Mộc Nhân - trích một tiểu luận về thơ Nguyễn Chiến
Lướt qua những câu
thơ của Nguyễn Chiến trong các tựa Trích
đoạn giấc mơ, Phía sau giấc mơ, Bàn tay mưa, Bay qua cơn mưa, Mùa hương,
Phúc âm mưa, Góc mưa, Kí ức mưa, Đêm mưa… tôi như được nghe những giãi
bày, tâm tình, ký ức của nhân vật trữ tình.
Nơi ấy bừng lên
hình ảnh óng ánh, nồng thơm, hồn cốt quê nhà “rừng dừa dầm thân, tay xanh níu
gió/ cánh diều liệng ngang trời/ sông ngó hoài mây trắng/ đoạn cuối Thu Bồn và
tôi sao cứ sóng” (Trôi về đây); có
khi lặng thầm trong nỗi lòng đau đáu “ta vũng đầm không đường ra biển/ một xác
nắng trong mịt mùng mưa đêm” (Phía sau giấc
mơ); hay bồi hồi một ký ức xưa xa “buổi mưa về/ trôi lại phía tôi con
đường nhàu nhĩ dấu chân” (Ngựa Trắng);
cùng với trạng thái ngây ngất “từ đỉnh tình rớt hạt/ mưa tình yêu thình lình/ mọc
ngôi nhà hạnh phúc” (Ngôi nhà xây từ nóc)
hay trong âm vang trằn trọc “những đêm mưa/ ngược chiều gió thốc/ khuya khoắt
phận người/ tiếng mớ mê gầm cầu” (Kí ức
mưa)…
Những câu thơ
như thế dẫu chưa phải là tất cả nhưng nó giúp bạn đọc nhận ra các miền ký ức
cùng các trạng thái hoài cảm hiện tồn trong thơ anh.
Bất chợt, tôi nhận
ra hình ảnh mưa xuất hiện khá dày
trong các câu thơ Nguyễn Chiến. Có thể đó là cảm hứng, là ám ảnh, là ký ức, là
món quà, là sự so sánh… mà anh lưu lại trong thi ca.
Chẳng hạn mưa xuất hiện trong một so sánh: “Em là
con sáo nhỏ/ Một ngày chưa sang sông/ Anh vờ quên chiếc áo/ Trên giậu xưa tơ hồng/
Em thì thương đứt ruột/ Còn giả đò ngó lơ/ Gần nhau lòng đã nhớ/ Huống hồ xa lắc
lơ/ Bây giờ em xinh thế/ Con mắt nhìn rất mưa/ Cuối con đường mây tím/ Em thành
cơn gió lùa” (Khúc tình mưa).
Còn đây là mưa trong không gian đối thoại: “Sao
không có ngày tình cũ/ Cho người yêu xưa hẹn về/ Thắp lên trong lòng chút lửa/
Neo tình cuối nẻo sông mưa/ Thưở đó tình thơm mực tím/ Rưng rưng phượng nở bông
đầu/ Bước chân ríu niềm mơ nhớ/ Bây giờ lấm bụi về đâu” (Ngày tình cũ)…
Tôi nghĩ mưa trong thơ Nguyễn Chiến không chỉ là
hình tượng, thi liệu mà còn là mã ký hiệu/ siêu ký hiệu (metasign) tồn tại trong không gian giao tiếp văn học – nói theo
nhà nghiên cứu văn học Lotman, nó là “phương thức lưu trữ, chuyển tải thông tin
được nén chặt và tiết kiệm nhất” để bắc một cây cầu nối liền mình với ký ức và
mở ra với bạn đọc.
Chẳng hạn với
câu thơ “tình yêu như chiếc lá rơi/ như luống hoa gặp tơi bời gió mưa” (Tết người yêu cũ) là một metasign do những ký hiệu nhỏ hơn như chiếc lá/ luống hoa/ mưa kết dệt tạo
thành để tác giả hình thành một diễn ngôn trong thơ mình… (hết trích từ Mộc Nhân).
***
Hai bài
thơ “mưa” của Nguyễn Chiến:
1. NÓI GÌ VỚI MÙA ĐÔNG
mà thương đứt ruột câu hò
căm căm đồng sâu ruộng cạn
bắc cầu cho mùa xuân sang
cái cò đi đón cơn mưa
đón tôi lạc chợ và đưa tôi về
phố phường đã đắm hoang mê
từ hôm tôi tháo lời thề bỏ sông
chắp tay tôi lạy cánh đồng
lạy bờ tre đã chờ mong tôi về
lạy con diếc tạ con trê
đã cho tôi ngọt giọng quê hương mình
từ ngày mẹ hóa câu kinh
tao nôi tôi/đứt tao tình tôi đau
một ngày mưa đi qua
ngày mưa nữa đi qua
mùa đông như miếng giẻ
lau không khô mưa phùn
ai tắt dùm giá buốt
cây bật chồi ra xuân…
2. KÍ ỨC MƯA
những đêm mưa
tôi đi bắt tiếng ếch kêu
ánh đèn pin soi vào kí ức một vùng mưa sinh nở
tiếng uôm uôm học bài gọi đôi chân lội qua cánh đồng tôi sũng nước
tiếng nước chảy bồi hồi
đàn cá ngậm nhánh rong ngược dòng vũ hội thai sinh
nòng nọc đứt đuôi ngồi ngắm sao giấc mơ khoa giáp bảng
những đêm mưa
ngược chiều gió thốc
khuya khoắt phận người
tiếng mớ mê gầm cầu
hiên nhà co ro
lầm lũi áo tơi nón lá
đòn gánh lệch vai
bấu đời ngón chân rớm máu
sớm mai rau quả chất chồng tươi non
góc chợ sóng soài giấc mỏi
vụn tiền niềm vui áo cơm
những đêm mưa nước lên
trôi tôi về cơn lũ
hang hốc ngập nước
giề kiến đỏ đèn phiêu linh
xiết xoáy bọt bèo rều rạc
gầy teo tiếng vạc
cội mai trút lá chờ nở chùm xuân
lũ về lũ về !
nụ mầm nứt mắt nhìn đàn cá bơi qua cơn giáp hạt
mặt đất trống hoang mùa vụ
mặt trời không thức dậy
li tán chân quê ngấp ngó thị thành
mặc cả tay vai cửu vạn
nước mắt rơi…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét