Mộc Nhân
Ngẫm nghĩ thấy trên và trong cơ thể con người, có rất nhiều thứ đi vào văn thơ với những giá trị mỹ cảm nhất định. Những bộ phận bên ngoài cơ thể như tóc, lông, tai, mắt, miệng, môi, cổ, ngực, eo, mông, chân tay, da thịt, thậm chí bộ phận sinh dục… đều gợi cảm xúc đi vào thơ ca và con người cũng dành nhiều mỹ từ so sánh, ẩn dụ dành cho chúng.
Tóc thì có tóc
huyền, tóc mai, suối tóc… lông thì có lông măng, lông tơ… tai
thì có tai Phật, tai voi, tai thỏ… mắt thì có mắt nhung,
mắt biếc… miệng thì có miệng hoa, miệng hùm… môi thì có môi
trái tim, môi kẻ chỉ… bộ phận sinh dục thì hóa thân thành chim,
bướm…
Những thứ bên trong con người như: tim,
óc, máu, gan, nước mắt… cũng là nguồn cảm hứng và mang những ý nghĩa ẩn dụ sâu
xa.
Duy chỉ có nước miếng (nước bọt, nước
dãi) thì ít xuất hiện, ít có giá trị mỹ cảm trong văn chương, nếu có chăng thì
nó cũng khơi gợi một cái gì đó mang ý nghĩa “phỉ nhổ”.
Điều này có vẻ như là bất công chăng?
Wikipedia định nghĩa: nước miếng hay còn gọi là nước
dãi, nước bọt là chất tiết có dạng nhờn, trong, hay có bọt, tiết
ra từ các tuyến nước bọt vào miệng với nhiều công dụng khác
nhau, quan trọng nhất là giúp việc nhai và tiêu hoá thức ăn trước khi nuốt,
đồng thời điều hòa độ acid trong miệng giữ
cho răng bớt sâu mòn.
Người lớn trung bình tiết ra khoảng
1-1,5 lít nước bọt mỗi ngày. Dân gian và đông y gọi nước miếng là "thần thủy", “tân dịch” và từ thuở xa xưa đã nêu lên
nhiều kinh nghiệm về lợi ích của nước bọt: sát trùng, cầm máu, triệt tiêu mụt
cóc, giúp bổ sung năng lượng, giúp ngon miệng, nhuận ngũ tạng, làm cho đầu óc
minh mẫn, đẹp da… Thậm chí có sách còn khuyên nuốt nước bọt ba trăm lần một
ngày sẽ tăng tuổi thọ.
Ngày xưa các bà mẹ thường nhai cơm đút
cho trẻ ăn; khoa học hiện đại xem đây là hành động mất vệ sinh vì lây truyền
bệnh từ mẹ sang con và làm mất hết dinh dưỡng trong thức ăn nhưng thực ra từ
ngàn năm nay bao thế hệ vẫn lớn lên từ kiểu cho trẻ ăn như thế; ấy là do tác
dụng thần kỳ của nước miếng người mẹ.
Tướng số cũng dành nhiều trang để luận
về người mà suốt này nhổ nước miếng đều thuộc hạng “tiện tướng” (tướng bần
tiện) - đó là do ngoài hành vi khó coi còn có nguyên nhân quan trọng là người
mà không thường xuyên nuốt nước miếng để làm nhuận ngũ tạng, nên thể trạng khô
kiệt, da dẻ cằn cỗi.
Còn trong chuyện tình yêu nam nữ, chắc
chắn khi yêu nhau người ta đều hôn - hôn môi (khóa môi); hôn như vậy thì lưỡi
chạm nhau (tiếng anh gọi là From tongue to tongue) và hiển
nhiên nam nữ sẽ được nếm trải nước bọt của nhau. Chưa có sách vở nào lên án đó
là kiểu hôn “mất vệ sinh”. Nụ hôn đó truyền cảm hứng cho nhau, là bước khởi
động không thể thiếu cho cuộc ái ân.
Tuy nhiên, những câu thơ viết về nước
bọt có thể nói là hiếm: "Tôi là một thằng lắm chuyện/ Tự nhiên đi
nghiện mồm em/ Cái lưỡi cong lên phát thèm/ Nước bọt mấy lần nuốt
ực..." (Đình Nguyên).
Quyền lực của nụ hôn nằm ở miệng, môi,
lưỡi và nước bọt nhưng người ta lại quên đi chất xúc tác quan trọng là nước bọt
mà chỉ ca ngợi miệng, môi, lưỡi!
Vì sao vậy?
Có thể hình tướng của nước bọt chẳng
mấy hấp dẫn chăng? Có thể là khi nó còn nằm trong miệng thì ích lợi nhưng khi
đã ra ngoài thì gợi cảm giác ghê tởm gắn liền với hành động tỏ thái “nhổ nước bọt” chăng? Có thể nó gắn liền
với các hình ảnh phản cảm như “mồm loa mép dãi”, “nói phèo nước bọt”
chăng? Có thể nó gợi lên những điều bản năng dạng “thèm”, dung tục không thể kiềm chế và cái sự thèm ấy kích hoạt “chảy nước dãi” như: thèm ăn, thèm uống,
thèm gái (học hành ba chữ lem nhem/ thấy gái thì thèm như chửa thèm
chua).
Mọi ma lực về ẩm thực, sự quyến rũ tính
dục đều kích hoạt sự xuất hiện của nước bọt: “Trèo lên cây chanh, ngã áo
bọc chanh/ Ơi người quân tử tài danh/ Chớ thấy chanh chua mà chép miệng/ Chớ thấy
con gái lành mà yêu” (Ca dao).
Những kẻ dùng miệng lưỡi của mình để
sinh lợi được gọi là “bán nước bọt”.
Thành ngữ “Nhổ nước bọt lên
trời” để nói về người nào mắng chửi người khác mà người ấy vô can vô
tội thì ác nghiệp sẽ thuộc về kẻ ác khẩu giống như ngửa mặt lên trời phun nước
bọt, nước bọt không tới trời mà rời xuống ngay mặt người phun vậy.
Trong Kinh Thánh, mục “Giăng” - chương 9, có kể chuyện Đức Chúa Trời dùng nước bọt của mình để chữa bệnh cho kẻ mù làm người ấy sáng mắt trở lại.
Mới thấy nước bọt là dạng vật chất đa diện, giàu tính cách, phong phú trong cảm xúc biểu đạt, đôi khi lại đối lập nhau về nhiều mặt: vừa là thứ có ích cho con người - nhưng đôi khi lại xem như thứ bỏ đi; vừa là sản phẩm của thăng hoa - vừa biểu hiện sự phàm tục; là một thực thể trần trụi nhưng lại mang nhiều ý nghĩa ẩn dụ…
Vậy
nên thi sĩ rất cẩn trọng khi sử dụng thi liệu nước bọt vào thơ ca.
Chỉ
có những thi sĩ tài hoa mới viết nên những câu thơ tình với nước bọt có mùi
thơm tho: “Chao ơi/ Em ngon như rau cải/ Em ngọt như rau ngót/ Em giòn như cùi dừa/
Em hiền như nước mưa/ Em nhổ nước bọt xuống mặt biển/ Mặt biển thơm lên hai
mươi bốn giờ…” (Trích bài thơ “Ái
Khanh Hành” - Nguyễn Bính).
Chỉ
có những nhạc sĩ tài hoa mới viết nên những tình khúc với nước bọt có vị ngọt
ngào: “Trả lại em yêu con đường học trò/ Những ngày thủ đô tưng bừng phố xá/ Chủ
nhật uyên ương hẹn hò đây đó/ Uống ly chanh đường uống môi em ngọt” (Ca
khúc “Trả lại em yêu” - Phạm Duy)
Đôi khi, cái hiếm không phải vì người ta không có cảm xúc mà có thể là vì nó hiển hiện trần trụi, nằm ngay trong mỗi bản thể nên chúng ta chưa nhìn thấy gì ẩn khuất bên trong chăng? Mà sự đời thì cái gì cũng có hai mặt, nếu cái xấu ở khắp mọi nơi thì cái đẹp cũng có mặt ở mọi chốn. Có lẽ vậy.
* bài đã xuất bản trong sách "Chúng ta từ cõi lao đao" - Mộc Nhân, 2021
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét