19/4/23

2.742. HƯƠNG THỜI GIAN

 Mộc Nhân 

(Trích bài viết về tập sách "Hương thời gian" của Phan Vân Trình)

----------- 

Hương thời gian là tập biên khảo thứ tư của Phan Vân Trình sau Từ lời hát ru xứ Quảng (Nhà xuất bản Đà Nẵng - 2018), Ngọn bút sắc của vị Kiều tướng (Nhà xuất bản Đà Nẵng - 2020), Ngọc trong đá (Nhà xuất bản Hội Nhà Văn 2021). Với những gì mà Phan Vân Trình đã dày công đọc, truy xuất, ghi chép, tái tạo… trong suốt hành trình nghiên cứu, chúng ta thấy anh có đủ phẩm chất của một nhà biên khảo thực sự.

Đình Không Chái ở làng Hóa Phú, Đại An, Đại Lộc, QN


Tựa sách Hương thời gian khiến chúng ta nhớ đến những câu thơ trong bài Màu thời gian của thi sĩ tiền chiến Đoàn Phú Tứ: “Màu thời gian không xanh/ Màu thời gian tím ngắt/ Hương thời gian không nồng/ Hương thời gian thanh thanh”. Có lẽ với việc mượn tứ thơ trên để đặt tựa, nhà biên khảo muốn nói rằng, thời gian vô thủy vô chung nhưng mang theo những sắc màu đẹp đẽ; những gì vượt lên sự sàng lọc nghiệt ngã của thời gian để còn lại sau khi đã quên đi tất cả có thể ví như một thứ hương bất tử: Hương thời gian.

Hình tượng thi ca trừu tượng mà đẹp đẽ ấy vừa gợi mở đề tài cho tác phẩm vừa dẫn dắt bạn đọc vượt khỏi không gian biên khảo để tiếp cận các giá trị nghệ thuật trường cửu từ đất và người xứ Quảng.

Dòng biên khảo của Phan Vân Trình không chỉ dừng lại ở nghiên cứu mà còn là dòng hoài niệm người xưa, cảnh cũ với nhiều trầm tích văn hóa xã hội  cũng được tác giả khảo cứu khá kỹ.

Với những gì mà Vân Trình mang đến cho chúng ta trong tập biên khảo này, anh đã ý thức được trách nhiệm của người cầm bút - không phải là thấy được nó, mà là kích hoạt để nó sống lại trong đời sống hiện tồn của cộng đồng, dân tộc…

(Hết trích - văn bản đầy đủ tôi sẽ đăng sau khi sách được xuất bản)

----------

Một bài viết trong tâp Hương thời gian của Phan Vân Trình

THẤT CHÂU QUẢNG HUẾ

Từ nửa sau thế kỷ 15, dưới thời Lê sơ, công cuộc khai khẩn và phát triển làng xã ở Bắc Quảng Nam được đẩy mạnh.Theo đó, một xã lớn ra đời, mang xã hiệu Quảng Hóa (Quảng Huế), thuộc huyện Điện Bàn, phủ Triệu Phong, xứ Thuận Hóa. Đây là một trong 66 xã/làng có tên trong sách Ô châu cận lục của Tiến sĩ Dương Văn An, viết năm 1553, sửa chữa và ấn hành năm 1555. “Thất châu Quảng Huế” tức 7 châu vùng Quảng Huế: Hóa Đại, Hóa Yên, Hóa Phú, Quảng Hóa, Hóa Trung, Hóa Đông và Hóa Tây, nay thuộc xã Đại An, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam.

Lai lịch danh xưng

Danh xưng “Thất châu Quảng Huế” bắt nguồn từ lịch sử hình thành vùng đất này, khi mà vùng cửa sông Thu Bồn, Vu Gia hãy còn nằm sâu trong đất liền. Theo cố Tiến sĩ sử học Huỳnh Công Bá, châu (洲)ở đây có nghĩa là “bãi” hoặc “cồn”. Ngược về thế kỷ 15, khi theo vua Lê Thánh Tông vào mở đất ở Quảng Nam, những lưu dân Việt đã bền gan vững chí khai phá và cải tạo vùng bãi tân bồi ven sông Vu Gia, Thu Bồn với đặc điểm là đất thấp, phù sa mới bồi chưa có điểm tựa để ổn định, hằng năm lại bị nước lụt đi qua làm rửa trôi phù sa. Biện pháp chủ yếu được lưu dân áp dụng thành công đó là làm “cứng” dần đất đai thông qua việc “đẩy” dần lau, bói tiến ra mép sông và trồng dâu ở bên trong. Những bãi dâu xanh mượt ven sông không chỉ là nguồn thức ăn cho những nong tằm óng ả mà còn là những “trụ cột” giữ đất có hiệu quả, đồng thời thúc đẩy quá trình bồi tụ của phù sa trong mùa mưa lũ. Địa bạ ở hầu hết vùng “Thất châu Quảng Huế” đều ghi là “tang căn thổ”, tức đất gốc dâu, là vì thế mà ra. Đối với những bờ đứng, để chế ngự hiện tượng sụt lở đất, lưu dân cho phủ loại cỏ dày, cỏ lùng- là những loại cỏ thân rễ ken dày, đan thành nhiều lớp, bám chặt đất. Các loại cỏ này có tác dụng che mưa rất tốt, khi nước lũ đi qua chỉ bị rạp xuống và xuôi theo dòng nước, không tạo ra hiện tượng nước xoáy. Ở khu vực quanh nhà ở, lưu dân trồng các loại cây lưu niên có thân và tán cao như mít, cau, bưởi, ổi và đặc biệt là trồng tre để ngăn nước lũ cuốn trôi nhà cửa.

Công cuộc khai khẩn để “giang thủy biến vi tang điền”, hình thành  nên “Thất châu Quảng Huế” kéo dài rất nhiều năm và vô cùng gian nan, khổ ải. Phổ hệ của tộc Lê Thế làng Quảng Hóa (Quảng Huế) cho hậu thế biết rõ hơn điều này: “Triệu thủy tiền hiền khai khẩn tự Lê quý công, húy là Lê Thế Thái, nguyên người Thọ Xuân, Thanh Hóa. Ông vào Quảng Nam xong việc chỉnh đốn biên cương rồi, ông ở lại lập nghiệp. Ông bèn khai hoang vỡ hóa hai xứ đất là Vũng Cầu và Bàu Tôm, nay thuộc địa bộ Hóa Phú. Sau vì lũ lụt quá lớn, ông bỏ đi lên xứ đất Cây Dừa làng Quảng Hóa. Khai phá đã nhiều nhưng chưa ổn định được nơi ăn chốn ở, ông còn bâng khuâng lo nghĩ. Thời gian trên, hai ông bà gặp nhau, bị con cái ốm đau, rồi chết cả hai người con, an táng tại mẫu tư diên cư xứ Cây Dừa, nên ông cho đất này không được tốt, đành phải dời đi nơi khác, tức là xứ Cây Gạo làng Quảng Hóa bây giờ. Đến đây ông dựng nên cơ nghiệp, có đất tự điền, nhà thờ, chung quanh xứ này do ông khai phá”.

Theo các nhà nghiên cứu, nghề trồng dâu và chăn tằm kéo kén, dệt lụa của người dân “Thất châu Quảng Huế” chính là nhân tố quan trọng để chợ Quảng Huế trở thành trung tâm giao lưu hàng hóa giữa Đại Lộc với Điện Bàn, Duy Xuyên, Hội An… và miệt nguồn bằng đường thủy. Theo Đại Nam nhất thống chí, chợ Quảng Huế có ngạch thuế hạng 6. Cho đến nay, dân gian vẫn còn lưu truyền câu ca:

Kể từ Quảng Huế xô ra 

Khe Rô, Quảng Đại, Ô Gia, Trang Điền…

Hay: 

Kể từ Quảng Huế xô ra 

Kim Liên, Lệ Trạch, Vân Ly, Đa Hòa… 

Trong cuốn Quê nội, nhà văn Võ Quảng đã miêu tả sự giao lưu hàng hoá ở chợ Quảng Huế xưa: "Bạn hàng từ Bảo An lên mua sợi đi một hàng dài, người nào cũng có một cái cân móc trên khuy áo trước ngực, trên vai vắt một khăn vuông to".

Ngày nay, cầu Quảng Huế và cầu Giao Thủy đã nối đôi bờ Đại An – Đại Cường, Đại Lộc - Duy Xuyên, cầu Vân Ly sắp được khởi công xây dựng kết nối Đại Lộc – Điện Bàn. Đây là điều kiện thuận lợi để chợ Quảng Huế phục hồi những giá trị văn hóa độc đáo từ xa xưa.

  Dấu xưa một thuở

  Tại làng Hóa Phú, thôn Phú Mỹ, xã Đại An, huyện Đại Lộc hiện tọa lạc một ngôi đình cổ- đình Không Chái. Tương truyền, đình này vốn có tên là đình Quảng Huế- đình chung của “Thất châu Quảng Huế”. Xưa, đình có 5 gian và 2 chái, kiến trúc theo dạng hình chữ Nhất, cột đình to hơn vòng tay ôm của một người lớn, gạch ngói sử dụng xây dựng đình làng đều là gạch ngói cổ. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, ngôi đình cổ chỉ còn lại 2 trụ biểu, bức bình phong và 4 trụ đá cùng câu đối:

Tứ tộc kế tiền công đấng lương nhật lự

Lục châu hoàn ngoại viện sơn thủy thiên thành.

Tạm dịch:

Bốn tộc kế tục cơ nghiệp tiền nhân ngày ngày lo sao xứng đáng với vai trò rường cột.

Sáu châu bao quanh mặt ngoài núi sông này trời tạo lập nên.

Theo các bô lão ở làng Hóa Phú, bốn tộc được vinh danh trong vế đối thứ nhất là: Lê, Nguyễn, Trần, Võ. Đây là các tộc đầu tiên có mặt ở vùng đất hoang ngập nước Quảng Huế để khai phá và lập nghiệp. Còn vì sao có 7 châu tạo lập đình mà vế đối thứ hai lại ghi "lục châu hoàn ngoại viện"? Đó là vì châu Hóa Phú là địa điểm xây dựng ngôi đình, 6 châu còn lại nằm bao bọc xung quanh châu này.

Ngày xưa, cứ mỗi độ xuân về, đình Quảng Huế là nơi các tộc họ của 7 châu cùng nhau đón Tết. Sân đình diễn ra Hội bài chòi- một trò chơi dân gian hấp dẫn. Trong không khí rộn rã ngày Tết, tiếng hò thai vui nhộn, tiếng trống reo vui như thôi thúc mọi người: “Rủ nhau đi đánh bài chòi/ Để cho con khóc đến lòi rún ra”. Về sau, khi các vùng dân cư phát triển mạnh, bà con các châu cúng bái để xin Thành hoàng và các bậc tiền nhân cho tháo dỡ 2 chái của đình Quảng Huế chia nhau nhằm "lấy thiêng" mang về xây dựng các ngôi đình riêng ở từng châu. Từ đó đình chung chỉ còn lại phần chính mái lợp ngói và mang tên mới- đình Không Chái.

Đình Không Chái không những là dấu xưa một thuở của “Thất châu Quảng Huế” mà còn là một di tích lịch sử cấp tỉnh (được UBND tỉnh Quảng Nam xếp hạng năm 2005).

---------

Tiểu luận: Mộc Nhân

Bài biên khảo: Phan Vân Trình

(Nguồn đã dẫn)



Không có nhận xét nào: