27/4/23

2.752. TRẦM MẶC TÂY GIANG

 Mộc Nhân - thơ văn xuôi 

Bài đăng trên Tc Đất Quảng số 225/ tháng 6-2023

Núi lướt qua ô cửa kính thật nhanh nhưng tôi kịp nhìn những đỉnh cao mây phủ cùng thương tích bên triền đồi. Ánh nắng vuốt vào mỗi khuôn mặt - thay lời chào gởi đến những người di chuyển qua con đèo hẹp, nơi độ cao 1.400 mét.

Làm thế nào tôi có thể nói hết khao khát của người Cơ Tu trên những ký tự ít ỏi của mình. Bởi nó tràn ngập trong không khí sơn cước, thấm mồ hôi trong tấm thổ cẩm nhiều màu, len vào từng thớ gốm Ki'noonh (1) và đốm đỏ nở hoa từ quầng lửa trong đêm, trước sân gươl làng Pơr’ning (2).

Mỗi hạt lửa là tế bào của đêm vạch một đường nối giữa mắt người và điều huyền nhiệm trong các nghi thức giao tiếp với thần linh bằng điệu nhảy nhịp nhàng, tiếng cồng chiêng rền vang.

***

Núi khiến ta dễ vấp ngã như những đứa trẻ tập đi nhưng người Cơ Tu vẫn vững chãi bước chân trần - nhịp tan’tung từ trăm năm.

Đại ngàn là bức tranh bí ẩn nhưng chúng ta chỉ biết ngắm những sắc màu rực rỡ trên tấm khố và ngủ trong khu rừng pơmu nguyên sinh.

Sinh quyển của người Cơ Tu có lời thì thầm từ gió đại ngàn nhưng chúng ta chỉ hóng gió Đỉnh Quế (3).

Thung lũng có tiếng chim rừng quyến dụ trên cội cây nhưng chúng ta chỉ thán phục tiếng sáo trúc nhái giọng muôn chim của già làng Bríu Pố (4).

Biên cương là những rẻo cao nơi không có ranh giới cho gió mưa và muông thú nhưng chúng ta mới chỉ dừng lại ở cánh đồng Chuôr Axan (5), tự hào nơi cột cờ 692 Ch’ơm (6) hay đến thăm địa đạo Axòo (7).

Sự bao la của rừng nhắc nhở rằng chúng ta nhỏ bé và hiểu biết hạn hẹp.

Chúng ta chỉ là những đứa trẻ trong nơi sinh tồn của mình. Là du khách vừa đặt chân đến làng Ta Lang, Bhalêê (8).

Chúng ta không có quyền mang nỗi buồn của mình lên núi khi chưa hiểu hết sức sống của sơn cước.

Và chúng ta muốn đón ánh nắng trong đỉnh núi hay đi vào bóng tối của rừng thì trước hết hãy trưởng thành, học cách thân thiện với không gian, bạn bè, sinh cảnh.

***

Bạn sẽ lựa chọn thế nào khi đứng trước một trái núi: trèo lên và qua phía sườn bên kia hay đi xung quanh, đào xới tìm kiếm. Bạn ngước nhìn rồi vờ như nó không hề cản trở hoặc quay lại lối cũ hoặc núi trở thành nơi trú ngụ.

Điều đó tùy thuộc vào tính cách, tình yêu của bạn.

Tình yêu để tránh mọi lỗi lầm với rừng; để tin vào những lời hứa của nhau; để làm theo ví dụ và lệnh của Yàng; để sống bằng những gì rừng mang lại và để bảo vệ nền văn hóa, cương thổ của tổ tiên của mình.

***

Thời gian phía núi là thời gian phi hiện tiền. Giờ đây tôi muốn suy nghĩ mà chẳng nghĩ được gì; muốn đọc hay viết cũng không xong. Tôi ngồi – đi - ngắm nhìn - chụp hình và cười nói trong sự pha lẫn các mảng rời giữa ký ức và hiện tại.

Khí hạo nhiên tràn vào tôi như ánh nắng tràn vào rừng cây. Bỗng thấy mình hoàn toàn vô dụng trong các dự định nhưng cuối cùng khi trở về nó chẳng hề vô ích.

Từng ký tự mở ra - di chuyển giữa những đám mây, đến mép khuất của gió, tới viền sáng cuối cùng của ánh trời.

Nơi tôi viết ra bài thơ từ không gian và vẻ trầm mặc Tây Giang.

--------------------------------

Chú thích:

(1). Làng gốm cổ Ki'noonh, xã Axan, Tây Giang.

(2). Làng Pơ r’ning, xã Lăng, Tây Giang, nơi thường tổ chức trình tấu cồng chiêng.

(3). Đỉnh Quế: ngọn núi đẹp thuộc xã Tr’hy, huyện Tây Giang, độ cao 1.400 mét.

(4). Bríu Pố: già làng, nghệ nhân Cơ Tu, người thổi sáo giả được trăm tiếng chim rừng.

(5). Cánh đồng Chuôr xã Axan, nơi có những thửa ruộng bậc thang đẹp.

(6). Cột mốc 692 thuộc xã Ch’ơm, giáp biên giới Lào.

(7). Làng Axòo, xã Anông, nơi có một địa đạo thời chống Mỹ, nay là di tích lịch sử.

(8). Làng Ta Lang, xã Bhalêê – làng du lịch sinh thái ở Tây Giang.

 -------------

Viết nhân chuyến đi thực tế tại huyện Tây Giang - tháng 4, 2023.



Không có nhận xét nào: