15/4/23

2.738. MỎNG - NHỮNG HOÀI NIỆM

    Mộc Nhân

Tôi đã viết trong một tản văn về làng cổ Lộc Yên: “Tôi từng ngạc nhiên khi đọc gần trăm bài báo, tản văn, ký sự, chuyện kể, sách vở, tranh ảnh của một vài tác giả - họ chỉ viết, quan tâm về mỗi đề tài làng quê, nơi họ sinh ra và lớn lên”. Giờ đây, đọc các tập tản văn Như những sớm mai của Nguyễn Thị Diệu Hiền hay Mỏng của Nguyễn Thị Thanh Thảo, tôi hiểu tình yêu làng đã thấm sâu vào máu huyết, trí não, tâm hồn của bạn. Khi nó hóa thân thành chữ nghĩa thì quê xứ luôn là niềm cảm hứng để bạn tái hiện, tái tạo cùng với sáng tạo các giá trị mới. 

Đây là điều mà nhà thơ Mỹ, Walt Whitman viết trong bài thơ Lá cỏ: “Trụ đỡ của sự sáng tạo là tình yêu” (A kelson of the creation is love).

***

Dường như khi đọc Mỏng của Nguyễn Thị Thanh Thảo, tôi nghĩ đến những bài thơ trong tập Lá cỏ của nhà thơ Mỹ, Walt Whitman - bởi lẽ tên tác giả và tập sách gợi cho tôi cái gì đó mỏng manh, hồn nhiên như lá cỏ, lại tràn đầy tình yêu quê xứ. Chẳng hạn một đoạn thơ của Walt Whitman trong bài Tự khúc (Song of Myself) mà tôi dịch sau đây: “Tôi ngợi ca và hát về mình/ Điều tôi có thì các người cũng có/ Vì mỗi nguyên tử thuộc về tôi, cũng hiện tồn đâu đó/ Thuộc về các người, thuộc về sinh linh/ Tôi là kẻ rong chơi mời gọi hồn mình/ Nhàn nhã lang thang ngắm nhìn mùa hè cây cỏ/ Mỗi hạt máu trong lưỡi tôi có đất đai và gió/ Nguyên quán nơi đây, cha mẹ sống tại chốn này”.

Có lẽ tôi đã lạm trích Walt Whitman để dẫn dụ rằng: may mắn cho ai sinh ra và lớn lên luôn có một miền ký ức để gắn bó, để làm điểm tựa tinh thần, là huyết mạch đời sống.

***

Tập tản văn Mỏng của Thanh Thảo là những ghi chép, hồi ức, câu chuyện dành cho quê hương. Mạch cảm xúc của Thanh Thảo dẫn người đọc đi trong nỗi nhớ theo dòng thời gian; từ suy tư đến những điều đằm sâu, thao thiết và ngưng đọng trong sinh quyển quê xứ.

Tác phẩm gồm 24 đoản khúc được bao bọc trong vẻ đẹp cỏ cây (Màu hoa di sản), âm vọng (Tập hát ru con), sản vật (Nhớ tộ đường non, Mùi chè xanh), cảnh vật (Phiến đá tuổi thơ), nỗi buồn nhớ xa xăm (Niềm thương nhớ), chạm đến ẩn ức người viễn xứ (Chuyển nhà, Tình hoài hương)… Một số bài gần với bút ký hay hồi ký và nhân vật trần thuật xuất hiện ở điểm nhìn người trong cuộc.

Những vỉa tầng thẩm mỹ, văn hóa bản địa được Thảo khai quật, khám phá – dẫu rất mỏng nhưng đó là những gì mà tác giả đã đồng điệu trong dòng chảy của hồn đất hồn quê.

(Trích tiểu luận về tản văn của Nguyễn Thị Thanh Thảo)

***

Giới thiệu một tản văn: 

MÀU HOA DI SẢN

Trích từ tập tản văn “Mỏng” của Nguyễn Thị Thanh Thảo


Không giống với thơ cổ Trung Hoa mà tôi từng biết đến: "Ngô đồng nhất diệp lạc/ Thiên hạ tận tri thu" (Ngô đồng một lá rơi ra/ Báo cho thiên hạ biết là thu sang), cây ngô đồng ở Cù Lao Chàm báo thu sang theo một cách rất riêng: hết mực khai hoa.

Mà màu hoa ngô đồng ở vùng trời hải đảo này cũng khác xứ Tàu hay xứ Huế, giữa xanh thẫm của núi rừng cứ ngời ngợi lên sắc chói chang rực rỡ của một thức đỏ cam. Màu ấy, tự những năm gần đây đã mang về cho vùng đất Tân Hiệp cù lao một di sản đặc thù: di sản một loài cây.

Tôi đã nhiều lần đến Cù Lao Chàm, một nơi với tôi không nhiều xa lạ. Vào một ngày hè thời tuổi trẻ, tôi đã đi chuyến đầu tiên cùng với nhóm bạn bè Hội An trên chuyến tàu gỗ chất đầy người và hàng hóa. Với một người sống ở vùng thung lũng nhiều núi đồi như làng Lộc Yên quê tôi, chuyến đi bàng hoàng cơn say sóng đứ đừ ấy như một kỷ niệm tinh khôi thật khó lòng quên được.

Trong lần đầu giữa biển, tôi đã mường tượng mơ hồ những con cá kiếm vun vút dưới thân tàu chẳng khác nào chính mình đã trải qua thân phận của Pi trong một câu chuyện phi thường đọc được. Và màu nước biển xanh ngắt đã trở thành một ấn tượng kỳ diệu thôi thúc lòng tôi luôn muốn được quay trở lại mỗi khi nhắc đến cù lao.

Lần này, Bảy nhắn: Cù Lao Chàm đang mùa ngô đồng nở, mà sim trên đồi cũng đã chín mọng, các bà ra tôi dẫn đi. Bảy là cách gọi thân thương cho một người bạn làm nhiệm vụ thật đặc biệt ở xã đảo Tân Hiệp: đồn trưởng Đồn Biên phòng Cù Lao Chàm. Anh người gốc Bắc nên cách xưng hô với chúng tôi cũng không giống người xứ Quảng. Và lần này, anh đúng là niềm hứng khởi cho cả nhóm chúng tôi nhất quyết phải đến cù lao giữa mùa ngô đồng nở.

Thuở nhỏ, vườn nhà tôi ở Lộc Yên thôn cũng có một cây ngô đồng ngoài ngõ ngoại. Cây ngô đồng ấy nếu không được chúng tôi tét vỏ bện dây thừng để làm một vài việc vặt vãnh nào đó trong những trò chơi con nít, thì nhất định chỉ là cái cây "vô dụng xứ". Chúng tôi nào biết ngày nay ở Cù Lao Chàm, một chiếc võng ngô đồng có giá lên đến vài ba triệu! Chúng tôi nào biết những bông hoa mà đỏ phai ấy đã tô thắm cho cù lao một vẻ đẹp rất riêng để báo hiệu cho thiên hạ tận tri thu!

Dạy thơ cổ Trung Hoa, tôi ngạc nhiên vô chừng khi hai câu thơ nổi tiếng viết về cây ngô đồng thiên hạ đời sau học cổ thi đều yêu thích lại vô danh. Cổ thi vô danh nhưng cây ngô đồng nhờ đó mà càng trở nên nổi tiếng. Ở Huế, vào mùa cuối tháng ba, ngô đồng với sắc tím nhạt thơ mộng như xứ sở thần kinh nở nhiều trong thành nội khiến cái nắng oi ả của ngày đầu hè cũng trở nên êm dịu.

Hoa đó, cây đó từ thời bách gia chư tử đã được nâng niu trân quý như một báu vật của đất trời. Sách Trang Tử, thiên Thu thủy, đoạn nói với Huệ Tử có viết: Phương nam có loài chim, tên gọi phượng hoàng […]. Loài chim này, phát từ Nam Hải, bay lên Bắc Hải, không phải ngô đồng không đậu, không phải hột luyện không ăn, không phải suối nguồn không uống. Và hôm nay, chúng tôi đã được tận mắt được nhìn thấy loài cây tươi tốt để dành cho phượng hoàng ghé đậu giữa xã đảo cù lao trùng trùng khoe hương khoe sắc. Nhiều cây ngô đồng đang nở rất xa sau ngọn đồi chùa Hải Tạng, và ngay trên những con đường tới bãi tắm, giữa hình ảnh thân thiện của loài khỉ nhảy nhót hai bên đường đi là cây ngô đồng di sản đang trổ những màu hoa đỏ rực giữa trời chiều.

Màu hoa đó, nở "giữa một nơi núi thò chân xuống biển" (thơ Nguyễn Nhật Ánh) khiến lòng tôi lay động những ước ao. Khi tôi nhận ra vẻ đẹp riêng tư của nó thì cây ngô đồng ngẫu nhiên vườn nhà tôi đã chỉ còn trong hoài niệm. Nhìn những bàn tay thoăn thoắt bện võng ngô đồng của cụ bà ở quán bên đường, tôi như thấy tuổi thơ vô tư lự của đời mình như vừa được khơi mở lại niềm vui.

Rất có thể, cũng ngày này năm đó, lũ chúng tôi, những cu Bi, cả Tý, bé Lớn, bé Nhỏ, sáu Hiền, năm Hảo… đã hè nhau thưởng thức niềm vui bẻ cây lấy vỏ, bên bện đan đan. Rất có thể, dưới đôi tay tinh nghịch của đám trẻ làng, biết bao bông hoa ngô đồng đã bị ngắt, bị hái rồi ném nhau không chút tiếc thương. Nhưng có một điều đã khiến nơi vùng đất cù lao hôm nay trở nên quen thuộc với riêng tôi vì đã có biết bao lần, tên gọi ngô đồng ngô đồng đã thắm trên môi những đứa trẻ nhà quê.

Tôi đã nhiều lần qua đêm ở Cù Lao Chàm trên những Bãi Làng, Bãi Hương, Bãi Chồng, Bãi Xếp. Có khi ngủ ở trong lều trên bãi biển, có khi ngủ trong nhà sàn cùng bạn bè ở cơ quan, có đợt đi chơi lại nằm thao thức trong căn phòng nơi khu khai thác yến, cũng có lúc nghỉ ngơi trong một dịch vụ thân thiện ở nhà dân. Lần này chúng tôi được biệt đãi trong một homestay ngay trước ngõ đồn biên phòng, nơi mà ngoài âm thanh rì rào của những cơn sóng nhỏ, chúng tôi còn có thể nhìn thấy cả một vùng trời rực rỡ sắc hoa.

Rất có thể trong những lần sau gặp lại, vùng đất du lịch này sẽ có nhiều thay đổi, nhưng thâm tâm tôi vẫn mong rằng, thổ nhưỡng vùng miền cù lao vẫn đủ khí hạo nhiên của đất trời để dung dưỡng vẻ đẹp của một loài cây.




Không có nhận xét nào: