1/4/23

2.725. NHẠC TRỊNH – MỘT TỐC KÝ CỦA CẢM XÚC

        Mộc Nhân


Trịnh Công Sơn đã đi về bên kia thế giới vào ngày 1 tháng Tư năm 2001 hưởng thọ 62 tuổi. Nhiều năm đã qua nhưng tiếng hát của anh vẫn còn vang vọng đâu đây- trên những sân khấu sang trọng, trong những phòng nhạc và thậm chí nơi ngõ hẹp rừng sâu... Ở bất cứ nơi nào có một người Việt Nam thích ca hát thì ca khúc của Trịnh vẫn hiện hữu - không chỉ trên quê hương này mà khắp cả địa cầu.

Ca khúc của Trịnh giúp con người dù khác nhau về nghề nghiệp, tính cách, tư tưởng, thể chế… đều có thể nương vào nhau bởi âm nhạc nói chung/ nhạc Trịnh Công Sơn nói riêng là ngôn ngữ chung của tất cả mọi thế hệ và mọi người; ai cũng hiểu được nó, vì nó được hiểu bằng trái tim, bằng cảm nhận chứ ko bằng giải thích.

Ca khúc và thơ của Trịnh mang theo những sắc thái tâm trạng khác nhau.

Có khi đó là mơ ước về quê hương thân yêu trong thanh bình: “Khi đất nước tôi không còn giết nhau, trẻ em đi hát đồng dao ngoài đường” hay nhọc nhằn chinh chiến, thấm thía trong mỗi phận người: “Đại bác đêm đêm dội về thành phố/ Người phu quét đường dừng chổi đứng nghe”.

Có khi nó man mác những dấu yêu trong cuộc tình phôi pha “Từng người tình bỏ ta đi như những dòng sông nhỏ” hay những niềm yêu huyễn mộng “Em đi bỏ lại con đường/ Bờ xa cỏ dại vô thường nhớ em/ Em đi bỏ lại dặm trường/ Ngàn dâu cố quận muôn trùng nhớ thêm”.

Có khi đớn đau trước những cái chết thịt da nát tan do “Hàng vạn tấn bom trút xuống ruộng đồng/ Cửa nhà Việt Nam cháy đỏ cuối thôn” hay lời ca trỗi dậy từ tàn phai “Hãy cứ vui chơi cuộc đời dù ngày mai em như chim bay bỏ quên đây một người hát bên trời gian dối dù ta như con đường dài vắng người”.

Có khi là những mặt người yếu đuối trong dáng mình hạc xương mai mà kiêu sa lộng lẫy: “Tìm em tôi tìm/ Mình hạc xương mai/ Tìm trên non ngàn/ Một cành hoa khôi/ Một hồn yếu đuối/ Một bờ môi thơm/ Một hồn giấy mới…”

Có khi trong hiện tại và cả tương lai; những mặc niệm kiếp người: “Ôi phù du từng tuổi xuân đã già một ngày kia đến bờ đời người như gió qua”.

Có khi là những tiếng thở dài buồn bã như: “Mùa đông vời vợi, mùa hạ khói mây", cũng có khi lại rất thiền: "Trên hai vai ta đôi vầng nhật nguyệt, rọi suốt trăm năm một cõi đi về"...

***

Ca khúc của Trịnh vẫn còn, thơ của Trịnh vẫn được đọc ở đâu đó là bằng chứng về sự bất tử của cái đẹp. Điều đó khiến chúng ta vẫn còn niềm tin đầy lạc quan rằng “Cái đẹp cứu rỗi nhân loại” (Dostoievski).

Đó là nét lạc quan, một tia sáng loé lên trong bầu trời đen tối của các thảm kịch: chiến tranh, tang tóc, chia lìa, đổ vỡ, mất phương hướng.

Người ta có thể không đến đám tang một chính khách, một doanh nhân, một quan chức… nhưng tôi tin rằng nhiều người xa lạ vẫn đến để tiễn đưa một thi sĩ, một nhạc sĩ về nơi an nghỉ cuối cùng… Khi người ta còn tâm hồn, còn nghĩ đến cái đẹp, thì giữa thế giới xô bồ này, chúng ta chưa hoàn toàn tuyệt vọng về thiên lương và sự cứu rỗi.

Tác phẩm Trịnh Công Sơn đã đi sâu vào tâm hồn của mỗi chúng ta không chỉ bằng giai điệu trữ tình đặc sắc hiếm có, khó lẫn lộn mà còn bằng ma lực của ca từ đầy hình ảnh đến từ một trí tưởng tượng phong phú, lạ kỳ… vừa quen thuộc như hiện thực gần gũi vừa khơi gợi cái gì đó thật mới mẻ mơ hồ vô ảnh như “đường phượng bay mù không lối vào…”, “trời cao níu bước sơn khê”, “ngàn cây thắp nến lên hai hàng/ để nắng đi vào trong mắt em”…

Chúng ta từng thưởng thức nhạc Trịnh qua giọng ca Lệ Thu, Thái Thanh và nhất là Khánh Ly và nhiều ca sĩ xưa, nay cũng đã thành công, được công chúng ái mộ khi hát nhạc Trịnh. Mỗi người đều có cách của mình để trải lòng trong những tình khúc của Trịnh Công Sơn và tất cả mọi cách thức, mọi chất giọng đều được đón nhận trong thời gian, không gian, thị hiếu của riêng mình.



Tuy nhiên, tôi cực lực phản đối cái cách mà môt số ca sĩ đương đại như Thanh Lam (và vài người khác) nhân danh nghệ thuật, kỹ thuật, làm mới ca khúc, tự do sáng tạo… để thét gào, uốn éo, quằn quại khi hát nhạc Trịnh.

Đối với giới bình dân, ca sĩ vườn, đó là quyền của họ - để mua vui lúc say hay cao hứng làm trò… Nhưng khi một ca sĩ đã trở thành người của công chúng, sống nhờ công chúng, tạo ảnh hưởng lớn tới công chúng, thì sự “sáng tạo, làm mới” như thế là xúc phạm đến nguyên tác, đến cái hồn của bản gốc. Bởi tinh thần căn cốt của nhạc Trịnh là nhẹ nhàng, trữ tình, đằm thắm, sâu lắng. Họ có thể hát nhạc Trịnh với phong cách jazz, blue, ballad, sentimental… nhưng biến nhạc Trịnh thành nhạc rock, rap, với hú hét… là điên rồ, nhân danh tự do làm mới mà đưa phần hồn tác phẩm về cõi xa lạ so với những giá trị thẩm mỹ mà nó đã định hình. Mọi sáng tạo, tái tạo từ tác phẩm nguồn luôn phải có sợi dây neo với nó. Đó là sự tôn trọng tâm hồn tác giả, tôn trọng khán thính giả, nhất là người của công chúng đối với nghệ sỹ đàn anh và các tác phẩm lớn.

***


Giờ đây, khi các bạn lắng nghe, ca hát nhạc Trịnh trong không gian biểu diễn nào đó hay với bạn bè mình trong nhóm nhỏ thì có nghĩa là chúng ta đã tìm thấy niềm hạnh phúc, tình yêu mà người nghệ sĩ tài hoa đã mang lại cho mình bởi nó là một tốc ký của cảm xúc.

Vậy đó, thẩm mỹ đâu phải là điều gì xa xăm, xa xỉ, mà chúng ta nhọc công tìm kiếm.

Cái đẹp không phải chỉ là những tác phẩm văn nghệ mà mở rộng ra là tình người, là tâm hồn của những người biết sống tử tế.

Và chúng ta còn chờ gì nữa, hãy hát lại những tình khúc đẹp, nghe những ca từ  văn chương của Trịnh để mỉm cười với hồn mình lúc “Một mình tôi về với tôi”. Trong khoảnh khắc đó, hãy tin rằng “Âm nhạc là nơi trú ngụ của tôi. Tôi có thể trườn mình vào khoảng trống giữa các nốt nhạc và co ro với nỗi cô đơn” (Music was my refuge. I could crawl into the space between the notes and curl my back to loneliness) – trích từ Maya Angelou.



Không có nhận xét nào: