11/4/23

2.736. NHỮNG VỆT THỜI GIAN TRONG VƯỜN KÝ ỨC

 Trích tiểu luận của Mộc Nhân về thơ Trần Anh Dũng (1)

Trần Anh Dũng bồng bềnh giọng điệu buồn, chữ nghĩa trau chuốt, dụng công. Dẫu thấp thoáng trong bài thơ là những câu chuyện nhưng tôi hiểu anh đã sống với những kỷ niệm đẹp chứ không phải với giấc mơ không thành.

Trần Anh Dũng và gia đình

Trong dòng hoài niệm ấy, anh trải nghiệm sự mong manh, hư ảo của cõi người như gió thoảng – bất cập với cõi sống - nhưng anh vẫn gói gắm mọi thứ thành một ký ức trong những câu thơ quyết liệt và tỉnh táo: “Viên sỏi nào bên lối xưa u mê/ Nhớ bàn chân ngái mùi hoa ngũ sắc/ Dáng xưa cũ tóc buồn hong khói nhạt/ Nắng quên đi và gió cũng quên về” (Vườn ký ức).

Đối thoại và độc thoại trong thơ anh cuộn lên khát vọng yêu trong dòng thời gian. Anh nhận ra “Buổi chiều hiền như cỏ dại/ Đợi nhau nóng cả chỗ ngồi”– niềm vui thời trai trẻ trong những cuộc hẹn hò, chờ đợi nôn nao cùng với gởi gắm: “Nhớ hái trên ngàn mây thắm/ Rau rừng đắp kín hồn tôi” (Rau rừng)

Anh đi nhiều, lưu dấu trong những trang viết qua những địa danh, chỉ dấu văn hóa vùng miền suốt từ Bắc chí Nam, nhưng sâu đậm nhất vẫn là bài anh gởi lòng mình vào quê xứ: Tam Kỳ, Tiên Phước, Phú Ninh... Nó chất chứa nhiều chi tiết đời thường quen thuộc của quê hương, con người, cảnh vật như: hoa mộc miên, đàn sáo sậu, nắng sớm, sương chiều sơn cước… mà mênh mang nỗi lòng nhân vật trữ tình: “Em dắt tôi lên thăm vườn địa đàng/ Chiều mang mang Tam Lãnh/ Tôi treo ưu phiền lại trên bến vắng/ Chòng chành/ theo sóng/ Phú Ninh xanh”.

Do tính trải nghiệm của mỗi cá nhân từ đời sống và ngôn ngữ thơ nên người đọc này không như người đọc kia. Chúng ta khó có thể chia sẻ trải nghiệm đọc của mình một cách thấu đáo. Việc diễn đạt trải nghiệm thơ cũng chỉ từ lăng kính cá nhân với sai số nhất định nhưng không nên để người đọc và nhà thơ rời xa nhau; bởi từ những khoảnh khắc ấy chúng ta nhận ra tri âm: “Trà My một thuở buồn như lệ/ Mây núi che ngang một nẻo trời/ Có kẻ xa xăm nhìn bóng xế/ Chạnh lòng mơ phố nhớ chơi vơi (Trà My một thuở)(2)

------------

Chú thích:

(1). Trần Anh Dũng: Gv Đại Học Quảng Nam, Hội viên hội VHNT Quảng Nam

(2). Bài này trích tiểu luận của Mộc Nhân. 


* Hai bài thơ của Trần Anh Dũng

HỒNG HOANG

                             

Ta đi vào cõi vô cùng

Ngắm trăng hoa nở một vùng phiêu diêu

Dừng chân cuối dải ráng chiều

Hồn xao xác giữa tiêu điều nắng thu

 

Ta đi vào cõi sa mù

Gặp em đợi giữa thiên thu mây ngàn

Dắt nhau về chốn nhân gian

Vẽ nên trời đất âm dương ngũ hành

 

Ta đi vào cõi xưa xanh

Đọc thư tịch cổ biết mình hư vô

Thế nhân xa bến xa bờ

Trăm năm xếp một cuộc cờ chưa xong

 

Ta đi vào trận bão lòng

Phất phơ một dải lụa mông lung buồn

Nghe sương khói phủ trong hồn        

Bước chân níu giữa hai dòng thực hư

 

Ta gầy guộc bởi ưu tư

Em ngây ngô mải trò chơi trốn tìm

Về ngồi hát với trái tim

Thì thôi dù được dù không cũng đành.

      ------------------

GIÓ ĐƯA CÂY CẢI VỀ TRỜI

 

Sẽ có một ngày ta nói lời chia tay

Trong mắt lệ hát bài ca tiễn biệt

Em sẽ khóc mái tóc sầu đẫm ướt

Anh sẽ buồn li rượu trắng năm canh

 

Sẽ có một ngày tóc em kém xanh

Sẽ có một ngày môi em hết đỏ

Anh lang bạt nghe theo lời mây gió

Em còn gì cho những cuộc tình sau

 

Thời gian đi nước chảy chân cầu

Ta chèo chống giữa hai dòng trong đục

Đời ban phát khổ đâu và hạnh phúc

Ta được gì sau những đợt phân chia

 

Em đã được gì sau mỗi đợt phân chia

Mà mắt môi em u buồn đến vậy

Một mai kia giữa đường đời xa ngái

Kỉ niệm nào còn giữ lại trong em

 

Sẽ có một ngày đời thật bình yên

Em ngủ vùi trong vòng tay kẻ khác

Anh lang thang giữa đời thầm hát

“Gió đưa cây cải về trời

Rau răm ở lại chịu lời đắng cay”.

----------

Không có nhận xét nào: