Trích tác phẩm "Chuyện kể từ thung lũng Zơ Nông" (Nhiều tác giả)
Phần này do Mộc Nhân ghi chép
Viết một cái gì đó về café – quán café
- quả là thường vì thiên hạ viết nhiều,
giờ đây nó không còn là một cái gì đặc biệt nữa. Tuy nhiên những câu chuyện bên
ly café là bất tận. Ngay xưa và cả bây giờ.
Vui cũng cà phê, buồn cũng cà phê;
làm ăn cũng cà phê, thất nghiệp cũng cà phê; yêu cũng cà phê, thất tình cũng cà
phê; hưng phấn cũng café, bế tắc cũng café; đói cũng café, no cũng café …
Với tụi mình, khi là sinh viên mới
biết mình ghiền cà phê lúc nào không hay và từ đó cà phê chảy trong huyết quản
đồng hành với máu, với đói cơm, khát nước và những chiều cô đơn, những đêm lang
thang, những ngày lang bạt kì hồ.
Dù hôm nay nó đã khuất chìm giữa đời
sống trầm phù nhưng vẫn khắc khoải bung lung mỗi khi nhớ lại.
Thời sinh viên ở xứ Hòa Khánh vào thập
kỉ 80 ở thế kỉ trước, chắc không ai là không biết quán cà phê thầy Long.
Quán nhỏ, lối đi hẹp, bàn thấp kê
san sát, ghế gỗ hay chỉ đơn giản là những khúc cây thay ghế mà lúc nào cũng
đông khách, toàn là khách sinh viên. Những thằng sinh viên ốm đói nheo nhóc vạ
vật miếng cơm bao cấp lưng bữa trong kí túc xá nhưng lại cảm thấy ấm tình khi
ngày đôi bận lượn lờ trong quán cà phê, ngồi gác chân bợm bãi phách lác, mắt
lim dim nghe nhạc như những tên sành sõi, môi phì phà hút chung điếu thuốc thứ
phẩm giá rẻ bán ở tiệm tạp hóa Thư Sinh… Vậy mà cảm thấy mãn nguyện dù đôi khi
cả đám chung vài ba café để xúm tụm trà nước, nghe nhạc miễn phí, được thưởng
thức không khí quán cà phê như một thứ xa xỉ thượng thặng. Tiền nong có bao lăm
nhưng thời gian hao mòn tuổi trẻ thì nhiều - nhiều đến phung phí mà chẳng nuối
tiếc gì…
***
Sau này ra trường lên xứ núi công
tác, nơi thung lũng hoang vu này cũng chẳng có thú vui gì khác ngoài café.
Sáng rỗi rãi café. Tối ăn xong lội
khe qua thị trấn uống ly café cho tỉnh táo để về nhà tập thể chuẩn bị đối đầu với ma Khôi (đã kể ở chuyện trước). Thiên hạ có
tiền bạc rủng rỉnh thì ăn nhậu; giáo chức ít tiền thì café.
Mà cũng cần nói thêm là café những lúc thế này không chỉ là thưởng thức hương vị café mà còn nghe nhạc. Bởi thời bấy giờ, các loại máy nghe nhạc như dàn Akai, máy Cassette, đầu chạy đĩa than vẫn là của hiếm.
Nhà có điều kiện, nơi có điện mới dùng được nó.
Chúng tôi thiếu hai thứ đó nên nghe nhạc vẫn luôn
là điều hiếm hoi, khao khát.
Giữa núi rừng, thung lũng này bỗng
đâu đó vang lên tiếng nhạc từ radio hay từ máy cassette của nhà dân… đều là
điều tuyệt vời, đáng để xuýt xoa.
Vậy nên bất kể đêm hay ngày, thay nhau ôm cái đài bán dẫn Panasonic mà rà các đài phát thanh nước ngoài như BBC, RFI, RFA... để dò nghe vài bản nhạc ngoại hay nhạc vàng cũng là một thú vui.
Nếu đó là những bản nhạc quen thuộc như
thánh ca của ABBA, giai điệu ma mị của Bee Gees, những tiếng guitare lead cầu
kì của Scorpion, những tiết tấu sôi nổi của Smokie… thì thật đáng để dừng lại
mọi thứ mà gật gù, hát la lá là… theo.
Nếu đó là giọng ca cao vút, mỏng như lụa của Thái
Thanh với tình khúc Phạm Duy, hoặc giọng trầm ấm của Khánh Ly với ca khúc Trịnh
Công Sơn, hay là sự trong trẻo của Lệ Thu với Sơn Ca 9… thì thật đáng để nhớ,
để tưởng tượng mông lung, tìm lại ký ức nào đó…
Lúc này mỗi thằng tùy trạng thái sẽ
có cách hành xử khác nhau: đứa thì lấy cây đàn dò theo tone và hợp âm rồi gảy
tiết điệu (nếu có đàn gần bên); đứa thì lim dim mắt hát theo mà lên cao đéo nổi; đứa manh động thì gõ mặt bàn, đập vào lưng ghế, gõ đũa vào chén như đang
sử dụng bộ gõ; đứa thì nhịp chân "á đù, quá hay, quá đõa"...
Và nhận ra nó đã lặm vào mình từ lúc
nào không biết.
Phương điên sau này hay đọc đi đọc
lại một đoạn phi lộ trong băng cassette Khánh Ly hát nhạc Trịnh Công Sơn: “Nói cho em nghe, sông rồi cũng trôi ra
biển, đời người rồi cũng trở về cát bụi, nhưng những tình khúc này sẽ sống mãi
như lời yêu thương chúng ta trao nhau hôm nào…”
Chợt nhớ mấy câu thơ của Du Tử Lê: “Thế kỷ chúng tôi trót buồn trong mắt/ Dăm bảy
nụ cười không đủ xóa ưu tư/ Cửa địa ngục ở
hai bên lồng ngực/ Phải vác theo trăm tuổi đường dài/ Nên có gởi cho ai vài giọng nói/ Cũng nghe buồn
da diết chạy trên môi/ Năm ngón tay có bốn mùa trái đất/ Chúng tôi cầm, rơi mất một mùa xuân/ Cất tiếng
đòi to, tiếng đòi rơi rụng/ Những âm thanh
làm sẹo ở trong hồn.”
***
Ngẫm ra chúng tôi đang mắc nợ quán café
Thầy Long đã bao dung với đám sinh viên đói ăn, khát uống, thèm thuồng nghe
nhạc và cù bơ lãng tích ngay trong đời sống tinh thần của mình. Và dù thế nào
đi nữa, vẫn cảm thấy an nhiên khi nghe “Let it be” của The Beatles mà Phương điên dịch là
"Kệ mẹ nó" !
Nhưng có điều lạ là những món nợ ấy
nó cứ bềnh bồng mãi khiến mình thấy vui hơn vì nó là một phần không thể thiếu
trong đời sống tuổi trẻ lung lạc đã qua.
Ở thung lũng Zơ Nông lúc này, ngồi café nghe nhạc để ôn lại ký ức.
Café nghe nhạc để thẩm thấu giai điệu
một bản nhạc không lời rồi tối về xúm vô nhắc nhau chơi lại.
Café quán em Hương dưới gốc cây mùn cổ thụ cuối thị trấn để
ngắm em xinh đẹp hay cười, vui tính.
Café quán chị Thúy đầu cầu Khe Điêng
để Tuấn con mãn nhãn "mai-a" bộ vú mướp chị chủ mà hồi sức môn chạy bộ tích cực.
Café chỗ quầy bar cửa hàng Công ty
cấp III vì chỉ nơi đó mới có một băng cassette gồm những bản nhạc mình thích
mà không quán nào trong thung lũng này có.
***
Giờ thì quán xá nhan nhản, toàn quán
đẹp, view xinh, em út bưng bê sáng nước như hoa khôi thì mới vào ngồi. Café thì
đâu cũng ngon. Nhạc thì không cần lắm vì lỗ tai và bộ nhớ của mình đã no đủ với âm nhạc.
Nhưng gần đây, khứa Văn Quý Sáu hay
rủ mình đi café không phải để đãi đằng nghiêm cẩn mà chỉ để nhâm nhi thanh thản
với hoài niệm xa xôi trong những quán café có cấu hình quen thuộc xưa cũ.
Hắn dẫn mình đến một quán góc phố nơi bàn kê trên lề đường để ngắm nhân loại đi qua đi lại cận cảnh; nghe được mùi thơm tho đượm trong không gian khi có em gái thị thành đi ngang qua. Hoặc hắn hẹn mình đến quán café bàn gỗ, ghế đẩu thấp tè vừa đủ đặt mông, ngồi khom lưng hoặc dựa tường tán phét để chợt nhớ bài thơ "Buồn Gì Đâu" của Bùi Chí Vinh:
"Uống ly cà phê trong quán cóc
Ngẩng đầu lên và ngó ra đường
Các em thất tiết nhiều hơn trước
Bộ ngực nào cũng nhuốm phong sương
Ta có thói quen nhìn khoảng giữa
Chỗ trọng tâm giữa gót và đầu
Kẻ có rơm còn người có lửa
Mắt mờ mà chân mở, lạ sao
Tại các em cứ hay khiêu khích
Dáng thì xà tướng, mắt thì dâm
Tại các em cứ hay tinh nghịch
Hồng diện "căng", trường túc lại "đầm"
Mà ta thì giỏi nghề họ Mã
Chưa Giám Sinh cũng đủ lẩy Kiều
Có đêm bủn rủn hai mắt cá
Gối mòn chân mỏi cũng vì yêu
Có đêm chỉ biết phều phào thở
Lõm xương vai, lồi hết xương sườn
Chuyện đời hành lạc từ kim cổ
Vốn mùi như em hát cải lương...
***
Chuyện café tạm dừng.
Chuyện Văn Quý Sáu sắp mở ra.
Rứa hỉ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét