2/3/22

2.310. BÌNH YÊN NHƯ NHỮNG SỚM MAI

 Mộc Nhân Lê Đức Thịnh

Bài viết đã đăng trên Tạp chí ĐQ số 211 ra tháng 4/ 2022



Đọc tập tản văn “Như những sớm mai” của Nguyễn Thị Diệu Hiền – Nxb Đà Nẵng 2020.


***

Gấp lại trang cuối tập sách “Như những sớm mai” của Nguyễn Thị Diệu Hiền gởi tặng, tự hỏi mình nghĩ gì sau khi đọc nó? Thay bằng trả lời, tôi xin trích lại câu nói của Maya Angelou - nữ văn sĩ người Mỹ gốc Phi: “Tôi đã nhận ra mọi người sẽ quên những gì bạn nói, quên những gì bạn đã làm, nhưng họ sẽ không bao giờ quên cảm xúc mà bạn mang lại cho họ” (I've learned that people will forget what you said, people will forget what you did, but people will never forget how you made them feel).

Diệu Hiền đã mang đến cho chúng ta cảm xúc từ cách mà bạn nói, bạn làm và bạn viết trong tập tản văn này.

***

Nỗi nhớ cứ lung linh.

Mùa xuân nào qua đây.

Nghe hồn mình xào xạc tiếng heo may.

Ôi, có đôi khi muốn tựa mình vào bờ ký ức.

Đây là bốn câu trích ngẫu nhiên từ bốn phần kết trong các tản văn của tập sách mà ghép lại nó như một đoạn thơ. Và tôi muốn chia sẻ cùng bạn rằng ấn tượng đầu tiên là chất thơ trong trang viết của Diệu Hiền. Nó đi vào bạn đọc qua cảm xúc và nhịp điệu. Nó khiến chúng ta đọc thong thả, từ tốn, nhâm nhi bởi những dòng tự sự nơi đây không chỉ ghi lại các sự kiện, hồi ức cá nhân nơi cố xứ mà còn mang đến cho chúng ta nhiều mỹ cảm từ hình ảnh, ngôn ngữ, liên tưởng, nuối tiếc...

Đọc tản văn của Hiền, tôi cũng dò tìm vào quê hương mình, đánh dấu vài đồng điệu về văn hóa, ẩm thực, sinh hoạt, di tích, đất đai, con người, cây cỏ, tình yêu… nơi đây.

Diệu Hiền là cô giáo dạy văn trung học, sinh ra và lớn lên ở làng cổ Lộc Yên, huyện Tiên Phước, Quảng Nam. Đó là ngôi làng khá độc đáo ở miền quê xứ Quảng với những con đường làng lát đá, những khu vườn đá xếp bao quanh mát rượi vườn cây ăn trái, nhiều nhà cổ mái ngói âm dương rêu phong hàng trăm năm tuổi với sân gạch cùng bậc cấp lên nhà sâu hút, trong làng có nhiều di tích văn hóa, con người thân thiện đáng yêu…

Tôi lại nghĩ sâu xa hơn chút - đất đai, quê xứ, con người là cái tiên thiên; nghề nghiệp, sự học tập rèn luyện, tính cách, là cái hậu thiên. Dường như cả hai yếu tố tiên thiên và hậu thiên ấy đan xen, hun đúc, tích kết lại trên các trang văn của Diệu Hiền.

Với hai tập tản văn: “Hoa trung du” (2018) và “Như những sớm mai” (2020), tác giả đã định hình cho mình một phong cách, một phẩm chất của người văn.

Nguyễn Thị Tịnh Thy gọi Diệu Hiền “là người níu giữ ngày xưa”. Điều ấy đúng và đủ; chắc không cần nói thêm nhưng tôi lại muốn nói khác một chút: Diệu Hiền là người của đồng nội – văn của Hiền là những ký ức đồng nội; điều ấy thể hiện rõ qua những bức tranh quê xứ, tạo vật, con người, văn hóa, phong tục... nơi miền đất cô sinh ra và lớn lên.

Đó là kí ức “Thương nhớ giếng Vừng” – cái giếng đồng nên thơ, nơi mang đến nguồn nước ngon và quý nhất làng, nơi hội tụ những mạch nước lành bắt nguồn từ đỉnh Bằng Mây, chưa bao giờ hết nước. Đó là “Cái vũng trâu nằm” được Hiền gọi là “di sản tuổi thơ” của những đứa trẻ lớn lên từ đồng ruộng cùng những trò chơi của mục đồng. Hình ảnh “Chiều quê” có cây rơm lặng lẽ nơi góc vườn mà hồn cốt của nó mang vẻ đẹp hiền lành và trong trẻo vẫn dư sức quyến rũ, dư sức níu kéo những bước chân đi xa. Rồi cái rẫy tranh Vườn Mồ trong “Nhớ rẫy tranh làng” xanh ngút mắt là một phần không thể thiếu của gương mặt đồng quê…

Nhiều thứ đã được tác giả tái hiện với vẻ đẹp dung dị như đất, bám víu như phèn, sinh động như vườn cây. Điều thú vị là nó gắn với không gian sinh hoạt của làng cùng những câu chuyện thời trẻ trâu như trò đố lá, xúm xít, hò hét… của đám bạn. Tất cả lảng vảng trong sự lung linh của chữ: “Ngày ngày bóng nắng nghiêng về phía tây, rồi ngả về phía đông như những điệu múa đều đặn, dịu dàng” (Thương nhớ Giếng Vừng) hoặc “Mưa dầm dề chỉ làm phần mặt ngoài cây rơm bị xám đi, còn lớp trong vẫn vàng óng và thơm ngát” (Chiều quê) – tôi nghĩ rằng đây không chỉ là câu miêu tả mà nó còn ngụ ý thời gian dù có làm mọi thứ nhạt phai nhưng  những ký ức sẽ được lưu giữ trong ngăn hồn.

“Như những sớm mai” là những mảng rời khắc họa vẻ đẹp yên ả của làng Lộc Yên xưa với đủ sắc màu, thanh âm, hình ảnh thân thương đã ăn sâu vào tâm hồn thơ trẻ thành dòng hồi tưởng mà đến nay vẫn còn in đậm trong tâm trí tác giả. Cảnh sắc thiên nhiên nông thôn trong trang văn của Diệu Hiền tươi thắm như hoa, thơ mộng như tình ca, bình yên như ban mai. Nó là một thế giới tình tứ, xôn xao ánh sáng, sắc màu, âm thanh, hương vị trong đó mỗi hình ảnh, sự vật được chạm khắc khá nổi nét trong bức phối cảnh mông lung, sống động. Mỗi thứ  cảnh ngộ riêng nhưng cũng có ý nghĩa khái quát cùng tiếng reo thầm và lời xuýt xoa của người đọc. Nó mang đến cho tâm hồn con người cái cảm giác yên bình và yêu thương, gắn bó.

Những câu chuyện ký ức ấy khiến tôi liên tưởng tới biết bao làng quê Việt Nam và làm chúng ta càng hiểu hơn, yêu hơn những bóng hình hiền hòa, yêu dấu của quê mình.

Dường như Diệu Hiền muốn gói gởi trầm tích của hồi ức trong những hình ảnh như thế. Dưới nét bút của mình, thiên nhiên khơi gợi nội tâm lung linh sâu lắng, thế giới của những cảm xúc tinh tế để con người có dịp thu mình mà cảm thấy ấm lòng.

***

Ngoài cảnh sắc đồng nội, Diệu Hiền còn lưu giữ cái hồn quê với đối thể thẩm mỹ là ẩm thực dân gian, văn hóa, nhân sinh mang đặc trưng của xứ đất mà cơn mưa dầm cũng là đặc sản.

“Bên bếp lửa hồng” có hình ảnh người mẹ vẫn giữ thói quen dậy sớm nhóm lửa trong ngôi nhà dường như đã đủ tiện nghi. Đó là ngọn lửa mà người mẹ muốn ấp iu trong cuộc đời để giữ lấy hơi ấm tình thân, lan toả trong biết bao khốn khó và thương yêu. “Ngoại tôi” tái hiện hình ảnh người ông hiền lành trong căn nhà đơn sơ, sống nhẹ nhàng, thanh sạch dạt dào yêu thương. “Người thầy của tôi” là hình ảnh người cha vĩ đại với những bài học đầu đời, tràn đầy lòng yêu thương dù đôi khi người kể chuyện cũng có trận đòn bằng roi sắn. Rồi hình ảnh bác bảo vệ dáng người nhỏ nhắn, nét mặt hiền từ, như một dấu lặng hay dấu nốt trầm đẹp giữa ngôi trường mà người viết luôn xem là “Người thầy không đứng trên bục giảng”

Dù chỉ là những phác họa ký ức, Diệu Hiền đã tái hiện một thế giới những con người hồn hậu, chân tình, ấm áp, hiền hòa và nhân bản.

Thế giới nhân vật ấy chiếm lĩnh tiềm thức con người một nỗi nhớ mơ hồ xa xăm đang dần dần hiện về cùng với hình ảnh những người thân đã mất khiến cho câu chuyện se thắt nhưng không quá u buồn.



Giọng văn Diệu Hiền trầm mặc một niềm hoài cổ trước những đổi thay nhanh chóng của làng quê hiện đại khiến ai cũng phải chạnh lòng.

***

Tuy nhiên, cái hồn quê cốt xứ nơi đây không chỉ đơn thuần là quá khứ mà còn là những bức tranh cuộc sống hiện tại trong vẻ đẹp của cây cỏ, hoa lá, nhịp sống theo dòng thời gian.

Dòng tự sự kết hợp với miêu tả và biểu cảm trong “Như những sớm mai” đã mang đến cho bạn đọc cái nhìn cận cảnh, đầy sức thuyết phục về quê hương cố xứ. Đó là những “những trái ổi vàng mơ thơm nức vườn như rơi xuống từ cổ tích” (Hương ổi); “là con đường hoa sưa dịu dàng xanh những mùa hoa lá” (Như khúc tình ca); “là dàn đồng ca mùa hạ bất chợt rộn ngân. Không hẹn mà đến. Không tập dượt mà rất thành công” (Trong tiếng ve râm ran); là “thảm hoa vàng đến nao lòng” (Hoa cứ vàng đi nhé); là “lộc vừng - vừa rực rỡ kiêu hãnh, vừa mong manh tựa làn mây” (Hoa đêm); là “bao nhiêu cành mai đã mang mùa xuân đến và đi qua trong niềm đợi mong rồi tiếc nuối” (Mùa xuân nào qua đây)

Nơi “Như những sớm mai” ấy, chúng ta còn bắt gặp những trầm tích văn hóa là một phần không thể thiếu của đời sống nội tâm con người. Và dường như nó đi theo mỗi cá thể trong suốt chiều dài biến thiên đời người.

Cái tết Đoan Ngọ và tục lệ hái lá mùng năm được Diệu Hiền kể lại giản dị, rộn ràng và “nồng nàn mùi thiên nhiên cây cỏ” (Ký ức mùng năm); hình ảnh bánh tổ bánh tét bên bếp lửa, củi nổ lép bép cùng “tấm lòng thành kính hướng về tổ tiên mãi hiện hữu trên từng ổ bánh thơm ngon đậm đà” (Ngày xuân nhớ bánh quê nhà); rồi cái lời ru “êm êm dìu dặt bên cánh tay miệt mài đưa võng đưa nôi như truyền cho em bé tất cả những yêu thương, dỗ dành” lại được khơi gợi trong lắng sâu tình mẹ, tình người (Lời ru ban trưa); hay cái cách ứng xử bằng quà cáp biếu xén “người ta không thể giàu lên nhờ nhận những bó hoa kiểu này. Nhưng nhân cách người thầy có lẽ sẽ giảm đi phần cao thượng” (Hoa giữa tâm hồn)

Những câu chuyện có dấu tích sinh hoạt văn hóa làng quê được Diệu Hiền kể lại với giọng lay thức người đọc nhiều hơn là khuyên nhủ. Tất cả đều là những ám ảnh, trải nghiệm tiếp nối trong hành trình quan sát đời sống của tác giả để có thể chạm đến cảm xúc sâu thẳm trong tâm cảm người đọc dù nó đang thuộc chiều kích thời gian nào. Dù đó là các mảng rời nhưng chúng kết nối với nhau thành câu chuyện mang cảm thức về những khoảnh khắc và hiện tại. Ở tầm khái quát hơn, nó là hình ảnh quê hương đất nước thể hiện qua cảm thức và chiều sâu nhân sinh cùng mỹ cảm mà nó mang theo.

Vậy nên dù mỗi tản văn nằm trong những văn bản độc lập nhưng lại kết nối từ quá khứ đến hiện tại cùng sự gắn bó nhau một cách tinh tế để thành chỉnh thế.

Một điều khá thú vị khác trong “Như những sớm mai” của Diệu Hiền là bên cạnh chất thơ, tác phẩm còn mang theo hơi hướng âm nhạc. Tác giả đã khéo léo tích hợp các ca từ trong dòng tự sự của mình, bên cạnh đó là cách đặt nhiều nhan đề lấy cảm hứng từ các ca khúc: “Mưa vẫn mưa bay”, “Tiếng ve râm ran”, “Như khúc tình ca”

Quả là một kiểu liên văn bản gần gũi, thú vị khiến cho những điều nằm ngoài tập sách cũng vẫy gọi, dò tìm trong trí tưởng tượng của người đọc.

***

Dòng tự sự trong tản văn của Diệu Hiền rất giản dị, không cần độ nén của ngôn từ, không thi pháp hiện đại, không kết cấu phi tuyến tính nhưng chúng có sức neo đậu trong tâm cảm người đọc để rồi mỗi chúng ta, dù ở bất cứ miền quê nào cũng sẽ tìm thấy nhiều thứ gần gũi trong ký ức của mình sau khi đọc “Như những sớm mai”.

Viết đến đây, tôi chợt nhớ đến bài thơ Nostos (Trở về) của nhà thơ Mỹ Louise Glück – Nobel Văn học 2020 với những câu thơ gợi lại ký ức mơ hồ, cùng hình ảnh biểu tượng cho “cái bất biến” tồn tại trong trí tưởng tượng của con người dù thực tế nó luôn chuyển dịch. Trải nghiệm đó gợi ý rằng những khu vườn bí mật của tuổi thơ lưu giữ những ký ức đầu tiên làm lay động trái tim và trí óc, sau này mãi neo giữ tâm trí và nuôi dưỡng tâm hồn con người: Những cánh đồng. Mùi của cỏ mọc cao, mới xén/ Là thứ mong đợi ở một nhà thơ trữ tình/ Chúng ta nhận thức thế giới một lần, vào thời thơ ấu/ Phần còn lại là ký ức” (Fields. Smell of the tall grass, new cut/ As one expects of a lyric poet/ We look at the world once, in childhood/ The rest is memory).

Từ những trang văn của Diệu Hiền, tâm hồn tôi bật lên thanh âm tĩnh lặng, đồng điệu khi biết tác giả đã tái tạo nó bằng tình yêu quê xứ chảy trong huyết quản mình.

Và tôi lại muốn trích dẫn câu quen thuộc của Bob Dylan – thi sĩ người Mỹ, Nobel Văn chương 2016: “Hãy chăm sóc mọi ký ức của bạn, vì bạn không thể tái sinh nó” (Take care of all your memories, for you cannot relive them).

MN LĐT




Không có nhận xét nào: