14/5/21

2.047. LƯƠNG SƠN BẠC: Tuấn con - Đức - Sự (tt)

Trích tác phẩm "Chuyện kể từ thung lũng Zơ Nông" (Nhiều tác giả)   

Phần này do Mộc Nhân, Đình Phương, Anh Tuấn kể

    

     (Tiếp theo phần trước)

Đức chơi chán ở Hòa Khánh bèn lên Giằng kiếm việc làm. Trên này Đức có người chị theo chồng lên sinh cơ lập nghiệp và người dì đã sống từ lâu nên tạm gọi là an ổn – có chỗ tá túc, nương tựa. Ít nhất là khỏi chết đói. Khi đi Đức cũng kè theo Sự thành một cặp đôi hoàn hảo. Sự cũng có người anh làm các công trình xây dựng nơi đây. Vậy là hai thằng có việc làm.

Sự nhận quét vôi công trình. Chổi quét vôi có cái cán dài lên tới khu đĩ. Sự cầm chổi điệu nghệ như họa sĩ cầm cọ vẽ bích họa hơn là quét vôi tường. Những mảng vôi màu phẳng lì, đều màu, chỉ cần lướt cọ qua một lượt, rơi rớt vài giọt vôi không đáng kể. Nể.

Có công trình thì làm, không có thì sáng cà phê, tối vô trường ngủ lại và uống rượu với anh em.

Đức nhận đứng máy xát gạo cho người dì. Cả thị trấn chỉ có cái máy xát gạo chạy dầu này nên hầu như không có ngày nghỉ.

Tuy nhiên sáng vẫn thủng thẳng cà phê, chiều nghỉ sớm vô trường rủ rê mấy thầy giang hồ uống rượu, đàn hát.

Đã nhất là nghe Sự đánh ghi ta cổ điển mấy bài kinh điển như Romance, Fur Elise, Moonlight Sonata, Turkish March, Canon In D Major… Anh em cũng dành nhiều thời gian để chơi hòa tấu Toccata, El Binbo, God Father…

Đôi khi Tuấn con phá vỡ không gian trầm lắng bằng khúc nhạc chế bài “Tôi đưa em sang sông” của Nhật Ngân thành đoạn ca từ cười đéo chịu nổi: “Rồi thời gian lặng lẽ trôi/ đời tôi là giáo viên/ lên đến Hiên Giằng” (Hiên cũng là huyện miền núi ở Quảng Nam).

Do đã có những mối quan hệ từ trước nên anh em dễ tiến tới thân nhau theo qui luật “Tha hương ngộ cố tri”.

Có một điều dù rất ngẫu nhiên nhưng phải kể đến là không hiểu sao trong cái đám lưu linh lạc địa này có nhiều tay chơi đàn hạng đáng nể. Ban đầu có Đức và Sự; tiếp đến Phương điên, Trần Hoàng, Tuấn con gia nhập; sau đó có Thịnh lên bổ sung; trên cơ quan văn hóa thông tin lại có sẵn Mạc Diệu là tay chơi có tiếng. Ngưu tầm ngưu mã tầm mã – vậy là thành một nhóm chơi thân thiết, hay xúm xít ăn ý.

Nhớ hồi ấy, sau bữa cơm chiều cả bọn cùng tập trung tại cục đá to nằm trước phòng tập thể giáo viên để tán gẫu. Nắng chiều thung lũng Thạnh Mỹ vàng hoe, xa xa vài cột khói bay lên từ những đám rẫy của người dân. Khung cảnh thật thanh bình và lãng mạn.

Từ chợ Thạnh Mỹ, Tiều Cái Đức lững thững lên đồi mang theo một gói thuốc Đà Lạt và gói trà Thanh Hương để cho cả đám Lương Sơn Bạc nhâm nhi, đàn hát, kể chuyện tếu...

***

Lúc này, trường Thạnh Mỹ chuyển ra vị trí mới ở ngoài rìa thị trấn; không còn nằm trên ngọn đồi có ma Khôi đại úy nữa. Trường cũng nằm trên đồi, tựa lưng vào núi, nhìn ra đường cái 14B, bên kia đường là sân bóng đá.

Sân trường do san ủi từ một ngọn đồi dưới chân núi nên có hai tầng địa hình. Tầng trên là dãy phòng học xây kiên cố, không như trường cũ, nơi chúng tôi mỗi năm phải làm lại phòng học. Tuy nhiên trường mới xây lở dở mà vẫn đưa vào sử dụng. Không cửa nẻo, nền đá lởm chởm kê bàn không phẳng, học sinh đi nhanh vấp ngã gãy răng là chuyện thường. Cô giáo không dám mang guốc, giày cao gót càng không có để mang và nếu có cũng không nên mang - gãy chân như bỡn.

Tầng dưới là khu tập thể và văn phòng. Khi thiết kế người ta không thèm biết là có bao nhiêu thầy cô nên chỉ làm có hai phòng chật ních. Chúng tôi phải tự làm thêm dãy phòng ở cho mấy cô giáo và nhà bếp theo mốt cổ điển: mái tranh nền đất tường cốt-pha. Xây trường mới mà không xây nhà vệ sinh. Chắc bọn này nghĩ giáo viên có ăn đâu mà ỉa; hoặc nếu ỉa cũng không bao nhiêu cứt. Quăng bậy đâu đó cũng tốt.

Năm ấy trường tổ chức cho học trò cắm trại. Lúc làm cổng trại xong còn dư vài cái nia anh em có sáng kiến viết ba chữ "Lương Sơn Bạc" bằng sơn đỏ chót theo lối chữ triện lên ba cái nia, treo lủng lẳng trước cửa phòng học (chi tiết này Phương điên thì nhớ lại là ba chữ Lương Sơn Bạc được viết trên tấm ván cốt-pha). Mục đích là để trêu ngươi, chơi ngông cho thỏa ý thích.

Để thêm phần màu mè, Phương kiếm thêm trái bầu hồ lô của dân tộc treo ghé một bên bảng hiệu, thắt cái nơ đỏ tòng ten cho thêm phần gợi dục. Còn thiếu nhiều thứ như đao, kiếm, bát xà mâu, ngựa v.v… nhưng chỉ cần nhìn bảng hiệu có thể tưởng tượng ra Tụ Nghĩa Đường là đây.

Ai đọc Thủy Hử rồi thì hiểu nội dung bảng hiệu mới của chúng tôi, ai không biết cũng không dám hỏi, tự nhiên hỏi chi cho nó sai Lỗ Trí Thâm ra chém đầu chết oan. Chúng tôi nghiễm nhiên trở thành đám hiệp sĩ ảo. Học trò về nói với ba mẹ nó ngoài trường ghê lắm. Hỏi ghê sao ? Tụi nhỏ nói ra xem thì biết.

Tiếng lành đồn xa, tiếng dữ cũng đồn xa. Phòng Giáo dục lại cắt cử đám sai nha xuống Thạnh Mỹ xem thực hư.

Phương điên chơi ngạo đời, lấy tấm mặt bàn gỗ đóng ghim vô phía chân giường, làm bia mộ của mình rồi viết văn bia thế này: “Nơi đây hằng ngày yên nghỉ Nguyễn Đình Phương/ một kẻ tội lỗi và khốn nạn.” Lại lấy tấm băng rôn cũ màu đỏ phủ lên tấm bia cho thêm phần thê thiết.

Tư duy thế nào đời ta thế ấy. Kể từ hôm dựng bia cho mình, Phương cảm thấy mình sống khác đi, vượt lên trên cái đời thường nhỏ mọn, chỉ nghĩ đến thế giới đại đồng. Ôi, suy tư hằng đêm đúng như ý tưởng của Bùi tiên sinh “Ta cứ ngỡ xuống trần chơi một lát. Nào ngờ đâu ở mãi đến hôm nay” hoặc “Chẳng biết ngày mai ra sao nữa. Mà có ra sao cũng chẳng sao”.

Cán bộ phòng giáo dục xuống trường vào một ngày âm u để xem bọn này diễn biến hòa bình thế nào. Lúc đó Phương điên đang nằm nửa thức nửa ngủ, tấm drap đắp kín mặt. Nghe tiếng lào xào phía trước cửa, Phương đoán được tình hình, nằm im giả chết, nghe bọn chúng hỏi nhau:

- Lương Sơn Bạc là cái chi bây? Thôi kệ, sếp biểu vô coi thì vô nhanh cho rồi.

Cả bọn đùn đẩy nhau, cuối cùng Nguyễn Mến dạn gan nhất kêu “Để tau”. Hắn rón rén đi trước, Dương bắt chuột theo sau cùng đám kia, chúng đi chưn nhện. Nguyễn Mến sè sẹ tới sát chân giường, tay run run khẽ dở tấm băng rôn lên, miệng lập cập đọc tấm bia Nơi đây hằng ngày yên nghỉ Nguyễn Đình Phương… Phương co chân lên đạp xuống giường một phát rầm. Cả bọn bỏ chạy thục mạng.

***

Lương Sơn Bạc chánh bản gồm: Phương, Lịnh, Thịnh, Hoàng, Tuấn, Đức, Sự. Đức là dân bản địa Thạnh Mỹ bảo kê cho mấy thầy khi hoạn nạn. Mà hoạn nạn thời ấy thì xảy ra đều đều. Đức được xem là Tiều Cái vì điềm tỉnh, quyết đoán, nói anh em đều nghe. Tiều Cái Đức có máu giang hồ nghĩa hiệp, nghệ sĩ, nhân ái, dám hi sinh nên xứng đáng làm thủ lĩnh.

Phương điên được Tuấn con gọi là “sử gia” vì có trí nhớ tốt, đặc biệt là nhớ các chi tiết nhỏ nhất – có lẽ do bệnh nghề nghiệp của anh giáo dạy sử phải nhớ đến ngày tháng năm, tên người, tên đất, tên sự kiện… nên hắn ta có trí nhớ tốt, kể lại rành rọt mọi sự chăng. 

Sau này nhóm Lương Sơn Bạc có thêm Chất, Cứ, Sáu… và nhiều câu chuyện không giống ai...

(Còn nữa)


Không có nhận xét nào: