29/3/23

2.722. LÀNG CỔ LỘC YÊN

  Mộc Nhân - ghi chép nhân chuyến về Hội Làng Cổ Lộc Yên năm 2023

“Nhà cổ là di sản của làng. Người cũ là di sản của lòng”



Làng cổ Lộc Yên thuộc xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam, cách trung tâm huyện khoảng 5km. Theo những vị cao niên, làng được hình thành từ nửa cuối thế kỷ 18, đã từng có những cái tên Lộc An, Tiên Lộc, rồi Lộc Yên. Tên hành chính hiện nay là Thôn 4/ Tiên Cảnh.


Làng Lộc Yên nằm trong một thung lũng đẹp. Nơi sông suối chảy đến rồi lại tạo nguồn cho sông suối khác; nơi núi cúi xuống nhìn thung lũng và mây trời cúi xuống nhìn núi; nơi cho tôi hiểu rằng trong một thung lũng đẹp bạn mới có thể ngước nhìn những ngọn núi cao...

Khí hậu nơi đây mát mẻ, cây cối xanh tốt quanh năm, hoa thơm cỏ lạ đều đủ cả. Theo "sự khoe" của bạn bè thì tôi được biết nơi đây có cả hoa dã quỳ và nhiều cây hoa đặc hữu chỉ có ở nơi khác. Nó khiến cho thiên - địa - nhân thật sự khác lạ. Dẫn theo một câu của Phật: "Nếu chúng ta có thể nhìn thấy điều kỳ diệu của một bông hoa, rõ ràng là cả cuộc đời chúng ta sẽ thay đổi".

***

 Làng nằm giữa các ngọn núi Đá Bàn, Hố Chò, Rừng Gấm, Đá Ràn Dàn, Bà Bướm, Bàn Mây… Dưới các chân núi có những sông/ suối Đá Giăng, Vực Dài, Đồng Rộc, An Sơn. Các con mương thủy lợi bao quanh ngôi làng cùng với nhiều con đường mòn, đường bờ ruộng phân nhánh từ hai trục đường chính, xen kẽ nhau giữa các cánh đồng, triền đồi, khu vườn... tạo nên nhiều phối cảnh hữu tình. 

Các địa danh nơi đây đều bình dị: Gò Tròn, Hòn Ngang, Xóm Bàu… Những cái tên tự nhiên như thế làm tôi nhớ đến câu "Tên gọi là cội nguồn. Chúng tôi biết rõ mình, vì vậy không cần cái tên mỹ miều. Hãy gọi tôi như bạn thấy" (quên nguồn dẫn).


Lộc Yên được công nhận là làng cổ, hiển nhiên nó có nhiều nhà cổ đang hiện tồn bởi "Nhà cổ là di sản của làng". Nhà cổ nhất có niên đại gần 200 năm. Những ngôi nhà gỗ kết cấu theo kiểu nhà truyền thống của người Việt với 3 gian/ 2 chái và những gian nhà ngang cùng các công trình phụ như kho, bếp… đều tạo hình vững chắc bằng khung gỗ: xiên/ trính/ rui/ mè, chạm khắc đầu hồi, trổ hoa văn trang trí các góc, mái lợp ngói, nhiều nhà còn có phù điêu tinh xảo... Hiện nay, những ngôi nhà này đều có gắn biển tên chủ nhân để du khách dễ tìm đến.

Nét đặc biệt ở làng Lộc Yên là bên cạnh các ngôi nhà cổ nằm rải rác trong làng với mộ cổ, giếng cổ, đồ cổ là những khu vườn cây ăn trái, cây đặc sản. Vườn và nhà nằm trên những bờ đá được xếp lớp khá đẹp mắt qua nhiều năm đã phủ rêu. Nó vừa là ranh giới đất đai vừa ngăn xói lở, tạo nên các công trình thẩm mỹ, làm cho cảnh quê thêm hấp dẫn. Vậy nên du khách đến thăm làng dường như đi xuyên qua các địa mạo: vườn tược, khe suối, triền đồi, đồng ruộng, ngõ đá uốn lượn nhiều tầng bậc rất thích mắt.



Cảnh vật và các công trình dân sinh nơi đây tạo nên không gian hài hòa, gắn bó nhau trong dấu ấn văn hóa đặc trưng nhưng cũng thật bình dị, ấn tượng và riêng biệt. Dẫu vậy, nó vẫn mang những nét tiêu biểu của đời sống làng quê Quảng Nam qua phong tục, tập quán, lối sống, làng nghề, phong cách ứng xử, văn hóa cộng đồng… 

Linh hồn của cảnh vật, linh khí của miền đất sẽ hiển lộ khi tâm hồn bạn giao hòa trước thiên nhiên.

Tôi yêu những điều ấy bởi nó khiến mọi cái đẹp quê hương kết nối vào nhau trong một ngôi làng nhỏ và mở ra những âm vang. 

Mọi cánh cửa trong làng đều mở ra cho du khách - mọi tấm lòng đều mở ra với bạn.


***

Tôi đã đến Lộc Yên nhiều lần và nhận ra con người nơi đây hiếu khách, đôn hậu, thuần chất quê kiểng. Đặc biệt là những bạn thuộc tầng lớp trí thức, văn nghệ sĩ rất có trách nhiệm với làng. Họ viết về làng Lộc Yên bằng niềm yêu đặc biệt và thuần khiết; họ bảo vệ làng; dám lên tiếng khi đâu đó có hiện tượng xâm lấn giá trị của làng; đề xuất những ý tưởng xây dựng, tôn vinh văn hóa, bảo tồn các vẻ đẹp của làng.


Tôi nghĩ các bạn sinh ra, lớn lên trong một ngôi làng cổ nhỏ nhưng bạn đã có những ý tưởng lớn, làm đẹp làng mình để thế giới nhìn thấy và tìm đến với bạn.

Những con người như các bạn được thừa hưởng các giá trị “Tiên thiên” từ linh khí, đất đai, hồn quê, tổ tiên cùng với cái “Hậu thiên” là ý thức, giáo dục, học tập, rèn luyện… để tạo ra những con dân là niềm tự hào của quê xứ.



Tôi đã từng ngạc nhiên khi đọc gần trăm bài báo, tản văn, ký sự, chuyện kể, sách vở, tranh ảnh của một vài tác giả - họ chỉ viết, quan tâm về mỗi đề tài “Cảnh và người Lộc Yên”. Giờ thì tôi hiểu tình yêu làng đã thấm sâu vào máu huyết, trí não, tâm hồn của bạn nên khi nó hóa thân thành chữ nghĩa thì quê xứ luôn là niềm cảm hứng để bạn tái hiện, tái tạo cùng với sáng tạo các giá trị mới.

(Mời đọc: "Như những sớm mai" - Nguyễn Thị Diệu Hiền)

***

Tôi nghĩ văn hóa tồn tại trong những không gian nhỏ, được lưu giữ bởi những con người có tâm, những cộng đồng hiểu rõ giá trị của mình; không nhất thiết phải dựng lên những tượng đài tốn kém, dễ lỗi thời và mau chóng lãng quên.


Và tôi muốn dẫn lại câu của nhà văn người Anh, Joanne Harris trong cuốn “Hương vị tuổi thơ” (Flavours of Childhood) để gắn vào Làng cổ Lộc Yên: “Đây không chỉ là một ngôi làng. Những ngôi nhà không chỉ là nơi để ở. Mọi thứ đều thuộc về cộng đồng. Mỗi người đều thuộc về những người khác. Ngay cả một cá nhân đơn lẻ cũng có thể tạo ra sự khác biệt. Đó là di sản văn hóa truyền thống của làng” (It isn't just a village. The houses aren't just places to live. Everything belongs to everybody. Everyone belongs to everyone else. Even a single person can make a difference. That is traditional cultural heritage of the Villages)

Xin cảm ơn các bạn đã đón tiếp, chiêu đãi chúng tôi trong mùa hội làng Lộc Yên.


 
   
 

Không có nhận xét nào: