12/12/21

2.235. HAI “THÁI CỰC” ĐẸP


  LTS: Tháng 12 năm 2021, mình được tỉnh Quảng Nam xét chọn hỗ trợ sáng tạo, phổ biến tác phẩm, công trình văn học, nghiên cứu về Quảng Nam năm 2021. Mọi việc cho việc xuất bản sách đã chuẩn bị từ trước nên khi có qđ hỗ trợ, việc ra mắt tác phẩm khá nhanh chóng, kịp thời. Bài viết sau đây của tác giả Bảo Anh đăng trên báo Quảng Nam số ra ngày 11&12/12/2021 đã giới thiệu và có những đánh giá đúng mức về hai tác phẩm phát hành sớm nhất trong đợt này. Đặc biệt góc nhìn của tác giả về hai tác phẩm này khá thú vị: Hai “thái cực” đẹp.

(Mộc Nhân lưu lại bài báo để ghi nhớ một sự kiện cá nhân)

***

Chưa đầy một tháng kể từ ngày UBND tỉnh ra quyết định hỗ trợ sáng tạo, phổ biến tác phẩm, công trình văn học, nghiên cứu về Quảng Nam năm 2021, đã có 2 trong số 18 tác phẩm, công trình được hỗ trợ, chính thức phát hành. Và tình cờ, 2 tác phẩm được phát hành đầu tiên, gần như cùng lúc này lại là hai “thái cực” đẹp một cách thú vị...

Vẻ đẹp “cổ tích”

Cuối tuần trước, nhà văn Nguyễn Bá Hòa - hội viên Hội VHNT tỉnh, một trong số 18 tác giả, nhóm tác giả được UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí xuất bản năm 2021, đã cho phát hành tác phẩm của mình. Tập truyện dài thiếu nhi “Hân cổ tích” (NXB Hội Nhà văn) của anh là tập sách đầu tiên trong loạt sách được UBND tỉnh hỗ trợ năm nay, được xuất bản, phát hành đến công chúng.

Xoay quanh các nhân vật chính gồm Hân “cổ tích”, bé Trân, ông bà nội, cô giáo và một số con vật, truyện dài thiếu nhi “Hân cổ tích” của Nguyễn Bá Hòa mở ra một không gian gia đình đầy yêu thương; một thế giới học đường hồn nhiên trong sáng; một không gian thiên nhiên bao la, tươi xanh và đáng yêu.

Vượt lên trên những bất hạnh, thiệt thòi cá nhân; vượt qua, cảm hóa và chiến thắng những cái xấu đang rình rập đâu đó, các nhân vật trong truyện - gồm cả các nhân vật thiếu nhi và người lớn, đã sống, hành xử bằng tất cả tình yêu thương, nhân ái...

Nhiều câu chuyện, sự việc, tình tiết của tập truyện được đan lồng khéo léo, hợp lý vào từng không gian sống gần gũi, quen thuộc nhưng nên thơ, tươi đẹp và đầy hoa mộng. Qua đó, khơi dậy tình yêu thiên nhiên và ý thức bảo vệ môi trường, không chỉ cho trẻ em mà cả cho người lớn, làm cho cuộc sống ngày càng tươi đẹp hơn.

Với giọng văn nhẹ nhàng, chừng mực; ngôn ngữ giàu giá trị biểu cảm, linh hoạt, phù hợp với từng chi tiết và tình huống truyện,... tập truyện dài thiếu nhi “Hân cổ tích” của Nguyễn Bá Hòa mang đến cho người đọc một cảm giác nhẹ nhõm, gần gũi.

Đặc biệt, truyện có nhiều chi tiết đắt; nhiều tình huống thắt - mở nút khá bất ngờ, hợp lý và độc đáo, mới lạ. Ngoài ra, tác giả khá khéo léo trong việc sử dụng nghệ thuật kết nối, lồng ghép yếu tố hiện thực với đồng thoại, làm cho truyện thêm lung linh, đáng yêu và làm cho “chất thiếu nhi” của truyện tăng lên đáng kể... “Hân cổ tích” là một tập truyện hay và đẹp như cổ tích!

Cùng lúc với việc phát hành “Hân cổ tích”, nhà văn Nguyễn Bá Hòa còn cho ra mắt hai tập sách nữa, gồm tập thơ “Quá xuân” (NXB Hội Nhà văn) và một tập truyện dài thiếu nhi “Người dưng thương nhớ” (NXB Kim Đồng).

Như vậy, chỉ sau 6 năm “thử sức” trên địa hạt văn học thiếu nhi, nhà văn Nguyễn Bá Hòa đã có 5 tập truyện dài được xuất bản (trước đó là các tập: “Vạn dế than” - NXB Hội Nhà văn 2015; “Mõm đen ngày trở về” - NXB Kim Đồng 2018, “Bình minh trên sông Hoài” - NXB Kim Đồng 2019). Và, anh trở thành tác giả văn học có nhiều tác phẩm dành cho thiếu nhi nhất ở Hội VHNT Quảng Nam.

Vẻ đẹp của sự giao thoa

Chậm hơn nhà văn Nguyễn Bá Hòa vài ngày, đầu tuần này, một người khác cũng được UBND tỉnh hỗ trợ xuất bản lần này là nhà thơ Lê Đức Thịnh, cũng cho phát hành ấn phẩm của mình - tập thơ “Ngẫu khúc chữ” (NXB Đà Nẵng).

Theo đánh giá của Hội đồng thẩm định hỗ trợ sáng tạo, phổ biến tác phẩm, công trình văn học, nghiên cứu về Quảng Nam năm 2021, đây là một tập thơ hay, tuy nhiên chưa hẳn sẽ phù hợp với số đông người đọc.

Bởi lẽ, không chỉ mang những ý hướng hiện đại, tập thơ này còn khá mới khi có sự giao thoa của thi pháp truyền thống, hiện đại và hậu hiện đại. Tuy chưa phải thật sự bứt phá, song tập thơ này của Lê Đức Thịnh vẫn ít nhiều tạo nên một “thái cực” mới lạ.

“Ngẫu khúc chữ” gồm có 46 bài thơ, đều là những bài thơ dài, được viết chủ yếu bằng thể thơ tự do, có vần điệu, ngôn ngữ và kết cấu khá hiện đại, tạo nên một chỉnh thể thơ giàu âm hưởng, vọng động, gợi được nhiều liên tưởng đẹp và thú vị.

Dù vậy, bằng việc bám giữ, kiếm tìm và khai thác những hồi ức, trải nghiệm, tập thơ trở nên như một sự bộc bạch tấm chân tình của tác giả đối với quê hương, xứ sở, tình yêu và những suy tư, chiêm nghiệm giàu tính triết luận về lẽ sống và các giá trị tinh thần vĩnh hằng của con người.

Có một số bài thơ dài trong tập thơ này còn mang âm hưởng/ hơi hướm của trường ca, có tính liên văn bản, tạo nên những trường cảm xúc thú vị; đồng thời tạo không gian khơi mở đồng sáng tạo cho người đọc. “Tôi - gã thí chủ không tín điều/ ngồi dưới vòm cây/ nhắm mắt/ hít vào một hơi sâu/ thở ra một hơi dài (...)/ giữa cuộc phóng sinh vô thường/ và viết ra khúc slam của mình/ trong khi mọi người/ vẫn đang trình diễn khúc slam phóng sinh tháng bảy” (Khúc slam phóng sinh).

Đặc biệt, những hình ảnh về một Quảng Nam gần gũi, thân thương được tác giả chọn lọc và đưa vào thơ với tương quan vừa phải, hợp lý, trở thành những thi ảnh đẹp, phù hợp với nội dung và chỉnh thể nghệ thuật của từng bài thơ và của cả tập thơ.

Có phần trúc trắc, nhưng sự da diết thì không thiếu trong những câu thơ như thế này: “Có dòng sông thao thức mỏi chiều/ ngày trôi giữa kẽ ngón tay và lá rơi mênh mông cánh rũ/ bầu ngực thịt da thơm hương ngày cũ/ anh nghe bờ bãi phù sa dịu lắng tim mình” (Có những dòng sông chảy trong tôi).

Bảo Anh – Nguồn: baoquangnam

 

Không có nhận xét nào: