thức mới; không cầu kỳ với nhiều
tầng bậc ẩn dụ; không làm khó bạn đọc với những huyễn hoặc dụ ngôn… Tuy nhiên câu chữ
và ý tưởng vẫn có những phá cách sáng tạo. Điển hình như trong các bài “Hoa nắng trường quê”,
“Tượng trưng”… và nhiều bài khác (mà do dung lượng trích dẫn dài nên tôi không trích hết) khiến chúng ta hiểu được nỗi trăn trở, tìm tòi, dấn thân và nhọc nhằn của nhà thơ trong bối cảnh đổi mới nghệ thuật sáng tác của mình.
Thơ Tấn Thái lay thức chúng ta về bóng dáng quê nhà mà ai cũng mang theo nhưng đôi khi chúng
ta bỏ rơi đâu đó. Bạn dường như bắt gặp nỗi niềm, bóng dáng quê nhà, tình yêu, cái tôi của mình trong thơ anh. Nó khiến chúng ta hồi đáp, truy vấn, khát khao một nơi chốn
nơi chúng ta đã được nuôi nấng nhưng rồi lớn lên ta lại ra đi nhưng đau đáu quay
về.
Đến
đây tôi chợt nhớ mấy câu thơ cuối trong bài thơ “Dưới những lớp ngôn từ” (The Words Under The Words) của nhà thơ
đương đại người Mỹ Naomi Shihab Nye mà tôi đọc và dịch gần đây:
“Hãy hồi đáp, nếu bạn nghe được bên dưới những lớp
ngôn từ -
nếu không, đó chỉ là một thế giới với nhiều góc cạnh
thô ráp,
khó vượt qua, và chúng ta chỉ còn lại những điều vô
nghĩa”.
***
Phải
chăng Nguyễn Tấn Thái và thơ anh đang gợi cho chúng ta những điều như thế.
-----------------------------
Mộc Nhân - mùa Covid thứ IV.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét